***Ngọc
Chánh & Phạm Duy
***CA
SI ELVIS PHUONG PLAYLIST
Moi
qui than huu thuong thuc
TRAN NANG PHUNG
Lá Thư
Úc Châu
Trang
Thơ Nhạc đầu tháng 11-2014
Ngọc
Chánh & Phạm Duy: Bao giờ biết tương tư
Tiếng hát: Elvis Phương
Kính,
NNS
.................................................................................................................
(1) Ts Nguyễn Hưng Quốc: Người Việt dễ ghét
Từ trước đến nay, một cách công
khai, trên sách báo cũng như trên các diễn đàn, hình như ai cũng nói người
Việt…đáng yêu. Đó cũng là nhan đề cuốn sách do Doãn Quốc Sỹ viết và xuất bản
tại Sài Gòn trước năm 1975. Xuất phát từ một lập trường và động cơ chính trị
hoàn toàn ngược lại với Doãn Quốc Sỹ, Vũ Hạnh, giả danh một người Ý (Pazzi),
cũng vội vã viết cuốn “Người Việt cao quý”, trong đó, nội dung chính của khái
niệm “cao quý” cũng là…sự đáng yêu.
Mà không phải chỉ có người Việt Nam
mới nói thế. Tôi có khá nhiều sinh viên Úc hoặc người các nước khác thường đi
Việt Nam. Nhiều người không ngớt khen là người Việt Nam đáng yêu. Cách đây mấy
năm, có một sinh viên người Na Uy sang Úc du học. Trên đường từ Na Uy sang Úc,
anh ghé Việt Nam chơi hai tuần. Lý do ghé Việt Nam chỉ có tính chất thực dụng:
vật giá rẻ. Vậy thôi. Nhưng hai tuần ở Việt Nam đã làm thay đổi hẳn kế hoạch
học tập của anh. Mê Việt Nam trong thời gian hai tuần ấy, sang Úc, anh quyết
định chọn Tiếng Việt làm một trong hai môn học chính trong chương trình Cử
nhân. Hỏi: Mê nhất ở Việt Nam là điều gì? Anh đáp: Con người. Và nói thêm:
“Người Việt rất đáng yêu”.
Cách đây mấy ngày, tôi cũng lại gặp
một sinh viên khác, cũng mê Việt Nam như thế. Sau khi học xong trung học, thay
vì vào đại học ngay, cô quyết định nghỉ một năm để đi làm và đi du lịch. Sau
khi qua nhiều nước, cô ghé Việt Nam. Cũng chỉ là một quyết định tình cờ. Thoạt
đầu, định ở vài ba tuần. Nhưng rồi cô lại đâm mê Việt Nam. Bèn quyết định ở lại
thêm vài tháng. Trong vài tháng ấy, cô xin dạy học trong một trung tâm sinh ngữ
tại Sài Gòn. Cô càng mê hơn nữa. Về lại Úc, cô bèn quyết định học tiếng Việt để
sau này có cơ hội quay sang làm việc lâu dài tại Việt Nam. Hỏi lý do, cô cũng
đáp như anh sinh viên người Na Uy kể trên: “Người Việt đáng yêu”.
Người Việt đáng yêu như thế nào? Tôi
chưa bao giờ có ý định làm một cuộc điều tra thật đàng hoàng về đề tài này.
Nhưng từ những gì tôi nghe từ các sinh viên cũng như bạn bè, đồng nghiệp của
tôi, những nét đáng yêu nhất của người Việt Nam thường được nêu lên là: vui vẻ,
cởi mở và thân thiện. Tuy nhiên, tất cả những điều kể trên chỉ là một khía
cạnh. Có một khía cạnh khác, vì lịch sự, người khác ít nói; và vì tự ái, chúng
ta cũng ít khi đề cập: Có vô số người chê người Việt là cục cằn, thô lỗ, ích
kỷ, tham lam vặt, hay nói dối vặt, thiếu kỷ luật, thiếu lịch sự, nói chung,
là…dễ ghét. Ngay chính những người được xem là “mê” Việt Nam cũng thấy điều đó.
Và dĩ nhiên, với tư cách là người Việt Nam, chúng ta cũng thừa biết điều đó.
Thật ra, ở quốc gia nào cũng có những
người đáng yêu và những người dễ ghét. Đó là chuyện bình thường. Tuyệt đối
không có gì đáng ngạc nhiên cả. Chỉ có vấn đề là: ở những nơi khác, nét đáng
yêu và đáng ghét ở con người chủ yếu là do cá tính, hay nói cách khác, do Trời sinh;
còn ở Việt Nam, chủ yếu do văn hoá, hay nói cách khác, do xã hội, đặc biệt, do
chế độ sinh. Ở những nơi khác, sự phân bố của những người được xem là đáng yêu
và những người bị xem là đáng ghét hoàn toàn có tính ngẫu nhiên; ở Việt Nam thì
khác: nó có tính quy luật để theo đó, người ta có thể vẽ lên được một “bản đồ”
đáng yêu / đáng ghét của người Việt một cách khá chính xác. Đại khái “bản đồ”
ấy như thế này:
Người Việt rất đáng yêu trong quan
hệ cá nhân và ở những nơi quan hệ cá nhân đóng vai trò chủ đạo: gia đình, bàn
tiệc, quán nhậu, và hàng xóm. Ở những nơi đó, người Việt, nói chung, rất nhiều
tình cảm và tình nghĩa. Và cũng ở những nơi đó, ít ai phàn nàn về người Việt.
Nhưng vượt ra ngoài quan hệ cá nhân
thì khác. Bước vào không gian công cộng ở Việt Nam, nhất là không gian công
cộng thuộc quyền nhà nước, từ uỷ ban nhân dân đến công an phường, quận, thành
phố; từ bưu điện đến bệnh viện; từ bàn hải quan đến văn phòng xuất nhập cảnh,
v.v…ở đâu người Việt Nam cũng dễ ghét.
