|
Con Đường Xưa Em Đi - Đan Nguyên , Như Quỳnh
|| Song Ca Nhạc Vàng Trữ Tình Tuyển Chọn Hay Nhất : https://youtu.be/474HwzECrqg FOLLOW
Đăng ký ...
|
“Con đường xưa em đi…”
Đoàn Dự ghi
chép
THƯA QUÝ BẠN, “Con
đường xưa em đi “ là bản nhạc được nhiều người biết của nhạc sĩ Châu Kỳ
viết theo điệu Boléro phổ thơ Hồ Đình Phương: “Con đường xưa em đi. Vàng
lên mái tóc thề. Ngõ hồn dâng tái tê. Anh làm thơ vu quy. Khách qua đường
lắng nghe. Chuyện tình ta đã ghi…” . Hơn 60 năm đã qua rồi, chung
quanh bản nhạc này có những câu chuyện rất thật nhưng cũng có thể coi như giai
thoại hay huyền thoại với những nhân vật như nhạc sĩ Châu Kỳ, ca sĩ Mộc Lan,
nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, “người đẹp” nữ sinh trường Gia Long Kha Thị Đàng, “nhà thơ”
thư ký nhà máy giấy Biên Hòa Hồ Đình Phương… Nay, người còn người mất nhưng
ngày xưa họ đã từng liên quan với nhau, làm thành một câu chuyện có đầu có
cuối, có phần kết thúc giống như…tiểu thuyết do họ đã vô tình viết nên. Ai đó
đã nói: “Trăm năm, người ta sống và vô tình làm thành những kỷ niệm. Thời gian
qua đi, bất chợt nhớ lại các kỷ niệm đó lòng thấy bâng khuâng”. Có đúng như vậy
không? Bây giờ chúng ta hãy xem xét về những nhân vật chính xoay quanh câu
chuyện “Con đường xưa em đi“ này có lẽ cũng là một điều lý thú do tính
chất “nghệ sĩ” của họ…
Nhạc sĩ Châu Kỳ
Ông là người miền Trung, tên thường có hai chữ nên Châu Kỳ là tên
thật chứ không phải nghệ danh. Châu Kỳ sinh ngày 5 tháng 11 năm 1923 tại làng
Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh
Thừa Thiên (Huế).
Xuất thân từ một gia đình mà các anh chị em đa số đều sống về nghề
ca cổ nên Châu Kỳ có một số vốn âm nhạc cổ thật phong phú của miền Trung. Ưu
điểm thứ hai là ông may mắn được gặp Sư huynh (Frère Công giáo) Pétrus Thiều là
một nhạc sĩ đại tài, hướng dẫn ông về nhạc lý và sáng tác nên Châu Kỳ tiến
triển rất mau theo chiều hướng sáng tác có âm hưởng cổ nhạc. Những bản nhạc đầu
tay của ông như “Khúc ly ca”, “Từ giã kinh thành”, “Mưa rơi”, “Khi ánh trăng
vàng lên khơi” v.v… rất được khán giả hâm mộ.
Khi còn là một học sinh tiểu học ở “trường làng” Dưỡng Mong rồi
sau đó lên Huế học tại trường Pháp Việt, Châu Kỳ vốn có dòng máu nghệ sĩ và
chất giọng tốt nên thường nghêu ngao những bài hát tiếng Pháp thịnh hành thời
bấy giờ như “J’ ai deux amours” (Tôi có hai mối tình), “Tant qú il y
aura des étoiles” (Chừng nào có những vì sao), “Où vous étiez,
mademoiselle” (Nhà cô ở đâu, thưa cô) … mà danh ca Tino Rossi hay
hát. Tuy là “hát chơi” nhưng giọng ca của Châu Kỳ rất được bạn bè ưa thích.
