Sunday, September 15, 2013

Thành Phố Buồn -Lam Phương -Chế Linh


 

***SUPER HD YOUTUBE WITH PPS LINK 

Thành Phố Buồn -Lam Phương -Chế Linh -NNS



 

***HD YOUTUBE PLAYLIST "Nhac Si Lam Phuong"

 


 

Moi qui than huu thuong thuc

TRAN NANG PHUNG

 

Phung Nang Tran has shared a video playlist with you on YouTube
 
 
 
40
videos

 

Lá Thư Úc Châu

Dailai Lama: Share your knowledge. It is a way to achieve immortality

Good Weekend

Trang Thơ Nhạc cuối Tuần: 15-9-13
Nhạc:
Thành Phố Buồn

Nhạc sĩ: Lam Phương

Tiếng hát: Chế Linh

Vào năm 1970, nhạc sĩ Lam Phương cùng ban Văn nghệ Hoa Tình Thương của quân đội lên Đà Lạt biểu diễn. Khi ông đang ở nơi nghĩ ngơi, nhạc sĩ nhìn xuống dưới đồi núi sương khói che phủ bao quanh rừng thông nên đã có cảm xúc viết nên bài hát này. Khi phát hành được xếp vào loại "best seller".
Bài hát viết theo điệu Slow rock, buồn. Nội dung kể về mối tình tan vỡ của một đôi nam nữ với những kỷ niệm thơ mộng ở Đà Lạt. Sau năm 1975, bài hát bị liệt vào danh sách những bài hát cấm lưu hành, mãi đến năm 2008 mới cho hát lại. Ở hải ngoại bài hát này gắn liền với tên tuổi ca sĩ Chế Linh. Bài Tân cổ giao duyên của Thành Phố Buồn do ca sĩ Mạnh Quỳnh viết lời, song ca với Phi Nhung trong cuốn Paris By Night 69: Nợ Tình.

Tình thân,

Kính.

NNS
..........................................................................................

