Saturday, July 16, 2016

Trang Thơ Nhạc cuối Tuần: Đất Mẹ

 

Nhìn Ra Bốn Phương : Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc cuối Tuần: Đất Mẹ - TS ...








From: "Phung Tran
To:
Sent: Friday, July 15, 2016 3:09 PM
Subject: [ChinhNghia] NNS = LaThuUcChau: Đất Mẹ

 
Lá Thư Úc Châu

Trang Thơ Nhạc cuối Tuần: Đất Mẹ

1. Đất Mẹ - Phạm Duy - Ban Hoa Xuân (1964) - GS TranNangPhung - HungThe -  NNS
https://www.youtube.com/watch?v=Qv-ym3sdmwY&list=PLmJhCxnWKaII2cmMCr6Z9dqgUhtzdOq0b&index=83

2. Phượng Sài Gòn - Vinh Sử - Trường Vũ - Gs TranNangPhung - HungThe - NNS
https://www.youtube.com/watch?v=FoV8gIeonEA&index=85&list=PLmJhCxnWKaII2cmMCr6Z9dqgUhtzdOq0b

3. Trả Lại Em Yêu - Phạm Duy - Thái Thanh - Gs TranNangPhung - HungThe - NNS
https://www.youtube.com/watch?v=LVPAsYq6v_U&list=PL7DrdNu9qBPxNtHGkmAUeSnKaiI59MoBe&index=28

4. Hà Ni và  Tôi - Ngày V - Lê Vinh - Hòang Giác - Ngc Tân - Ngc Bo - Gs TranNangPhung - HungThe - NNS

Phung Tran has shared a video playlist with you on YouTube



140
videos

PLAYLIST  by Phung Tran

Tình thân,
NNS
..................................................................................................................
Chuyện Thời sự & Xã hội

(i) Gs Ngô Nhân Dụng (NV): Khóc cá, Khóc biển, Khóc người
Hôm qua, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã tuyên án vụ Philippines kiện Trung Quốc. Tập hồ sơ 497 trang giấy đã khẳng định: “Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để đòi chủ quyền trong vùng biển nằm trong ‘đường 9 đoạn’,” cũng gọi là Đường Chữ U hay Lưỡi Bò.

Cộng đồng thế giới văn minh hoan nghênh và yêu cầu hai nước thi hành ngay phán quyết này. Cộng sản Việt Nam cũng hoan nghênh, nhân dịp tái xác nhận chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng chỉ “nói suông,” không có một lời nào yêu cầu Trung Cộng thi hành. Họ bảo “sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết” sau, khiến dân Việt Nam ngạc nhiên trước thái độ dè dặt không cần thiết này. Chỉ phán xử một phần trong số 15 điểm do Manila nêu ra, Tòa Trọng tài tuyên bố rằng, nói chung, không một hòn đảo hay bãi đá ngầm nào ở Trường Sa có khả năng duy trì đời sống con người, cho nên không chỗ nào có thể biến thành vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của bất cứ nước nào, như Trung Cộng vẫn đòi hỏi.

Tòa Trọng tài Thường trực PCA, thành lập năm 1899 tại The Hague (La Haye, Den Hagg trong tiếng Hòa Lan) do sáng kiến của Sa Hoàng nướcNga, là tổ chức quốc tế lâu đời nhất thế giới chuyên xử các tranh chấp quốc tế bằng giải pháp trọng tài. Như trong vụ xử vừa qua, tòa căn cứ vào Công ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) mà chính Bắc Kinh đã ký kết. Phán quyết của tòa PCA là một đòn đánh mạnh trên chủ trương, thái độ và các hành động xâm lấn, gây hấn của Trung Cộng từ năm 1974 đến nay, từ khi họ đánh chiếm Hoàng Sa của nước ta. 

Nhìn vào những thắng lợi của Phi Luật Tân, người Việt Nam thấy tủi thân! Tại sao dân Việt Nam không được hưởng những thắng lợi đó?...Tòa đã gay gắt lên án Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền của Philippines tại Vùng Đặc quyền kinh tế của nước này. Toà cũng kết tội các tầu hải giám Trung Quốc gây nguy hiểm khi đâm, đụng với tàu đánh cá Philippines, một điều mà đáng lẽ chính quyền Việt Nam phải đứng ra thưa kiện từ mấy chục năm trước. PCA tuyên bố một số những vùng biển đang tranh chấp hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, xác định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của nước này. 

Đây là một điểm có thể áp dụng cho Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nếu chính quyền Hà Nội dám kiện. Hơn nữa, Toà kết tội Trung Quốc đã “gây hại không thể khắc phục môi trường biển,” đặc biệt là đối với các vùng san hô. Việt Nam cũng là một nạn nhân của tội ác này! Tòa nói rõ rằng luật biển UNCLOS “không cho phép dùng một nhóm đảo để thiết lập các khu quân sự,” như Trung Cộng đang làm sát nách nước ta! Trung Cộng còn bị lên án khi xây các đảo nhân tạo ở vùng đặc quyền kinh tế của nước khác; đồng thời lại phá huỷ bằng chứng về điều kiện tự nhiên ở Biển Đông, và các hành động này làm cho xung đột ở Biển Đông thêm trầm trọng. Việt Nam là một nạn nhân trực tiếp của các hành động xâm lấn phi pháp này, nhưng lại không dám kiện!

Phán quyết của Tòa Trọng tài đã đặt một căn bản pháp lý rõ ràng, vững chắc cho tất cả các nước khác đang tranh chấp với Trung Cộng trong vùng Biển Đông. Nếu đối với Philippines Trung Cộng không có thẩm quyền trên cả vùng Chữ U, thì điều này cũng áp dụng cho tất cả các nước khác; họ có thể căn cứ vào đó mà hành động, nếu can đảm. Nhưng dân Việt Nam không hy vọng nhà cầm quyền Việt Cộng can đảm. Mà chính quyền Trung Cộng cũng biết thế. Một học sinh có tánh hay dọa dẫm, bắt nạt ở trong sân trường thường có khả năng nhìn là thấy ngay đứa bạn nào dễ bắt nạt, thằng nào đụng tới nó sẽ đánh lại ngay. Trong lúc PCA đưa ra bản phán quyết thì báo chí ở Việt Nam loan tin tàu Trung Cộng đã đánh chìm thêm nhiều tàu đánh cá Việt Nam trong vùng quần đảo Trường Sa. Việt Nam sẽ thưa kiện hay không? Tất cả những gì Philippines mới thắng đối với Trung Cộng, Việt Nam có thể còn thắng mạnh hơn! Việc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, chiếm đảo Gạc Ma năm 1988 còn đó, chưa ai quên. Tòa Trọng Tài có thể dứt khoát bắt Trung Cộng trả lại! Nhưng mấy chục năm nay rồi, Việt Cộng không hề dám hó hé. Nhưng Việt Cộng lại rất nhanh đàn áp mạnh tay những người dân Việt dám phản đối Trung Cộng. Hôm Chủ nhật vừa rồi, công an Việt Cộng đã tấn công Lã Việt Dũng, một người trong nhóm No-U, một nhóm lâu nay vẫn biểu tình chống Đường Chữ U của Trung Cộng. Anh Lã Việt Dũng bị bắt sau khi đi dự một bữa tiệc với “đội bóng No-U.” Năm sáu tên công an đã bám sát Lã Việt Dũng, xúm lại dùng gạch đánh vào đầu anh. Vụ “đánh phủ đầu” này chắc để ngăn chặn trước khi Tòa Trọng tài tuyên án, không cho nhóm No-U tổ chức ăn mừng vì PCA đồng ý với họ!...Trước đó hôm Thứ Bảy, công an tỉnh Nghệ An đã bắt và đánh tám người trong Hội Anh em Dân chủ khi họ từ Quảng Bình qua Nghệ An dự đám cưới. Các nạn nhân còn bị trấn lột mất hết tiền, giấy tờ, điện thoại và cả quần áo! Cùng ngày, công an Sài Gòn bắt cóc Nguyễn Viết Dũng đưa lên máy bay bắt trở về Vinh, rồi bị và đưa đi tra khảo. 

Trước đó nữa, ngày Thứ Năm, công an tỉnh Quảng Bình đàn áp hai ngàn đồng bào biểu tình “khóc cá,” đòi đóng cửa nhà máy thả chất độc giết cá của công ty Formosa. Nhiều đồng bào bị đánh trọng thương; như Linh mục Phero Hoàng Anh Ngoi, giáo sứ Cồn Se, huyện Quảng Trạch làm chứng. Cho công an đàn áp người dân Việt, chính quyền cộng sản đang tiếp tay cho hải quân Trung Cộng trong chiến dịch đe dọa, trước ngày Tòa Trọng Tài tuyên án. Ngoài biển thì Trung Cộng cho tập trận, bắn đạn thật, trong vùng biển nằm ngoài khơi bốn tỉnh bị nạn cá chết. Trong đất liền thì Việt Cộng bắt, đánh tất cả những người dân có can đảm phản đối Trung Cộng. Hai đảng Cộng sản cùng tấn công trên hai mặt trận, đúng như lời “vừa là đồng chí, lại là anh em!”

