Friday, August 3, 2018

THÔI -Y Vân -Joe Marcel -NDD



THÔI -Y Vân -Joe Marcel -NDD 

https://www.youtube.com/playlist?list=PLTOW-LJ7Z_do97r2RYq0YVEnMBAjdvSXr

 

NHAC SI Y VAN & Y VU PLAYLIST 

https://www.youtube.com/playlist?list=PLNBxCTIUVE70HJIUox4lGv6dV7SilShUF



         
Phung Tran has shared a video playlist with you on YouTube



48
videos

PLAYLIST  by Phung Tran




---------- Forwarded message ----------
From: quang-thuan Ha <
Date: 2018-08-01 23:55 GMT-07:00
Subject: Fwd: Âm nhạc miền Nam và những ngày xưa thân ái


 Âm nhạc miền Nam và những ngày xưa thân ái 
Nếu ai hỏi tôi rằng sau ngày 30 tháng 4, 1975 cái gì mà cộng sản không thể "giải phóng" được; cái gì vẫn âm thầm nhưng vũ bão giải phóng ngược lại tâm hồn khô khốc của người dân miền Bắc lẫn nhiều cán binh cộng sản; cái gì vẫn miệt mài làm nhân chứng cho sự khác biệt giữa văn minh và man rợ, giữa nhân ái và bạo tàn, giữa yêu thương và thù hận; cái gì đã kết nối tâm hồn của những nạn nhân cộng sản ở cả hai miền Nam Bắc... Câu trả lời là Âm Nhạc Miền Nam.
Nếu ai hỏi tôi, ảnh hưởng lớn nhất để tôi trở thành người ngày hôm nay, biết rung động trước hình ảnh của Ngoại già lầm lũi quang gánh đổ bóng gầy dưới ánh đèn vàng, biết nhung nhớ một khe gió luồn qua hai tấm ván hở của vách tường ngày xưa nhà Mẹ, biết man mác buồn mỗi khi đến hè và trống vắng với một tiếng gà khan gáy ở sau đồi, biết tiếc nuối một mặt bàn lớp học khắc nhỏ chữ tắt tên người bạn có đôi mắt người Sơn Tây, biết ngậm ngùi trăn trở chỉ vì một tiếng rao hàng đơn độc đêm khuya... Câu trả lời là Âm Nhạc Miền Nam.
Âm Nhạc Miền Nam đã trở thành một chất keo gắn chặt cuộc đời tôi vào mảnh đất mang tên Việt Nam. Âm Nhạc Miền Nam đã làm tôi là người Việt Nam.
*
Tôi lớn lên theo những con đường đất đỏ bụi mù trời và cây reo buồn muôn thuở. Niềm say mê âm nhạc đơm mầm từ các anh lớn của Thiếu và Kha đoàn Hướng Đạo Việt Nam, trổ hoa theo những khúc hát vang vang của các anh giữa vùng trời Đạt Lý đang vào mùa cà phê hoa trắng nở: "Tôi muốn mọi người biết thương nhau. Không oán ghét không gây hận sầu. Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau. Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu..." Các bậc đàn anh như nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang của Phượng Hoàng đã lót đường nhân ái cho đàn em nhỏ chúng tôi chập chững trở thành người, để biết ngước mặt nhìn đời và "cười lên đi em ơi, dù nước mắt rớt trên vành môi, hãy ngước mặt nhìn đời, nhìn tha nhân ta buông tiếng cười..."
Những đêm tối, giữa ngọn đồi nhiều đại thụ và cỏ tranh, bên nhau trong ánh lửa cao nguyên chập chờn, chúng tôi cảm nhận được niềm hãnh diện Việt Nam với bước chân của cha ông và bước chân sẽ đi tới của chính mình: "Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng. Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm. Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng chân tươi. Ôm vết thương rĩ máu ta cười dưới ánh mặt trời..." Và anh Nguyễn Đức Quang, người nhạc sĩ của thị xã đèo heo hút gió đã trở thành thần tượng của chúng tôi. Có những buổi chiều buông trong Rừng Lao Xao bạt ngàn, những đứa bé chúng tôi theo anh ngậm ngùi số phận "Xương sống ta đã oằn xuống, cuộc bon chen cứ đè lên. Người vay nợ áo cơm nào, thành nợ trăm năm còn thiếu. Một ngày một kiếp là bao. Một trăm năm mấy lúc ngọt ngào. Ôi biết đến bao giờ được nói tiếng an vui thật thà." Nhưng cũng từ anh đã gieo cho chúng tôi niềm lạc quan tuổi trẻ: "Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền. Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến. Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn tràn nước mắt. Hy vọng đã vươn dậy như làn tên..." Và từ anh, chúng tôi hát cho nhau "Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi. Mà phải cùng nhau ta làm cho tươi mới." Cô giáo Việt văn của tôi đã mắng yêu tôi - tụi em thuộc nhạc Nguyễn Đức Quang hơn thuộc thơ của Nguyễn Công Trứ!
Nguyễn Công Trứ. Đó là ngôi trường tuổi nhỏ có cây cổ thụ già, bóng mát của tuổi thơ tôi bây giờ đã chết. Tôi nhớ mãi những giờ cuối lớp tại trường, Cô Trâm cho cả lớp đồng ca những bài hát Bạch Đằng Giang, Việt Nam Việt Nam, Về Với Mẹ Cha... Đứa vỗ tay, đứa đập bàn, đứa dậm chân, chúng tôi nở buồng phổi vang vang lên: "Từ Nam Quan, Cà Mau. Từ non cao rừng sâu. Gặp nhau do non nước xây cầu. Người thanh niên Việt Nam. Quay về với xóm làng. Tiếng reo vui rộn trong lòng..." Nhìn lên lớp học lúc ấy, có những biểu ngữ thủ công nghệ mà cô dạy chúng tôi viết: Tổ quốc trên hết, Ngày nay học tập ngày sau giúp đời, Không thành công cũng thành Nhân... Nhưng đọng lại trong tôi theo năm tháng vẫn là những câu hát "Tình yêu đây là khí giới, Tình thương đem về muôn nơi, Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người..."
Cô giáo của tôi đã ươm mầm Lạc Hồng vào tâm hồn của chúng tôi và cứ thế chúng tôi lớn lên theo dòng suối mát, theo tiếng sóng vỗ bờ, theo tiếng gọi lịch sử của âm nhạc Việt Nam, để trở thành những công dân Việt Nam yêu nước thương nòi và hãnh diện về hành trình dựng nước, giữ nước của Tổ tiên.
Trong cái nôi nhiều âm thanh êm đềm nhưng hùng tráng ấy, trừ những ngày tết Mậu Thân khi tiếng đạn pháo đì đùng từ xa dội về thành phố, cho đến lúc chui xuống gầm giường nghe tiếng AK47 và M16 bắn xối xả trước nhà vào ngày 10 tháng 3, 1975, tuổi thơ tôi được ru hời bởi dòng nhạc trữ tình của miền Nam để làm nên Những Ngày Xưa Thân Ái của chúng tôi.
Những ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai 
Anh còn gì cho tôi tôi còn gì cho em 
Chỉ còn tay súng nhỏ giữa rừng sâu giết thù 
Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho em...
Các anh, những người anh miền Nam đã khoát áo chinh nhân lên đường đối diện với tử sinh, làm tròn lý tưởng Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm, đã hy sinh cuộc đời các anh và để lại sau lưng các anh những ngày xưa thân ái cho đàn em chúng tôi. Nhờ vào các anh mà chúng tôi có những năm tháng an lành giữa một đất nước chiến tranh, triền miên khói lửa.
Lần đầu tiên, chiến tranh tưởng như đứng cạnh bên mình là khi chúng tôi xếp hàng cúi đầu đưa tiễn Thầy của chúng tôi, là chồng của cô giáo Việt Văn, một đại úy sĩ quan Dù đã vị quốc vong thân. Cô tôi, mồ côi từ nhỏ, một mình quạnh quẻ, mặc áo dài màu đen, tang trắng, đứng trước mộ huyệt của người chồng còn trẻ. Cô khóc và hát tặng Thầy lần cuối bản nhạc mà Thầy yêu thích lúc còn sống - "Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo... Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa! Trên cõi đời này, trên cõi đời này. Từ nay mãi mãi không thấy nhau..."