(1) Khánh Ly

Nhớ về Đà Lạt
(Khánh Ly: Chuyện kể sau 40 năm - Chương 1)
Đó là năm 1964, tôi và các con đang ở thành phố Dalat. Tôi vừa 18 tuổi, hai con, một gái, một trai. Ba mẹ con sống với nhau hồn nhiên như cây cỏ trong ngôi nhà hai từng rộng lớn vắng người, trên một ngôi đồi mà người ở đó gọi là đồi Miên – tên ông nội hai đứa nhỏ. Nhà không cổng ngõ, không hàng rào, đồi rộng thênh thang, từ hông nhà ngó xuống, là một thung lũng nhỏ xanh rì, nhìn mông ra xa thấp thoáng đâu đó mầu đỏ của ngói bên cạnh những vườn trồng rau quả xanh ngắt, tiệp với màu của lá cỏ. Nổi lên trên màu xanh mượt mà như tấm áo dạ hội bằng nhung, tôi có thể biết được đó là những vườn hoa.
Thuở đó, Dalat đẹp lắm. Người ta bảo Dalat đẹp bởi có 4 mùa giống như Hà Nội nên con gái Dalat tuy ít người xuất sắc nhưng ai nấy đều xinh xắn với nước da trắng hồng, mái tóc đen dày óng mượt. Tất cả đều vô tư, hồn nhiên và hiền lành. Các bà bán hàng trong chợ, dù là bán mắm cá, cũng mặc áo dài, bán đậu hủ rong cũng áo dài, bán ngô nướng lúc nửa khuya, bán mì Quảng, xôi gà cũng áo dài, hai má cứ ửng hồng lên bên cạnh bếp lửa.
Dalat có 4 mùa nhưng mùa nào cũng mát vào ban ngày, lạnh về đêm, chính thế, người ta mới thú vị khi cầm cái ngô nướng thoa mỡ hành còn nóng hổi, người ta mới cảm thấy cái nhẹ nhõm khi bước ra từ những phòng tắm nước nóng, xê xế rạp ciné Ngọc Hiệp. Bước qua bên kia đường, người ta có thể ghé vào tiệm cháo vịt, tiết canh vịt, gỏi vịt và ngay bên hông tiệm thịt vịt, cái quán mì Quảng nhỏ xíu, mái che là một vài tấm ván ép ghép với 4 cái ghế. Hai vợ chồng người bán mì Quảng tay thoăn thoắt đơm bún, chan nước hay dọn dẹp cái mặt bàn cũng chỉ là một tấm gỗ dài. Người bán vui cười nhìn khách xuýt xoa ăn trong cái nóng của bún, cái lạnh của con phố về khuya, vắng người.
Điều chắc chắn phải nói là người Dalat hiền. Hiền như nước mưa, nước suối. Hiền như cây trái tốt tươi. Hiền như hoa như gió. Như tiếng chuông reo bốn mùa. Hiền như bãi xe lam dăm ba chiếc im lìm nơi bến đậu. Hiền như những cơn mưa bất ngờ bay nghiêng qua thành phố, không hề làm rối chân khách bộ hành. Những con đường vắng lặng. Những ngôi biệt thự nằm xa nhau, không tường bao bộc, chỉ có hoa và hoa dưới những cây thông rải rác, tưởng như mọc vô tình không người săn sóc. Ấy thế mà trong cái vô tình gần như hoang dã ấy, luôn có những lúc rộ lên tiếng cười rộn ràng ngây thơ. Đời sống đẹp và đáng sống biết bao nhiêu.
Trước đó 2 năm, nói chính xác là vào tháng 11 năm 1962, khi tôi lên Dalat tìm sống, cùng đi trên chuyến xe đò Minh Trung với tôi, là chị Ngân Hà, một ca sĩ đẹp và được biết đến, không hiểu vì sao chị bỏ Sài Gòn ra đi. Lúc đó, người ta chưa nói đến chiến tranh. Sài Gòn đất rộng, người ít. Đời sống dễ dàng, người dân miền Nam chơn chất như ngọn lúa đồng bằng, cá tôm sông lạch, con đường Tự Do, sáng, trưa, chiều, tối chỉ khoảng trên một chục khách bộ hành, xích lô vài chiếc thông thả đạp như thi sĩ thơ thẩn tìm nàng thơ. Taxi cũng thỉnh thoảng ghé qua đỗ người xuống. Hình như Sài Gòn rất bằng lòng với nhịp sống thong thả, nhàn hạ. Thói quen của miền Nam trù phú đụng đâu cũng có cái ăn.
Tôi nhận lời lên hát cho Night Club ở Dalat với giá 2500 đồng một tháng, có cơm hai bữa và ngủ chung với các chị ở vũ trường, nếu không muốn về nhà. Kể ra thì không nhiều nhưng cũng chẳng hẹp gì lúc đó, lương Trung Úy cũng chỉ được như thế thôi. Ông bà nội của hai đứa nhỏ ở đó, tôi có cả nguyên một từng dưới rộng thênh thang. Hình như đây là kiểu nhà sàn lúc khởi thủy cất lên, nhưng rồi sẵn cột, xây thêm thành nhà hai tầng, chưa kể chung quanh đất trống, không trồng trọt gì ngoài mấy cây ổi, mấy giàn xu. Bên nội dường như chẳng ai để ý gì đến mấy mẹ con tôi ngoài chị Lê Quyên. Vài tháng sau, tiền lương được tăng, tôi tìm một người giữ con và ngày ngày nhảy xe lam, xe đò ra chợ Dalat.