Cái dễ ghét ấy có thể được nhìn thấy
ngay trên các chuyến bay về Việt Nam: Theo nhận định của nhiều người vốn đi
nhiều, ít có tiếp viên hàng không nào dễ ghét như tiếp viên hãng Hàng Không
Việt Nam; ít có công an cửa khẩu và nhân viên hải quan nào dễ ghét như những người
làm việc tại các sân bay quốc tế tại Việt Nam. Một sinh viên của tôi, người Úc,
rất mê Việt Nam, và vì mê Việt Nam, cuối cùng, lấy vợ Việt Nam. Chính trong
thời gian làm đám cưới, phải chạy vạy làm đủ các loại giấy tờ, từ hôn thú đến
bảo lãnh vợ sang Úc, anh phờ phạc cả người. Quay về Úc, anh than: Chưa bao giờ
anh thấy nhân viên hành chính ở đâu dễ ghét bằng các nhân viên hành chính ở
Việt Nam.
Một người bạn khác của tôi, về Việt
Nam thăm thân nhân bị bệnh, phải nằm bệnh viện, than: Chưa bao giờ thấy bác sĩ
và y tá ở đâu lại dễ ghét như ở Việt Nam. Mặt mày ai cũng hầm hầm hay lạnh
tanh. Người ta hỏi gì cũng quát, nạt. Họ chỉ dịu giọng được một lát khi nhận
tiền lót tay. Một người bạn khác rất có thiện chí giúp đỡ Việt Nam, nhiều lần
tổ chức quyên góp từ quần áo, sách vở đến máy vi tính ở Úc để chuyển về tặng
cho người Việt; nhưng sau đó, đâm nản, cuối cùng, bỏ cuộc. Anh nói: “Mình mang
quà về giúp, nhưng ở đâu cũng bị làm khó dễ.” Và kết luận: “Người Việt thật dễ
ghét!”
Xin lưu ý: những nhân viên các loại
và các cấp bị xem là dễ ghét trong công sở ấy có thể trở thành cực kỳ dễ thương
với bạn bè, người thân hoặc người quen. Một viên công an mặt mày lúc nào cũng
lạnh như tiền và lăm lăm đòi móc túi những người dân đến xin chứng nhận một thứ
giấy tờ gì đó có thể là một người cởi mở, hào hiệp và hào phóng khi ngồi vào
bàn nhậu với bạn bè. Nhưng trong quan hệ công cộng thì họ lại biến thành một người
khác hẳn.
Có thể nói gọn lại thế này: Trong
quan hệ cá nhân, người Việt thường đáng yêu; nhưng trong quan hệ công cộng,
nhất là ở công sở, người Việt thường rất dễ ghét.
Cũng có thể nói một cách khái quát
hơn: ở Việt Nam, cứ hễ có chút quyền lực, bất kể là quyền lực gì, người ta liền
biến ngay thành người dễ ghét. Bản tính dễ thương đến mấy cũng thành dễ ghét.
Nếu không dễ ghét vì sự hách dịch, quan liêu hay tham lam thì cũng dễ ghét vì
sự chậm chạp, cẩu thả, lười biếng và vô trách nhiệm. Bởi vậy, nhiều người nhận
xét: Chơi với người Việt thì vui, nhưng làm việc với người Việt thì đúng là một
cực hình. Trên bàn nhậu, ai cũng thông minh, biết điều, cởi mở; nhưng quay lại
bàn giấy thì người ta lại lề mề, khó khăn, tắc trách, rất ít đáng tin cậy. Do
đó, vấn đề không phải là bản tính mà là Văn hoá. Mà văn hoá, nhất là văn hoá
hành chính, lại gắn liền với chế độ.
Bạn có nghĩ vậy không?
(2) Ts Alan Phan: Gián, Chuột và Machiavelli..
(Những
ai muốn thành công bền vững phải thay đổi cách xử lý theo thời thế – Whoever
desires constant success must change his conduct with the times – Niccolo
Machiavelli (1469-1527))
Trong tất cả các thành phần kinh tế của bất cứ xã hội nào, tôi vẫn thường cho
“chính trị gia” là những sinh vật tinh ranh nhất và mang nhiều đặc điểm của
loài gián (không bao giờ có thể bị huỷ diệt dù sau một trận chiến tranh nguyên
tử toàn cầu) pha lẫn loài chuột (biết đủ cách để ăn mà không cần bỏ sức lao
động). Cho nên tôi thường nhăn mặt khi các bạn trẻ phê bình những nhân vật
chính trị là đầu đất hay ngu dốt. Cái hay của loài gián-chuột biến thái này
(xin gọi là GC (Gián Chuột) cho khoa học) là dù “ngu”, họ vẫn là kẻ hưởng lợi
nhiều nhất trong xã hội. Dù không bao giờ ôm mộng “làm chính trị”, hay dính líu
đến bất cứ chính quyền nào, và coi thành phần GC này là một gương xấu cho thế
hệ trẻ (với lòng tham vô độ và các thủ đoạn cướp chiếm bất lương), tôi vẫn
thích la cà gần họ, để “học”. Và tôi đã học rất nhiều…
GC Mỹ
Vào thập niên cuối 90’s, tôi kinh doanh được khá nhiều tiền. Những đồng tiền
này mở rộng cánh cửa vào thế giới của GC Mỹ qua sự đóng góp và vận động tài
chánh của tôi và bạn bè cho các cuộc tranh cử. (Với những bạn trẻ chưa sống qua
các cuộc bầu cử dân chủ, tranh cử là bước đầu bắt buộc cho chức vụ.) Và trong
một xã hội mà 30 giây quảng cáo trên TV vào giờ cao điểm có thể tốn trung bình
đến 125 ngàn đô (tuỳ số lượng khán giả), thì những “ứng viên chính trị” quốc
gia rất cần tiền và cần những thằng …điếu đóm như tôi thời trẻ.
Khác với Việt Nam là khi mua quan bán chức, GC Việt cần một thế lực lớn hơn để
chống lưng, thì nơi đây, GC Mỹ cần tiền để tạo “ảnh hưởng PR” trên quần chúng.
Nói nôm na, họ cũng dùng tiền để mua quan bán chức, nhưng phần lớn các vận động
đều công khai minh bạch (ở tù nếu dối trá). Tiền được trao cho nhiều doanh
nghiệp truyền thông, thay vì chỉ lót tay một vài “bộ phận không nhỏ” của cái
bình đẹp.