Và tôi say mê Mùa Thu Chết từ dạo đó. Trong những cụm hoa thạch thảo đầy lãng mạn ấy có đau thương đẫm nước mắt của Cô tôi. Có hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ nắp quan tài của người Thầy Đại úy Sĩ quan Binh chủng Nhảy Dù vào mùa Hè hầm hập gió Nồm năm ấy.
*
Từ những ngày xa xăm tuổi nhỏ, những người lính VNCH là thần tượng của chúng tôi. Tôi mơ được làm một người lính Dù bởi anh là loài chim quý, là cánh chim trùng khơi vạn lý, là người ra đi từ tổ ấm đểkhông địa danh nào thiếu dấu chân anh, và cuối cùng anh bi hùng ở lại Charlie. Giữa những đau thương chia lìa của chiến tranh, những dòng nhạc của Trần Thiện Thanh đã cho tôi biết thương yêu, kính trọng những người lính không chân dung nhưng rất gần trong lòng chúng tôi. Những"cánh dù ôm gió, một cánh dù ôm kín đời anh" cũng là những cánh dù ôm ấp lý tưởng đang thành hình trong tâm hồn tuổi nhỏ của chúng tôi.
Nhìn lại quãng thời gian binh lửa ấy, tôi nhận ra mình và các bạn cùng lứa không hề biết rõ Phạm Phú Quốc là ai, chỉ biết và say mê huyền sử của một người được "Mẹ yêu theo gương người trước chọn lời. Đặt tên cho anh, anh là Quốc. Đặt tên cho anh, anh là Nước. Đặt tên cho Người. Đặt tình yêu Nước vào nôi", chỉ ước ao một ngày chúng tôi cũng được như anh, cũng sẽ là những "Thần phong hiên ngang chẳng biết sợ gì!" Chúng tôi, nhiều đứa núi đồi, rừng rú, chưa bao giờ thấy biển nhưng thèm thuồng màu áo trắng và đại dương xanh thẳm, thuộc lòng câu hát "Tôi thức từng đêm, thơ ấu mà nghe muối pha trong lòng. Mẹ là mẹ trùng dương, gào than từ bãi trước ghềnh sau. Tuổi trời qua mau, gió biển mặn nuôi lớn khôn tôi. Nên năm hăm mốt tuổi, tôi đi vào quân đội. Mà lòng thì chưa hề yêu ai". Chúng tôi cũng không tìm đọc tiểu sử, cuộc chiến đấu bi hùng của Đại tá Nhảy Dù Nguyễn Đình Bảo, cũng không biết địa danh Charlie nằm ở đâu, nhưng Đại tá Nguyễn Đình Bảo là biểu tượng anh hùng của chúng tôi để chúng tôi thuộc lòng khúc hát "Toumorong, Dakto, Krek, Snoul. Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu. Anh! Cũng anh vừa ở lại một mình, vừa ở lại một mình. Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành." Chúng tôi không biết "Phá" là gì, "Tam Giang" ở đâu, nhà thơ Tô Thùy Yên là ai, nhưng "Chiều trên phá Tam Giang anh chợt nhớ em, nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ đến bất tận. Em ơi, em ơi..." đã thân thiết chiếm ngự tâm hồn để chúng tôi biết thương những người anh chiến trận đang nhớ người yêu, nhớ những người chị, cô giáo của chúng tôi ngày ngày lo âu, ngóng tin từ mặt trận xa xăm.