Từ ngày di cư vào Nam, dẫu mới có 10 tuổi, tôi phải trông em, giặt quần áo, đi chợ rồi mới đi học. Mấy anh chị em chúng tôi sàn sàn tuổi nhau nhưng lại chẳng bao giờ có thì giờ hay có chuyện gì để chia sẻ với nhau. Nói tóm lại, tuổi thơ của tôi hoàn toàn mờ nhạt, không có gì đáng ghi nhớ trong sinh hoạt gia đình, ngoại trừ ông bố đêm nào cũng say rượu và bà mẹ hết ca cẩm chồng đến mắng chửi con. Dalat chính là khoảng trời tôi mơ ước, tưởng chừng như cuộc sống ngừng lại ở đó… Nhưng không. Cuộc đời tôi bắt đầu. Từ đó, ở đó.
Vũ trường Night Club dọn ra hôtel Du Parc, cạnh Nhà Thờ Chánh Toà, Bưu điện và đài phát thanh Dalat. Bà chủ vũ trường là một người Việt Hoa, có một đứa con lai không biết lai gì, khoảng 6, 7 tuổi. Bà mướn một căn phòng ngay bên kia đường cho các chị vũ nữ ở, có người nấu cơm. Tôi thường ngủ lại đây vì khuya chẳng có ai đưa tôi về tận Chi Lăng. Trong căn nhà nhỏ này, tuyệt không có bóng dáng một người đàn ông, thế nên tôi thích ngủ lại để sáng hôm sau đi chợ rồi mới về nhà, mang đồ ăn, bánh kẹo và chơi với con rồi chiều tối, lại đi xe lam đến Vũ Trường. Căn phố đó nằm cạnh quán café Myosotis, không biết bây giờ có còn không.
Night Club là Vũ Trường duy nhất ở Dalat. Với khí hậu lành lạnh về đêm là nơi giải trí lý tưởng của thành phố du lịch, vậy mà khách khứa cũng không có bao nhiêu. Lính Mỹ, cấp cố vấn, mới được vào thị xã chơi chứ những cậu học trò vừa mới hết Trung Học, rời gia đình đến một đất nước xa lạ, nên có vẻ sợ sệt. Người của thành phố, muốn đi, sợ gặp người quen, khó chối tội với vợ, thế nên ban nhạc đêm đêm cứ chơi những bản nhạc trữ tình, chúng tôi vẫn hát, các chị ngồi uống nước tán gẫu hoặc nhảy với nhau. Mỗi đêm vài ba bàn khách. Mọi người bình thản nhìn nhau, chờ ngày cuối tuần. Có những đêm Vũ Trường gần đóng cửa, một băng Không Quân áo bay đen khăn quàng cổ màu tím hoa cà, bất ngờ xuất hiện đứng thành một hàng dài nơi cửa. Nhà hàng không chạy lại đón khách. Chúng tôi không ai ngạc nhiên. Chuyện này xảy ra thường. Tôi lặng lẽ lên sân khấu, ban nhạc hiểu ý chơi bài “Gửi gió cho mây ngàn bay”. Tôi hát xong, những chiếc khăn quàng màu tím hoa cà lặng lẽ quay ra, đi vào đêm tối, nơi các anh từ đó bước ra. Không bao giờ hỏi nhưng tôi biết một phi vụ vừa hoàn tất.
Những đêm trời lạnh, mưa rất nhẹ, không gì thú vị hơn ngồi hát hay nghe một tình khúc Tiền Chiến. Những người lính Mỹ non trẻ kia đang miệt mài bước nhảy, cố quên đi nỗi buồn xa nhà, nỗi lo sợ súng đạn trên mảnh đất mà họ không bao giờ hiểu được vì sao họ đến đây. Họ lại càng không hiểu ý nghĩa của khúc hát kia. Chỉ biết trong đêm lạnh, khúc hát buồn, tiếng hát còn non trẻ với những ước mơ chưa thành hình và nỗi lòng khắc khoải của kẻ xa nhà quấn quít lấy nhau ấm áp chia sẻ đến không ngờ. Nhiều năm sau, nếu những người lính ấy còn sống mà trở về, chắc chẳng bao giờ họ nghĩ đến cái vũ trường xưa, nơi thành phố có những cơn mưa bất ngờ nghiêng nghiêng bay trên con phố vắng người vào những đêm gió lạnh. Cũng có thể họ đã không bao giờ trở về để mà nhớ.
Tôi không sống với gia đình nhiều. Tôi không có bạn gái. Bạn của anh tôi cũng là bạn của tôi. Chúng tôi gọi nhau bằng …chú và xưng tôi, không có anh em gì cả. Có lẽ thế, tính tôi không hề có chút dịu dàng nào cho đến khi có con và chỉ dành cho con. Có lẽ thế, tôi dễ sống chung với các chị vũ nữ mà tôi thật sự quý mến như một gia đình. Các tay …anh hùng hảo hán ở Sàigòn, Dalat hình như cũng rất quý tôi, đứa em gái lạc loài, lờ khờ trong thế giới muôn mặt về đêm. Chẳng ai hỏi tôi từ đâu đến, con cái nhà ai. Tôi cũng không tò mò về cuộc sống của các chị vũ nữ.
