Những mối tình đặc biệt
của đào kép cải lương Việt Nam
Trúc Giang MN
Phùng Há
Năm Châu
Kim
Cương-Bùi Giáng
1* Mở bài
Nghệ thuật cải lương là bản sắc văn hóa độc đáo của người Miền Nam
Việt Nam. Được sanh ra và trưởng thành ở các tỉnh Hậu Giang như Bạc Liêu, Mỹ
Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sa Đéc…
Ông tổ của nghệ thuật cải lương là Tống Hữu Định, người Vĩnh Long.
Người sáng tác bản vọng cổ đầu tiên là ông Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu. Bản vọng cổ
đầu tiên tên là Dạ Cổ Hoài Lang, sau đổi thành vọng cổ.
Nghệ thuật sân khấu cải lương đã đi vào lòng người Nam Bộ tạo, thế
đứng lừng lẫy một thời. Những đào kép tài sắc là thần tượng của người hâm mộ
cải lương. Nhiều mối tình đặc biệt của họ cũng được nhắc đến và lưu truyền
trong dân gian. Những cuộc tình đặc biệt của nghệ sĩ sân khấu cải lương như Kim
Cương-Bùi Giáng, Phùng Há-Năm Châu, Văn Chung-Thanh Hương còn ghi đậm dấu ấn
trong lòng người Miền Nam.
Ngày nay, cải lương đang trên đà xuống dốc, bị đe dọa tự hủy diệt,
như số phận của hát bội.
2* Bùi Giáng, 40 năm mối tình điên khùng
2.1. Đạp xe cầu hôn người đẹp
Trong hồi ký, Kim Cương thuật lại.
Tôi gặp ông lần đầu lúc 19 tuổi, thời còn theo đoàn cải lương của
má. Thật ra, ông chú ý đến tôi trong đám cưới của đôi bạn Hạnh - Thùy.
Một hôm Thùy bảo tôi: “Có một ông giáo sư Đại học Văn khoa, đi học
ở Đức về, ái mộ chị lắm, muốn đến nhà thăm chị”. Tôi trả lời: “Ừ, thì mời ổng
tới”.
Hóa ra là ông, lúc ấy đang dạy học, cũng áo quần tươm tất chứ chưa
có bất cần đời như sau này.
Ông thường lui tới nhà tôi chơi, vài lần mời tôi đi
uống cà phê nhưng nhất định phải đi bằng xe đạp do ông chở, chứ không chịu đi
bằng bất cứ phương tiện nào khác.
Một hôm ông trịnh trọng cầu hôn tôi. Tôi thấy thái độ của ông
không được bình thường nên tôi đều né tránh.
Vài lần sau, ông thở dài nói với tôi: “Thôi, chắc cô không ưng tôi
vì tôi lớn tuổi hơn cô, vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó
trẻ, lại đẹp trai, học giỏi”.
Tôi ngần ngừ: “Thưa ông, chuyện tình cảm đâu có nói trước được.
Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng hay...”.
Tưởng ông nói chơi, ai dè làm thiệt. Ông đùng đùng dắt ngay đứa
cháu tới, mà đứa cháu đó chỉ... mới 8 tuổi.
Thời gian qua, thỉnh thoảng ông vẫn ghé thăm tôi. Mặc kệ tôi đang
yêu ai, đang thất tình ra sao, thậm chí đang sống chồng vợ với người nào, ông
đều không quan tâm.
2.2. Hồn nhiên, bản năng và vô điều kiện
Trong những lúc ông điên nhất, quên nhất, không còn lưu lại một
chút gì trong trí nhớ, kể cả thơ ca và kiến thức, nhưng tên tôi vẫn được ông
gìn giữ. Tên tôi được ông gọi đi gọi lại bất cứ khi vui khi buồn, bất cứ khi
hạnh phúc, khi đau đớn.
Chưa một lần nào ông sàm sỡ bằng hành động hay lời nói. Xưng hô
vẫn cứ tôi và cô một cách nghiêm túc và chững chạc. Một tình cảm xuất phát thật
hồn nhiên, bản năng và vô điều kiện.
Trong đầu ông hình như chỉ có một số điện thoại duy nhất, một địa
chỉ duy nhất - đó là địa chỉ và số điện thoại nhà của tôi.
Nhiều lần ông đứng giữa đường dang tay làm “chim bay, cò bay” la
hét làm kẹt xe, công an tới bắt, hỏi cách gì ông cũng chỉ nói một câu: “Mẫu
thân của tôi là Kim Cương, ở số...đường Hoàng Diệu, điện thoại 844...”.
Thế là công an réo gọi tôi để đi lãnh ông ra. Chuyện đó xảy ra
không biết bao nhiêu lần. Có khi ông té bị thương, người ta chở vô bịnh viện,
ông cũng chỉ “khai báo” y như vậy.
Bịnh viện lại réo tôi đến. Hoặc những lúc ông lên cơn, có khi vô
quậy cả đám cưới nhà người ta, tôi bị người ta gọi điện đến đưa ông về.
Thậm chí có một buổi, ông xuất hiện trước nhà với tóc tai mặt mũi
đầy máu vì mới bị ai đó đánh. Tôi hoảng hốt gọi xích lô cho ông đi cấp cứu
nhưng ông không chịu.
Ông nói: “Chừng nào cô chịu đi chung trên một chiếc xích lô với
tôi thì tôi mới đi”. Tôi đành phải gọi một chiếc xích lô đi cùng ông, vừa ngồi
xe vừa nghe ông nói chuyện trên trời dưới đất không một cảm giác đau đớn nào.
Những lúc tỉnh táo, ông nói với tôi: “Cô nhơn hậu lắm cô mới chịu nói chuyện
với tôi tới giờ này!”.