Trong cái nôi của những ngày xưa thân ái ấy, từ nơi khung trời đầy mộng mơ của mình chúng tôi chỉ biết đến nỗi niềm của các anh bằng những "Rừng lá xanh xanh lối mòn chạy quanh, Đời lính quen yêu gian khổ quân hành". Giữa mùa xuân pháo đỏ rộn ràng con đường tuổi thơ thì chính âm nhạc nhắc cho những đứa bé chúng tôi biết đó cũng là "ngày đầu một năm, giữa tiền đồn heo hút xa xăm, có người lính trẻ, đón mùa xuân bằng phiên gác sớm". Giữa những sum vầy bình an bên cạnh mai vàng rực rỡ, thì ở xa xăm có những người con rưng rưng nhớ đến Mẹ già và gửi lời tha thiết "bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường, không lẽ riêng mình êm ấm, Mẹ ơi con xuân này vắng nhà..." Âm nhạc Việt Nam đã gieo vào tâm hồn chúng tôi hình ảnh rất bình thường, rất người, nhưng lòng ái quốc và sự hy sinh của thế hệ đàn anh chúng tôi - những người lính VNCH - thì ngời sáng. Và chúng tôi biết yêu thương, khâm phục, muốn noi gương các anh là cũng từ đó.
*
Sau ngày Thầy hy sinh, chúng tôi gần gũi với Cô giáo Việt Văn của mình hơn. Nhiều đêm thứ bảy, tôi và các bạn ghé nhà thăm Cô. Đó là lúc chúng tôi đến với Một thời để yêu - Một thời để chết. Chúng tôi bắt đầu chạm ngõ tình yêu với những Vũng lầy của chúng ta, Con đường tình ta đi, Bây giờ tháng mấy, Ngày xưa Hoàng Thị, Tình đầu tình cuối, Em hiền như Ma Soeur, Trên đỉnh mùa đông, Trả lại em yêu... Đó là lúc Cô đọc thơ Chiều trên Phá Tam Giang của Tô Thùy Yên cho chúng tôi nghe, giảng cho chúng tôi về tài nghệ "thần sầu" của Trần Thiện Thanh trong lời nhạc "anh chợt nhớ em, nhớ ôi niềm nhớ... ôi niềm nhớ........ đến bất tận. Em ơi... em ơi!..." khi diễn tả nỗi nhớ ngút ngàn, và sau đó chú Trần Thiện Thanh Toàn - em ruột của nhạc sĩ Nhật Trường ở Sài Gòn lên thăm Cô, vừa đàn vừa hát. Những buổi tối này, mình tôi ở lại với Cô tới khuya. Cô đọc thơ và hát nhạc phổ từ thơ của Nguyễn Tất Nhiên, chỉ cho tôi tính lãng đãng của lời nhạc Từ Công Phụng, khắc khoải của Lê Uyên Phương, mượt mà của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, sâu lắng của Vũ Thành An... Và qua âm nhạc, Cô kể tôi nghe chuyện tình của Cô và Thầy. Hai người đến với nhau khởi đi từ bản nhạc mà Cô hát khi Cô còn là nữ sinh Đệ Nhất và Thầy là Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Bản nhạc ấy có những dòng như sau:
"Nhưng anh bây giờ anh ở đâu 
con ễnh ương vẫn còn gọi tên anh trong mưa dầm
tên anh nghe như tiếng thở dài của lòng đất mẹ 
Dạo tháng Ba tên anh lẫn trong tiếng sấm đầu mùa mưa
nghe như tiếng gầm phẫn nộ đến từ cuối trời."
Thầy và cô tôi yêu nhau từ sau khúc hát Người Tình Không Chân Dung ấy và "người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt trên bờ lau sậy này" cũng là định mệnh Thầy, của cuộc tình bi thương giữa một cô giáo trẻ và người lính VNCH.
Cô tôi sống một mình và qua đời vào năm 2010. Bạn cùng lớp của tôi là Phương lùn, vào một ngày cuối năm, từ Sài Gòn trở về Ban Mê Thuột, xách đàn đến trước mộ Cô và hát lại "Ta ngắt đi một cụm hoa Thạch Thảo" để thay mặt những đứa học trò thơ ấu kính tặng hương hồn của Cô. Còn tôi, năm tháng trôi qua nhưng tôi biết rõ trong dòng máu luân lưu và nhịp đập của tim mình vẫn đầy tràn những thương yêu mà Cô đã gieo vào tôi bằng Âm Nhạc Miền Nam.
*
Một buổi tối chúng tôi ngồi hát với nhau. Các bạn từ Hà Nội, Nam Định, Yên Bái, Đà Nẵng, Sài Gòn... nhưng chỉ có mình tôi là sinh ra và lớn lên trước 1975. Các bạn tôi, hay đúng ra là những người em đang cùng đồng hành trên con đường đã chọn, đã thức suốt đêm hát cho nhau nghe. Rất tự nhiên, rất bình thường: toàn là những ca khúc của miền Nam thân yêu.