Thời bấy giờ, giới vũ nữ là giới làm rất nhiều tiền và rất nhiều người có học. Họ chỉ trở thành vũ nữ để giúp gia đình trong khoảng thì giờ rỗi rảnh. Công việc của các chị ấy là nhảy với khách hàng, những người đi Vũ Trường một mình, những người mới biết khiêu vũ. Thời 60, khiêu vũ là một nghệ thuật. Mọi người nhẩy lấy đẹp, nhẩy biểu diễn. Khiêu vũ là một nghệ thuật, không hề có ý đen tối, lợi dụng. Khách đến Vũ Trường và vũ nữ đối xử với nhau lịch sự. Có những chị nổi tiếng chỉ vì nhẩy giỏi, nhẩy đẹp. Các chị không đi đêm với khách, tôi biết vì tôi ở cùng các chị một nhà.
Vũ Trường đóng cửa, ai muốn đi ăn đêm thì thường chạy tới tiệm xôi gà trước mặt khách sạn Thủy Tiên, sau lưng tiệm bánh mỳ Xương Ký đầu con dốc Hàm Nghi. Chủ quán là cặp vợ chồng trẻ, con ông bà Bắc Hương cơm tám, giò chả nằm gần café Tùng – ông bà chủ quán xôi này hiện đang ở Porland, Oregon – nhiều đêm, vừa thấy mặt tôi, cô vợ da trắng, má hồng cười như hoa nở, hét toáng lên… Đùi Khánh Ly… Phao câu Khánh Ly… câu rao ngắn gọn làm ai cũng quay lại nhìn tôi cười. Và tôi không hề cảm thấy ngượng ngùng, sà ngay vào hàng cầm chiếc đùi gà, miếng phao câu béo ngậy, đĩa xôi trắng dẽo thơm phức mỡ hành. Ở một thành phố nhỏ như Dalat, ai cũng biết mặt nhau.
Cùng đi ăn với chúng tôi là một số các …anh hùng có tên tuổi. Những cái tên ngộ nghĩnh đôi khi do thành tích mà có. Các bạn ấy còn trẻ, có người trạc tuổi tôi, có người lớn hơn nhưng ai cũng làm mặt nghiêm, lạnh lùng ít nói. Họ làm ra vậy giữa chốn đông người, thật ra, họ dễ thương, sống có tình nghĩa. Họ có bổn phận bảo vệ nhà hàng, các chị vũ nữ, ca nhạc sĩ. Mấy ông say xỉn quậy phá, gây gỗ, họ là người giải quyết, giảng hoà hoặc mời các ông đi về chứ không bao giờ họ gây chuyện rắc rối cho nhà hàng. Giới giang hồ, các chị vũ nữ và ca nhạc sĩ vì thế mà gần nhau, thương nhau và luôn bênh vực cho nhau. Thời đó, dưới mắt tôi, họ là những người hùng. Cách sống của giới này ảnh hưởng đến lối sống và cách suy nghĩ của tôi không ít.
Tôi hát chưa ra gì nhưng lại được nhiều người thương thế nên cuộc sống mấy mẹ con coi bộ cũng đỡ khổ. Tôi mua quần áo đẹp nhất Dalat cho con tôi ở tiệm Au Printemps. Tôi sục vào lầu trên của chợ Hoà Bình, nơi bán quần áo cũ của Mỹ – hàng viện trợ – tìm mua áo da. váy len. giầy bốt. Diện vào, ai dám nói là quần áo cũ. Tôi thường tới quán café nơi Bích Ly, chị cả của ban CBC ngồi giữ két, nói dóc. Bích Ly và tôi hình như bằng tuổi nhau hoặc Ly kém tôi một tuổi gì đó. Hai đứa cùng tên Ly, cùng đen đen như nhau, giọng cũng khào khào giống nhau nên bắt chuyện gớm lắm… Giờ gặp lại trên xứ Mỹ, hai đứa vẫn tưởng như đang ngồi trong quán café ở Dalat.
Thời đó, tôi mới 18 tuổi, còn ham ăn, ham chơi. Chẳng có gì thú vị cho bằng quăng giày dép, chân không, đi, chạy, nhẩy khắp Đồi Cù, xuống Toà Tổng Giám mục, men theo con đường Tình Yêu dẫn lên Toà Tỉnh rồi lại lên Đồi Cù nằm khểnh dưới gốc thông hoặc thẳng tay chân trên bãi cỏ thênh thang nhìn ngắm mây trời. Không nhớ đến ai cũng không cần biết mình là ai, ngày mai sẽ ra sao. Không nhớ ai thật, không cả yêu đương. Không hề nghĩ đến gia đình và Saigon. Tôi thương các con song thường tự hỏi vì sao tôi có chúng trong khi tôi chẳng có một chuẩn bị nào, chưa hề có một khái niệm về gia đình. Những lúc lang thang trên Đồi Cù, cùng các bạn gái đắm chìm dưới suối Liên Khương, tôi ước ao trở lại tuổi 14, 15. Có lẽ, tôi sẽ bắt đầu cuộc đời của tôi một cách khác.
40 năm trước, đó là ý nghĩ của một thiếu phụ tuổi 18, nằm ngủ quên dưới gốc thông già. Buổi trưa nắng vàng chan hoà trên cỏ lá, tiếng thông reo ngân dài, bất tận như một lời ru buồn. Lời ru âm thầm đi vào giấc ngủ và ở lại đó. Lời ru buồn. Rất buồn…