Nhưng tóm lại đâu cũng cần tiền “đầu tư”. Và những tay đứng sau hậu trường cung
ứng tài chánh là những người “bạn thân thiết” nhất của GC Mỹ (hay Việt). Dĩ
nhiên, bộ máy tranh cử Mỹ cũng cần những “tình nguyện viên” hăng hái làm việc
sau khi nuốt phải “hào quang” hay “chém gió” của các GC; cũng như rất cần những
lãnh tụ cộng đồng có thể đem lá phiếu về cho GC sau vài cuộc đổi chác.
Sân Chơi Của GC Mỹ
Hiểu thế để biết rằng phương tiện cần và đủ cho GC Mỹ là làm sao để “hốt phiếu”
nhiều hơn đối thủ. Những chánh sách, những triết thuyết, những giải pháp quản
trị…phải được mài dũa sao cho hợp với chương trình kiếm phiếu. Chuyện các GC Mỹ
có tin hay không tin vào những lời tuyên bố của mình, vào các hứa hẹn tầm
phào…là chuyện hậu sự, sẽ tính đến sau khi chiếm lĩnh quyền lực. Họ sẽ có cả
một bộ tham mưu để đối phó với tình huống. Và dĩ nhiên, họ còn cả trăm việc
phải làm để thoả mãn nhóm “đồng minh” đã giúp họ chiến thắng. Không thực hiện
nổi lời hứa thì coi như chỉ đắc cử một lần.
Do đó, phần lớn GC Mỹ quản lý bộ máy công quyền dựa trên quyền lợi của nhóm tài
trợ và dựa trên những khảo sát về mức độ quan tâm của cử tri với các vấn đề
thời sự, nhất là túi tiền của từng nhóm người dân. Dù hệ thống sẽ không bao giờ
hoàn hảo, nhưng cơ chế chính trị tự do và dân chủ của Mỹ tạo ra một ổn định xã
hội cho mọi thành phần kinh tế, theo nguyên tắc “live and let live”. Dù ai cũng
tham lam, từ nhà tỷ phú đến anh chị không nhà, dù ai cũng đòi những “bữa ăn
miễn phí” và tiêu xài OPM, GC Mỹ biết điều chỉnh cán cân xin-cho để phần lớn
người dân tạm thoả mãn. Trong khi đó, họ bòn rút phần lớn tiền thuế và ngân
sách cho những dự án của phe nhóm và trong vai trò “cò” (broker), GC Mỹ cũng
kiếm được cho mình và gia đình khá nhiều tiền.
GC Việt Nam
Dù xuất thân từ rừng rậm và không biết nhiều về thế giới bên ngoài, nhưng các
GC Việt rất bén nhậy và hiểu rõ quan hệ giữa quyền lực và tiền bạc. Thông minh,
tàn nhẫn và thủ đoạn, biết cóp nhặt kinh nghiệm từ các đàn anh Nga-Tàu, họ đã
tạo ra được một hệ thống cai trị khá ổn định suốt 70 năm qua từ ngày nắm chánh
quyền (1945). GC Việt lợi dụng được thời cơ khi các đối thủ còn yếu kém, sử
dụng một chương trình PR tuyệt vời bằng cách phong thánh cho các ngài lãnh tụ;
và trên hết, không ngần ngại áp dụng nguyên lý của Mao (quyền lực chính trị
phát sinh từ họng súng).
Kết quả là bản thân và gia đình họ có được một đời sống “giàu có và thoải mái”
gấp vạn lần các GC Mỹ, dù thu nhập người dân Việt chỉ bằng 1/25 người dân Mỹ.
Sân Chơi Của GC Việt
Vì không quan tâm đến là phiếu và nhu cầu thu nhập của người dân, GC Việt dã
tiết kiệm được khối tiền trong “trò chơi dân chủ”. Các mạng truyền thông nằm
trong chỉ đạo tuyệt đối của chính phủ và ngay cả với Internet, các bức tường
lửa ngăn chận mọi thông tin trái chiều. Thực ra, đa số người dân vẫn “hạnh
phúc” với nhậu nhẹt, bóng đá, chân dài và chuyện “cướp-hiếp-giết”.
Trong khi đó, việc mua quan bán chức diễn ra âm thầm sau bức màn nhung. Giá cả
được thảo luận, thương thuyết giữa các “đồng chí” nên thoải mái hơn…không
stress như công việc của các GC Mỹ. Sự phân bổ chức vụ cũng bị tranh dành gay
go; nhưng hệ thống nhân sự HR được tổ chức theo mô hình pyramid (kim tự tháp)
nên khá êm thắm. Trách nhiệm duy nhất của GC Việt là những đòi hỏi rõ ràng và
trực tiếp từ thế lực chống lưng, không mông lung khó đoán như chính trường Mỹ..
Tuy nhiên, cuộc chơi của GC Việt đang gặp vấn đề vì nền kinh tế què quặt. Sau
thời gian khởi đầu của chính sách mở cửa cho bọn tư bản (1993-2006), thu nhập
người dân bắt đầu trì trệ và sự so sánh “tiền bạc” với các láng giềng ASEAN đã
tạo ra nhiều bất mãn trong dân, nhất là sự thù ghét thành phần COCC của các GC.
Sự cách biệt quá lớn về khoảng cách giàu-nghèo tạo ra bất ổn xã hội, trong khi
các cột trụ như FDI, xuất khẩu và kiều hối sẽ phải giảm sút vì năng suất công
nhân ngày càng tụt hậu. Trong khi đó, tài sản tạo được từ hệ thống xin-cho và
nợ công như bất động sản, chứng khoán…cũng bị hư hại nặng vì dòng tiền OPM mới
không xuất hiện để bù vào dòng tiền đã thất thoát.
Có thể nói sân chơi Ponzi của các GC Việt đang nằm trong giai đoạn chuyển tiếp
và phải thay đổi để tồn tại.
Sự Kết Hợp của GC Mỹ và Việt
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các tỷ phú Nga, nhóm GC mệnh danh là tư bản đỏ
đang nhắm tới một chiến dịch mới: biến tài sản công thành tư hữu để trở thành
tỷ phú đô la trong thời gian ngắn nhất. Những tranh chấp đã bùng nổ và “bên
thắng cuộc” của trận chiến sẽ bắt đầu lộ diện trong vòng 2 năm tới.
Dù ai thắng, một điều gần như chắc chắn là tài sản mới chiếm được phải được
“bạch hoá” và có thể sử dụng tự do, an toàn và hợp pháp trên khắp thế giới.