Sẵn dịp bà chị ruột của Châu Kỳ là nữ nghệ sĩ tên tuổi Châu Thị
Minh lập đoàn ca kịch tại Huế với bảng hiệu Hồng Thu, và theo lời yêu cầu tha
thiết của chị, Châu Kỳ bỏ học để theo hẳn nghiệp cầm ca do nghĩ rằng gia đình
cũng không khá giả gì cho lắm, nếu cứ đi học thì cha mẹ phải lo chu cấp cho
mình trong khi người chị đang cần. Thôi thì một công mà đôi việc, vừa giúp chị
mà cũng là giúp cha mẹ đỡ một gánh nặng. Từ đấy cậu học sinh Châu Kỳ trở thành
ca sĩ Châu Kỳ, theo đoàn Hồng Thu của chị đi lưu diễn khắp nơi.
Thoạt tiên, đoàn sang Lào, diễn tại các tỉnh Sa-va-na-khét,
Thà-khẹt và thủ đô Viên-chan. Vốn đẹp trai (mắt chỉ hơi “lưỡng nhãn bất đồng”
một chút xíu thôi, không đáng kể), lại hát rất hay các bản nhạc nổi tiếng của
Pháp nên những mối tình được dịp nảy nở giữa chàng trai Việt và các cô gái Lào
xinh đẹp tại các tỉnh mà đoàn đã trình diễn, nhưng chỉ thoáng qua như mây bay
gió thoảng.
Mối tình đầu nhiều đau khổ
Khi đoàn ca kịch Hồng Thu từ Lào trở về rồi ra diễn tại Hà Nội và
các tỉnh miền Bắc sau đó trở lại trình diễn tại Nha Trang. Ở thành phố biển đầy
thơ mộng này, “cậu” ca sĩ trẻ đẹp trai Châu Kỳ lọt vào mắt xanh của một cô nữ
sinh rất đẹp, con nhà trâm anh thế phiệt hết sức giàu có, tên là Đoàn thị Sum.
Châu Kỳ khi còn trẻ tuổi
Cha mẹ cô Sum phản đối kịch liệt. Đã vậy ông bà còn nhận lời gả cô
cho một đám môn đăng hô đối mà cô không có cảm tình. Tính chất con gái miền
Trung rất quyết liệt, ngay cả cha mẹ cũng khó ép buộc được. Ông bà nhất định
không thay đổi ý kiến. Cô giận, bèn uống thuốc độc tự tử. Hôm ấy là ngày 10
tháng 12 năm 1942, Châu Kỳ 19 tuổi còn cô Sum 17 tuổi, đang học trung học.
Lúc đó Châu Kỳ đang trình diễn tại Phan Rang. Nghe tin sét đánh,
chàng quá đau khổ vì thương người yêu nên bèn nhảy xuống sông Dinh là con sông
lớn nhất Phan Rang tự tử cho vẹn tình vẹn nghĩa, nhưng người ta cứu được. Nhờ
người chị hết lời khuyên nhủ, viện dẫn lý do Châu Kỳ là con trai lớn, còn cha
mẹ già phải trông nom nên chàng dần dấn nguôi ngoai, không có ý định chết theo
người yêu nữa. Tuy tạm nguôi ngoai nhưng Châu Kỳ vẫn còn buồn. Từ đó chàng viết
những bản nhạc buồn như “Khúc ly ca”, “Xin làm người tình cô đơn”, “Tôi
viết nhạc buồn”...
Tai họa thứ hai
Không còn lòng dạ nào để trình diễn nữa, Châu Kỳ rời đoàn hát, trở
về Huế. Về tới nhà rồi chàng mới biết thân mẫu chàng đã mất do bị đắm thuyền
cùng nhiều người khác trong khi đi buôn bán tại Cảng thị cổ Thanh Hà, một
thương cảng cổ nổi tiếng của Việt Nam (có phố cổ Bao Vinh), cách thành
phố Huế khoảng 5 km, gia đình giấu vì sợ hai người con buồn.
ca sĩ Mộc Lan
Bỏ vào Sài Gòn
Quá đau khổ về cái chết của người mẹ thân yêu, năm 1947 Châu Kỳ bỏ
vào Sài Gòn. Anh cộng tác với Đài Phát thanh Pháp Á trong ban Thần Kinh Nhạc
Đoàn của ca sĩ kiêm nhạc sĩ Mạnh Phát và ban Tiếng Thùy Dương do chính anh làm
trưởng ban.