(2) Bs Hồ Hải

Tội ác thiên niên kỷ
Cách đây 2 năm, tôi viết bài Gốc rễ của suy đồi văn hóa giáo dục. Bài viết mà tôi đã đưa ra nguyên nhân của giáo dục và văn hóa Việt hôm nay sụp đổ là, có nguồn gốc từ cái Đề cương văn hóa năm 1943 của ông Trường Chinh viết ra và đảng cầm quyền sử dụng nó, để tròng vào tư duy của dân tộc một lối tư duy kiểu con ngựa được thắng yên cương, và có 2 cái che mắt 2 bên để đi theo lệnh tay xà ích, với cái gọi là định hướng tư tưởng người dân.
Tháng 6 này tôi lại viết bài Chuyện ngược đời trong giáo dục, để cho thấy cái đáng sợ của việc dân vận sai trái của đảng cầm quyền đang hủy diệt cả một nền giáo dục của dân tộc đã có công vun đắp hàng ngàn năm qua.
Tôi còn nhớ, trong cuốn From Third World to First của ông Lý Quang Diệu ngay từ những chương đầu, ông ước ao Singapore có được những gì mà Việt Nam Cộng Hòa có được ở những ngày đầu của thập niên 1960 về một nền giáo dục khai phóng.
Báo Người Lao Động ngày 06/9/2013 đưa tin giáo dục Việt Nam xếp hạng thấp hơn Cambodia, chưa biết đúng sai, phải kiểm tra lại.
Thế mà hôm nay, theo công bố của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - World Economic Forum - vào đầu tháng 9/2013 này thì, nền giáo dục Việt Nam so với khu vực Asean thua sút hơn cả Cambodia! Trong đó, Singapore vượt lên đứng đầu. Đọc những thông tin này thực sự tôi rất buồn và choáng váng, chỉ biết thốt lên, "ơn đảng cầm quyền!". Tụt hậu về kinh tế, nếu biết cách sẽ ra khỏi đói nghèo chỉ một thập niên. Nhưng tụt hậu giáo dục và suy đồi văn hóa phải trả giá bằng nhiều thế hệ, thậm chí không chỉ mất nước, mà còn có thể bị diệt vong. Tại sao thế? Tại sao hơn một thập niên qua, năm nào kinh phí của dân đóng thuế cho nhà nước luôn được rót vào chương trình cải cách giáo dục quốc gia, nhưng vị thế giáo dục nước nhà ngày càng tụt hậu? Trong khi nguyên nhân của sự tụt hậu về giáo dục, suy đồi về văn hóa thì ai cũng rõ, ai cũng kêu gào, nhưng tiền đổ vào giáo dục như đổ vào một chiếc thùng không đáy.
Hỡi những con người đang cầm cân nảy mực cho tổ quốc và dân tộc này, nếu các vị có muốn ngồi mãi trên ngai vàng để ăn chia trên xương máu của dân tộc và của để dành do tổ tiên để lại, thì không ai muốn giành với các vị, các vị hãy buông tha cho dân tộc này cái còn sót lại là cái phần hồn trong mỗi con người Việt Nam - tư duy. Đừng cướp hết của dân tộc này cả xác lẫn hồn. Đó là tội ác của thiên niên kỷ, mà chưa bao giờ tổ quốc và dân tộc này bị tước đoạt đến cùng kiệt như hôm nay.
Hãy trả lại cho giáo dục nhiệm vụ là lò đúc nhân tài, là nơi cung cấp một tư duy độc lập, sáng tạo cho mọi thế hệ. Đừng chính trị hóa tất tần tật, nó sẽ là con dao 2 lưỡi quay lại lật nhào cả vị trí của các vị đấy.
Lịch sử và bao thế hệ mai sau sẽ luôn ghi nhớ tội ác thiên niên kỷ này của các vị. Và lịch sử luôn công bằng, dù có là chân lý là hàng ngàn lần nói láo như Joseph Goebbels, thì cũng không thể che đậy được. (Source: Blog BsHoHai - Asia Clinic 07/9/2013).