2.3. Như là một định mệnh
Kim Cương đã chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đời cũng như
trong sự nghiệp sáng tác thơ ca của Bùi Giáng. Câu chuyện tình đơn phương này
có một cái gì đó như định mệnh, như một biểu tượng đẹp, buồn và xót xa. Đối với
Bùi Giáng, Kim Cương là "thiên hạ đệ nhất mỹ nhân". Và chàng thi sĩ
trung niên đã yêu Kim Cương bằng một tình yêu lạ lùng, cảm động.
2.4. Bài thơ cuối cùng
Trước khi ra đi, ông còn để lại một lời nhắn nhủ viết trong cuốn
sổ tay tại nhà Kim Cương: "Kiếp sau gặp lại nhau, anh Bùi Giáng chỉ mong
được Kim Cương chấp thuận cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt
đối của Kim Cương".
Và một bài thơ:
Vô ngần tao ngộ đầu tiên
Em bao giờ biết anh phiền ưu sao
Yêu em từ những kiếp nào
Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ.
2.5. Nghệ sĩ Kim Cương đối với Bùi Giáng
Bùi Giáng mang một chiếc
giày của Kim Cương
Kim Cương cho biết: “Tôi rất trân trọng tài năng của ông nhưng
phải nói thật, là ông điên rất nặng, nhưng là cái điên trí tuệ, nói ra nhiều
câu cực kỳ sâu sắc. Suốt 40 năm ông đối với tôi như một người yêu đơn phương,
nhưng ngược lại tôi đối với ông như một chỗ dựa tinh thần. Bất cứ lúc nào, nghe
ông đau ốm hay bị công an bắt, bị người ta đánh là tôi có mặt”.
Tháng 8 năm 1998, Bùi Giáng bị té gây chấn thương sọ não. Ngày
7-10-1998 qua đời tại Sài Gòn.
Bên linh cửu của Bùi Giáng, Kim Cương thưa rằng: “Tôi xin cám ơn
anh ba điều. Một là cám ơn anh đã để lại cho đời những tác phẩm văn chương độc
đáo. Thứ hai là cám ơn anh đã dành cho tôi một tình yêu suốt 40 năm không suy
suyển, không so đo tính toán.
Thứ ba là cám ơn anh đã cho tôi một bài học rằng
dù bất cứ ai, dẫu điên hay tỉnh, giàu hay nghèo đều phải có một tình yêu để
nương tựa”.
Đối với ông, tôi nâng niu trong lòng một ân tình sâu thẳm, rất
trang trọng dành riêng cho ông.
2.6. Vài nét về thi sĩ Bùi Giáng
1). Tiểu sử
Trong cuốn Văn Nhân & Tình Sử của nhà văn, nhà báo Vương Trùng
Dương, xuất bản năm 2015, “Tiểu sử tự ghi của Bùi Giáng” như sau:
Năm 1926. Được bà mẹ đẻ ra đời. Năm 1928. Bị té bể trán. Vết thẹo
còn nguyên, kỷ niệm 2 năm trời chết đi sống lại. Năm 1933. Bắt đầu đi học ABC.
Năm 1940. Về Quảng Nam chăn bò. Năm 1955. Ở Sài Gòn. Khỏi sự viết về Nguyễn Du.
Vài nhận xét về Truyện Kiều, Bà Huyện Thanh Quan, Chinh Phụ Ngâm…
Từ năm 1962. Những tập thơ Mưa Nguồn và nhiều bài thơ khác. Năm
1965. Cháy nhà. Mất trụi bản thảo. Năm 1969. Dịch Martin Heidegger và nhiều tác
phẩm ngoại quốc khác.
Năm 1969. Bắt đầu điên rực rỡ. Từ năm 1970. Lang thang du hành Lục
Tỉnh. Gái Châu Đốc. Gái Chợ Lớn khiến bị bịnh lậu….
2). Sự nghiệp văn chương
Bùi Giáng đã để lại cho đời những tác phẩm văn học với số lượng
đáng kể. Về sách giáo khoa, luận đề, sách dịch, sáng tác, biên khảo và tùy bút…
2.7. Vài nét về Kim Cương
Nguyễn Thị Kim Cương sinh ngày 25-1-1937 tại Sài Gòn.
Thân phụ là
Nguyễn Phước Cương, bầu gánh Đại Phước Cương. Mẹ là nghệ sĩ Bảy Nam. Kim Cương
là cháu nội của vua Thành Thái. Nguyễn Phước hay Nguyễn Phúc là dòng dõi hoàng
triều Nhà Nguyễn. Năm 1923, Vua Minh Mạng làm bài thơ 20 chữ gọi là Đế Hệ Thi,
dùng để làm những chữ lót khi đặt tên cho con cháu các thế hệ sau.
“Miên, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh * Bảo, Quý, Định, Long, Trung* Hiên,
Năng, Kham, Kê, Thuật* Thê, Thoại, Quốc, Gia, Xương.
Gia Long: Nguyễn Phúc Ánh. Minh Mạng: Nguyễn Phúc Đảm. Thiệu Trị:
Nguyễn Phúc Miên Tông, Tự Đức: Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, Bảo Đại: Nguyễn Phúc Vĩnh
Thụy, Vua Hàm Nghi: Nguyễn Phúc Ưng Lịch, Vua Khải Định: Nguyễn Phước (Phúc)
Bửu Đảo.
Kim Cương sinh ra trong gia đình nghệ thuật. Bà cố, bà nội, cha
đều làm bầu gánh hát. Bên mẹ có 11 người cậu, dì. Bốn người nổi tiếng là Năm
Phỉ, Bảy Nam, Chín Bia, Mười Truyền. Năm Phỉ là dì của Kim Cương.
Giữa thập niên 1950, ký giả Nguyễn Ang Ca đặt biệt hiệu “Kỳ Nữ”
cho Kim Cương. Từ đó dân chúng biết đến danh hiệu Kỳ Nữ Kim Cương. Sau 1975,
Kim Cương là Ủy viên của Ủy Ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc khóa VII nhiệm kỳ
2009-2014.