Trong hai ban nhạc nói trên, có sự góp mặt của các ca sĩ thời
thượng như Mạnh Phát, Linh Sơn, Minh Diệu, Minh Tần và nhất là Mộc Lan. Chúng
ta đã biết, khi đôi trai tài gái sắc Châu Kỳ – Mộc Lan gặp nhau, họ phải lòng
nhau. Tháng 11 năm 1949, Châu Kỳ 26 tuổi, Mộc Lan 18 tuổi, kém Châu Kỳ 8 tuổi,
họ làm đám cưới rồi được ông Thái văn Kiểm, Giám đốc Nha Thông tin Huế mời cộng
tác với Đài Phát thanh Huế mạc dầu hai người đang ở Sài Gòn. Châu Kỳ nghĩ rằng
thôi thì bây giờ đã có gia đình, cũng nên trở về Huế làm việc và sống gần gũi
với cha già.
Nhưng chỉ được 6 năm, vào năm 1952, Mộc Lan âm thầm từ giã Châu
Kỳ, ôm cầm sang thuyền khác ở Huế khiến Châu Kỳ thêm một lần nữa đau khổ, khóc
cho tình duyên ngang trái, bẽ bàng của mình. Buồn vì cuộc tình không trọn vẹn,
Châu Kỳ xin thôi cộng tác với Đài Phát thanh Huế để trở vào Saigon với những
nhạc phẩm viết cho mối tình dang dở này như “Từ giã kinh thành”, “Mưa rơi”…
ca sĩ Mộc Lan
Trở lại Saigon năm 1953, cảnh cũ còn đấy nhưng người xưa chẳng
thấy đâu, Châu Kỳ chỉ làm bạn với chiếc tây ban cầm cũ kỹ và chiếc xe Vespa
cũng cũ như vậy để làm chân “chạy”, lên đài phát thanh, đến nhà in, ra quán
nhạc, tới quán nhậụ… Thời gian này nỗi buồn tích chứa làm thành những giai điệu
bi ai. Châu Kỳ liên tục cho ra đời những sáng tác như “Giữa lòng đất mẹ”,
“Tôi chưa có mùa Xuân”, “Sao chưa thấy hồi âm”, “Cánh nhạn hồi âm”, “Con đường
xưa em đi”, “Đừng nói xa nhau”, “Cuối đường kỷ niệm”, “Nước mắt quê hương”,
“Đón Xuân này nhớ Xuân xưa”, “Vào mộng cùng em”, “Em sắp về chưa”… mà một
vài bài trong các bản nhạc này phần lời do Hồ Đình Phương hoặc Tô Kiều Ngân
viết. Đặc biệt, trong loạt bài đó có một bài Châu Kỳ viết theo thể điệu Tango,
cung Ré thứ rất ai oán, não nùng, than trách thân phận của một người khi
người yêu đi lấy chồng. Đó là bài “Được tin em lấy chồng”, có những câu
như sau:
“Được tin em lấy chồng
Lòng anh buồn biết mấy
Được tin em lấy chồng,
Biết người từ dạo ấy,
Còn thương tiếc hay không…”
Mộc Lan và Châu Kỳ (bên phải) trên sân khấu
Cô nữ sinh Gia Long
Nhưng cuộc tình dù đau khổ đến đâu cũng dần đi vào dĩ vãng. Năm
1955, Châu Kỳ thành hôn với ý trung nhân là người miền Nam – cô Kha Thị Đàng –
một nữ sinh trường Gia Long Sài Gòn xinh đẹp tuyệt vời, dịu dàng thùy mị và yêu
chàng say đắm. Hôn lễ cử hành tại tửu lầu Trương Ký ở Chợ Lớn với sự tham dự
của đông đủ của anh chị em trong giới tân nhạc, như Phạm Duy, Hoài Trung, Hoài
Bắc, Thái Thanh, Thái Hằng, Khánh Ngọc, Trần Văn Trạch, Dương Thiệu Tước, Thẩm
Oánh, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Châu Hà, Thu Hồ… và một số đông anh chị em trong
giới cổ nhạc miền Nam. Châu Kỳ và cô Kha Thị Đàng ăn đời ở kiếp với nhau, sinh
4 người con – 3 trai 1 gái – những người con này đều đã thành gia thất.