Chú thích: Một lần Khổng Tử đi qua Thái Sơn, thấy có người phụ nữ ở trước nấm mồ khóc lóc vô cùng thảm thương. Ông bèn bảo Tử Lộ ra hỏi nguyên nhân, người phụ nữ ấy nói: "Bố chồng bị hổ ăn thịt, chồng bị hổ ăn thịt, bây giờ con trai cũng chết trong miệng hổ, thì không đau lòng sao được?". Khổng Tử hỏi: "Sao các ngươi không dọn đi ở chỗ khác?". Người phụ nữ nói: "Ở đây không có chính trị hà khắc, không có áp bức bóc lột, nên dù bị hổ ăn thịt cũng không dọn đi". Khổng Tử nghe xong nói với các học trò của mình: - Các trò hãy nhớ lấy: “Hổ dữ chỉ giết một người; Chính trị hà khắc dữ hơn cả hổ giết muôn người; Tệ hại nhất làm Văn hóa lầm giết nhiều thế hệ”.
Một ví dụ về "Hà chính mãnh ư hổ":
Max Boot (Los Angeles Times): Chính tr là s phn
 
Điều gì đã khiến Bắc và Nam Hàn khác rất xa như thế? Chính trị, đơn giản thế thôi. Di sản văn hóa của hai nước giống nhau. Khác biệt là Bắc Hàn là nạn nhân của triều đại nhà Kim-ông nội Kim Nhật Thành, con Kim Chính Nhật, giờ đến cháu Kim Chính Ân-là những kẻ cuối cùng thực hiện chính sách tập thể hóa và toàn trị kiểu Stalin. Ngược lại, Nam Hàn, bắt đầu cất cánh về kinh tế vào thập niên 1960 và thập niên 1970 dưới sự cầm quyền chuyên chế của nhà cách tân Phác Chánh Hy, cha của tổng thống hiện nay, Phác Cận Huệ...
*
Hán Thành - Người Mỹ thích giả vờ rằng chính trị không quan trọng và than phiền về những sự khác biệt không đáng kể giữa các đảng chính trị của chúng ta. Nhờ là nước giàu nhất và ổn định nhất trên thế giới chúng ta mới có thể có được những điều quý giá hiếm hoi như thế. Nhưng đối với đa phần thế giới, chính trị là vấn đề sinh tử. Điều ấy thể hiện rất rõ ở Nam Hàn, nơi cuối tuần này kỷ niệm 60 năm ngày đình chiến kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Tưởng khó mà cường điệu chuyện bán đảo Triều Tiên bị tàn phá vào năm 1953; Tướng Douglas MacArthur nói ông đã ói sau khi ông nhìn thấy "đống đổ nát hoang tàn ấy". Ba năm xung đột đã giết chết khoảng 3 triệu người, phần lớn là thường dân. Một phần ba tất cả các nhà cửa và hai phần năm tất cả các nhà máy đã bị phá hủy. Hán Thành, Bình Nhưỡng và tất cả các thành phố khác đều chẳng hơn gì những đống gạch vụn đổ nát. Thực phẩm thì hiếm, trẻ mồ côi thì nhiều.
Cả Bắc và Nam Hàn đều nhận được viện trợ dồi dào để tái kiến thiết đất nước - Bắc Hàn nhận viện trợ từ Liên Xô và các nước anh em, còn Nam Hàn nhận viện trợ từ Mỹ và các nước đồng minh. Bắc Hàn ban đầu thực sự thành công hơn nhờ áp dụng chính sách kinh tế kế hoạch tập trung kiểu Stalin. Nhờ miền bắc của bán đảo Triều Tiên đã có nhiều cơ sở sản xuất ngay từ đầu cho nên từ đấy cho đến thập niên 1970 nền kinh tế Bắc Hàn phát triển nhanh hơn nền kinh tế Nam Hàn. Nam Hàn vào thập niên 1950 và thập niên 1960 là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, với mức thu nhập chưa tới 100 đô la cho mỗi đầu người- có thể so sánh với những nước nghèo nhất của vùng Châu Phi phía nam Sahara ngày nay.
Kongdan Oh, một học giả ở viện nghiên cứu Brookings Institution từng lớn lên ở Nam Hàn vào thập niên 1950, nhớ lại rằng "vào thời ấy thực phẩm nhiều lúc khan hiếm.".  "Vào mùa xuân, sau khi ăn hết số lúa thu hoạch vụ thu và trước khi thu hoạch mùa lúa mới, người nghèo thường lùng sục khắp các núi đồi để tìm ra những loại rau cỏ dại có thể ăn được, giống như những người dân Bắc Hàn hiện nay vẫn hay làm," bà viết vào năm 2010." Thời ấy, lớp học thiếu bàn ghế và không đủ ấm vào mùa đông. Nhờ thực phẩm viện trợ từ nước ngoài như sữa bột nên rất nhiều học sinh có thể ăn trưa ở trường."