Cựu Trung tướng VNCH, Nguyễn Hữu Có, cũng được bầu vào MTTQ/VN
khóa nầy.
Kim Cương được phong tặng Nghệ Sĩ Ưu Tú (NSƯT), rồi Nghệ Sĩ Nhân
Dân (NSND) (2011).
Ngày 10-1-2016, danh hài Hoài Linh cũng chính thức mang danh hiệu
Nghệ Sĩ Ưu Tú của Việt Nam. NSND là danh hiệu cao nhất do Nhà nước trao tặng.
3* Sáu chục năm mối tình dang dở, Phùng Há-Năm Châu
3.1. Tuổi thơ gian khổ
Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo (30-4-1911 - 5-7-2009),
người làng Điều Hoà, quận Châu Thành tỉnh Mỹ Tho. Bà là mẹ kế của Tướng Nguyễn
Khánh.
Thân phụ là người Hoa tên là Trương Nhân Trưởng gốc ở Hạc San,
tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa. Thân mẫu là Lê Thị Mai, người Mỹ Tho.
Cô Bảy Phùng Há là biểu tượng đáng tôn kính của ngành sân khấu cải
lương Việt Nam. Có công lớn trong việc phát triển nghệ thuật nầy. Nhưng cuộc
đời lắm nổi gian truân.
Phùng Há kể lại, cha tôi là người Tàu, đến Việt Nam làm ăn rất
phát đạt. Theo tập tục của dòng họ, cha tôi là con trai trưởng cho nên mỗi khi
má tôi sanh hạ đứa con nào, khi vừa biết nói bập bẹ cũng phải đưa về Quảng Đông
cho bà vợ lớn nuôi dưỡng, cho học chữ Hán để nối dõi tông đường. Các anh chị
tôi đều được về Quảng Đông, nhiều người ở luôn bên đó.
Năm tôi 5 tuổi, cha tôi mất. Năm tôi 11 tuổi, nhà chồng buộc mẹ
tôi dẫn con về Quảng Đông. Chịu không nổi tập quán và thái độ của người vợ lớn,
mẹ tôi dẫn tôi trốn về VN. Người anh cả của tôi đoạt gia tài nên mẹ con tôi về
ở nhà bà ngoại làng Điều Hòa, Mỹ Tho. Bà ngoại tôi đau bịnh luôn, không
có tiền thuốc men nên bị mù.
Tôi phải đi mò mương, lội rạch để bắt cá và tép về
cho mẹ ăn.
Không ngờ mọi người xung quanh thích quá. Họ biểu tôi ca cho họ
nghe và họ giúp tôi in gạch để có tiền nuôi mẹ.
3.2. Trở thành đào hát
Ông bầu Hai Cu, chủ tiệm vàng ở Mỹ Tho lập gánh Tái Đồng Ban. Nghe
nói ở lò gạch có con nhỏ xẩm lai hát hây nên đích thân đến gặp. Ông bảo nếu tôi
chịu về đoàn hát thì mỗi đêm diễn thì được tiền lương 8 cắc (80 xu). Cơm ngày
hai bữa. Ông còn cho tôi mượn 50 đồng để lo thuốc thang cho bà ngoại và mẹ.
Ở gánh hát, anh Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung) dạy tôi ca. Anh Năm Mạnh
(Thầy tuồng) và anh Năm Châu dạy tôi diễn hát.
Sau nầy được biết vì chị Năm Phỉ không về được gánh Tái Đồng Ban
cho nên ông bầu Hai Cu mới đi tìm người về hát chung với anh Năm Châu. Tôi may
mắn được thế chị Năm Phỉ.
Năm 1925, Phùng Há là gái mới lớn, có giọng ca hay, học ca học hát
đều mau giỏi, nhờ anh Năm Châu dốc sức chỉ dạy nên trong một thời gian ngắn cô Bảy
Phùng Há nắm được vai đào chánh, đóng cặp với Năm Châu.
3.3. Phùng Há kết hôn với thầy đờn Tư Chơi
Mối tình giữa Phùng Há và Năm Châu vừa chớm nở thì bất ngờ Tư Chơi
tuyên bố kết hôn với Phùng Há. Phùng Há 15 tuổi. Năm Châu thất tình rời gánh ra
đi. Nghe đâu ra Hà Nội.
Sống với Tư Chơi có một con gái tên Bửu Chánh, rồi chia tay năm
1929, vì cô chịu không nổi ông chồng suốt ngày ngồi trong quán rượu, ghen tương
và đánh đập cô. Nhất là Tư Chơi bắt đầu theo đuổi đào Kim Thoa, vừa hát hây vừa
đẹp nên bỏ mặc người vợ trẻ Phùng Há. Bửu Chánh được gởi về bà ngoại ở Mỹ Tho
nuôi dưỡng.
Được tin Phùng Há thôi chồng và chuyển sang đoàn Trần Đắc, Năm
Châu trở về hy vọng nối lại tình xưa nhưng một lần nữa thuyền tình lỡ chuyến vì
Phùng Há đã trở thành vợ của Bạch Công Tử, và làm bầu gánh Huỳnh Kỳ năm 18
tuổi.
3.4. Cuộc hôn nhân bi thảm của Phùng Há và Bạch Công Tử
Phước George được gọi là Bạch Công Tử ở Mỹ Tho, đối với Hắc Công
Tử hay Công Tử Bạc Liêu tên Trần Trinh Huy ở Bạc Liêu. Phước George là con của
Đốc phủ sứ Lê Công Sủng, làm quận trưởng quận châu thành tỉnh Mỹ Tho.