Sau bản án của Tòa Trọng tài phủ nhận tham vọng bành trướng của họ, Trung Cộng sẽ còn tiếp tục gây hấn. Các nước lớn trong khối G-7, không có Nga, lên tiếng yêu cầu Trung Cộng phải thi hành bản án, nhưng Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh phủ nhận hoàn toàn thẩm quyền của một tòa án quốc tế đã ngoài 200 tuổi. Trung Cộng có thể rút khỏi Công ước luật Biển Liên Hiệp Quốc năm 1982 (UNCLOS), rồi công bố một vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông để làm dữ. Tùy theo thái độ của chính phủ Philippines, Trung Cộng có thể sẽ khiêu khích, xây dựng phi trường trên bãi cạn Scarborough của Phi đã bị cưỡng chiếm. Lúc đó, Trung Cộng sẽ phải trực diện đối đầu với cả hai nước Phi và Mỹ. Trong mấy tháng gần đây Mỹ đã đưa nhiều mẫu hạm và tàu chiến tới vùng Biển Đông để biểu dương quyền tự do hàng hải. Bản án của Tòa Trọng tài cho chính phủ Mỹ một căn bản pháp lý vững vàng tiếp tục hành động này. Cuộc đương đầu trực tiếp giữa hai cường quốc khó xảy ra, nhưng nếu biết lợi dụng cơ hội này thì tất cả các nước Đông Nam Á có thể dựa vào mà cứng rắn hơn trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Điều đáng buồn cho dân tộc Việt Nam là chính quyền cộng sản chỉ tỏ ra sợ hãi và quỵ lụy đối với “đồng chí anh em” Trung Cộng. Hiển nhiên nhất là trong vụ hai chiếc máy bay Su-30MK2 và CASA 212 mất tích. Nhạc sĩ Tô Hải đã nhìn thấy chính quyền Việt Cộng “bí, bí, mật, mật, chắp vá lung tung,” khiến dân phải “đoán mò, làm câu chuyện rơi máy bay” ngày càng thêm huyền bí. Hai chiếc máy bay có đi vào vùng hải quân Trung Cộng sắp thao diễn hay không? Họ gặp tai nạn hay bị tấn công? Không ai biết! Viên phi công trên chiếc máy bay được đồng bào cứu thoát hiện nay đang ở đâu? Không ai biết! Tại sao phi hành đoàn chín người thuộc Lữ đoàn 918, Quân chủng phòng không không quân cũng chết tức tưởi? Không ai biết! Một điều Tô Hải biết chắc là nhân dân “không ai tin là nhà nước nói thật nữa!” Bây giờ Việt Cộng không thể nói chiếc CASA 212 gặp tai nạn nữa, vì dân chài đã vớt được 130 mảnh vỡ, không biết do ai bắn mà vỡ. Cuối cùng, nếu hỏi ai là thủ phạm giết chết các phi công, bắn hạ hai chiếc phi cơ, toàn dân Việt Nam sẽ chỉ tay về phía bắc! Tình trạng che đậy, bưng bít của Việt Cộng trong vụ hai máy bay gặp nạn chỉ “vạch áo cho Trung Cộng xem lưng!” Nó biết là mình sợ! Nó sẽ đe dọa mạnh hơn, làm dữ hơn, vì nó biết một chính quyền đã mất hết nhân tâm thì càng yếu, càng dễ bắt nạt!

Sau khi khóc những con cá chết oan dọc 240 cây số bở biển, sau khi khóc cả vùng biển do cha ông để lại đã bị đầu độc, bị giết chết, nay người dân Việt Nam lại khóc những phi công và quân nhân chết tức tưởi trên mặt biển nước mình, trong khi chính quyền vẫn bảo vệ bí mật!..Tô Hải kết luận niềm bí mật này “xuất phát từ thói quen “độc quyền tư tưởng”, “độc quyền ăn nói.” Liệu một dân tộc có thể chỉ biết khóc, khóc, và khóc mãi hay không? Phải gạt nước mắt, đứng lên đòi Tự do, Dân chủ!

(ii) Mạnh Kim: Nước  nhỏ nhưng lãnh đạo không nhược

Phán quyết Tòa trọng tài thường trực (The Hague) ngày 12-7-2016 nghiêng về Philippines là di sản của cựu Tổng thống Benigno Aquino III. Quan hệ kinh tế khá lệ thuộc, từng là đối tác quốc phòng với Trung Quốc, chưa kể tình trạng đất nước nghèo và quân đội yếu… vẫn không là những biện bạch mà Aquino nêu ra để lẩn tránh va chạm với một sức mạnh hung hăn luôn muốn đè bẹp mình. Cần nhắc lại, Đại sứ Trung Quốc Lưu Kiến Siêu là viên chức ngoại giao nước ngoài thứ hai, sau Đại sứ Mỹ Harry Thomas Jr, là người mà Aquino tiếp tại tư dinh ngay sau khi kết quả bầu cử tổng thống cho thấy ông chiến thắng. Quan hệ Trung Quốc-Philippines thời Gloria Macapagal Arroyo phát triển tốt và Aquino không có lý do để làm nó xấu đi. 

Chọc giận một gã khổng lồ có những biểu hiện côn đồ trong chính sách ngoại giao là điều càng không nên. Năm 2011, Aquino kinh lý Bắc Kinh theo lời mời Tập Cận Bình. Tay bắt mặt mừng, bang giao hữu hảo. Quan hệ hai nước nồng ấm đến mức Philippines có thể được xem là đồng minh, hay chí ít cũng là đối tác đáng tin cậy của Trung Quốc tại khu vực. Cho nên, tháng 4-2012, khi tàu chiến Trung Quốc đụng độ tàu chiến Philippines tại bãi đá cạn Panatag (Scarborough), Malacañang (Dinh tổng thống) gần như hoàn toàn bất ngờ. Họ không biết nên phản ứng thế nào. 

Chuyện xảy ra khi một tàu chiến Philippines vây đuổi một số tàu đánh cá Trung Quốc quanh bãi cạn Scarborough thì tàu hải giám Trung Quốc lao đến chặn lại rồi tuyên bố Scarborough thuộc chủ quyền họ. Đây là lần đầu tiên kể từ 1995 mà Trung Quốc tỏ rõ công khai chiếm hữu Scarborough. Khủng hoảng leo thang. Aquino bế tắc. Ba tháng sau, tháng 7-2012, Malacañang triệu tập họp khẩn, với sự tham dự của hai cựu tổng thống Fidel Ramos và Joseph Estrada, các nghị sĩ và thành viên nội các. Họ biểu quyết đề xuất đưa vấn đề lên ASEAN. Trong khi đó, Bắc Kinh cương quyết không quốc tế hóa vụ việc và yêu cầu vấn đề tranh chấp phải được giải quyết song phương. Họ cũng nói rõ: không được lôi Mỹ vào!

Có tên quốc tế là Scarborough (đặt theo tên chiếc tàu yểu mệnh của hãng Đông Ấn bị chìm tại đó năm 1784), bãi cạn 150 km2 này, nằm ở tọa độ 15°11′ Bắc 117°46′ Đông, được Philippines gọi là Panatag và Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham. Trong khi cách tỉnh Zambales của Philippines 229 km (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines như qui định trong Công ước LHQ về Luật Biển-UNCLOS), Scarborough cách đảo Hải Nam của Trung Quốc đến hơn 1.000 km. Philippines dẫn chứng cứ liệu lịch sử, cho thấy, Scarborough từng có mặt trong bản đồ Carta Hydrographical y Chorographics De Las Yslas Filipinas (Thủy văn địa chí bản đồ về các hòn đảo Philippines).

 Ấn hành năm 1734, tấm bản đồ này của nhà truyền giáo Tây Ban Nha, Cha Pedro Murillo Velarde, đã công nhận Scarborough là một phần của tỉnh Zambales. Tiếp đó, trong cuộc khảo sát năm 1808, Alejandro Malaspina (nhà quý tộc Ý phục vụ cho hải quân Tây Ban Nha) cũng thừa nhận tương tự. Phần mình, với lý lẽ giống như quan điểm quanh vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa, Bắc Kinh cũng nói cùn rằng Scarborough là của mình. 

Họ nói rằng dân họ là những người đầu tiên phát hiện Scarborough khi thực hiện cuộc khảo sát đo đạc và vẽ bản đồ biển Đông thời nhà Nguyên (1271-1368) rồi tiếp tục vẽ đo lần nữa vào năm 1279 bởi nhà thiên văn học Quách Thủ Kính…Sau nhiều tháng khẩu chiến, Malacañang nhận thấy điều khiến Trung Quốc sợ nhất là quốc tế hóa vấn đề. Aquino quyết định đánh vào nỗi sợ đó. Ông đưa Trung Quốc ra tòa! Ngày 21-1-2013 Philippines bắt đầu tiến trình khởi kiện Trung Quốc, dựa theo Phụ lục VII của UNCLOS. Ngày 30-4-2014, Manila đấm một cú ngoạn mục vào mặt gã khổng lồ: họ đệ trình bộ hồ sơ 4.000 trang lên Tòa trọng tài thường trực (PCA).

Trong cuộc họp báo về sự kiện này, Ngoại trưởng Albert del Rosario nói: “Đây là vấn đề bảo vệ chính đáng những gì thuộc về chúng ta. Đây là vấn đề bảo đảm tương lai thế hệ con cháu chúng ta. Đây là vấn đề bảo đảm quyền tự do hàng hải cho tất cả các nước. Đây là vấn đề giúp mang lại sự ổn định hòa bình và an ninh khu vực. Và cuối cùng, đây là vấn đề không chỉ tìm kiếm bất kỳ nghị quyết nào mà là một giải pháp công bằng và bền lâu dựa trên luật quốc tế”.

Bộ hồ sơ gồm 10 tập. Volume I (270 trang) phân tích về luật, các chứng cứ liên quan tranh chấp, và đặc biệt phân tích yếu tố pháp lý cho thấy PCA hoàn toàn đủ thẩm quyền để thụ lý và phán xét. Đây là điều cần phải nhấn mạnh, nếu không, vụ kiện sẽ không có giá trị. Volume II đến X (tổng cộng hơn 3.700 trang) chứa những chứng cứ và bản đồ ủng hộ lập luận chủ quyền của Manila…

Không phải tất cả ý kiến trong nước đều ủng hộ Tổng thống Aquino. Bắt đầu có những chuyên gia phân tích rằng Aquino đã liều lĩnh đưa quốc gia đến bờ vực rủi ro, không chỉ kinh tế mà còn quân sự. Những so sánh quân sự hai bên bắt đầu được nêu ra. Ngân sách quốc phòng Philippines không bằng 2% Trung Quốc. Dự trữ quốc gia 3.000 tỷ USD có thể giúp Trung Quốc đánh Philippines tơi tả mà không mảy may thiệt hại kinh tế. Không quân Trung Quốc có 315.000 người, Philippines chỉ có 15.000. Hải quân Trung Quốc có 255.000, Phi chỉ có 24.000 người. Trung Quốc có 2.910 máy bay quân sự trong khi Phi có vỏn vẹn 56. Trung Quốc có 19 khu trục hạm trong khi Phi không có chiếc nào. 

Trung Quốc có 4.500 tên lửa chiến thuật trong khi Phi không có một. Đừng kích động chiến tranh và châm ngòi cho chiến tranh. Nhiều ý kiến lên tiếng… Tuy nhiên, như đã thấy, Manila không run sợ. Philippines không có sức mạnh quân sự. Họ chỉ có sức mạnh tinh thần dân tộc. Vũ khí của họ là pháp lý. Lý lẽ tranh luận chủ quyền phải được xây dựng trên nền tảng pháp lý và chỉ có thể dựa vào pháp lý để bảo vệ chủ quyền. 