Ngày nay khi đi khắp nơi ở Nam Hàn ta hầu như không thể nào tin được đây chính là vùng đất cũ năm xưa. Chỉ 60 năm sau, theo thống kê của CIA, Nam Hàn trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới, với GDP hằng năm hơn 1,000 tỷ đô la và thu nhập bình quân đầu người hơn 32.000 đô la. Nam Hàn sản xuất ra những sản phẩm bán rất chạy như xe hơi Hyundai, máy móc gia dụng LG và điện thoại Samsung. Các sản phẩm xuất khẩu của Nam Hàn giá trị hơn các sản phẩm xuất khẩu của Anh, Ả Rập Saudi hay Thụy Sĩ. Các nhà máy đóng tàu Nam Hàn đóng số lượng tàu gấp tám lần các nhà máy đóng tàu Mỹ. Nam Hàn còn tạo ra hiện tượng gây chấn động văn hóa đại chúng- "Gangnam Style" của ca sĩ Psy.
Quan trọng hơn, nhưng khó định lượng hơn, là sự năng động và sinh lực gắn liền với văn hóa Nam Hàn mà bất kỳ ai đến đây cũng đều thấy rõ ràng. Hán Thành, với dân số hơn 10 triệu người, là một trong những thành phố rất lớn và ấn tượng của thế giới. Thành phố có bạt ngàn những tòa nhà chung cư cao tầng, nhà hàng, quán bar, phòng trưng bày tranh, cửa hàng và đặc biệt các quán cà phê dường như có ở khắp mọi nơi còn hơn ở Seattle. Những khu thương mại sáng rực rỡ lộng lẫy với bao ánh đèn nê-on như mời gọi khách bước vào những thú vui đang chờ đợi ở bên trong, từ những nhà hàng sang trọng đến những hàng hóa thời thượng đắt tiền có thể sánh với những hàng hóa thời thượng đắt tiền nhất ở Los Angeles đến karaoke và rất nhiều tửu quán. Và sự thịnh vượng choáng ngợp ấy không dừng lại ở bên ngoài thủ đô. Busan là thành phố cảng ở phía nam trước kia là cứ điểm phòng thủ cuối cùng của quân đội Mỹ ("vành đai Pusan") trong những ngày đen tối của năm 1950 sau cuộc xâm lăng của Bắc Hàn. Ngày nay thành phố là đô thị lớn với những nhà chọc trời kính-và thép và những nhà hàng sashimi kiểu Hàn sát bên những bãi biển đông nghẹt người.
Bắc Hàn khác xa trời vực mà suốt trong 60 năm qua đã thực hiện kỳ tích phi công nghiệp hóa chưa từng có: từ miền phát triển nhất của bán đảo Triều Tiên Bắc Hàn giờ đã biến thành nơi hàng triệu người đã chết đói và hơn hàng trăm ngàn người hiện bị giam cầm trong những quần đảo ngục tù kiểu Xô Viết. Thu nhập bình quân đầu người của Bắc Hàn thuộc hàng thấp nhất thế giới; đau khổ của Bắc Hàn thuộc hàng cao nhất thế giới.
Điều gì đã khiến Bắc và Nam Hàn khác rất xa như thế? Chính trị, đơn giản thế thôi. Di sản văn hóa của hai nước giống nhau. Khác biệt là Bắc Hàn là nạn nhân của triều đại nhà Kim-ông nội Kim Nhật Thành, con Kim Chính Nhật, giờ đến cháu Kim Chính Ân-là những kẻ cuối cùng thực hiện chính sách tập thể hóa và toàn trị kiểu Stalin. Ngược lại, Nam Hàn, bắt đầu cất cánh về kinh tế vào thập niên 1960 và thập niên 1970 dưới sự cầm quyền chuyên chế của nhà cách tân Phác Chánh Hy, cha của tổng thống hiện nay, Phác Cận Huệ.
Phác Chánh Hy là nhà độc tài xuất thân từ tướng lãnh có thể dạy các nhà độc tài Ai Cập bất tài về cách trị nước. Giống như nhà độc tài Lý Quang Diệu ở Singapore, và nhà độc tài ít hiền hơn nhiều Augusto Pinochet ở Chile, Phác Chánh Hy đã thực thi những chính sách phát triển kinh tế. Sau khi Phác Chánh Hy bị ám sát vào năm 1979, Nam Hàn bước vào giai đoạn rối ren nhưng từ đấy đưa đến sự ra đời của một nền dân chủ tràn đầy sức sống để sánh với nền kinh tế thịnh vượng của Nam Hàn. Trên thế giới suốt trong hậu bán thế kỷ hai mươi không có câu chuyện nào khích lệ hơn hay không có gương sáng nào thuyết phục hơn về chuyện các quyết định chính trị có thể tạo ra cuộc đời của con người.
(Source: articles.latimes.com/2013/jul/28/opinion/la-oe-boot-south-korea-20130728)
Nguyên tác "Korea and the power of politics", Los Angeles Times, số 28-7-2013. TQV dịch.