Nhu cầu này chỉ có thể đáp ứng được với những cuộc đi đêm với GC Mỹ. Do đó, dù
có muốn “trung thành” với 16 chữ vàng, 400 chữ tốt xấu gì đó, ngoài miệng lưỡi,
để giữ thể diện cho Trung Quốc, các GC Việt sẽ được “chiêu hồi” về với “chính
nghĩa quốc gia”. Đã đến lúc, họ phải “vượt biên” thôi.
Trong khi đó, dù phải lo giữ gìn vài trăm ngàn lá phiếu của hơn triệu người Mỹ
gốc Việt với chiêu PR đòi hỏi “nhân quyền”, các GC Mỹ (Dân Chủ hay Cộng Hoà)
đều sẽ vui vẻ “làm ăn” với GC Việt. Hay nhất là thời điểm trước khi Obama rời
chính quyền vào năm 2016 (ông này là Tổng Thống khuynh tả mạnh mẽ và không có
gì để mất). Tuy nhiên, Hilary hay Biden hay Kerry của đảng Dân Chủ vẫn sẽ là
một đồng minh. Còn nếu một ngài GC Cộng Hoà khác lên ngôi, vì quyền lợi kinh tế
của tư bản trắng, thì ông ta cũng sẵn sàng thoả hiệp với tư bản Việt như họ đã
và đang làm với tư bản đỏ của Tàu.
Như tôi đã trình bày ở một bài trước, It’s The Money, Stupid.
PS: Câu xin lỗi về bài “Hội Nghị Thành Đô Mới..ở Hawaii”
Ông già Alan định xuất bản bài này vào ngày 1/1/2014. Tuy nhiên, sau khi chuyển
cho vài bạn thân “đọc trước”, mọi người đều khuyên Alan nên giữ lại bài…thêm
vài tháng hay vài năm hay vài thập kỹ nữa. Quá nhiều đụng chạm và tranh cãi…là
điều không tốt cho “sức khoẻ” của ông già. Do đó, Alan xin nuốt lời hẹn và
thành thực xin lỗi các bạn BCA.
(3) Ts Phạm Chí Dũng: Điếu Cày, hẹn gặp anh ba năm nữa!
Nửa
ngày sau chuyến lưu vong cưỡng bức đột ngột của Điếu Cày, tôi ghé thăm chị Tân
vợ anh. Mắt còn thâm quầng bởi cả đêm trước mất ngủ, chị buồn buồn nói với tôi:
“Ông Cù Huy Hà Vũ đi thì dù gì còn có người nhà bên cạnh, còn ông Hải thậm chí
không được gọi điện về nhà”.
Cả đêm, con gái chị ngồi bó gối khóc rưng rức bởi không được nhìn thấy mặt bố.
Chẳng khác gì tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ, người tù chính trị quan trọng
nhất Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị cơ quan an ninh áp giải từ trại giam ra thẳng
phi trường Nội Bài trong cảnh tuyệt đối câm lặng. Những người muốn giữ riệt
bóng tối ấy chỉ muốn anh chuyển từ bốn bức tường cô độc sang một không gian
hoàn toàn cô đơn.
Nhưng những hình ảnh đầu tiên về bà con kiều bào Việt và cả giới báo chí Mỹ đón
tiếp Điếu Cày tại sân bay Los Angeles lại biểu tả quá sống động rằng anh đang
trở về vòng tay ấm áp của mọi người. Xứ Mỹ hay Canada không hề lạnh giá với
anh. Vậy mà một người quen của tôi bất chợt hỏi: “Điếu Cày chống Cộng dữ lắm
phải không?”.
Tôi ngỡ ngàng nhìn lại. Người quen của tôi tuy không truy cập
mạng lề dân nhiều, nhưng cũng nắm bắt tình hình thời sự, biết không phải ít về
các nhân vật bất đồng chính kiến và dân chủ. Rõ là hệ thống thông tin một chiều
của đảng đã lợi hại đến mức biến một nhà hoạt động xã hội và phản kháng Trung
Quốc như Điếu Cày trở thành kẻ chống phá chế độ.
Cầu nguyện
Buổi sáng Sài Gòn nắng trượt nhẹ uể oải. Cuối cùng, ngày tôi chờ đợi cũng vừa
đến, nhưng tôi đã không thể gặp mặt “kẻ chống phá chế độ”.
Một tháng trước, chúng tôi đã kỷ niệm ngày sinh nhật của Câu lạc bộ Nhà báo tự
do được sáng lập bởi anh và cầu nguyện cho Điếu Cày sớm ra tù. Một buổi liên
hoan nho nhỏ cũng đã được lên kế hoạch để siết tay anh sau sáu năm rưỡi cay
đắng giữa bốn bức tường ẩm mốc của trại giam.
Điều kỳ lạ là tuy chưa một lần nói chuyện, tôi đã có với Điếu Cày một kỷ niệm
không quên. Buồng giam 2C1, trại giam PA92 số 4 Phan Đăng Lưu của Công an TP.
HCM năm 2012.
Khi tôi bị đẩy vào buồng giam này, nghe nói Điếu Cày đã bị chuyển sang trại
giam Chí Hòa ba ngày trước đó. Thật ngẫu nhiên, những bạn giam cùng buồng người
Malaysia và Hàn Quốc lại bố trí cho tôi nằm trên bục ximăng ngay chỗ trú thân
của Điếu Cày trong suốt một năm tám tháng trước. Đôi dép nhựa mòn vẹt của Điếu
Cày cũng được bàn giao cho tôi sử dụng.
Không có lấy một người Việt. Điều đáng giá còn lại chỉ là tiếng Anh. Nhờ vào
chút ít vốn ngoại ngữ, tôi được nghe những người cùng buồng giam kể rất nhiều
về Điếu Cày.
Tất cả đều làm tôi khắc khoải nhớ lại năm 2009. Lần đầu tiên tôi nhận ra anh
trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở khu vực gần Nhà Văn hóa Thanh Niên, Sài
Gòn. Thế nhưng lúc đó tôi chỉ đứng bên cạnh và im lặng quan sát anh. Lúc đó,
tôi im lặng. Lúc đó, tôi chỉ là một kẻ ngoài lề xã hội…
Số phận kỳ quặc không ngờ là một năm rưỡi sau khi ra khỏi buồng giam nơi Điếu
Cày từng ở, bỗng nhiên tôi lại trú chân trong một tổ chức dân sự có tên là Hội
Nhà báo độc lập Việt Nam - hậu bối của Câu lạc bộ nhà báo tự do.