Cách đối đầu với một kẻ ngông cuồng không biết lý lẽ là dạy cho hắn hiểu lý lẽ là gì. Một quốc gia to lớn không có “nhân phẩm” cần phải được giáo dục về giá trị nhân phẩm quốc gia. Bằng ý chí và quyết đoán, Aquino hiểu rằng, một quốc gia yếu khác với một quốc gia nhược. Một quốc gia yếu luôn cần một bộ máy lãnh đạo mạnh, có đủ dũng khí để đương đầu thế lực ngoại xâm, bằng bất kỳ phương tiện và cách thức gì, bất chấp nó hung hăng thế nào, và đặc biệt, luôn có đủ tự trọng để không hổ thẹn với người dân.

Trong số hàng triệu người dân Philippines đang vui mừng hôm nay trước phán quyết PCA, chắc chắn có không ít người nhớ đến Aquino. Trong số người dân nhiều quốc gia châu Á đang theo dõi sự kiện này, hẳn có không ít người nghĩ rằng các nước nhỏ châu Á khác đang cần có những lãnh đạo như Aquino. Mặc cảm tự tròng vào cổ cái gọi là “lời nguyền địa lý”, cùng những viện dẫn tự ti về yếu kém quân sự, chẳng gì hơn là lớp tráng phủ ngụy biện được dùng để che một sự thuần phục cúi đầu.

*** Trần Quốc Việt: Nương theo dòng lệ em, tôi khóc cho Quê hương mình
Em khóc và tôi muốn khóc theo em. Những giọt lệ rơi trên má em mà cũng rơi vào lòng tôi.
Em khóc cho nước Phi còn tôi nương theo dòng lệ em mà khóc cho nước Việt. Đôi mắt em đỏ và ngấn lệ như cứa vào lòng tôi, một người Việt Nam yêu nước chưa bao giờ được khóc công khai cho quê hương mình.
Tôi cúi mặt trước em và trước nước Phi em. Em đã thể hiện lòng yêu nước tự nhiên và trong trắng mà nhờ đó nước em đã can trường chống lại gã hàng xóm bá quyền Trung Quốc. Tôi là người láng giềng với em, thấy quê hương gục ngã trước gã hàng xóm ấy mà lại bị áp bức khi muốn đứng lên phản kháng. Nước mắt lại càng hiếm hoi khi chế độ toàn trị ở đây hầu như đã tiêu diệt những hành động thể hiện lòng yêu nước của đa số người dân.

Em khóc mừng cho tương lai tươi sáng của nước em. Tôi khóc cho số phận bi thương của nước tôi khi hàng triệu người dân cúi mặt xuống với bao lo toan cuộc đời mà không màng đến sự tồn vong của quê hương. Tôi khóc vì không được khóc như em vì tôi không được xuống đường, không được phản kháng kẻ thù truyền kiếp trên đất mình.
Tôi khóc khi thấy người Miến Điện khóc vào ngày bầu cử tự do đầu tiên của họ sau hàng chục năm dưới gót sắt độc tài. Hôm nay tôi khóc khi thấy em khóc vì chính nghĩa và lương tri của nước em đã thắng vũ lực.
Nước mắt em chảy lặng lẽ mà sao cứ dội vang mãi trong lòng tôi! (14.07.2016 - FB TranQuocViet)

(iii) Người Buôn Gió: Formosa, chuyện thế là thôi?
Ngày hôm nay báo chí đã không còn nhắc đến câu chuyện về Formosa. Một lệnh cấm từ Ban Tuyên Giáo Trung Ương xuống báo chí, không được nhắc đến việc đòi truy tố hoặc xử phạt Formosa, không được bàn đến chuyện 500 triệu usd do Fomosa đền bù. Lệnh cấm này được phát đi trong một cuộc họp mà Đinh Thế Huynh, Phạm Minh Chính, Võ Văn Thưởng cùng có mặt. Đây là nhóm đại diện cho Bộ Chính Trị để quản lý thông tin, truyền thông theo định hướng. Nhiều bài báo thuyết phục có tính khoa học chặt chẽ đã bị rút xuống.

Nếu nhìn toàn bộ sự việc Formosa xả thải độc tố gây nên thảm hoạ cá chết đến bây giờ. Rõ ràng thấy sự nhất quán của Đảng và Chính Phủ Việt Nam luôn có ý bao che cho Formosa. Từ lúc TBT Nguyễn Phú Trọng vào thăm, trấn an tập đoàn này với thông điệp ngầm, ông ta sẽ bảo trợ cho Formosa bất kể có chuyện gì xảy ra đi nữa. Một lãnh đạo cao cấp nhất, dày dạn chính trường, đến thăm một nghi phạm với những lời lẽ khen ngợi. Hẳn ai cũng hiểu thông điệp là gì...Sau đó là những bức xúc cuồn cuộn của người dân hướng về Formosa bị hạ nhiệt bởi những tin tức mà nhà cầm quyền đưa ra như thuỷ triều đỏ, tảo nở hoa, chấn động nứt gãy bề mặt trái đất, thay đổi khí hậu toàn cầu... Mặt khác nhà cầm quyền vu khống những bức xúc của người dân về vụ việc này là do thế lực phản động xúi dục, kích động nhằm mục đích xấu phá hoại đất nước. 

Đấy là những đòn phép của nhà cầm quyền trên những thông tin chính thức. Bên ngoài lề mạng xã hội, những dư luận viên tung ra đủ các chiêu trò oái ăm hơn để dư luận phải dồn bức xúc sang các hướng khác. Chẳng hạn như tập trung hướng mũi dư luận vào những người đã về hưu như ... về thời điềm cấp phép cho Formosa trước kia. Đây là những chiêu tinh vi của thế lực cầm quyền hiện tại muốn chối bỏ trách nhiệm của chúng. Chúng đẩy hướng dư luận sự việc đến không gian rộng hơn như các nguyên nhân thuỷ triều đỏ, tảo nở hoa, chấn động, khí hậu... và thời gian xa hơn là thời điểm Formosa bắt đầu vào Việt Nam. Khiến cho dư luận chạy theo tản vào từng hướng và mất đi sự bức xúc tập trung một điểm. Cấp phép 70 năm cho Formosa là sai, nhưng cấp phép đúng 50 năm thì Formosa sẽ không xả chất độc vào hồi tháng 4 năm 2016 chăng? Đưa truy tố những kẻ rước Formosa vào thì truy tố theo tội danh gì, chứng cứ gì để kết tội những kẻ này ký kết đồng ý cho Formosa vào Việt Nam để đế 8 năm sau cho phép Formosa xả chất độc?

Tương tự như ở vụ Hoàng Sa, Gạc Ma. Lẽ ra phải hướng dư luận tới thời điểm quân Trung Quốc dùng vũ lực tàn sát và chiếm những hòn đảo này ở những thập niên gần đây nhất, trong khi quân đội Việt Nam đang chiếm giữ ôn hoà. Đảng CSVN lại né tránh chứng cứ thực tại, sự việc gần nhất để phát động cuộc tìm kiếm tư liệu lịch sử chứng minh chủ quyền cách đây mấy trăm năm trước đó. Để rồi dư luận và trí thức sa vào mớ bản đồ cổ hão huyền với Trung Quốc mải miết so đo chứng cớ. 

Cuộc phát động tìm hiểu chủ quyền biển đảo của cộng sản VN cực thâm độc ở chỗ là xui dân chúng, nhân sĩ, trí thức chạy xa rời chứng cứ thực tế gần nhất là máu và sinh mạng người lính, những chứng cớ thuyết phục và gây ấn tượng nhất với quốc tế. Nó giúp che đậy tội ác đẫm máu của Trung Quốc và đẩy dư luận quốc tế vào mớ bòng bong của những chứng minh từ những tờ giấy ố vàng mà ai cũng ngại phải bỏ thời gian , đầu tư khoa học giám định.

Trong khi việc Formosa xả thải là việc bây giờ, chuyện đòi truy tố Formosa là việc của bây giờ, việc cầm 500 triệu usd là việc của bây giờ lại bị Bộ Chính Trị hiện nay cấm nhắc đến trong những tờ báo lớn do bộ thông tin truyền thông quản lý. Lý do bởi liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của các cá nhân  Bộ Chính Trị hiện nay, thì không được bàn. Có lẽ chỉ còn rơi rớt những tờ báo hay trang web địa phương không thuộc diện quản lý của bộ thông tin truyền thông còn đề cập đến việc này, trước khi ngừng hẳn sau lệnh của trưởng ban tổ chức trung ương Phạm Minh Chính đến địa phương.

 Nếu muốn truy tố những kẻ cấp phép và rước Formosa vào, trước tiên Bộ Chính Trị , Chính Phủ hiện nay phải  giao cho Bộ Công An, Viện Kiểm Sát thực hiên điều tra khách quan hành vi phạm tội của Formosa trên căn cứ luật hình sự, thống kê thiệt hại chính xác và khoa học. Bất cứ kẻ nào phạm tội trên đất nước Việt Nam đều phải xử lý theo đúng pháp luật Việt Nam. Tội của Formosa đã gây thiệt hại đến sinh mạng và sức khoẻ con người Việt Nam, môi trường sống và thu nhập kinh tế của người dân Việt Nam. 

Chừng ấy đủ để truy tố Formosa về mặt hình sự và bồi thường theo mặt dân sự. Từ bản án của toà phán quyết về vi phạm hình sự của Formosa, lấy đó làm căn cứ để điều tra tiếp việc các cơ quan hiện nay có trách nhiệm gì ở vụ này, và tới nữa là việc cấp phép cho công ty này có những sai phạm gì, để xử lý hoặc truy tố những kẻ cấp phép các tội tham ô, nhận hối lộ tiếp tay hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, làm sai nguyên tắc quản lý...Đây mới là hướng đi khách quan, đúng tính chất sự việc, đúng trình tự pháp luật cần được quan tâm và hối thúc. Nhưng hướng đi này đã bị Bộ Chính Trị hiện nay chỉ đạo báo chí, công an và dư luận viên đánh lạc hướng bằng những chuyện gián tiếp từ nhiều năm trước và bỏ đi phần trực tiếp lỗi ngày hôm nay.