Năm 1909, sang Pháp du học. Ông mê cải lương nên học về ngành sân
khấu. Năm 1932 về nước, lập đoàn cải lương Huỳnh Kỳ do Phùng Há làm chủ và bầu
gánh. Phước George cưới Phùng Há khi đó. Gánh Huỳnh Kỳ là một đại bang, bề thế
rất lớn không thua gì gánh hát của Thầy Năm Tú đang nổi tiếng ở Nam Kỳ Lục tỉnh
thời đó. Huỳnh Kỳ gồm những đào kép trứ danh như Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Vân, Tám
Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélène…
Phước George xây một rạp hát bên cạnh nhà để trình diễn thường
xuyên, đó là rạp Huỳnh Kỳ nằm trên đường Đinh Bộ Lĩnh, con đường chạy xuống Chợ
Gạo, Gò Công.
Cuộc tình hạnh phúc kéo dài 7 năm. Hai đứa con ra đời. Con trai
tên Paul Lộc, con gái Suzane.
Do khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1933 và do Bạch công tử vung
tiền qua cửa sổ cho nên gánh Huỳnh Kỳ suy sụp, đào kép lần lượt bỏ gánh ra đi.
Cô Bảy Phùng Há đau khổ ôm hai đứa con bịnh nặng đi tìm chồng và bắt gặp Phước
George đang sống với một phụ nữ xinh đẹp nổi tiếng là Marie Anne Nhị (Tư Nhị)
tại khách sạn Minh Tân, Mỹ Tho.
Bạch Công tử trách mắng vợ và xua đuổi ba mẹ con Phùng Há. Trở về,
không tiền chạy thuốc men cho con nên hai đứa con lần lượt chết trên tay của
cô.
3.5. Phùng Há vẫn còn yêu Năm Châu
NS Năm Châu - NS Phùng Há trong vở "Vợ và tình"
Nhắc tới Năm Châu, cô Bảy Phùng Há tâm sự: "Ngày đó khi tôi
lấy chồng, ảnh (Năm Châu) đột ngột rời gánh hát, nghe đâu đi Hà Nội một thời
gian. Tôi quyết định lấy chồng để cả hai chúng tôi có thể dứt khoát. Người ta
đưa cho tôi lá thư ảnh gởi trước khi đi, không một lời từ biệt.
Lá thư đó là 12
câu vọng cổ, là tất cả tâm tình của ảnh... Trong từng câu, từng lời, tôi hiểu
ảnh rất buồn bực, thất vọng và trách móc tôi rất nhiều. Nhưng cho dù có hiểu
nhau, thương nhau đến mấy, cũng bằng không thôi, số phần đã như vậy rồi”
Soạn giả Nguyễn Phương thuật lại. “Ngày anh Năm
Châu mất (5/1977), cô Bảy hay tin, chạy vào nhà thương, vấp té liên hồi. Chúng
tôi phải chạy ra đỡ, dìu cô vô. Cô khóc, nắm vai anh Năm Châu lay gọi, như muốn
vực anh Năm dậy: "Khoan, anh khoan đi. Anh có nghe không?
Anh phải nghe
tôi nói rồi mới yên lòng ra đi được. Tôi biết anh vẫn còn uất hận trong lòng.
Sở dĩ tôi làm vậy... là vì anh, vì thương anh, thương vợ con anh. Giờ này...
tới giờ phút này, tôi vẫn yêu anh".
Cô Bảy khóc ngất, nói như mê sảng với người tình xưa mà không nhớ là xung quanh cô lúc đó có rất nhiều người, có cả chị Kim Cúc là người vợ đương thời của anh Năm Châu. Chị Kim Cúc vỗ về cô Bảy: "Chị Bảy, trước khi xuôi tay nhắm mắt, ảnh còn gọi tên chị, hỏi chị ở đâu...".
Kim Cúc không thể nói nhiều hơn
nữa, vì cô Bảy đã ôm chị mà khóc ngất. Phải có những tâm hồn đồng điệu mới giữ
được mối tình hàng nửa thế kỷ chưa phai. Phải có tâm hồn cao cả mới biết yêu và
nén hờn ghen, chia sẻ nhau nỗi đau và an ủi cả người tình địch của mình như chị
Kim Cúc đã làm.
Anh Năm Châu nằm đó, xuôi tay nhắm mắt nhưng chắc còn nghe được lời nói tự đáy lòng của cô Bảy Phùng Há, để yên lòng ra đi vĩnh viễn vì điều anh mong mỏi là Tình Yêu và Nghệ Thuật đã kết tinh thành một khối ngọc trong sáng vô ngần”
4* Văn Chung: Cười cho quên cay đắng
Ca sĩ hải ngoại chúc mừng
nghệ sĩ lão thành Văn Chung 87 tuổi
4.1. Văn Chung ca vọng cổ mùi
Cuộc hôn nhân của Văn Chung với “Đệ nhất đào thương Thanh Hương”
đổ vỡ khi cô đào diễn cặp với kép Hùng Minh. Văn Chung bèn chuyển sang diễn
hài, mượn tiếng cười để vượt qua nổi đau.
Năm 1952, Văn Chung và Thanh Hương, con gái của Năm Châu (Nguyễn
Thành Châu) và danh ca Tư Sạng. Cả hai cùng hát chung trên đài Pháp Á. Hai
người yêu nhau rồi kết hôn.
Sau đó, Văn Chung được cha vợ là Năm Châu thu nhận vào Đoàn Việt
Kịch Năm Châu. Thoạt tiên Văn Chung chỉ giữ những vai phụ. Năm 1955, Văn Chung
và Thanh Hương về Đoàn Thanh Minh. Thời gian nầy được báo chí khen ngợi. Năm
1957, Văn Chung và Thanh Hương về Đoàn Kim Chưởng. Cả hai đều được nổi tiếng.