Có lẽ không ai có thể cưỡng lại số phận, nhất là nếu số phận có ý muốn sắp đặt
như thế.
Có lẽ anh và cả tôi nữa đều chung thân phận vác thánh giá.
Anh sẽ sớm về
Hội Nhà báo độc lập đã không có cơ hội để đón Điếu Cày, cũng như nỗi thất vọng
khó nói thành lời của chị Tân và các con anh. Điều an ủi chỉ là hy vọng anh sẽ
sớm về nhà. Tối đa là ba năm nữa. Biết đâu chừng còn sớm hơn.
Bất kể ý chí của chính thể cầm quyền Việt Nam ra sao và số phận của nó như thế
nào.
Khác hẳn nhiều năm trước, những ai phải lưu vong vào thời điểm này hay năm sau
đều tràn ngập hy vọng trở về cố hương trong không bao lâu nữa.
Điều an ủi lớn hơn dành cho giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam là
khi chính quyền và ngành công an buộc phải thả người tù quan trọng nhất và cũng
mang tính thách thức nhất như Điếu Cày, đó không phải là một tinh thần “toàn
thắng” từ phía họ như hệ thống tuyên truyền một chiều vẫn thường tự an ủi và
cũng bị ngộ nhận từ một số người khác.
Lần này thì khác. Thực chất đó là một sự nhượng bộ không nhỏ của chính thể Hà
Nội. Rốt cuộc, những người bên đảng cũng đặt chân đến nửa còn lại của bán đảo
Triều Tiên, nơi họ được đón tiếp bởi 21 phát đại bác và cùng người đồng minh
quân sự của “kẻ thù số một” ra tuyên bố chung phản bác Bắc Triều chạy đua vũ
khí hạt nhân. Còn nhượng bộ vì cái gì thì đến giờ này có lẽ hầu hết chúng ta
đều không mơ màng.
Buổi tối Việt Nam còn là sân bay Nội Bài. Nhưng khi Điếu Cày đặt chân xuống phi
trường Los Angeles thì cũng là lúc ở Hà Nội bắt đầu nhận ra sự xuất hiện của
viên trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Tom Malinowski, phụ trách dân chủ, nhân quyền
và lao động. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Tom đến Việt Nam vào lúc này. Cũng chẳng
phải ngẫu nhiên mà trước, trong và sau chuyến công du của nữ thứ trưởng ngoại
giao Mỹ Wendy Sherman đến Hà Nội vào tháng 3/2014, phía chính quyền đã lập kỷ
lục bằng hành động thả một hơi 5 tù nhân lương tâm, trong đó có cái tên đáng
giá là Cù Huy Hà Vũ. Còn sau đợt viếng thăm đột ngột Hà Nội của Thượng nghị sĩ
John McCain và Chủ tịch Hội đồng liên quân Martin Dempsey, Việt Nam tiếp tục
nhỏ giọt 7 tù nhân chính trị, với đa số là những người già yếu mà có thể bị coi
là “sắp chết”.
Điếu Cày là người thứ 14 có tên trong danh sách tù chính trị
được phóng thích từ đầu năm đến giờ, nhưng lại là nhân vật đầu bảng trong danh
sách mà người Mỹ nêu ra cho Hà Nội. Logic tiếp theo là nếu vào đầu tháng 9/2014
trong dịp đặc xá quốc khánh, công chuyện về TPP vẫn chưa đâu vào đâu và cánh
cửa TPP gần như đã khép lại vào cuối năm nay, thì tới đây Tom Malinowski và sau
đó là Ngoại trưởng John Kerry lại phải làm nhiệm vụ giúp đẩy hé cánh cửa ấy.
Một nhân vật khác với quyền lực ghê gớm hơn - Michael Froman, Đại diện thương
mại Mỹ - cũng vừa nhấp nhá cơ hội “quyết tâm kết thúc đàm phán TPP” cho giới
chính phủ Việt Nam.
Cạn kiệt mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam vẫn còn niềm tự hào cuối cùng
về một thị trường dồi dào sức lao động rẻ tiền cùng nguồn tài nguyên nhân quyền
không bao giờ mất dáng vẻ quyến rũ khi thổ lộ nhan sắc mặc cả. (Tiến sĩ Phạm
Chí Dũng Gửi cho BBC từ Sài Gòn)
(4) Ls Lê Công Định: Công lao Tổng thống Ngô
Đình Diệm cần được tôn vinh
Lúc
thiếu thời đi học, nhắc đến cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm và
Nguyễn Văn Thiệu, đa số thầy cô dưới mái trường XHCN của tôi đều gọi là “thằng
Diệm” và “thằng Thiệu”. Về nhà tôi kể lại cho ba mẹ nghe. Ông bà nghiêm nghị
cấm tôi không nên bắt chước thầy cô, vì như thế là vô lễ và bất kính đối với
các bậc tiền nhân. Sau này, trưởng thành, có dịp đi làm việc ngang vùng Ninh
Thuận, một đồng nghiệp lớn hơn tôi vài tuổi hỏi: “Nghe nói vùng này là quê
hương của thằng Thiệu?” Tôi cau mày, đáp: “Dù sao ông Nguyễn Văn Thiệu cũng
đáng bậc cha chú của anh mà! Nếu mình đi đến vùng Nghệ An, em nói đây là quê
hương của thằng Hồ, anh sẽ cảm thấy thế nào?” Anh ấy chống chế: “Xin lỗi, thói
quen thôi mà!” Từ đấy anh ấy xem tôi là “phản động” (!). Tôi hãnh diện về tiếng
“phản động” đó, vì nhớ đến lời giáo huấn đạo làm người của cha mẹ tôi.
Ba tôi, một người tham gia phong trào cộng sản, vẫn luôn bày tỏ lòng kính trọng
đối với cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm. Ông thường nhận định với
tôi rằng dân tộc này sẽ tốt đẹp hơn nhiều, thậm chí có thể sánh ngang với Nhật
Bản ở Á châu, nếu cụ Diệm lèo lái con thuyền đất nước đến được bờ bến mà cụ tâm
niệm và tranh đấu cả một đời. Khi tôi tỏ vẻ ngạc nhiên vì sao ông chưa bao giờ
bày tỏ sự tôn trọng tối thiểu đối với bất kỳ lãnh tụ cộng sản nào, ba tôi lắc
đầu trả lời: “Ba chọn lầm đường!” Và ông luôn căn dặn tôi: “Thế hệ của con
không được quyền lạc lối như ba.”