Sẽ không truy tố được những kẻ cấp phép cho Formosa nếu không truy tố Formosa vì sai phạm của công ty này. Đó là điều hiển nhiên, chính phủ đã tự tiện dẫm lên luật pháp cầm tiền bồi thường và thỏa thuận cho Formosa xin lỗi. Đề nghị nhân dân tha thứ cho Formosa, đồng thời đàn áp trù dập, bịt miệng những ai đòi truy tố Formosa. Một khi chính phủ hiện nay đã dung túng và bao che cho Formosa như vậy, đòi hỏi truy tố những kẻ cấp phép cho Formosa chỉ là hướng vạch ra cho dư luận đi vào chỗ rối mù mịt và cuối cùng là mệt mỏi buông xuôi.
Câu chuyện về Formosa đến thế là thôi?. (Nguồn: nguoibuongio1972.blogspot.com)

(iv) Li Minh (TQ): Trăm năm nữa TQ cũng không có tư tưởng gì mới
Lời người dịch: " Người Trung Quốc (TQ) thường tự hào có nền văn minh vào loại sớm nhất thế giới và may mắn tồn tại cho tới nay chứ không bị phá hủy tàn lụi như các nền văn minh Lưỡng Hà, Hy Lạp, La Mã, v.v… Nhưng đúng là suốt hơn 5.000 năm qua họ chưa cống hiến cho nhân loại một tư tưởng đáng kể nào. Bài dưới đây bàn về căn nguyên của tình trạng ấy, nhưng tác giả Li Ming một mặt đổ diệt mọi tội lỗi lên đầu Khổng Tử và học thuyết Nho giáo của ông, mặt khác lại đề cao quá mức Lão Tử – người chưa hề đưa ra triết lý nào ảnh hưởng tới nhân loại. Tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng TQ từng viết: Hegel nói: “TQ không có triết học”. Tôi nhận định TQ không thể có nhà tư tưởng, chỉ có nhà chiến lược.".

Trên mạng có lưu truyền một phán đoán của bà Thatcher cố Thủ tướng Anh như sau: "Các bạn căn bản chẳng cần lo ngại về Trung Quốc, bởi lẽ trong tương lai vài chục năm thậm chí một trăm năm nữa, Trung Quốc không thể nào đem lại cho thế giới bất kỳ tư tưởng mới nào". 

Cho tới hôm nay, đồng bào chúng ta còn chưa thấy giá trị và ý nghĩa quan trọng nhất của tín điều chân lý “người người bình đẳng” đối với “nguồn động lực văn minh” căn bản nhất của một dân tộc, xã hội, quốc gia; đồng bào ta còn biện hộ cho sự giết người của Khổng Tử,[1] biện hộ cho sự thuyết giáo giả dối về “Lễ Nhạc” của Khổng Tử, biện hộ cho “Thuyết Thiên mệnh, Thuyết Huyết thống, Thuyết Tôn pháp, Thuyết Nhân trị, Thuyết Cực quyền, Thuyết Chuyên chế” mà Khổng Tử triệt để bảo vệ; tóm lại là biện hộ cho “Quan bản vị” của chế độ phong kiến.

 Cho tới nay người ta còn nói Khổng Tử từng là người có những chủ trương đúng đắn trong lịch sử Trung Quốc, nói ông ta là “hạt giống” ưu tú của nền văn hóa truyền thống hơn 2.000 năm qua, thậm chí còn mù quáng đi tìm trong truyền thống văn hóa Nho giáo của Khổng Tử những nguồn tài nguyên văn hóa hiện đại như “hiến chính”, “dân chủ”, “tự do”, “nhân văn”…

Ai có thể nghĩ rằng những người Trung Quốc ấy là một cộng đồng có “tư tưởng” được nhỉ? Đề nghị các văn nhân Trung Quốc cho tôi biết: trong nền văn hóa truyền thống của con người và dân tộc từng chôn vùi niềm tin chân lý “người người bình đẳng” liệu có thể có “nguồn tài nguyên” văn hóa hiện đại như “hiến chính”, “dân chủ”, “tự do”, nhân văn” được chăng? Đầu óc quý vị sinh ra và lớn lên như thế nào vậy? Những người sở hữu loại đầu óc ấy liệu có thể có tư tưởng đích thực của con người ư?

Tôi rất kinh ngạc khi thấy tại sao các nữ chính khách phương Tây lại đều trực tiếp phê bình Trung Quốc và tất cả họ đều bất lịch sự nói ra những lời vô cùng khó nghe. Gần đây trên mạng có đưa tin về bài diễn văn tại Đại học Harvard của bà Hillary, vợ cựu Tổng thống Mỹ Clinton, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ. Trong bài nói này bà Hillary đã phê bình người Trung Quốc theo kiểu như vậy. Lời bà ấy nói gay gắt không kém bà Thatcher chút nào, hơn nữa lại còn cụ thể hơn: “Sau đây hai chục năm Trung Quốc sẽ trở thành nước nghèo nhất trên toàn cầu.”.

 Căn cứ của bà Hillary là:
1- Xét về số người xin ra nước ngoài định cư thì 90% gia đình quan chức và 80% nhà giàu Trung Quốc đều đã xin di cư hoặc có ý định di cư. Vì sao tầng lớp thống trị và tầng lớp quyền thế của một quốc gia lại mất lòng tin vào đất nước mình như vậy? Đây thật là điều khó hiểu!

2- Người Trung Quốc không hiểu mình nên gánh vác những trách nhiệm và nghĩa vụ gì đối với nhà nước và xã hội với tư cách một cá thể của xã hội, lại càng không hiểu về trách nhiệm và nghĩa vụ nên đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Về cơ bản, nền giáo dục và các phương tiện truyền thông Trung Quốc đều căm ghét hoặc ma quỷ hóa các dân tộc khác và nước khác,[2] làm cho nhân dân Trung Quốc mất lý trí và mất sự phán đoán công bằng.

3- Trung Quốc là một trong số ít những quốc gia đáng sợ trên thế giới không có tín ngưỡng. Thứ duy nhất toàn dân từ trên xuống dưới sùng bái là quyền lực và tiền bạc, ích kỷ tự tư tự lợi. Một quốc gia lớn mà không có tình thương yêu con người, đánh mất sự đồng tình thì sao có thể giành được sự tôn trọng và tín nhiệm của cộng đồng quốc tế?

4- Cái gọi là chính trị của Chính phủ Trung Quốc chẳng có gì ngoài sự lừa dối nhân dân, đi ngược lại tính người. Đại chúng nhân dân Trung Quốc ngày xưa là nô lệ của quyền lực, ngày nay diễn biến thành nô lệ của đồng tiền. Một quốc gia như thế sao có thể được tôn trọng và tín nhiệm?

5- Phần lớn người Trung Quốc từ trước tới nay chưa được học về ý nghĩa của một cuộc sống có thể diện và được tôn trọng. Dân chúng Trung Quốc cho rằng tất cả những gì cuộc đời cần giành được là quyền lực và tiền bạc, và họ coi như thế là thành công. Toàn dân tham nhũng, suy đồi, mơ hồ – một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử nhân loại!

6- [Người Trung Quốc] mặc sức phá hoại môi trường, gần như điên cuồng chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên. Lối sống vô độ, phí phạm ấy cần tới mấy Trái Đất để thỏa mãn nhu cầu? Như thế sao mà không làm cho các nước khác lo ngại?!
Tiếp đó bà Hillary phê bình: Chính phủ Trung Quốc không thể cứ tập trung sự chú ý của mình vào nước khác và chuyển dịch sự quan tâm của dân chúng Trung Quốc sang các nước khác, tạo ra kẻ địch của mình, chuyển sức ép mình đang gánh chịu sang cho thế giới bên ngoài gánh chịu.

 Họ nên đi theo trào lưu thời đại và xu thế của văn minh nhân loại, chủ động thay đổi quan điểm, quan tâm tới đời sống của nhân dân, coi trọng dân chủ, không thể từ chối và áp chế nhân dân một cách vô trách nhiệm. Nếu không thì Trung Quốc chỉ có thể ngày càng mất ổn định, sẽ xuất hiện những biến động xã hội lớn và tai họa nhân đạo. 20 năm sau, Trung Quốc sẽ trở thành nước nghèo nhất thế giới. 

Điều đó có lẽ sẽ là tai họa của toàn nhân loại, cũng vậy, sẽ là tai họa của nước Mỹ. Phê bình càng cụ thể càng gây ra phản cảm. Vì thế sự phê bình của Hillary thường bị người Trung Quốc dùng mọi cách đối phó lại, còn lời phê bình của bà Thatcher thì người Trung Quốc chẳng thấy phản cảm gì hết, họ đều cho rằng đấy chẳng qua là “lời lẽ điên rồ của một bà lão” mà thôi.

Tôi thì lại cho rằng toàn bộ lời lẽ của hai bà ấy đều nói trúng điểm yếu của người Trung Quốc. “Điểm yếu” gì vậy? “Điểm yếu” về bản chất toàn bộ nền văn hóa, chính trị, kinh tế trong lịch sử truyền thống Trung Quốc. Lời phê bình của họ hoàn toàn nhất trí với sự phê bình của chúng ta về các “tội ác” của “truyền thống văn hóa”, “truyền thống chính trị”, “truyền thống kinh tế” của Khổng Tử và Nho giáo của ông. Người Trung Quốc chúng ta ngày nay thực ra vẫn sống trong toàn bộ “truyền thống” lịch sử (văn hóa, chính trị, kinh tế) của Khổng Tử và Nho giáo của ông. Chẳng cần nói quá nhiều, ít nhất có ba điều như sau: về văn hóa là nói dối, về chính trị là cấm [dân] nói, về kinh tế là bóc lột và lừa bịp. Xin hỏi đó chẳng phải là những sự thật vô cùng rõ ràng đấy sao?

Sau khi văn hóa phương Tây vào Trung Quốc – kể cả việc hình thái ý thức “chủ nghĩa xã hội – chủ nghĩa cộng sản” Marxist sau khi du nhập vào Trung Quốc, quả thực đã mang lại ảnh hưởng sâu sắc của niềm tin chân lý “người người bình đẳng” xưa nay chưa từng có trong truyền thống Trung Quốc. 

Có một điều rất hiển nhiên: trong ý thức của người Trung Quốc suốt hơn 2000 năm qua tuyệt đối không tồn tại sự phân chia giai cấp về cái gọi là giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột, giai cấp hữu sản và giai cấp vô sản. Trong lòng người Trung Quốc chỉ tồn tại mối quan hệ quân thần, quan dân vĩnh viễn đúng, không thể thay đổi. Còn một điều hiển nhiên nữa: đúng là tại Trung Quốc ngày nay mối quan hệ quan-dân đã được cải thiện rất lớn, không còn tình trạng như thời xưa vua quan mặc sức làm mọi điều ác với dân. Ít nhất thì ngày xưa không thể có những lời nói ngoài miệng “phục vụ nhân dân” như ngày nay, tuy rằng có lúc cũng xảy ra những sự kiện xấu tương tự, thí dụ kiểu xác định tội danh dựa vào lời nói, hoặc “án văn tự” [nguyên văn Văn tự ngục].