Thanh Hương sanh đứa con đầu lòng. Năm 1960 vợ chồng ra lập gánh
hát riêng Thanh Hương-Văn Chung. Năm 1961 khi hát ở Hậu Giang, kép Hùng Minh
diễn cặp với Thanh Hương mùi mẫn quá dẫn đến việc hôn nhân đổ vỡ. Gánh hát tan
đàn xẻ nghé.
Thanh Hương gởi con gái cho người chị thứ ba của Năm Châu nuôi
dưỡng rồi bỏ đi, cùng với Hùng Minh lập ra gánh Hùng Minh-Thanh Hương.
Ngậm đắng nuốt cay, Văn Chung trở về Sài Gòn gia nhập Đoàn Dạ Lý
Hương. Lúc đó hai kép trẻ là Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm đang nổi danh chiếm
lĩnh sân khấu.
Để giúp cho Văn Chung tìm được một chỗ đứng bên hai kép chánh nầy
trên cùng một sân khấu, soạn giả Nguyễn Phương đề nghị Văn Chung diễn một vai
hài trong tuồng Tiền Rừng Bạc Biển do ông sáng tác.
4.2. Chuyển sang diễn hài. Cười cho quên cay đắng
Từ đó Văn Chung chuyển từ vọng cổ mùi sang diễn hài. Và rất ăn
khách. Văn Chung tâm sự: “Khi chuyển sang diễn hài tôi muốn đời mình lạc quan
hơn, xóa đi những niềm đau riêng. Có lúc tôi hận đời đen bạc. Cuộc hôn nhân
hạnh phúc bổng chốc như đàn lạc điệu. Mỗi đêm tôi mang tiếng cười cho khán giả
để giúp mình thêm trẻ trung, yêu đời”.
Văn Chung nổi tiếng với giọng cười dê, be he. Văn Chung tên thật
là Quách Văn Chung, sinh năm 1933. Học cổ nhạc với nhạc sĩ Bảy Quới. Có giọng
ca vọng cổ rất mùi.
Thanh Hương mất năm 1974 sau một cơn sanh khó. Con gái của Văn
Chung- Thanh Hương được nghệ sĩ Kim Chưởng trực tiếp truyền nghề và đặt nghệ
danh là Hương Chung Thủy. Hương là tên mẹ, Thanh Hương. Chung là tên cha, và
Thủy là tên trong khai sanh.
Cuối năm 1960, Văn Chung kết hôn với con gái của nhà xuất nhập
cảng vỏ xe hơi, hãng Võ Bình Tây. Cuộc tình nồng ấm suốt 40 năm qua cho tới sau
nầy.
5* Ông tổ cải lương là ai?
Ban đờn ca tài tử Nguyễn
Tống Triều dự hội chợ các nước thuộc địa ở Marseille, Pháp năm 1906 * Ban đờn
ca tài tử là nguồn gốc của cải lương
5.1. Ông tổ cải lương là Tống Hữu Định
Theo GS Trần Quang Hải, con của GS Trần Văn Khê, thì ông tổ cải
lương tên là Tống Hữu Định. Bút hiệu là Tịnh Trai. Được gọi là “Thầy Phó Mười
Hai”.
“Thầy Phó” là vì ông giữ chức Phó Tổng vùng đất Vãng (Sau đổi
thành tỉnh Vĩnh Long). “Mười Hai” là người con thứ 12 trong gia đình.
Tống Hữu Định sinh năm 1896 tại làng Long Châu (Vĩnh Long). Mất
năm 1932.
Tống Hữu Định là con của vị quan khai quốc công thần Nhà Nguyễn,
Tống Phước Hiệp. Ông Định nổi tiếng là hào hoa phong nhã, ăn chơi đứng đầu tỉnh
Vĩnh Long.
Thời gian 1915-1920, ông thường tổ chức tiệc tùng, cờ bạc, đá gà
nòi, ca hát, ngâm thơ, kết bạn rộng rãi.
Một hôm, ông đến Mỹ Tho, ngủ qua đêm để sáng hôm sau đi xe lửa lên
Sài Gòn. Ở Mỹ Tho, ông xem hát bóng (Cinéma) bắt đầu bằng màn phụ diễn đờn ca
múa hát Việt Nam. Ông ghi nhận. Một lần khác ở Sài Gòn, ông thấy một giàn đờn
tài tử. Ông để bụng.
Khi về nhà, ông Định bày ra đờn ca trên bộ ván ngựa. Vừa ca vừa ra
bộ. Khoảng đầu năm 1916, trong một buổi hòa nhạc tại nhà ông, bài ca “Tứ Đại
Oán” về một cảnh trong Lục Vân Tiên là “Bùi Kiệm thi rớt trở về nhà”.
Vừa ca
vừa ra bộ. Ba người trong vai là: Bùi Ông do thầy Du đóng vai. Thầy Diệp Minh
Ký thủ vai Bùi Kiệm. Cô Ba Định giữ vai Kiều Nguyệt Nga. “Thầy” là thầy chú,
chỉ người sang trọng hoặc được kính nể.
Ngày thứ bảy hàng tuần đều có tổ chức tiệc tùng, ca nhạc với ba
tài tử nói trên có sự tham dự của bạn bè khắp nơi. Phong trào “vừa hát vừa ra
bộ” phát triển mạnh ở Miền Tây Nam Bộ.
Ngày 15-11-1918, tuồng Cải Lương được diễn lần đầu tiên tại nhà
Thầy Phó Mười Hai. Sau đó diễn ra ở Sa Đéc và Vũng Liêm.
Tóm lại, cải lương bắt nguồn từ dòng nhạc “Đờn ca tài tử” mục đích
để tiêu khiển, thường được tổ chức phục vụ cho những buổi lễ như: lễ giỗ, lễ
cưới, bữa tiệc, tại tư gia.
Ông tổ của nghệ thuật cải lương là Tống Hữu Định ở Vĩnh Long.