Mỗi sáng mùng một Tết hàng năm lúc tôi còn là học sinh tiểu học và trung học,
sau khi sang chúc Tết ông nội về, ba mẹ thường đưa anh em chúng tôi đến nghĩa
trang Mạc Đỉnh Chi viếng mộ dượng sáu tôi là ký giả Vân Sơn Phan Mỹ Trúc, Chủ
bút nhật báo Đông Phương ở Sài Gòn trước 1975. Bao giờ cũng vậy, trước khi đến
mộ dượng tôi, ba tôi luôn dừng lại thắp hương, còn mẹ tôi (một giáo dân Công
giáo) đọc kinh cầu nguyện trước mộ Tổng thống Ngô Đình Diệm, Cố vấn Ngô Đình
Nhu và bà cụ cố thân sinh của hai ngài. Anh em chúng tôi phải đứng chấp tay,
cúi đầu. Điều đó đã trở thành thông lệ của gia đình tôi ngày xưa.
Năm 1998, sang Pháp học, tôi đọc một quyển sách về Tổng thống Ngô Đình Diệm và
biết rằng sau khi nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi bị giải tỏa năm 1985, hài cốt của ba
vị cùng với ông Ngô Đình Cẩn được thân nhân chuyển về nghĩa trang Lái Thiêu.
Tết năm 1999, nhân dịp trở về Việt Nam dự chương trình Orientation dành cho
sinh viên nhận học bổng Fulbright du học Hoa Kỳ, tôi chở ba tôi đi Bình Dương
tìm nghĩa trang Lái Thiêu, mà ông còn nhớ tên gọi xưa là “Nhị Tì Quảng Đông”.
Chúng tôi dò hỏi những người dân gác mộ xung quanh đó, thì được hướng dẫn tận
tình và đưa đến tận nơi. Họ còn nhắc nhở chúng tôi viếng nhanh rồi về, vì buổi
trưa các du kích xã đi ăn cơm nếu không chúng tôi có thể bị mời về xã đội điều
tra lý do viếng mộ ông Ngô Đình Diệm (?).
Theo quyển sách tôi đọc, bia mộ của cố Tổng thống ghi “Giacôbê Đệ”, còn bia mộ
của ông Cố vấn ghi “Baotixita Huynh”, do thân nhân lúc cải táng cố tình tráo
hai chữ “huynh” và “đệ” để kẻ gian nhầm lẫn. Tôi không rõ thực hư việc này,
nhưng quả nhiên thấy rõ những dòng chữ ấy. Giữa mộ hai ngài là mộ của bà cụ cố
thân sinh. Cách một quãng xa, ngôi mộ có tấm bia dựng cao ghi chữ “Can” và năm
mất 1964, chính là mộ phần của ông Ngô Đình Cẩn. Hai cha con tôi kính cẩn làm
lễ, thắp hương, đọc kinh cầu nguyện và chụp ảnh lưu niệm. Suốt đoạn đường về ba
tôi trầm ngâm, muộn phiền trước cảnh một nhân vật từng có sự nghiệp vĩ đại nhất
của dân tộc ở thế kỷ 20 mà cuối đời chỉ còn nắm tro tàn vùi chôn tại một nơi và
theo một cách thức không tương xứng với tầm vóc và đóng góp của ông. Nỗi buồn
của ba lây sang cả tôi.
Trở lại Paris năm đó, tôi tìm đến thăm trường Ecole des Chartres, một trong
những trường danh giá nhất của Pháp, nơi ông Ngô Đình Nhu từng theo học. Ngôi
trường ấy tọa lạc gần trường luật Panthéon-Assas của tôi. Tôi vẫn nể phục ông
Nhu như một nhà tư tưởng lớn hiếm hoi của Việt Nam đương thời. Từ chuyến đi năm
1999 trở về sau, lúc thì vào dịp Tết, lúc nhân ngày giỗ hai ông, tôi âm thầm
đến viếng mộ phần của bốn vị đều đặn. Giữa năm 2007, một buổi chiều cuối tuần,
đón tiếp luật sư Lê Quốc Quân vào Sài Gòn, tôi đưa anh và hai vợ chồng luật sư
đồng nghiệp cùng đến nghĩa trang Lái Thiêu. Chúng tôi đã tổ chức một buổi lễ
tôn nghiêm dành cho các vị, với nguyện ước một ngày không xa công lao và danh
dự của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm sẽ được phục hoàn và tôn vinh tương xứng với
sự nghiệp vĩ đại của ông.
Tiếc rằng giờ đây đang trong thời gian quản thúc, ngày mai tôi không thể đến
viếng mộ phần của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và ba vị tiền nhân như mong ước,
hy vọng lời chia sẻ này thay cho nén hương tưởng niệm để tỏ lòng kính trọng và
niềm tiếc thương của tôi dành cho nhân vật lịch sử đã từng tranh đấu và ngã
xuống vì quốc gia Việt Nam.(Facebook Lê Công Định)
(5) Ns Tuấn Khanh: Tán gẫu đêm ma quỷ
Đêm Halloween, ngồi nói chuyện sư
sãi đời nay, nghe mà phát khiếp không kém gì kể chuyện ma. Văn minh nhân loại
dần tàn, không ít loại sư cũng như ma, cứ trộn lẫn trong đời thường chúng sinh.
Mới đây, một anh bạn hay vào
internet, gửi cho xem câu chuyện đang xôn xao khắp nơi, về một vị sư kêu gọi xây
dựng quân đội vững mạnh như Triều Tiên. Bài phát biểu được ghi lại ở Quốc Hội
Việt Nam, tháng 10/2014. Phóng viên chụp hình ghi lại khoảnh khắc ông sư mở to
miệng, mắt trừng lên quả quyết. Chiến tranh và kẻ thù chính trị có thể nhìn thấy
rõ từ miệng và mũi của ông. Sư hừng hực sát tâm.