Cho dù thế nào, Trung Quốc hiện đại và cận đại so với bọn vua quan, đế quốc ngày xưa đúng là khác rất nhiều và nên nói là đã tiến bộ nhiều. Nhưng xét về căn nguyên của sự tiến bộ ấy, tôi vẫn cho rằng đó là do ý thức “người người bình đẳng” trong đầu óc người dân Trung Quốc đã thực sự tăng lên nhiều. Không ai có thể phủ định điều này, thế nhưng dù vậy bản chất của lịch sử Trung Quốc, cũng tức là bản chất ý thức hệ của Khổng Tử và Nho giáo của ông, thì vẫn chưa bị nhổ tận gốc, thậm chí nó vẫn còn gây tác dụng cực xấu rất rõ ràng ngăn trở lịch sử Trung Quốc tiến lên. Đây chính là nguyên nhân sâu sắc vì sao tôi phải kiên quyết phê phán “truyền thống văn hóa, chính trị, kinh tế” của Khổng Tử và Nho giáo. Ngày nay đa số mọi người chỉ hời hợt nhìn thấy ảnh hưởng của “chủ nghĩa Marx-Lenin” thời kỳ gần đây mà hoàn toàn không nhìn thấy ảnh hưởng lịch sử có tính bản chất hơn ở tầng sâu của Khổng Tử và Nho giáo. Chính ảnh hưởng lịch sử ngoan cố ở tầng sâu ấy đã gây ra tình trạng người Trung Quốc căn bản không có “tư tưởng” – bà Thatcher đã nói đúng điểm đó, rồi bà Hillary khi đào bới tình hình lịch sử nhân tính Trung Quốc cũng nói tới điểm đó.

Cho dù như vậy, tôi vẫn cứ phải phản bác họ. Bà Thatcher có thể nói trước kia người Trung Quốc không có tư tưởng, cũng có thể nói cho tới nay người Trung Quốc vẫn chưa có tư tưởng, nhưng khi bà nói thậm chí sau đây 100 năm nữa người Trung Quốc vẫn không có tư tưởng, thì thực ra bà ta thật sự không biết gì. Chẳng riêng bà Thatcher không biết mà trên thực tế toàn bộ giới tư tưởng, giới trí thức phương Tây cũng không biết gì. Đáng buồn là giới học thuật Trung Quốc ngày nay cũng thế, họ hoàn toàn chẳng biết gì, họ căn bản đã tê liệt cảm giác. Chính vì vậy mà phần đông họ vẫn như cũ, đang yêu cầu tiếp tục kiên trì “tôn Khổng”,[3] yêu cầu tiếp tục phục hồi giáo dục truyền thống Khổng-Nho. Thật là những thây ma còn sống.

Cái vô tri mà tôi nói là sự vô tri của toàn thế giới đối với tư tưởng “Đạo đức kinh” của Lão Tử, tức sự vô tri của giới tư tưởng, giới trí thức phương Tây đối với tư tưởng “Đạo đức kinh”, cũng là sự vô tri của giới trí thức trong nước Trung Quốc. Tất thảy họ đều không nhìn thấy cái vĩ đại của tư tưởng “Đạo đức kinh”, lẽ tự nhiên lại càng không nhìn thấy sẽ có một ngày nào đó, bắt đầu từ thế kỷ 21, người Trung Quốc sẽ phát hiện thấy sự vĩ đại của tư tưởng Lão Tử và tích cực chủ động tham gia học tập rộng rãi, truyền bá, nghiên cứu sâu và phát huy sâu sắc tư tưởng Lão Tử. Nếu đã thực hiện điều đó mà có ai còn bảo rằng người Trung Quốc không có tư tưởng thì kẻ ấy thật sự là kẻ mù.

Đây gần như là một cuộc đua, tức cuộc đua giữa dự đoán của bà Thatcher với dự đoán của tôi. Lẽ tự nhiên cũng gồm cả cuộc đua càng căng thẳng hơn để xem dự đoán của bà Hillary rốt cuộc có thể thực hiện được hay không, cuối cùng ai sẽ thắng? Tuy rằng tôi có quyết tâm mạnh mẽ, thậm chí có niềm tin, nhưng nói cho đến cùng đây không chỉ là việc của một cá nhân tôi mà là việc của toàn bộ dân tộc Trung Hoa! Các đồng bào của tôi liệu có thể nhận thức được sự vĩ đại của Lão Tử hay không đây? Điều quan trọng hơn là liệu đồng bào tôi có thể trước tiên nhìn thấy căn nguyên lịch sử của việc mình chưa có “tư tưởng” hay không? Ít nhất những người thuộc vào cái “ý thức hệ” cho tới ngày nay vẫn còn mù quáng kiên quyết yêu cầu trở lại với Khổng Tử và Nho giáo – những người đó căn bản không có bất kỳ “tư tưởng” nào đáng nói. Họ chẳng thể nhìn thấy [căn nguyên lịch sử của việc mình chưa có “tư tưởng”].

Nếu tất cả đều như vậy thì quả thật bà Thatcher đã nói trúng một cách hoàn toàn, triệt để, sâu sắc về tương lai của người Trung Quốc. Đồng thời dự đoán của bà Hillary cũng rất có thể trở thành hiện thực tàn khốc của Trung Quốc 20 năm sau.

Sở dĩ tôi cho rằng người Trung Quốc nên cảm ơn bà Thatcher và bà Hillary, đó là do hai bà đã đem lại cho người Trung Quốc sự kích thích của lời phán đoán tràn đầy lực va đập tinh thần mạnh mẽ. Liệu người Trung Quốc có thể dũng cảm đứng dậy và qua đó dùng tư tưởng vững vàng của dân tộc mình để trả lời hai bà không? Song le cái tư tưởng ấy phải thật sự là tư tưởng chính tông của người Trung Quốc mà tuyệt đối không phải là tư tưởng do người phương Tây bán sang rồi được người Trung Quốc thay hình đổi dạng bên ngoài.[4] Người Trung Quốc hoàn toàn có thể mạnh bạo hơn mà căn bản chẳng cần cảm thấy mình thấp kém phương Tây một cái đầu.

 Nhưng cái người Trung Quốc thực sự có tư tưởng, thực sự có tư tưởng mới đối với toàn thể nhân loại ấy, phải là người Trung Quốc đã có được sự nhận thức hoàn toàn mới về Lão Tử vĩ đại và đi theo Lão Tử, chứ không phải là [đi theo] kẻ thuần túy lưu manh văn hóa, chính trị như Khổng Tử, và bọn lưu manh mới của Trung Quốc đang bám theo kẻ lưu manh cũ Khổng Tử. Thực ra xét trên ý nghĩa “văn minh” nghiêm chỉnh về tư tưởng thì tất cả bọn Tân Nho gia, Tân tân Nho gia thời cận đại và hiện đại đều là bọn “lưu manh mới”, tự giác hoặc không tự giác.

(Tác giả LiMing, âm Hán-Việt là Lê Minh, triết gia Trung Quốc, sinh 1944, chủ yếu nghiên cứu logic học, lý thuyết điều khiển, và văn hóa nhân loại học. Viết nhiều, trong đó loạt bài trên mạng Phượng Hoàng phê phán mạnh Khổng Tử được dư luận quan tâm nhiều.
(Nguồn:
中国人应该感谢撒切尔夫人中国人再过一百年,也不会有新思想?黎 - Theo Nghiên Cứu Quốc Tế - Nguyễn Hải Hoành dịch)

Chú thích: [1] Trong bản gốc tác giả dùng từ Khổng Khâu, tức tên thật của Khổng Tử. Chúng tôi dùng từ Khổng Tử cho dễ hiểu. Lỗ Tấn từng lên án chế độ lễ giáo phong kiến tôn ti trật tự kiểu “mối quan hệ Quân-Thần (Vua-Tôi)”
君臣关系 do Khổng Tử đề xướng là chế độ ăn thịt người. Khổng Tử đặt lòng trung thành tuyệt đối với “minh chủ” lên vị trí cao nhất trong “Tam cương”, vì minh chủ mà người ta phải hy sinh tất cả. Tư tưởng “trung quân” đã ăn sâu vào tiềm thức người TQ, trở thành đặc tính dân tộc, xưa là trung với vua, nay là trung với lãnh tụ hoặc đảng lãnh đạo, trở thành mảnh đất nuôi dưỡng chế độ chuyên chế độc tài. Tam quốc chí có kể chuyện thợ săn Lưu An tôn sùng Lưu Bị (chỉ vì Bị là hoàng thân nhà Hán) đến mức đã giết vợ mình lấy thịt làm món ăn lạ đãi Bị. Khi biết sự thật, Bị không mắng An mà còn khóc vì lòng trung thành của An và ban thưởng cho An. Bị cảm kích nói “Anh em như chân tay, đàn bà như quần áo”.

 Trong Đại Nhảy Vọt 1958-1960, chính quyền địa phương thấy nông dân chết đói như rạ cũng không cứu dân (dù kho lương thực đầy ắp), không dám báo cáo lên trên vì sợ như vậy là vạch ra sai lầm của Mao. Trong Cách mạng Văn hóa, chỉ vì tỏ lòng trung thành với Đảng, với lãnh tụ mà người TQ đã có những thể hiện mất hết nhân tính, như con đấu cha, vợ đấu chồng, thanh thiếu niên Hồng Vệ Binh tra tấn dã man các bậc cao tuổi, và tổ chức bắn giết, làm chết hàng triệu người (ND). // [2] Dân mạng TQ hiện nay hỗn xược gọi người Việt Nam là “Việt hầu”, tức "khỉ Việt". Ý nói VN chỉ giỏi bắt chước mà không có tinh thần độc lập (ND). // [3] Tôn Khổng, có thể hiểu là tôn thờ Khổng Tử (ND). // [4] Ý nói tư tưởng Mao Trạch Đông là chủ nghĩa Marx-Lenin đã TQ hóa (ND).

*** Nguyễn Gia Kiểng: 1. Khổng Giáo và Khổng Tử
Trước khi bàn về Khổng Giáo cần đặt ra ngoài vòng trách nhiệm một nhân vật: ông Khổng Khâu. Ông này thường được gọi một cách tôn kính là Không Phu Tử hay Khổng Tử. Người á Đông, nhất là người Trung Quốc và người Việt nam, gọi ông là “Đức Khổng”, coi ông như một vị thánh, thánh tổ của một tôn giáo. Không thiếu những tác phẩm nói đến “Đạo Khổng”.