5.2. Vì sao gọi là “cải lương”?
Theo GS Trần Văn Khê: “Cải lương có nghĩa là cải cách, sửa đổi cho
tốt hơn”. Đó là sửa đổi hát bội. Sau khi được sửa đổi, cải lương hoàn toàn khác
hẳn với hát bội từ hình thức tới nội dung.
5.3. Ngày Giỗ Tổ của cải lương
Ngày 12 tháng 8 âm lịch hàng năm được chọn là “Ngày Sân Khấu Việt
Nam”, cũng chính là “Ngày Giỗ Tổ” được ngành sân khấu tổ chức rất long trọng.
5.4. Mặt trái của sân khấu cải lương
1). Hát cải lương và hút á phiện
Hồi thập niên 1930, thời Pháp thuộc, tệ đoan xã hội lan tràn, sân
khấu cải lương cũng không ngoại lệ.
Trên sân khấu, khán giả chỉ thấy những cái đẹp, cái hay và nghệ
thuật, nhưng sau bức màn nhung thì không có gì tốt đẹp cả. Không phải chỉ riêng
một vài gánh hát, mà hầu như đó là tình trạng chung của những đoàn cải lương.
Phía sau cánh gà, sát bên vách là mâm đèn hút á phiện.
Lúc nào
cũng có vài người nằm lim dim đi mây về gió. Giới nghệ sĩ cải lương nhiều người
bị ghiền á phiện là do đó. Có nhiều anh kép, vừa hát xong vai tuồng thì nhảy
vào kéo ro ro.
Mấy ông thầy đờn cũng vậy, màn vừa bỏ xuống để thay cảnh, là
buông đờn chạy vào phi một cặp rồi trở ra đờn tiếp. Mấy bữa hút nhiều quá, mùi
khói khét lẹt bay ra ngoài, khán giả chịu không nổi, người ta phải quạt cho
khói bay ra phía sau sân khấu.
2). Cờ bạc
Cờ bạc, á phiện là do các chủ rạp tổ chức. Hút bao nhiêu cũng được
miễn là trả đủ tiền cho họ thôi. Chủ rạp tổ chức cờ bạc để lấy xâu. Chủ rạp nào
cũng vậy, mình không mướn thì thôi, bởi vì rạp thì ít mà gánh hát thì nhiều.
Hát ở trên, đánh bài ở dưới. Đào kép lãnh lương xong thì họ ngồi
sẵn ở đó, thu tiền liền. Chạy đâu cho khỏi.
Thời đó, sân khấu nào cũng vậy. Ở trên treo màn, treo cảnh, còn ở
dưới là một khoảng trống lót gạch tàu, làm chỗ ăn chỗ ở cho đào kép. Sòng bài
cũng ở đó. Chửi thề, nói tục không ngớt.
Một số ít đào kép chánh, tiền nhiều thì họ ở khách sạn hay thuê
nhà bên ngoài.
Đào kép nào tới vai thì lên hát, mà chưa tới, thì xáp lại đặt vài
tụ. Để nguyên râu ria áo mão dài thường thượt ngồi vào chia bài. Quan Công, Lưu
Bị cũng kéo dà dách. (Còn gọi là xì dách, xì lát). Tiết Nhơn Quý và Tiết Đinh
San cũng sát phạt nhau, ăn thua đủ bất kể cha con gì cả. Cãi vã rùm beng. Chửi
thề không ngớt.
Một hôm, gánh Năm Châu hát tuồng Lan và Điệp. Vừa hết cảnh Lan cắt
đứt dây chuông rồi ngất xỉu. Điệp đau khổ. Người coi hát cảm thương vậy mà màn
vừa bỏ xuống để thay cảnh thì cả Lan và Điệp chạy xuống sòng bài kéo dà dách
hai lá. Lúc ông hòa thượng đang ca vọng cổ trên sân khấu thì Điệp kéo bài ăn
gian sao đó, sẵn cái dĩa để kéo bài, Lan đập cho Điệp xụi tay.
Chừng ra sân khấu trở lại, theo bài bản, ông hòa thượng đưa áo cà
sa cho Điệp mặc vào, nhưng Điệp đưa tay lên không được, hòa thượng phải giúp
một tay. Rồi lúc Lan sắp chết, Điệp phải cổi áo cà sa ra thật mau để chạy đến
ôm Lan vào lòng, nhưng vì tay bị xụi phải làm bộ xiểng niểng vì quá đau khổ,
lùi ra sau cánh gà để nhờ chú tiểu Huệ Thông kéo ra giùm.
Khán giả cho rằng có lẻ kép nầy say rượu nên quên bài bản, hát quờ
quạng chớ đâu có biết Lan đập cho Điệp vì kéo bài ăn gian.
Vì thế, nên đa số đào kép lúc nào cũng mắc nợ. Hát bữa nào xào bữa
nấy.
Cũng vì lý do đó mà cô Bảy Phùng Há không cho con gái đến rạp hát.
6* Ông tổ bản vọng cổ là Cao Văn Lầu
Tượng Cao Văn Lầu trong
Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở thành phố Bạc
Liêu
6.1. Bản “Dạ Cổ Hoài Lang”
Bản Dạ Cổ Hoài Lang của ông Cao Văn Lầu được coi là nguồn gốc khai
sanh ra những bản vọng cổ hiện nay của ngành cải lương.
Dạ Cổ Hoài Lang có nghĩa là “Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ
chồng”.
1). Nguyên nhân ra đời
Ông Cao Văn Lầu thổ lộ với bạn: “Tôi đặt ra bản nầy bởi vì tôi rất
thương vợ là Nguyễn Thị Tấn. Tôi đã ở với vợ suốt ba năm mà không có con. Theo
tục lệ xưa “Tam niên vô tự bất thành thê”. Gia đình buộc tôi phải thôi vợ. Trả
vợ về cha mẹ ruột, nhưng tôi không đành. Tôi âm thầm chống lại nghiêm lịnh của
gia đình, đem vợ gởi cho một gia đình bên vợ. Trong một thời gian dài phu thê
phải chịu cảnh “Đêm đông gối chiếc cô phòng”.