Đêm hôm ấy, cả một quãng đời của những ngày xưa thân ái trong tôi sống lại. Sống lại từ giọng hát của những người em sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ độc tài. Các em hát cho tôi nghe về những người lính miền Nam mà các em chưa bao giờ gặp mặt "Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó, đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ, đem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ, anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về...". Tôi hát cho các em mình về những ngày tháng mộng mơ trước "giải phóng" của những "Con đường tuổi măng tre, nắng vàng tươi đẹp đẽ, bóng người dài trên hè, con đường tình ta đi..." Các em tâm sự về cảm nhận đối với người lính VNCH qua những dòng nhạc êm đềm, đầy tình người giữa tàn khốc của chiến tranh: "Tôi lại gặp anh, người trai nơi chiến tuyến, súng trên vai bước lê qua đường phố; tôi lại gặp anh, giờ đây nơi quán nhỏ, tuổi 30 mà ngỡ như trẻ thơ".. Tôi chia sẻ với các em về nỗi ngậm ngùi quá khứ: "Như phai nhạt mờ, đường xanh nho nhỏ, hôm nay tình cờ, đi lại đường xưa đường xưa. Cây xưa còn gầy, nằm phơi dáng đỏ, áo em ngày nọ, phai nhạt mây màu, âm vang thuở nào, bước nhỏ tìm nhau tìm nhau"...
Đêm ấy, khi các bạn nói lên cảm nhận về những mượt mà, êm ả, nhân ái của Âm Nhạc Miền Nam, tôi đã tâm sự với các bạn rằng: Chỉ cần lắng nghe và hát lên những dòng nhạc ấy, các em sẽ hiểu thấu được những mất mát khủng khiếp của con người miền Nam. Những mất mát không chỉ là một cái nhà, một mảnh đất, mà là sự mất mát của cả một đời sống, một thế giới tâm hồn, một đổ vỡ không bao giờ hàn gắn lại được. Khi những mượt mà, nhân ái ấy đã bị thay thế bởi những "Bác cùng chúng cháu hành quân" và "Tiến về Sài Gòn" thì các em hiểu được tuổi thanh xuân và cuộc đời của những thế hệ miền Nam đã bị đánh cắp hay ăn cướp như thế nào.
*
Gần 42 năm trôi qua, Âm Nhạc Miền Nam vẫn như dòng suối mát trôi chảy trong tâm hồn của người dân Việt. Chảy từ đồng bằng Cửu Long, xuôi ngược lên Bắc, nhập dòng sông Hồng để tưới mát tâm hồn của mọi người dân Việt đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa bạo tàn cộng sản. Dòng suối trong mát ấy cũng cuốn phăng mọi tuyên truyền xảo trá của chế độ về xã hội, con người miền Nam trước 1975 cũng như về tư cách, phẩm giá, lý tưởng của những người lính VNCH và tình cảm trân quý, yêu thương của người dân miền Nam dành cho họ.
Gần 42 năm trôi qua, trong tuyệt vọng của những kẻ thật sự đã thua trận trong cuộc chiến giữa chính nghĩa và gian tà, nhà cầm quyền cộng sản đã tìm mọi cách để tiêu diệt Âm Nhạc Miền Nam. Nhưng họ không biết rằng, dòng âm nhạc đó không còn là những bản in bài hát, những CD được sao chép, bán buôn... Âm Nhạc Miền Nam đã trở thành máu huyết và hơi thở của người dân Việt, bất kể Bắc - Trung hay Nam, bất kể sinh trưởng trước hay sau 1975. Bạo tàn và ngu dốt có thể đem Âm Nhạc Miền Nam vào những danh sách cấm đoán vô tri vô giác, nhưng không bao giờ đem được Âm Nhạc Miền Nam ra khỏi con người Việt Nam.
Ai giải phóng ai? Hãy hỏi Con Đường Xưa Em Đi và đốt đuốc đi tìm xem Bác Cùng Chúng Cháu Hành Quân đang nằm trong cống rãnh nào trên những con đường Việt Nam!!!