Khổng Khâu sinh năm 551 trước Tây lịch và mất năm 479 trước Tây lịch, nghĩa là ngay chính giữa một thời đại dài 500 năm (722-221 trước Tây lịch) mà lịch sử gọi là thời Xuân Thu Chiến Quốc. Lúc đó Trung Quốc đã có gần bốn ngàn năm lịch sử rồi. Theo sử Trung Quốc thì vị vua đầu tiên là Phục Hi (4480-4365 trước Tây lịch) đã đặt ra tám quẻ bói toán để dò ý trời đất, quỉ thần. Niên đại có thể không được chính xác, nhưng sự kiện này chứng tỏ rằng ngay từ một thời đại rất xa xưa, khi hầu như cả nhân loại còn rất bán khai thì xã hội Trung Quốc đã tiến hóa đến mức những băn khoăn siêu hình đã xuất hiện. 

Từ quá trình lịch sử rất dài đó đã hình thành một sinh hoạt văn hóa và chính trị có nền nếp: Nho Giáo. Thời đại của Khổng Tử là thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng là thời nhà Chu, một triều đại kéo dài hơn 900 năm, từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 3 trước Tây lịch. Nửa đầu nhà Chu rất ổn định, nhưng từ nửa sau thế lực của chính quyền trung ương suy yếu đi, đến độ phải dời đô về phương Đông để tránh giặc. Các nước chư hầu không còn thần phục trung ương nữa, mặc sức tranh giành và thôn tính lẫn nhau. Khổng Tử sinh sống trong nửa sau này. Lúc đó Nho Giáo đã thành hình từ rất lâu rồi
.
Nho Giáo là một hệ thống giáo dục và đào tạo những người phục vụ cho các vua chúa, vua nhà Chu cũng như các vua chư hầu. Chữ “Nho” trong tiếng Trung Quốc gồm một chữ “Nhân”, có nghĩa là người, bên cạnh một chữ “Nhu” có nghĩa là cần thiết. Như vậy “nho” có nghĩa là người cần thiết để giúp các vua chúa trị nước. Cần hiểu rõ như vậy để đừng ngộ nhận coi Nho Giáo là một triết lý. Nho Giáo chỉ là sự giảng dạy những đức tính và kiến thức phải có để được chọn ra làm quan; nói theo ngôn ngữ ngày nay, đó là một chương trình đào tạo công chức. Không phải ai theo học đạo Nho cũng đều được làm quan. 

Vào thời nhà Chu và trước đó, những người được chọn để ra làm quan được gọi là “sĩ” và được đặt dưới quyền quản lý của một quan tư đồ; họ được huấn luỵện sáu nghề: lễ (các nghi thức), nhạc, xạ (võ và ban cung), ngự (điều khiền xe, ngựa), thư (ghi chép tài liệu) và sổ (bói toán). Nếu lấy hình ảnh thời nay thì “sĩ” là những học viên của một trường quốc gia hành chính, với một khác biệt căn bản là các học viên tốt nghiệp không phục vụ một quốc gia mà làm đầy tớ cho một người chủ.

Xã hội Trung Quốc từ ngày lập quốc đến rất lâu sau khi Khổng Tử ra đời và mất đi, cần nhấn mạnh là rất lâu sau khi Khổng Tử mất, được chia làm ba giai cấp vương hầu, quân tử và tiểu nhân. Sự phân chia này thuần túy dựa vào chỗ đứng trong xã hội chứ không mang một nội dung đạo đức nào. Vương hầu là những quí tộc giàu có, có đất đai và nông nô. Tiều nhân, còn gọi là dân, là nhưng nông nô bần cùng sống dưới sự thống trị của giai cấp quí tộc, dĩ nhiên giai cấp tiểu nhân chiếm tuyệt đại đa số trong xã hội. Quân tử là giai cấp trung gian giúp giai cấp quí tộc thống trị giai cấp tiểu nhân.

Phần lớn nhân sinh quan của Khổng Khâu được ghi chép lại trong sách Luận Ngữ. Khổng Khâu làm công việc đào tạo ra các quân tử, ông vạch ra một người quân tử kiểu mẫu. Thường thường những lời giáo huấn của Khổng Khâu có hai vế: “Người quân tử thì… còn kẻ tiểu nhân thì….” Khổng Tử không tiết kiệm lời đề cao người quân tử và cũng không tiếc lời mạt sát đám tiểu nhân. Ông đứng hẳn về phía các vua chúa. Trong lịch sử Trung Hoa và thế giới chưa có ai có thái độ khinh bỉ đối với quần chúng bằng ông.
Điều rất đáng ngạc nhiên là tuyệt đại đa số những người bàn luận về Khổng Giáo không hiểu ý nghĩa của những từ ngữ “quân tử” và “tiểu nhân” ở vào thời đại của Khổng Khâu (và rất lâu sau khi ông đã qua đời) nên họ thường hay coi sĩ và quân tử là những giá trị tinh thần, biểu tượng của một nhân cách, một đạo đức và họ hay đồng hóa sĩ và quân tử với sự cao thượng.

 Thực ra “nho” chỉ là những người học để ra làm quan, “sĩ” là những nho được tuyền chọn để được huấn luỵện thành quan, “quân tử” là một giai cấp, giai cấp của kẻ sĩ, nhưng kẻ làm tay sai cho các vua chúa để thống trị quần chúng. Còn “tiểu nhân” chỉ có nghĩa là quần chúng mà thôi. Có thể với thời gian ý nghĩa của những danh từ tiểu nhân, quân tử đã biến đổi, nhưng ở vào thời đại của Khổng Khâu và rất lâu sau khi ông đã qua đời đó chỉ là những thành phần xã hội. Giai cấp quân tử, hay sĩ, do đâu mà có? Đó có thể là những người trong giai cấp tiểu nhân may mắn được các vua chúa tin dùng, nâng đỡ rồi nhờ chức vụ mà đạt tới sự hiểu biết hơn quần chúng. Đó cũng có thể là những quí tộc sa sút, hay những người thua trận được kẻ chiến thắng dùng làm tay chân.

Khổng Tử là một sĩ. Ông là con của một vị quan nhỏ nước Lỗ tên là Thúc Lương Ngột. Năm 19 tuổi ông được bổ nhiệm vào chức vụ một quan thu thuế, rồi sau đó được cử trông coi đàn súc vật dùng vào việc cúng tế. Vào thời đại đó, cúng tế trời đất quỉ thần là một việc quan trọng hàng đầu. Theo sử sách thì Khổng Tử say mê việc cúng tế ngay từ hồi còn thơ ấu cho nên thạo việc cúng tế rất sớm; ngay khi ông còn trẻ đã có những gia đình gởi con theo ông học nghề cúng. Như vậy nghề chính của Khổng Tử là nghè thầy cúng. Hai nghề thu thuế và thày cúng đã có ảnh hưởng quyết định lên cá tính của ông. Trong suốt cuộc đời, Khổng Khâu rất trọng sự chính xác và các nghi thức, ông tin vào những sự huyền bí mà không bao giờ thắc mắc. Rất xuất sắc trong cúng tế, Khổng Khâu được vua nước Lỗ gởi về kinh đô nhà Chu để học hỏi thêm về lễ nghi. Nhờ cuộc du học đó mà ông rất được kính trọng khi trở về nước Lỗ. Cần nhấn mạnh là vào thời đó cúng là việc quan trọng nhất. Các triều đình có hai loại quan, loại quan Chúc lo việc cúng tế và loại quan Sử lo việc lo việc thường ngày; nhưng quan Chúc cao hơn quan Sử vì cúng tế được coi là cao nhất. Tuy vậy, vua nước Lỗ vẫn không tin dùng ông. Mãi tới năm 51 tuổi, một tuổi rất cao vào thời đó, Khổng Tử mới được bổ nhiệm vào chức Trung Đô Tể và sau đó thăng dần tới chức tướng quốc, chức vụ đứng đầu các quan. Theo sách sử thì ông trị nước rất nghiêm minh và đã đem lại ổn định và phồn thịnh cho nước Lỗ. Nhưng chỉ một năm sau khi nhận chức tướng quốc, ông từ chức vì một lý do rất nhỏ mọn: vua nước Lỗ đã không chia phần thịt cho ông trong buổi tế Giao. Từ đó ông bắt đầu một cuộc hành trình vất vả dài 11 năm qua nhiều nước để xin làm quan, nhưng ông không được vua nào dùng cả. Khi ông chán nản trở về nước Lỗ thì đã 68 tuổi, ông bỏ mộng làm quan và tập trung cố gắng để viết sách.

Trong việc biên soạn sách, Khổng Khâu hoàn toàn không sáng tác gì cả mà chỉ ghi chép những gì đã có sẵn. Ông nói: “Ta chỉ thuật lại mà không sáng tác, ta tin và thích những gì của đời xưa” (thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ). Đó không phải là một câu nói khiêm tốn như ta có thể nghĩ mà là cả một tín chỉ của Khổng Khâu. Ông coi những triết lý và hiểu biết của người xưa là đầy đủ và hoàn chỉnh, đời sau cứ thế mà theo không được sửa đổi, thêm bớt gì cả. Khổng Khâu chép lại năm cuốn sách được gọi là Ngũ Kinh, Kinh Dịch (bói toán), Kinh Thư (văn từ của các vua quan), Kinh Thi (các bài thơ và các bài hát), Kinh Lễ (các nghi thức về cúng tế và hội họp trong triều đình) và Kinh Nhạc. Ngoài ra Khổng Khâu còn soạn ra bộ sách Xuân Thu, cũng được gọi là kinh, chủ yếu kể chuyện về các vua chúa nước Lỗ. 

Các cuốn kinh này đều đã bị thất lạc. Đến khi nhà Hán trọng nho học mới cho tìm lại nhưng không được bao nhiêu. Các đệ tử hậu bối của Khổng Tử thêm bớt vào rất nhiều, tạo thành năm cuốn sách gọi là Ngũ Kinh:
 Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Thi và Kinh Xuân Thu. Riêng Kinh Nhạc chỉ còn lại một chương được cho vào Kinh Lễ. Các nho sĩ đời sau còn viết ra bốn cuốn sách khác là Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử. Bốn cuốn sách này, được gọi chung là Tứ Thư. Đại Học (do người học trò của Khổng Tử là Tăng Tử viết) và Trung Dung (do người học trò của Tăng Tử là Khổng Cấp viết) thật ra chỉ là một số chương đã có trong Kinh Lễ. Luận Ngữ (do Tăng Tử và các môn đệ soạn) ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử; Mạnh Tử là cuốn sách do Mạnh Tử, tên thật là Mạnh Kha, sinh ra hơn một trăm năm sau ngày Khổng Tử mất, và các môn đệ của ông, chép lại những lời nói của Mạnh Tử. Tứ Thư và Ngũ Kinh được coi như những cuốn sách căn bản của Nho Giáo, trong đó Luận Ngữ quan trọng hơn cả.