Ông Sáu Lầu mượn tiếng đàn để vơi cơn phiền muộn. Và bản Dạ Cổ
Hoài Lang ra đời trong bối cảnh đó.
Ông thường xuyên bí mật gặp gỡ vợ, và sau đó bà vợ có thai và hai
người sống chính thức với nhau có 7 người con (5 trai, 2 gái)
2). Bản Dạ Cổ Hoài Lang
Bản Dạ Cổ Hoài Lang có 20 câu, mỗi câu trong bài có hai nhịp, gọi
là nhịp đôi. Do nhu cầu phát triển, bản vọng cổ có từ 8 nhịp, 16 nhịp và hiện
nay là 32 nhịp trong 6 câu. Thành ngữ “Rành sáu câu” bắt nguồn từ vọng cổ.
Nốt nhạc là: hò (la), xự (si), xang (re) xê (mi) cống (fa). Sau
khi nói lối rồi xuống chữ “Xề” để bắt đầu ca vọng cổ. Khán giả thường vổ tay
khen điệu mùi của chữ xề.
Soạn giả Viễn Châu là ông vua đặt bản vọng cổ. Út Trà Ôn đượng cho
là ông vua ca vọng cổ.
6.2. Ông Cao Văn Lầu
Ông Cao Văn Lầu, thường gọi là Sáu Lầu (22-12-1892 – 13-8-1976),
là tác giả bản Dạ Cổ Hoài Lang. Gia đình gốc ở Long An, vì nghèo và bị áp
bức nên xuống Bạc Liêu sinh sống. Năm 1908, ông Sáu Lầu mỗi đêm đến học đờn tại
nhà thầy Hai Khỵ (Lê Tài Khí). Do yêu thích và siêng học, Cao Văn Lầu thành
thạo các loại đờn: đờn kìm, đờn cò, đàn tranh, trống lễ, và trở thành nhạc sĩ
nồng cốt trong ban cổ nhạc của thầy Hai Khỵ.
Năm 1912, Sáu Lầu bắt đầu đi hát với Sáu Thìn và cô Phấn với bài
Tứ Đại Oán trong vở Bùi Kiệm Thi Rớt Trở Về Nhà.
6.3. Giải Thanh Tâm
1). Giải Thanh Tâm
Thanh Nga, Ngọc Giàu, Lan
Chi, Bích Sơn nhận huy chương vàng Giải Thanh Tâm 1958 * Út Trà Ôn đệ nhất danh
ca vọng cổ
Năm 1960, Ký giả Trần Tấn Quốc, người sáng lập Giải Thanh Tâm,
thưởng huy chương vàng cho diễn viên cải lương xuất sắc trong năm. Ông là chủ
nhiệm kiêm chủ bút nhật báo Tiếng Dội Miền Nam, tổ chức một cuộc trưng cầu ý
kiến độc giả, bỏ phiếu bình chọn những diễn viên xuất sắc nhất của sân khấu cải
lương.
Kết quả được công bố như sau:
1.
Đệ nhất danh ca vọng cổ:
Út Trà Ôn.
2.
Đệ nhất nữ danh ca vọng
cổ: Thanh Hương.
3.
Đệ nhất kép độc, lẳng:
Hoàng Giang.
4.
Đệ nhất đào độc nữ: Như
Ngọc.
2). Những biệt danh của đào kép cải lương
Vua vọng cổ: Út Trà Ôn. Nữ vương sầu mộng: Út Bạch Lan. Giọng ca
vàng: Hữu Phước. Vua không ngai: Thành Được. Hoàng đế dĩa nhựa: Tấn Tài. Vua
vọng cổ hài: Văn Hường. Nữ hoàng sân khấu: Thanh Nga. Giọng hát liêu trai: Mỹ
Châu.Tiếng hát nhung lụa: Ngọc Giàu.
7* Kép độc Hoàng Giang
Soạn giả Nguyễn Phương thuật lại câu chuyện về Hoàng Giang như
sau. Trong vở Tôn Tẫn-Bàng Quyên, hai nhân vật đều là đệ tử của Quỷ Cốc Tử.
Bàng Quyên độc ác, nham hiểm tìm cách hại Tôn Tẫn để đoạt binh thơ.
Lần đó, Hoàng Giang thua bài cháy túi mà còn mắc nợ mấy ngàn đồng.
Khi lên sân khấu, Hoàng Giang như kẻ mất hồn, hát xụi lơ như để trả nợ quỷ
thần.
Ông bầu Trương Gia Kỳ Sanh của gánh Tiến Hóa đứng sau cánh gà thấy
ngứa mắt, hò hét biểu hát cho xôm lên, cho nóng lên. Ông nói: “Bộ thằng Út nó
là cha mầy sao mầy không dám đánh nó một bạt tai. Dù nó là tía ruột của mầy,
mầy cũng phải đánh. Đánh đi! Đánh thật mạnh cho tao coi”.
Nghe ông bầu chửi, Hoàng Giang nổi sùng, khi nghe Mười Út hét
lớn:”Dầu có giết ta, ta cũng không chép binh thơ cho ngươi đâu!”. “Như vậy nhà
ngươi phải chết! Phải chết!”. Nói xong Hoàng Giang xáng cho Út Trà Ôn một bạt
tai nháng lửa. Mười Út xiểng niểng, ôm mặt chạy ra xa rồi xuống vọng cổ chữ
“xề” mùi quá, khán giả vỗ tay như bể rạp.
Ông bầu khen Hoàng Giang: “Hôm nay mầy hát hây lắm”. Út Trà Ôn ôm
mặt còn in dấu bàn tay đến xin xé contrat để đi gánh khác. Ông bầu và Hoàng
Giang xin lỗi. Hoàng Giang phải quỳ trước bàn thờ tổ, hứa và cam kết không đánh
bài nữa.