Mọi người trong cuộc trò chuyện,
nhân đêm ma quỷ trên trần gian, nhắc nhau rằng trên thế gian này, chỉ có quân
đội Triều Tiên là duy nhất điên cuồng với lý tưởng Cộng sản, sẳn sàng chết để
bảo vệ chế độ chứ không phải là bảo vệ dân tộc hay tổ quốc. “Một bài phát biểu
có tính toán với tư duy chính trị xuyên suốt. Ông sư này không hề điên khùng, chỉ
có điên cuồng thôi”, một người nói. Khác với nhiều quốc gia khác, quân đội của
Triều Tiên lừng danh với máu lạnh và sự hy sinh vô nghĩa cho một nhà nước độc
tài nhất nguyên. Lịch sử của cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) để lại
không biết bao nhiêu là đau thương, đặc biệt là sự tàn độc của những người lãnh
đạo Cộng sản Bắc Triều. Kể cả khi rút đi vì thua trận, đạo quân này vẫn được
lệnh phải cài lại các bẫy rập, để mong giết thêm được một ít người dân miền
Nam.
Tạp chí Jane, năm 2013, các cuộc
phối hợp sáng tạo vũ khí quân sự của Mỹ và Israel, các bộ óc siêu việt nhất của
2 quốc gia này đang đi dần đến kết quả của loại vũ khí hằng mơ ước là tấn công
hiệu quả mà không cần phải sát hại bất cứ ai, thì trong khi đó, Bắc Triều lại
tìm ra cách xử tử con người ghê rợn bằng đại bác hoặc cho chó đói xé thịt. Chắc
hẳn vị sư này đã nghiên cứu và hả hê về tính tàn bạo của Bắc Triều nên nêu đích
danh quân đội này để yêu cầu Việt Nam noi theo. Không nghe ông sư này nói gì và
băn khoăn gì trước thời mạt pháp đảo điên, chính nơi xứ Việt, sư thầy, sư cô
quái gở lừng danh như những hot boy, hot girl.
Cuộc trò chuyện Halloween với những
người bạn về Phật giáo Việt Nam chắc mấy chốc trở thành một cái nhìn bao quát.
Những sự kiện náo loạn về sư, về chùa… hôm nay đọc mà đỏ mặt. Từng chuyện xâu
lại như chuỗi tràng hạt nhưng không phải để niệm lên Phật tính, mà như cào cấu
đến cõi tâm linh phải rướm máu. Đạo Phật buồn như chiều hiu hắt, mắt Phật buồn
như ngày thấy cảnh lâm chung của nhân gian.
Nước Việt trong lịch sử, trãi qua
những thời kỳ Phật giáo phát triển vĩ đại nhất như 200 năm thời Lý – Trần, khó
mà tìm được các sư lạ kỳ như lúc này. Điện thoại Iphone 6 đắt như quan tài
thượng hạng, vừa xách tay đến xứ Việt thì các sư đã có. Có sư còn đập hộp khoe
hàng. Dân chúng cười khinh khi, các sư quan trên thì tím mặt, hô to “phải kỷ
luật!”. Ai mà biết được những sư quan giận tím mặt đó, ai là đang lo lắng cho an
nguy Phật đạo, ai là lo cho những sự xa xỉ không kém của mình bị trò lố của
đồng đạo làm vỡ lỡ?
Nói theo kiểu Kinh thánh, thì nếu như sư khoe của vỗ tay,
hát rằng “ở đây ai không giấu của cải ăn xài, không hưởng thụ riêng thì hãy ném
tôi viên đá đầu tiên”. Chắc rằng sẽ không ai trong nhóm sư quan đòi kỷ luật ấy
dám giơ tay động thủ. Bởi vậy, chuyện từ bên trong lộ ra, mới nghe kể rằng ông
sư xài điện thoại sang như bí thư, chủ tịch quận đến họp kiểm điểm cười hề hề,
nhân tiện lại chụp hình post lên facebook làm vui và ra về. Chẳng ai làm được gì
ông. Tín đồ buồn giận trách ông sao lố bịch, ông trợn mắt nói là người “thẳng
thắn” mới vậy.
Những câu chuyện nước Việt đêm ma
quỷ khiến tôi nhớ lại những tháng ngày lặn lội lên các chùa làm từ thiện, nhìn
thấy mình, nhìn thấy người, tự cười rồi quay lưng ra về không bao giờ muốn quay
lại. Có chùa mở ra chuyện coi bói. Sư mập béo nghe cô gái đến đặt quẻ hỏi chuyện
tình duyên chờ ngày kết hôn đi nước ngoài, sư gầm lên, vằn vện như cọp, nói như
chính trị viên “tại sao mà cô cứ mơ màng đi mấy cái nước tư bản đó, đi đi, đi
cho chết đi!”. Có chùa xin quỹ cho trẻ em hiếu học.
Leo núi hồng hộc đến
giao quà. Đến giờ phát, tự nhiên sư trẻ giật micro giữa chương trình, hớn hở hô
to “các con phải biết ơn bác Hồ, phải thuộc 5 điều bác dạy nghe”. Người cho quà
phải giằng co, giật micro lại “Đây là quà của cá nhân chú, chú muốn tụi con
thương cha mẹ, học giỏi để đỡ đần cho cha mẹ thôi nha”. Chịu thôi, 5 điều bác
dạy, đâu có thấy dạy thương cha mẹ bao giờ. Có chùa bước vô, tượng Phật nhỏ đìu
hiu đặt bên cạnh hình ông Hồ Chí Minh to vật vã. Người miền Nam ngưỡng Phật
thiệt tình không quen mấy cảnh này. Một người bạn đi cạnh thì thầm “trời ơi,
sao kỳ vậy”, vậy mà một sư cũng nghe được, nhanh nhẹn như Hoả Hầu Vương, nhảy
ra, hỏi bằng giọng Bắc cộc lốc “cần gì?”. Thôi. Bái bai sư để đời còn vô sự.
Cũng đâu cần đến chùa. Có lần đi máy
bay vô tình ngồi kế một Sư trẻ, tưởng được nghe Phật pháp, ai ngờ nói chuyện
được một chút, nghe sư nói rắn như đang trong đồn thẩm vấn “Giáo hội Phật giáo
VN Thống nhất là một tổ chức phản động, đã chết”. Một anh bạn làm trong Liên
hội Phật ở California kể chuyện phong trào các sư trẻ cầm sự vụ lệnh qua Mỹ mở chùa,
kiếm tiền nhiều khôn xiết. Làm ăn có trưng hình Phật giờ khá lắm. Có sư làm lộ
quá bị trục xuất đuổi về. Ô hô ai tai.