Khổng Giáo, hay đúng hơn là Nho Giáo, đã được nhiều đóng góp của nhiều nho sĩ qua nhiều thời đại. Trong nhưng nho sĩ này, người nổi tiếng nhất là Mạnh Tử; tên Mạnh Tử được ghép liền với Khổng Tử, Khổng Giáo vì thế còn được gọi là đạo Khổng Mạnh. Sau Mạnh Tử khoảng nửa thế kỷ còn một nho sĩ rất xuất sắc khác là Tuân Tử. Tuân Tử vừa có khả năng lý luận xuất chúng lại vừa có óc phê phán, ông bài bác tinh thần thủ cựu của những người đi trước đả phá sự mê tín vào thần linh, đề cao vai trò của giáo dục. Tuân Tử rất phóng khoáng, đi rất sâu vào tâm lý con người và phân tích khá cặn kẽ về sự hiểu biết. Ông là một triết gia thực sự và lẽ ra đã phải mở đường cho Nho Giáo đổi mới và tiến lên. Tiếc rằng ông bị cả một khối nho sĩ đông đảo chê bai, các vua chúa dĩ nhiên cũng không chấp nhận sự phóng khoáng của ông nên Tuân Tử không được coi là thánh hiền và tư tưởng của ông không được đề cao.

Sau thời Đông Chu Liệt Quốc, những đóng góp quan trọng nhất cho Nho Giáo là của Đổng Trọng Thư và Dương Hùng dưới thời nhà Hán (202-220 trước Tây lịch); Vương Thông vào thời nhà Tùy (581-618), Hàn Dũ vào thời nhà Đường (618-906); Vương An Thạch, Chu Đôn Di, Trương Tái, Trình Hạo, Chu Di vào thời nhà Tống (960- 1280); Vương Dương Minh đời nhà Minh (1368- 1648). Những đóng góp đó đã khiến các học giả bối rối khi bàn về Nho Giáo và thường đặt câu hỏi “Nho Giáo nào? Hán Nho, Đường Nho, Tống Nho hay Minh Nho?”. Tuy nhiên, các thay đổi này chỉ là những thay đổi về cách diễn đạt và áp dụng mà không thay đổi bản chất và tinh thần của Nho Giáo.

Nho Giáo vẫn là một hệ thống ý thức tôn trọng chế độ quân chủ cực quyền, bảo thủ và bất dung.

Đối với Nho Giáo, Khổng Tử không sáng tác gì cả. Đóng góp của ông không đáng kể so với Mạnh Tử và cũng kém hẳn các danh nho sau này. Ông đã chỉ chép lại các sách cũ và hơn nữa các sách của ông đều đã thất lạc. Như vậy khi phê phán tư tưởng Khổng Giáo, dù để bênh vực hay lên án, dù để khen hay chê, cần phải tách rời nó khỏi nhân vật Khổng Khâu. Về mặt tư tưởng, nên nhấn mạnh là về mặt tư tưởng, ông là một người vô can...

2. Di sản Xuân Thu - Chiến Quốc
Có thể nói lịch sử của nước ta thực sự bắt đầu vào thời Xuân Thu Chiến Quốc.
Giai đoạn này tương ứng với thời các vua Hùng mở nước. Theo huyền sử thì nguồn gốc của chúng ta cũng bắt đầu từ vua Thần Nông bên Trung Quốc. Huyền sử chỉ có một mức độ chính xác rất tương đối nhưng ít nhất nó nói lên một sự kiện, đó là người Việt nam và người Trung Hoa có cùng một cội nguồn. Chắc chắn là cũng đã có những người tiền sử sinh sống trên đất nước ta từ trước và đã hòa nhập với người di dân từ phương Bắc xuống vào giai đoạn này, họ đông đảo hơn nhưng thành tố phương Bắc là chế ngự. 

Ngày nay hầu hết các họ của chúng ta cũng là những họ Trung Quốc. Như vậy giai đoạn từ Xuân Thu Chiến Quốc trở về trước có thể coi là lịch sử chung của cả hai dân tộc trước khi hai quốc gia riêng biệt được hình thành. Nhưng chúng ta cũng chỉ mới được độc lập không được bao lâu thì lại bị sát nhập vào Trung Quốc trong hơn một ngàn năm. Hơn nữa, một quốc gia không phải chỉ là lãnh thổ và con người mà còn là một nền văn hóa, mà văn hóa của ta thì chủ yếu là văn hóa Khổng Mạnh đã được tổng hợp trong giai đoạn này. Nếu thời Xuân Thu Chiến Quốc kết thúc một cách khác đi, nghĩa là nó không kết thúc với một chế độ quân chủ chuyên chính tập trung, và với Khổng Giáo được lấy làm quốc giáo độc tôn, thì số phận và lịch sử của nước ta đã khác hẳn.

Tư tưởng Trung Quốc hình thành một cách thực nghiệm với thời gian, đến thời Xuân Thu Chiến Quốc nó đạt tới một mức độ trưởng thành vừa đòi hỏi một cố gắng hệ thống hóa vừa cho phép những khai phá lớn khác. Nền văn minh Trung Quốc lúc đó như một cây đã đủ lớn và đến lúc trổ hoa. Cả một phong trào tư tưởng rộ lên như hoa nở mùa xuân. Các sách còn lưu giữ được, nhất là bộ truyện Đông Chu Liệt Quốc, mô tả một không khí tưng bừng khai phá tư tưởng. Có những nhà hào phú nuôi cả trăm, ngàn thực khách chỉ để biện luận tìm ra chân lý về vũ trụ, xã hội và con người. Cũng có hàng trăm, hàng ngàn biện sĩ đi khắp các nước chư hầu đề nghị với các vua chúa các lý thuyết trị nước.

Khí thế của phong trào tư tưởng này thật là mạnh mẽ và nhưng thành lựu của nó lại càng lớn hơn. Có thể nói tất cả những triết lý và học thuyết của Trưng Quốc đều xuất hiện trong giai đoạn này. Và cũng có thể nói là mọi khái niệm triết lý và chính trị đều đã được đề cập tới và đẩy khá xa. Ngày nay nói tới tư tưởng thời Xuân Thu Chiến Quốc người ta thường hay nhắc tới Lão Tử, Mặc Tử, Tuân Tử, Mạnh Tử, Hàn Phi, Công Tôn Long, v.v… nhưng thực ra các triết gia và lý thuyết gia này không phải là đơn độc, họ chỉ là những phát ngôn viên còn được nhớ lại của các trường phái tư tưởng. Thời đó chưa có sự tranh giành tác quyền về tư tưởng.
Trường phái Lão Tử chẳng hạn đã đưa ra cả một triết thuyết về vũ trụ mà ngay cả trong thời đại khoa học ngày nay người ta cũng không thể đánh giá là ngây ngô. Có thể coi những khai phá của Mặc Tử trong thuyết kiêm ái như là những viên đá đầu tiên cho một chủ nghĩa dân chủ xã hội nhân bản. Mặc Tử, Tuân Tử và Hàn Phi khởi xướng ra chủ trương nhà nước pháp trị. Kiêm ái và pháp trị nếu được phối hợp và phát triển chắc chắn dẫn tới dân chủ.

 Công Tôn Long đi rất xa về lô-gích trừu tượng, phân tích rất sâu về nguyên ủy và hậu quả (trứng có lông) về sự vật và cách nhìn sự vật (ngựa trắng không phải là ngựa). Nhưng cả một rừng hoa đó cuối cùng đã không kết trái, hay đều kết trái nhưng trái đã không chín được để sinh ra những hạt giống cho sự sống tiếp tục. Tại sao? Câu trả lời đầu tiên là, trái với văn minh phương Tây, thời Xuân Thu Chiến Quốc đã có những tiến bộ về tư tưởng mà không có tiến bộ về khoa học thuần túy. 

Họ đã có những Socrate nhưng không có được những Archimède. Triết lý không có sự chuyên chở của khoa học kỹ thuật thì không bay bổng lên được và không ăn rễ được vào xã hội. Giải thích như vậy cũng tạm ổn, nhưng chính sự thiếu vắng khoa học thuần túy cũng cần được giải thích.

Trung Quốc được thành lập trên lưu vực của hai con sông lớn, sông Hoàng Hà và sông Dương Tử. Cả hai con sông này đều là những dòng sông dũng mãnh đem phù sa và sự sung túc lại cho cái nôi đầu tiên của Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng là một đe dọa kinh niên cho sự tồn vong của con người. Tới mùa lũ dòng sông có thể tràn bờ biến ruộng đồng thành biển cả, cuốn đi của cải và sinh mạng. Trong điều kiện như thế, ưu tiên thường trực nếu không muốn nói duy nhất của tập thể là chống lại nước. Các vị vua đầu tiên của Trung Hoa đều là những người có công trị thủy. Vua Thuần nhường ngôi cho vua Vũ vì ông Vũ có công đắp đê ngăn nước lụt.

Mọi xã hội hình thành bên cạnh nhưng dòng sông lớn với lưu lượng thay đổi đột ngột đều cần những vị vua có uy quyền tuyệt đối để áp đặt những cố gắng tập thể ghê gớm. Không phải là một sự tình cờ mà tất cả các chế độ được xây dựng bên cạnh những con sông lớn đều là những xã hội cực kỳ chuyên chế, dù là ở Trung Hoa, Việt nam, Cam-bốt, ấn Độ, Ethiopia, hay Ai Cập… nền tảng của các xã hội cổ xưa này là một khế ước bạo quyền bất thành văn nhưng rất rõ rệt giữa người chủ tể và dân chúng. Người chủ tể phải áp đặt những đòi hỏi thật dã man, đôi khi hy sinh cả một phần dân chúng, để đắp và bảo vệ đê điều, nhưng ngược lại chính nhờ những hy sinh kinh khủng đó mà cộng đồng tồn tại được thay vì bị nước cuốn đi. 

Các nạn nhân có thể nguyền rủa bạo chúa, nhưng con cháu họ lại mang ơn bạo chúa vì đã bảo đảm cho họ mùa màng và cuộc sống. Dần dần sự tàn bạo được chấp nhận như một định luật. Khổng Tử thừa hưởng di sản tinh thần của hệ thống xã hội đặt trên khế ước bạo quyền đó. Điều đặc biệt nơi ông là thay vì nhìn khế ước bạo quân đó như một cái tệ cần thiết ông lại thấy nó toàn thiện, toàn mỹ. Khổng Giáo chủ yếu là cố gắng để chính đáng hóa bạo quyền và nâng sự chấp nhận kiếp sống nô lệ lên hàng một đạo đức tuyệt đối.