Cũng như một số ca nhạc sĩ trước 1975 mà nay còn ở lại Việt Nam,
gia đình Châu Kỳ không thoát khỏi cảnh nghèo túng. Từ một ngôi nhà khang trang
trước 1975 phải bán đi để trả nợ cho sự sống, còn lại một mái nhà dột nát ở xã
Tân Quy, huyện Nhà Bè hiện nay; từ một chiếc Vespa cũ kỹ trước 1975, nay còn
một chiếc xe đạp. Và từ năm 1975 đến nay, tính ra Châu Kỳ đã có tới…16 chiếc xe
đạp, vì bị mất cắp, vì bị hư hỏng không thể sửa được mà bạn bè – cũng rách nát
như anh – thương tình giúp đỡ, cùng với những món tiền ít oi các trung tâm băng
nhạc hải ngoại gửi về cho anh mua chiếc xe đạp khác. Mua rồi mất, mất rồi
mua,dần dần đến chiếc xe đạp… thứ 16 của anh!
Cũng trong thời gian “đổi mới” sau 1975 theo chiều hướng đi xuống,
Châu Kỳ có những sáng tác thích hợp với cuộc sống hiện tại như “Bóng mát Tân
Quy” (lời Kiên Giang), “Một mình với Guitare”, “Giọt đàn theo
giọt lệ”, “Bỏ phố lên rừng”, “Đôi dép ngược” … và một số bài phổ thơ Hoàng
Hương Trang, Trương Minh Dũng, Đặng Nguyệt Anh, Nguyễn Hải Phương…
Châu Kỳ mất ngày 6-1-2008 ở xã Tân Quy, huyện Nhà Bè, thọ 85 tuổi.
Đám cưới của Mộc Lan và Châu Kỳ
Ca sĩ Mộc Lan
Ca sĩ Mộc Lan tên thật
là Phạm Thị Ngà, sinh năm 1931 tại Hải Phòng trong một gia đình có 8 anh em.
Sau khi cha mất, gia cảnh khó khăn nên đầu những năm 40, bà theo người anh lớn
vào Sài Gòn tha phương cầu thực. Tại đây, bà may mắn được nhạc sĩ Lê Thương dìu
dắt trở thành ca sĩ. Nghệ danh Mộc Lan là do nhạc sĩ Lê Thương đặt cho bà. Ca
sĩ Mộc Lan bắt đầu sự nghiệp ca hát ở Đài phát thanh Pháp Á và được người yêu
nhạc cả nước biết đến với bài “Đi chơi chùa Hương” do giáo sư-nhạc sĩ
Trần Văn Khê phổ từ bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp. Ngoài “Đi chơi
chùa Hương”, bà còn hát rất thành công các nhạc phẩm như Tiếng Thời
Gian, Hình Ảnh Một Buổi Chiều (Lâm Tuyền), Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Chuyển Bến
(Đoàn Chuẩn), Thoi Tơ (Đức Quỳnh), Nhớ Nhung (Thẩm Oánh), Phố Buồn (Phạm Duy). Mộc
Lan từng hát trong ban Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng Mộc Lan cùng Kim
Tước và Châu Hà hợp thành một ban tam ca nổi tiếng. Bộ ba này hợp tác với nhau
một thời gian dài trong những chương trình phát thanh và truyền hình, nhưng ít
khi trình diễn trên sân khấu.
Với khả năng vững vàng về nhạc lý, Mộc Lan, Kim Tước và Châu Hà đã
giữ phần hát bè cho rất nhiều ca sĩ, trong số có Thái Thanh, Khánh Ly, Hoàng
Oanh, Thanh Tuyền, Thanh Vũ,… để thu âm. Tuy vậy ban tam ca Mộc Lan, Kim Tước
và Châu Hà chưa từng thu thanh chung với nhau trên một đĩa nhạc nào.