Vũ Đông Hà 





--
TRAN NANG PHUNG
__._,_.___

Posted by: Tran Nang Phung <

Tuesday, July 31, 2018

BẨY NGÀN ĐÊM GÓP LẠI -Trầm Tử Thiêng -Lily Doiron -NDD



BẨY NGÀN ĐÊM GÓP LẠI -Trầm Tử Thiêng -Lily Doiron -NDD 

https://www.youtube.com/playlist?list=PLfe9JTtbGcgUV4ADFTa6EdqcaNmMHONYS

 

NHAC SI TRAM TU THIENG PLAYLIST 

https://www.youtube.com/playlist?list=PLfe9JTtbGcgXIraLJ53joBR2_Zy5Rf2Yt



         
Tran Nang Phung has shared a video playlist with you on YouTube



44
videos

PLAYLIST  by Tran Nang Phung


---------- Forwarded message ----------
From: lan le <
Date: 2018-07-29 12:42 GMT-07:00

Ký ức ngày xưa.
ky uc ngay xua

Ký ức về những bài học thuộc lòng thời còn là học sinh thập niên 1950, 1960.
Dân miền Nam, những ai bây giờ chừng 55 tuổi trở lên, chắc đều nhớ rõ cách tổ chức độc đáo ở các lớp bậc Tiểu Học cách đây hơn bốn thập niên. Hồi đó, cách gọi tên các lớp học ngược lại với bây giờ, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Lớp Năm là lớp Một ngày nay, rồi đến lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì, trên cùng là lớp Nhứt. Lớp Năm, tức là lớp thấp nhất, thường do các Thầy Cô giỏi nhất hoặc cao niên, dồi dào kinh nghiệm nhất phụ trách.
Sở dĩ như vậy là vì bậc học này được xem là vô cùng quan trọng, dạy học trò từ chỗ chưa biết gì đến chỗ biết đọc, biết viết, biết những kiến thức cơ bản đầu tiên, nghĩa là biến từ chỗ không có gì đến chỗ bắt đầu có.
 Học trò, không phân biệt giàu nghèo, khi đến lớp, chỉ được dùng một thứ bút duy nhất là bút ngòi lá tre. Gọi là lá tre bởi vì bút có cái ngòi có thể tháo rời ra được, giống hình lá tre nho nhỏ, khi viết thì chấm vào bình mực. Bình mực thường là mực tím, có một cái khoen nơi nắp để móc vào ngón tay cho tiện. Thân bình bên trong gắn liền với một ống nhựa hình phểu, dưới nhỏ, trên to để mực khỏi sánh ra theo nhịp bước của học trò.