Khổng Tử sống trong một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng. Với thời gian uy quyền của bạo chúa bị suy giảm vì hai lý do, một là đê điều tương đối đã ổn vững, công tác chủ yếu chỉ còn là giữ gìn và tu bổ, vai trò của bạo chúa không còn cần thiết như trước nữa; hai là xã hội ngày càng phát triển, mức sống cao hơn, dân số đông hơn, các nhu cầu mới xuất hiện, nhiều tiểu chủ địa phương xuất hiện và trở thành mạnh.

Tới một mức độ chín muồi nào đó nhận thức về xã hội và cách tổ chức xã hội cần được xét lại. Đó là hiện tượng đã xảy ra dưới triều đại nhà Chu. Các sử gia vẫn thường nhận định là nhà Chu suy vì để mất uy quyền thiên tử, thực ra là vì xã hội đã tiến hóa và đòi hỏi một hệ thống chính trị khác. Nhà Chu không còn uy quyền trấn áp các chư hầu nữa thì tất nhiên các chư hầu cạnh tranh và cấu xé lẫn nhau. ý hệ độc tôn quân quyền không còn hợp thời nữa thì tất nhiên xuất hiện những suy tư mới.

Thời Đông Chu Liệt Quốc chính là khúc quanh lịch sử vĩ đại đó. Nhưng tập quán chính trị chuyên chính đã kéo dài gần bốn ngàn năm và đã ăn rễ vào tâm lý con người nên các tham vọng chuyên chế dĩ nhiên còn rất mạnh và còn có chỗ dựa tâm lý mạnh. Phải có một phép mầu ghê gớm các xã hội thiết lập bên các dòng sông lớn mới lột xác và biến đổi được. Nhưng phép mầu đó đã không xảy ra tại Trung Quốc cũng như nó đã không xảy ra tại mọi nước khác. Người dân đã được điều kiện hóa để chấp nhận sự tàn bạo và như thế khi một chế độ tàn bạo cáo chung nó chỉ nhường chỗ cho một chế độ tàn bạo khác thích nghi hơn với thời đại mới. Giữa hai chuyền hướng bắt buộc phải có cho chế độ nhà Chu, một là chấm dứt khế ước bạo quyền, chính thức hóa sự tản quyền và nới rộng tự do cho dân chúng, hai là, ngược lại, tăng cường tới cực điểm bạo lực của trung ương để khuất phục các chư hầu và đập tan mọi ý đồ chống đối; cuối cùng Trung Quốc đã theo con đường thứ hai.

 Nhà Chu đã chấm dứt nhường chỗ cho nhà Tần với một bộ máy cai trị lớn hơn và mạnh hơn. Từ nhà Tần trở đi, một hệ thống chính trị khác, hệ thống quân chủ tập quyền và tuyệt đối dựa trên bạo lực không cần thiết đã ra đời thay thế cho hệ thống chính trị quân chủ dựa trên bạo lực cần thiết trước đó. Ở đây cũng cần mở một dấu ngoặc để nói về một sự kiện rất đáng chú ý. Sở dĩ, trong các chư hầu, nhà Tần đã mạnh lên để tiêu diệt các chư hầu khác và gom thâu thiên hạ là vì đã áp dụng lý thuyết của Hàn Phi, chủ trương xiết chặt về chính trị nhưng cởi mở về kinh tế. 

Cái gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày nay cũng không khác gì về nội dung, nó chỉ là một sự áp dụng lại một lý thuyết đã được đưa ra cách đây 22 thế kỷ. Nhà Tần đã chỉ tồn tại được vài chục năm bởi vì chính sách độc tài chính trị cởi mở kinh tế đã mau chóng tích lũy mâu thuẫn và đã sụp đổ. Đây là một bài học, lịch sử hình như đang diễn lại. Nhà Hán sau khi đã tiêu diệt nhà Tần đã xiết lại luôn về kinh tế, đem Khổng Giáo làm quốc giáo độc tôn, cấm đoán mọi ý đồ xét lại. Từ đó chế độ chính trị Trung Quốc không còn thay đổi nữa và Trung Quốc dẫm chân tại chỗ hơn hai mươi thế kỷ.

Các xã hội nông nghiệp hình thành bên các dòng sông lớn đều mang một tật nguyền chung của các nền văn minh phù sa là tư tưởng và sáng kiến bị thui chột. Phải hàng ngàn năm mới đắp xong những con đê lớn với những chịu đựng ghê gớm. Cuộc sống đầy đọa và gắn chặt với đất đó đã nhồi nặn ra những con người chỉ quanh năm vất vả với đất để kiếm miếng ăn, dần dần sự thủ cựu và thiển cận biến thành một bản chất, không biết nghĩ và không dám nghĩ. Chúng ta là một dân tộc như thế. 

Cả lịch sử lập quốc của ta đã chỉ là lịch sử con đê sông Hồng Hà. Ta hệ lụy với dòng sông hơn mọi dân tộc khác, đến nỗi gọi quốc gia là “nước”. Quốc gia của ta chỉ quanh quẩn là đất nước, núi sông, sơn hà. Chúng ta còn tật nguyền hơn mọi dân tộc phù sa khác. Trí tuệ của ta thui chột một cách thê thảm. Người Trung Quốc còn biết xét lại và đổi mới, dù chỉ là một cách vụn vặt, Khổng Giáo của họ qua các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyễn, Minh, Thanh; người Việt nam chúng ta thì hoàn toàn không. Người Trung Quốc còn biết dùng lịch phương Tây ngay từ đời nhà Minh; ta thì tới cuối thế kỷ 19 vẫn bám chặt lịch cũ thay đổi đã chỉ đến do sự áp dặt của người Pháp khi ta đã mất chủ quyền. Ta có một bờ biển dài và đẹp, mở thênh thang ra một đại dương hiền hòa nhưng ta vẫn chỉ sống đời này qua đời khác với đất như một dân tộc lục địa.

Đối với các dân tộc khác, tự do, dân chủ (hay nhân quyền cũng thế vì đó chỉ là những gốc nhìn khác nhau của cùng một sự kiện là con người được quí trọng, được phát huy hết khả năng của mình, được có ý kiến và sáng kiến) là một phương thức tổ chức xã hội; đối với chúng ta nó còn là một liều thuốc trị bệnh tê liệt trí não. Chúng ta là một bệnh nhân mà tự do là liều thuốc chữa. Chúng ta phải uống thuốc tự do nếu muốn lành bệnh để tranh đua với thế giới.
(iv) Thơ Thái Bá Tân: Nghĩ gì nói ấy
Tôi nghĩ không có chuyện / Các lãnh đạo nước ta
Dám bán rẻ Tổ Quốc / Cho ông bạn Trung Hoa.
     Đó là tội khủng khiếp / Sẽ muôn đời lưu danh.
     Không ai đủ lớn mật / Tự chuốc nó vào mình.
Chính trị phức tạp lắm, / Nhất là với thằng Tàu.
Lãnh đạo ta, hy vọng, / Không phải loại ngu lâu.
     Ta có thể biết một / Mà không biết hai ba.
     Nhiều cái ta chưa biết / Vì bí mật quốc gia?
Sau cái nhún nhường quá, / Đôi lúc tưởng là hèn,
Có thể là sách lược / Để giữ nước bình yên?.
     Chỉ mong các vị ấy / Luôn cảnh giác đề phòng
     Cho trường hợp xấu nhất, / Đăc biệt với Biển Đông.
Phần ta, nói cứ nói, / Phê bình cứ phê bình,
Miễn là nói xây dựng, / Khách quan và có tình.

Ronald Reagan
Ông là tổng thống Mỹ, / Đã góp phần của mình
Làm cộng sản sụp đổ / Mà không cần chiến tranh.
     Thời tại nhiệm, ông nói / Nhiều câu đúng và hay
     Về chủ nghĩa cộng sản. /  Đại khái ý thế này:
Người cộng sản thực sự /  Đọc Mác và Lênin.
Mặc dù không hề hiểu, /  Nhưng vẫn mù quáng tin.
     Người chống cộng thực sự / Không đọc Mác, Lênin.
     Nhưng họ hiểu rất rõ / Về Mác và Lênin.
Trong lịch sử nhân loại, / Kẻ thù của chúng ta
Thuộc loại nguy hiểm nhất, /  Tàn bạo và xấu xa.
     Nếu nước Mỹ thua cuộc, /  Chính chúng ta là người
     Bị lịch sử lên án / Và nguyền rủa suốt đời.
Cách đơn giản, duy nhất / Để có được hòa bình,
Là phải đủ dũng cảm / Đối mặt với chiến tranh.
     Xin hãy nhớ câu nói / Của Barry Goldwater:
     “Hòa bình qua sức mạnh!” /  Nó vẫn đúng bây giờ.
Rút quân không có nghĩa / Là chấm dứt chiến tranh.
Vì kết quả của nó / Không thể gọi hòa bình.
     Khi cái giá phải trả / Là nô lệ, buồn đau
     Cho rất nhiều thế hệ / Của Việt Nam mai sau.
Hòa bình sẽ vô nghĩa / Cả khi được ban cho,
Nếu trong hòa bình ấy / Người dân mất tự do.
     Tôi có một câu hỏi / Cho các ông các bà
     Ở các nước cộng sản, / Là vì sao người ta
Cho xây tường ngăn cách, / Nuôi nhiều công an chìm
Để hăm dọa, đàn áp / Và bắt dân lặng im.
     Tôi tò mò, muốn biết / Vì đã là thiên đường,
     Sao còn phải làm thế? / Hay dân không bình thường?

Đường lưỡi bò
Ta ủng hộ phán quyết / Của Tòa Án La Hay.
Như thế là rất đúng. / Nhưng vấn đề thế này.
     Chính quyền trót đàn áp / Mấy đứa đòi tự do
     Và phản đối Trung Quốc / Về cái Đường Lưỡi Bò.
Tức là đã đánh chúng / Vì cái mà hôm nay
Chính quyền thừa nhận đúng. / Giờ biết nói sao đây?
     Đúng là thật khó nói. / Thậm chí còn tẽn tò
     Với mấy đứa “phản động” / Phản đối Đường Lưỡi Bò.

...................................................................................................................
Kính,
NNS



__._,_.___

Posted by: Dinh Mac 

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List