Khúc ly ca
Ở Huế, danh tiếng của đôi uyên ương Châu Kỳ – Mộc Lan nhanh chóng
nổi như cồn, mặc dù ở đất Thần Kinh lúc đó cũng có một đôi vợ chồng nghệ sĩ nổi
tiếng không kém, đó là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết và ca sĩ Ngọc Cẩm (song thân
của ca sĩ Hồng Hạnh bây giờ). Có thể nói đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhưng
cũng thật ngắn ngủi – một kỷ niệm đẹp nhưng đau thương của nhạc sĩ Châu Kỳ…
Chàng là nhạc sĩ tài hoa, nàng là ca sĩ nổi tiếng – định mệnh đã
đưa họ đến với nhau, yêu nhau ngay lần gặp gỡ đầu tiên. Rồi họ nên duyên vợ
chồng, trở thành đôi uyên ương đẹp đôi và nổi tiếng một thời. Tiếc rằng, họ đã
không dìu nhau đi hết con đường nghệ thuật cũng như đường đời, để cho nhạc sĩ
Châu Kỳ phải đau đớn viết nên Khúc ly ca…
Như chúng ta đã biết trong phần trên, Châu Kỳ và Mộc Lan gặp nhau
ở Sài Gòn qua “nhịp cầu” sân khấu. Chỉ ít tháng sau, họ tổ chức đám cưới và đưa
nhau về Huế ra mắt gia đình nhà chồng. Tại Huế, họ được ông Thái Bá Kiểm – Giám
đốc Nha Thông tin và Đài Phát thanh Huế nâng đỡ, tạo điều kiện cho họ được
biểu diễn thường xuyên trước công chúng cũng như trên sóng phát thanh với mức
lương khá hậu hĩnh. Tuy nhiên, cái “tổ uyên ương” của họ chỉ là “… một căn
phòng nhỏ phía sau Ty Thông tin Huế dưới chân cầu Tràng Tiền.
Căn phòng quá nhỏ cho đôi uyên ương quá nổi tiếng ở đất Thần Kinh.
Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân của họ
mau chóng đổ vỡ?
Sinh thời, nhạc sĩ Châu Kỳ đã từng tâm sự với người bạn thân là Hà
Đình Nguyên rằng sau 6 năm chung sống ở Huế thì Mộc Lan “phải lòng” và đi lại
với một người bạn học cũ của Châu Kỳ. Người này là con của một bà chúa thuộc
hoàng tộc, chủ sòng sóc đĩa ở Kim Long, Huế.
Vì chuyện đau lòng này nên Châu Kỳ đưa vợ vào Sài Gòn để giấu
không cho gia đình mình biết và cũng để cách ly đôi tình nhân. Tuy nhiên, Châu
Kỳ không ngờ “tình địch” vẫn bám theo. Vào Sài Gòn, song đôi tình nhân vẫn hẹn
hò, gặp gỡ nhau. Lời ong tiếng ve râm ran, Châu Kỳ quyết định theo dõi vợ. Ông
nhờ nhà thơ Đặng Văn Nhân (người đứng ra tổ chức đám cưới cho Châu Kỳ và Mộc
Lan), chở ông bằng xe hơi bám theo nàng vào Chợ Lớn. Châu Kỳ không đủ can đảm
chứng kiến người đã từng cùng mình “hương lửa mặn nồng” nay lại ở trong vòng
tay người khác, nên bèn nhờ ông Đặng Văn Nhân đi bộ theo dõi, còn mình thì ngồi
lại trong xe. Khi ông Nhân trở ra kể lại sự tình, Châu Kỳ thấy trời đất như sụp
đổ, ông tông cửa xe, định đâm đầu xuống sông tự tử, may nhờ ông Nhân ôm ghì
lại. Hà Đình Nguyên hỏi: “Rồi sau này anh có gặp lại nàng?”. “Có, nhưng cũng
lâu lắm rồi. Đấy là hôm đám tang nhạc sĩ Lê Thương (1996), cô ấy đi cùng ca sĩ
Tâm Vân đến phúng điếu. Chúng tôi chỉ chào hỏi xã giao. Không nói chuyện gì
nhiều. Chuyện cũ cũng đã xa quá rồi!”.