Ngàn năm trước, nghe rằng khi chuẩn
bị nhập diệt, đức Phật để lại lời dặn “Thời mạt pháp, rồi chính đệ tử Như
Lai sẽ bán Như Lai”. Ở xứ Việt hôm nay, sư và chùa nhiều vô kể, nhưng kẻ
bán Như Lai cũng nườm nượp không kém chợ đời. Lời dặn của Phật đáng lưu hơn
ngàn bài giảng nơi cửa miệng của kẻ tu hành ám muội. Khoác chiếc kasaya đâu có
nghĩa là sư, miệng xưng Phật cũng đâu là Phật. Thời chính thể vô thần, khó biết
được sư khoác chiếc áo hôm nay, là che chiếc áo gì hôm qua, hay để tiện giấu
khẩu K.54. Đôi khi đi ngang chùa, nghe mõ chuông rầm rĩ, chỉ muốn chạy về ruộng
đồng để nghe tiếng mô Phật không lời, giữa thinh không.
(6) Thơ (i) Cao Tần: Chốn Tạm Dung
Nhà
tôi ở toòng teng đỉnh đồi
Buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc
Sau lưng sương ngập cao lưng trời
Trước mặt thông sầu reo đáy vực
Bắt đầu ngày bằng một
chút vui
Hát nghêu ngao trong
lòng xe rỗng tuếch
Bài ca quen bỗng chợt
quên lời
Chút kỷ niệm còn lại mất
khơi khơi
Tiếng Việt trong ta ngày mỗi héo
Hồn Việt trong ta ngày mỗi khô
Dốc mở như đời ta trước mặt
Sương kín như đời ta hôm xưa
Giang hồ một túi bài ca
cũ
Hát nhảm cho qua nốt
tuổi già
Qua những bình minh còn
ngái ngủ
Còn như chưa lạc mất quê
ta
Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
Trên đường chênh chếch nắng mênh mang
Trôi xuôi một mảnh hồn lưu lạc
Ðã chán nhân gian ở cuối đường
Chiều về lên dốc thân
tơi tả
Một quả hoàng hôn đỏ kín
trời
Mình mới ngoi lên ngày đã
ngã
Ðêm phờ lăn lóc ngủ thay
chơi
Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
Ngược xuôi ngơ ngẩn một linh hồn
Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc
Nặng trĩu nghìn cân nhớ nước non. (Tháng 5, 77)
***
Luân Hoán: về Cao Tần (Lê Tất Điều)
Ông sinh vào tháng 8
ngày 02 năm bốn hai
nghĩa là mới bảy mốt
gánh bụi nặng trên vai
như thế ông quả thật
thua tôi hơn một năm
nhưng làm anh chững chạc
chiếu thơ văn ăn nằm
với tên cha mẹ đặt
61, ông Khởi Hành
bằng một tập truyện ngắn
chạm mặt ngay công danh
tiếp theo, không thừa
thắng
nhưng vững tay tạo nên:
Kẻ Tình Nguyện, Người
Đá,
Những Giọt Mực, Anh Em
cùng Quay Trong Gió Lốc.
với Đêm Dài Một Đời,
rồi Phá Núi, Ngừng Bắn...,
Đóng Cửa Trần Gian, chơi
liệt kê thiếu thứ tự
không thể sót Ly Hương
Thơ Cao Tần, Chân Dung “bác...”
Quả Cười Đểu Mùa Xuân...
......
tôi còn phải tiếp tục
chắp tay vái dài ông
thổi vù mấy tiếng trúc
thơ Việt sinh Cao Tần
tâm trạng kẻ lạc xứ
kẻ thất trận bất ngờ
cùng bao niềm đau xót
được ông trộn vào thơ
thật giản dị trung trực
thật thanh khiết ngọt ngào
có buồn không có hận
cùng cực còn ước mơ
.....
cảm ơn ông lần nữa
Kiều Phong, Lê Tất Điều
Cao Tần vẫn một chiếu
phóng thơ lên như diều
(ii) Hồ Chí Bửu: Em và đao phủ thủ
Ta
không là cổ thụ;
Kiêu hãnh giữa rừng xanh
Ta chỉ là lá cỏ
Đao phủ thủ. Sao đành ?!
Chém lút vào quá khứ
Một trái tim dại khờ
Chém sâu vào ký ức
Bằng nỗi buồn như thơ..
Ta đong đưa định mệnh
Thả nổi số phận mình
Em tình cờ trôi đến
Cập bến bờ lặng thinh..
Lá cỏ chờ mưa xuống
Hồng ân một giọt tình
Mây vô tình bay mãi
Cuốn mưa vào điêu linh..
Một chút gì sương khói
Lãng đãng quanh đời mình
Một chút gì mệt mỏi
Trong tận cùng vô minh
Người yêu- Đao phủ thủ
Hãy chặt rớt đời ta
Bằng lưỡi đao máu lửa
Rồi mỉm cười. Hát ca..!
(28.10.14)
(ii) Nguyễn khôi: Thăm Thuận Vy
"Cận
hương tình cánh khiếp
Bất cảm vấn lai nhân"
Gần quê lòng những bồi hồi
Ngại ngùng không dám hỏi người lại qua. (Câu thơ cổ)
Anh đến Thuận Vy chiều
thu muộn
Lối xóm thênh thang chạy
khắp làng
Hoa Hòe được giá thơm
mùi nắng
Một bờ Ngô, Chuối rợp
thôn trang...
Ai đi Tây Bắc hồi năm đói
Khoai sắn mong chi có ngày về
Dựng "lều lá úa" che số phận
Mơ gì mái ngói mát chân đê ? !
Anh về Thuận Vy lòng
nhung nhớ
Mấy Bạn Thơ xưa khuất bóng
rồi !
Ngồi ngắm "Ao
thu" tăm Cá nổi
Một trời nắng quái...Vợ
tôi ơi !
(Bách Thuận- Vũ Thư- Thái Bình, chiều 31-10-2014 - Tặng Nguyễn Đình Nhữ)
..................................................................................................................
Kính,
NNS
__._,_.___
Posted by: Phung Tran