8* Vai hề trong gánh cải lương
8.1. Hề Văn Hường
Soạn giả Viễn Châu viết
100 bản ca riêng cho Hề Văn Hường
Nội dung vở cải lương nào cũng mang đầy đủ tính hỷ, nộ, ái,
ố để thỏa mãn sở thích của khán giả. Vai chọc cười khán giả là một trong những
vai quan trọng của gánh hát. Gánh nào cũng có đào, kép thủ vai hề cả.
Chọc cười
thiên hạ không phải là chuyện dễ. Những kép hề trên sân khấu nổi tiếng như Văn
Hường, Văn Chung, Kim Quang, Thanh Việt, Thanh Hoài, Tùng Lâm, Xuân Phát, Khả
Năng, Phi Thoàn…Nổi bật nhất là hề Văn Hường.
Văn Hường sinh tại xã Long Thạnh Mỹ, quận Thủ Đức được mệnh danh
là vua vọng cổ hài vì có lối hát đặc biệt khác người, khó bắt chước được.
Soạn giả Viễn Châu đã viết 100 bản ca riêng cho Văn Hường hát. Các
soạn giả Yên Ba, Quy Sắc cũng góp vào gần 100 bài nữa.
8.2. Hề râu Thanh Việt
Thanh Việt để hàm râu dê dưới càm nên được gọi là hề râu Thanh
Việt. Năm 14 tuổi, Thanh Việt theo cha dượng là kép Tám Huê theo những gánh nhỏ
hát dưới tỉnh. Thanh Việt đóng những vai quân hầu, lính chạy cờ hiệu, đầy tớ
theo hầu, nịnh bợ ông chủ… Vì hát cương nên thầy tuồng nhắc đến đâu thì hát đến
đó. Vì không thuộc bài bản nên hát như người cà lăm, thế mà khán giả ở tỉnh lại
thích anh hề bất đắc dĩ nầy.
Thanh Việt thành công trong một số vở tuồng, nhưng vì bị Việt Cộng
chọi lựu đạn khi hát ở Miễu Quốc Công, tỉnh Vĩnh Long, nên gánh hát tan rả. Đào
kép tứ tán.
Năm 1960, tại Đại Nhạc Hội Cù Léc, Tùng Lâm, Xuân Phát, Phi Thoàn,
Khả Năng, Thanh Hoài, Thanh Việt được mệnh danh là Lục Hài Tướng.
Một hôm, bà Bầu Thơ của đoàn Thanh Minh-Thanh Nga nhờ Thanh Việt
hát thế vai của hề Kim Quang, bị té xe Honda nằm nhà thương Chợ Rẫy.
Sau đó, Thanh Việt được ký hợp đồng hát cho đoàn Thanh Minh-Thanh
Nga, chính thức gia nhập ngành cải lương.
Ngoài cải lương còn tham gia đóng phim với tiền lương cao nhất.
Thanh Việt mua nhà ở Phú Nhuận, mua xe hơi mới. Đời sống huy hoàng.
Sau năm Mậu Thân 1968, các nghệ sĩ gia nhập quân đội như: Thành
Được, Hùng Cường, Thanh Tú, Diệp Lang, Thanh Việt, Khả Năng, Phi Thoàn…
Sau năm 1975, Khả Năng bị tù 6 năm. Phi Thoàn lách vào ban văn
nghệ của Bến xe Xa cảng Miền Tây, và những người khác núp bóng trong các đoàn
văn công của nhà nước ở Hậu Giang. Thanh Việt hát cho đoàn văn công Huyện Cầu
Ngang. Lãnh 10 đồng mỗi suất hát. Không đủ tiền nuôi vợ con.
Vợ anh dẫn con đi vượt biên. Chết ngoài khơi. Ban ngày anh chọc
cho thiên hạ cười, tối về nhớ vợ nhớ con, nhớ hoàn cảnh bi đát của mình nên
khóc thầm thâu đêm.
9* Kết luận
Nền nghệ thuật sân khấu cải lương hiện nay đang ngất ngư, dở sống
dở chết bởi những lý do như sau.
Trước hết, phim bộ Hồng Kông, Hàn Quốc và cả Việt Nam, đã góp phần
tạo ra sự rơi rụng khán giả của cải lương.
Kế đến, việc quốc doanh các đoàn cải lương đã góp phần đưa bộ môn
nghệ thuật nầy trên đà xuống dốc, đến tự hủy diệt.
Đào kép cải lương trở thành công chức biên chế nhà nước được hưởng
lương như công chức, cán bộ. Trước kia đào kép chánh ký hợp đồng tiền lương
cao, ngày nay đào kép xuất sắc được phong tặng Nghệ sĩ Ưu Tú, Nghệ sĩ Nhân dân.
Xuất sắc hơn nữa thì được kết nạp vào Đảng.
Về nhạc vọng cổ.
Những soạn giả nổi tiếng trước 1975 như Viễn Châu, Nguyễn Phương,
Hà Triều, Hoa Phượng, Quy Sắc… không có người thừa kế. Tài năng của soạn giả là
đặt ra những bản vọng cổ cho các vai trong vở tuồng hát. Như vậy, mỗi vở có hơn
một chục bản vọng cổ.
Thế hệ trẻ ngày nay rất ít có người sáng tác vọng cổ và cũng ít có
người biết thưởng thức vọng cổ.
Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời, nay đã lùi vể
quá khứ. Trở thành một kỷ niệm. Vang bóng một thời.
Vài thế hệ sau, những nghệ sĩ sân khấu cải lương, vang bóng một
thời, sẽ trở nên hoàn toàn xa lạ mỗi khi được nhắc đến.
Trúc Giang
Minnesota ngày 21-6-2016
__._,_.___