Câu chuyện trên Châu Kỳ không nói tên “tình địch”, nhưng trong tập
Những trang sách khép mở, nhà văn Trần Áng Sơn, em của Mộc Lan, có đề
cập đến nhân vật này Đó là một người đàn ông tuy lớn tuổi nhưng có ngoại hình
rất thu hút, gương mặt quyến rũ, được mọi người kính trọng gọi là “Mệ” Phú (“mệ”
là tước hiệu chỉ người thuộc hoàng tộc). Mệ Phú là Trung úy Ngự lâm quân bảo vệ
hoàng cung. “Ở Huế, ông ta thường đến thăm các chị tôi vào những buổi chiều,
lúc nào cũng mang quà cáp cho mọi người, nhất là các chị tôi. Ông tự lái chiếc
xe jeep hiệu “Landrover”, tiếng máy nổ rất êm… Mỗi lần ông đến, chị Ngọc tôi
mừng rỡ như muốn reo lên. Cũng dễ hiểu, thường thì quà tặng chị là món quà lớn
nhất, đẹp nhất. Sau đó, ông còn lái xe đưa cả nhà khi thì đi ăn nhà hàng, khi
xem phim ở rạp Morin, cũng có lúc ông đưa cả nhà đi thăm các di tích, dinh thự
các đời vua triều Nguyễn. Tuy tặng những món quà đắt nhất, đẹp nhất cho chị
Ngọc nhưng người mà ông chú ý lại là cô em Mộc Lan, con họa mi tuyệt sắc của cố
đô Huế. Tôi nhận ra điều này vì thời gian gần đây anh Châu Kỳ ít đi với chúng
tôi, nhất là trong những lần có sự hiện diện của “ông khách quý tộc” Rồi anh
Châu Kỳ công khai phản đối gia đình tôi về sự hiện diện quá ư đặc biệt của Mệ
Phú. Với tư cách gia trưởng, anh Long tôi không chấp nhận thái độ của em rể.
Cuộc xung đột đi đến kết quả là đổ vỡ. Ít lâu sau, anh Long có lệnh gọi nhập
ngũ. Anh Châu Kỳ và chị tôi vào Sài Gòn và họ chia tay nhau”.
Đây là giai đoạn đầy những đau thương, u uất chất chứa trong nhiều
ca khúc của Châu Kỳ: Từ giã kinh thành, Khúc ly ca, Đàn không tiếng hát,
Biệt kinh kỳ, Khuya nay anh đi rồi, Tìm nhau trong kỷ niệm, Hương giang tôi còn
chờ, Đừng nói xa nhau, Tiếng ca đó về đâu và nhất là ông đặt lời cho ca
khúc Mưa rơi của anh bạn nhạc sĩ hoàng tộc Ưng Lang, lúc đó ở Huế đi đâu cũng
nghe thanh niên hát: “Mưa rơi chiều nay vắng người. Bên thềm gió lơi. Mơ
bóng ngàn khơi… Mưa rơi màn đêm xuống rồi. Mây sầu khắp nơi. Thương nhớ đầy
vơi….”
Vợ nhạc sĩ Châu Kỳ: “Tôi và chồng tự sửa lời bài Con đường xưa
em đi”
8. Bà Kha Thị Đàng hiện nay
Năm ca khúc trước 1975 – trong đó có bài Con đường
xưa em đi của tác giả Châu Kỳ – Hồ Đình Phương – vừa bị cấm lưu
hành vĩnh viễn vì được cho là có lời và nội dung không đúng với bản gốc. Bà
Kha Thị Đàng – vợ của cố nhạc sĩ Châu Kỳ – chia sẻ bà và gia đình hụt hẫng về
sự việc. Trước đó, khi nghe ca khúc này bị tạm dừng lưu hành để rà soát, bà
Đàng vẫn hy vọng việc đối chiếu sẽ mang lại kết quả tốt để ca khúc tiếp tục
được phổ biến.
|
Người vợ 80 tuổi cho biết chồng bà sáng tác Con đường xưa
em đi vào thập niên 1960, trong bối cảnh dòng nhạc Bolero được đông
đảo khán giả ưa chuộng ở Sài Gòn. Nhiều nhạc phẩm của tác giả Châu Kỳ được viết
trong thời gian này. Sinh thời, nhạc sĩ Châu Kỳ và nhà thơ Hồ Đình Phương
thường cùng nhau sáng tác. Cố nhạc sĩ thường soạn phần nhạc trước, sau đó để
bạn mình viết lời.