Khi vào lớp thì học trò đặt bình mực vào một cái lỗ tròn vừa vặn, khoét sẵn trên bàn học cho bình mực khỏi ngã, đổ. Bút bi thời đó đã có, gọi là bút nguyên tử, là thứ đầy hấp dẫn đối với học trò ngày ấy, nhưng bị triệt để cấm dùng.
Các Thầy Cô quan niệm rằng rèn chữ là rèn người, nên nếu cho phép học trò lớp nhỏ sử dụng bút bi sớm thì sợ khi học trò lớn lên, chúng sẽ dễ sinh ra lười biếng và cẩu thả trong tính cách chăng. Mỗi lớp học chỉ có một Thầy hoặc một Cô duy nhất phụ trách tất cả các môn.
Thầy gọi trò bằng con, và trò cũng xưng con, chứ không xưng em với Thầy. Về việc dạy dỗ, không Thầy nào dạy giống Thầy nào, nhưng mục tiêu kiến thức sau khi học xong các cấp lớp phải bảo đảm như nhau. Thí dụ như học xong lớp Năm thì phải đọc thông, viết thạo, nắm vững hai phép toán cộng, trừ; lớp Tư thì bắt đầu tập làm văn, thuộc bảng cửu chương để làm các bài toán nhân, chia… Sách giáo khoa cũng không nhất thiết phải thống nhất, nên không có lớp học nào giống lớp nào về nội dung cụ thể từng bài giảng..
Cứ mỗi năm lại có các Ban Tu Thư, có thể là do tư nhân tổ chức, soạn ra những sách giáo khoa mới, giấy trắng tinh, rồi đem phân phối khắp các nhà sách lớn nhỏ từ thành thị cho chí nông thôn. Các Thầy Cô được trọn quyền lựa chọn các sách giáo khoa ấy để làm tài liệu giảng dạy, miễn sao hợp với nội dung chung của Bộ Giáo Dục là được.
Tuyệt nhiên không thấy có chuyện dạy thêm, học thêm ở bậc học này nên, khi mùa hè đến, học trò cứ vui chơi thoải mái suốt cả mấy tháng dài. Các môn học ngày trước đại khái cũng giống như bây giờ, chỉ có các bài học thuộc lòng trong sách Việt Văn, theo tôi, là gây ấn tượng hơn nhiều.
Đó là những bài thơ, những bài văn vần dễ nhớ, rất sâu sắc về tình cảm gia đình, tình yêu thương loài vật, tình cảm bạn bè, tình nhân loại, đặc biệt là lòng tự tôn Dân Tộc Việt.
Tôi còn nhớ rõ trong sách Tân Việt Văn lớp Năm có bài học thuộc lòng thật hay về bóng đá mà hồi đó gọi bằng từ rất hoa mỹ là túc cầu:

Trận Cầu Quốc Tế
Chiều chưa ngã, nắng còn gay gắt lắm
Hai đội cầu hăng hái tiến ra sân
Tiếng hoan hô thêm dũng mãnh bội phần
Để cổ võ cho trận cầu quốc tế.
Đoàn tuyển thủ nước nhà hơi nhỏ bé
Nếu so cùng cầu tướng ở phương xa
Còi xuất quân vừa lanh lảnh ban ra
Thì trận đấu đã vô cùng sôi nổi.
Tiền đạo ta như sóng cồn tiến tới
Khi tạt ngang, khi nhồi bóng, làm bàn
Khiến đối phương thành rối loạn, hoang mang
Hậu vệ yếu phải lui về thế thủ
Thiếu bình tỉnh, một vài người chơi dữ
Nên trọng tài cảnh cáo đuổi ra sân
Quả bóng da lăn lộn biết bao lần
Hết hai hiệp và…đội nhà đã thắng
Ta tuy bé, nhưng đồng lòng cố gắng
Biết nêu cao gương đoàn kết đấu tranh
Khi giao banh, khi phá lưới, hãm thành
Nên đoạt giải dù địch to gấp bội…

Bài học thuộc lòng này, về sau tôi được biết là lấy cảm hứng từ chiếc cúp vô địch đầu tiên và duy nhất cho đến bây giờ của Việt Nam tại Đông Á Vận Hội trên sân Merdeka của Malaysia vào cuối thập niên 50, với những tên tuổi vang bóng một thời như Tam Lang, Ngôn, Cù Sinh, Vinh “đầu sói”, Cù Hè, Rạng “tay nhựa”…
Tuy không biết chơi bóng đá, nhưng thằng bé là tôi lúc đó rất thích bài học thuộc lòng này nên tự nhiên… thuộc lòng luôn.
Càng đọc, càng ngẫm nghĩ đó đâu phải là bài thơ chỉ nói về bóng đá mà thôi. Nó là bài học đoàn kết của một Dân Tộc tuy nhỏ bé, nhưng gan lỳ, bất khuất khiến cho cả thế giới phải ngước nhìn bằng đôi mắt khâm phục!
Bạn thấy lạ lùng chưa, chỉ một bài thơ ngắn nói về một thứ trò chơi thôi, mà lại chứa đựng biết bao nhiêu điều vĩ đại, còn những lời ''đao to, búa lớn ồn ào'' chắc chi đã làm được việc.
Nói về môn Lịch Sử, hồi đó gọi là Quốc Sử, đã có sẵn bài học thuộc lòng như sau:

Giờ Quốc Sử
Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê,
Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng khắp trong giờ Quốc Sử.
Thầy tôi bảo: “Các con nên nhớ rõ,
Nước chúng ta là một nước vinh quang.
Bao anh hùng thưở trước của Giang San,
Đã đổ máu vì lợi quyền Dân tộc.
Các con nên đêm ngày chăm chỉ học,
Để sau này mong nối chí Tiền Nhân.
Ta tin rằng, sau một cuộc xoay vần,
Dân Tộc Việt vẫn là dân anh liệt.
Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt,
Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam.
Bên những trang lịch sử bốn ngàn năm,
Đầy chiến thắng, vinh quang và hạnh phúc!”

Hình ảnh ông Thầy dạy Sử trong bài học thuộc lòng hiện lên, nghiêm nghị nhưng lại thân thương quá chừng, và bài Sử của Thầy, tuy không nói về một trận đánh, một chiến công hay một sự kiện quá khứ hào hùng nào, nhưng lại có sức lay động mãnh liệt với đám học trò chúng tôi ngày ấy, đến nỗi mấy chục năm sau, chúng tôi vẫn nhớ như in.
Lại có bài song thất lục bát về ông Thầy dạy Địa lý, không nhớ tác giả là ai, nhưng chắc chắn tựa đề là “Tập vẽ bản đồ”, phía lề trái còn in cả hình minh họa Quần Đảo Trường Sa và Hoàng Sa:
Hôm qua tập vẽ bản đồ,
Thầy em lên bảng kẻ ô rõ ràng.
Ranh giới vẽ phấn vàng dễ kiếm,
Từ Nam Quan cho đến Cà Mau.
Từng nơi, Thầy thuộc làu làu,
Đây sen Đồng Tháp,
đây cầu Hiền Lương, Biển Đông,
trùng dương xanh thẳm,
Núi cheo leo Thầy chấm màu nâu.
Tay đưa mềm mại đến đâu,
Sông xanh uốn khúc, rừng sâu chập chùng…
Rồi với giọng trầm hùng, Thầy giảng:
“Giống Rồng Tiên chói rạng núi rừng,
Trải bao thăng giáng, phế hưng,
Đem giòng máu thắm, bón từng gốc cây.
Làn không khí giờ đây ta thở,
Đường ta đi, nhà ở nơi này,
Tổ tiên từng chịu đắng cay,
Mới lưu truyền lại đêm ngày cho ta.
Là con cháu muôn nhà gìn giữ,
Đùm bọc nhau, sinh tử cùng nhau.
Tóc Thầy hai thứ từ lâu,
Mà tài chưa đủ làm giàu núi sông!
Nay chỉ biết ra công dạy dỗ,
Đàn trẻ thơ mong ở ngày mai.
Bao nhiêu hy vọng lâu dài,
Dồn vào tất cả trí tài các con…”

Giờ đây, mấy chục năm đã trôi qua, tóc trên đầu tôi cũng bắt đầu hai thứ như ông thầy già dạy Địa trong bài học thuộc lòng ngày ấy, nhưng có một điều mà tôi nghĩ mãi vẫn chưa ra. Ông thầy đang dạy Địa, hay ông thầy đang âm thầm truyền thụ lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cho đàn trẻ thơ qua mấy nét vẽ bản đồ?
Lời của Thầy thật là nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng cũng thật là tha thiết, chạm vào được chỗ thiêng liêng nhất trong tâm hồn những đứa trẻ ngây thơ vào những ngày đầu tiên cắp sách đến trường, nơi chúng được dạy rằng ngoài ngôi nhà nhỏ bé của mình với ông bà, cha mẹ, anh em ruột thịt, chúng còn có một ngôi nhà nữa, rộng lớn hơn nhiều, nguy nga tráng lệ, thiêng liêng, vĩ đại hơn nhiều, một ngôi nhà mà chúng phải thương yêu và có bổn phận phải vun đắp.

Pham Văn Phuoc










--
TRAN NANG PHUNG
__._,_.___

Posted by: Tran Nang Phung

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List