Khoảng năm 1967-1968, bà Đàng và nhạc sĩ Hồ Đình Phương làm việc ở
nhà máy giấy Tân Mai, Biên Hòa, Đồng Nai. Sau lưng nhà máy là một con đường mòn
nối liền nơi nghỉ trưa của công nhân và khu vực làm việc. Từ văn phòng nhìn ra,
cố tác giả Hồ Đình Phương – lúc đó là phó giám đốc hành chính – nảy sinh cảm
hứng để sau đó viết nên những ca từ: “Con đường xưa em đi/ Vàng lên mái tóc
thề/ Ngõ hồn dâng tái tê…”.
Bà Đàng cho rằng thời điểm đó, đất nước thường xảy ra chiến tranh,
nhiều nhạc phẩm chứa những ca từ mang bóng dáng người lính vì “khán giả người
ta thích thế”. Do đó, trong bài Con đường xưa em đi có câu
“Chiến trường anh bước đi” và “Phiên gác canh dài”.
Đến năm 2007, khi sức khỏe nhạc sĩ Châu Kỳ yếu dần, vợ chồng ông
quyết định sửa lại vài ca từ để bài hát được phổ biến hơn. Bài hát được sửa hai
chỗ: chữ “chiến trường” được chuyển thành “lối mòn”, “phiên gác” thành “thao
thức”. “Chúng tôi sửa để ca từ mới hợp với nền nhạc hơn, đồng thời giúp ca khúc
phù hợp với bối cảnh cuộc sống hòa bình”, bà kể. Tuy nhiên, việc sửa đổi này
chỉ được hai ông bà trao đổi qua lại bằng miệng, không lưu thành văn bản. Năm
2008, sau khi nhạc sĩ Châu Kỳ mất, chuyện sửa ca từ mới cho bài hát được bà
chia sẻ với một số người thân, bạn bè.
Năm 2016, bà hồ hởi khi hay tin nam ca sĩ Trung Quang trình diễn
ca khúc này với phần ca từ mới trong cuộc thi Thần tượng Bolero và
đoạt giải quán quân. Cùng năm, một kênh của đài truyền hình quốc gia thực hiện
chương trình Sol vàng về nhạc sĩ Châu Kỳ và lấy tên ca khúc
làm chủ đề chương trình.
Bà Đàng cho biết mình chưa có ý định đề nghị cấp phép ca khúc trở
lại vì thấy phiền phức và ngại rắc rối. “Tôi chỉ mong cơ quan chức năng thấy ca
khúc nào của chồng tôi phù hợp thì cho phép lưu hành, chứ tôi không muốn xin. Thật
lòng mà nói dù được cấp phép hay không cấp phép, tôi tin ca khúc này đã đi vào
lòng khán giả suốt mấy chục năm qua”, người vợ chia sẻ. Hiện gia đình không còn
giữ bản gốc nhạc phẩm này
Trước đó, thông tin dị bản của các ca khúc: Cánh thiệp đầu
xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam
Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi
anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ
– Hồ Đình Phương) sẽ bị cấm vĩnh viễn gây xôn xao. Ông Nguyễn Đăng Chương – Cục
trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn – cho biết: “Những bản nhạc bị sửa lời vi phạm
nặng nề quyền tác giả và quyền liên quan. Việc cấm lưu hành vĩnh viễn là đương
nhiên và phải làm”. Nếu có đơn vị xin cấp phép lưu hành và có xác nhận của tác
giả rằng đó là bản gốc, cơ quan quản lý sẽ xem xét.Trước khi nhạc sĩ Châu Kỳ
mất, bên giường bệnh, bà đã viết cuốn hồi ký Thi Đàng kỳ duyên, kể
về 300 ca khúc do chồng mình sáng tác. Bà Đàng muốn lưu lại những câu chuyện về
các nhạc phẩm của Châu Kỳ để khán giả đời sau còn biết đến những âm điệu Bolero
của ông.
Đoàn Dự
__._,_.___
Posted by: Truc Chi