(3) Vài bài Thơ

(i) Bùi Giáng
Gĩa t Dalat
Nói nữa sao em, với lời lỡ dở
Đường lây lất chiều bay sương lổ đổ
Đứng bên trời em ở lại hôm qua
Ngàn thông ơi ở đó đón bóng tà
Và giữ lại chuyện đời ta đi mất
Bước khúc khuỷu truông ngàn khe khóc lóc
Dặm mơ màng tăm tắp mấy mù khơi
Lùi bay đi để ở lại bên người
Tơ vấn vít gió mùa mời mọc én
Tay lẩy bẩy níu gì xuân bay biến
Ô thiều quang! Làn nước cũ trôi mau
Em đi lên với bắt mấy hương màu
Miền đất Thượng có mấy bờ hoa mọc
Xa biệt lắm mưa nguồn trên mái tóc
Đà mấy lần thổi lạc lệ lưa thưa
Buổi sớm hôm buồn tinh tú ai ngừa
Bàn chân bước vơi tay buông kể lể
Trời với đất để lòng em lạnh thế
Hoa hương ơi còn diễm lệ bao giờ
Những ân tình đầu liễu rũ lơ thơ
Còn hay mất trong trăng mờ khuya khoắt
Người xuống núi mang về đâu có chắc
Những dịp về còn nữa ở mai sau?
Dặm hồng vàng ai đứng lại nhìn nhau. (BG, 1958)

(ii) Nhất Tuấn

Nh v Dalat
Nhớ tám năm về trước
Khi còn là sinh viên
Học trong trường Võ bị
Nơi núi rừng cao nguyên
          Dạo ấy em mười tám
          Xinh đẹp hơn tiên nga
          Tóc mây bồng vương trán
          Môi cười tươi như hoa
Còn nhớ không ngày xưa
Đàlạt buồn trăng mờ
Gió vàng trên nước biếc
Chim chiều bay bơ vơ
          Chúng mình sát vai nhau
          Tay đan tay chậm bước
          Cùng đếm từng vì sao
          Rồi xây bao mộng-ước
          Rừng ái ân vẫn đó
          Hồ Than thở còn đây
         Thông im buồn đợi gió
         Mây đồi xa còn bay
Cũng vẫn một khung trời
Còn nguyên hình ảnh cũ
Em bây giờ xa rồi
Tìm đâu người viễn xứ
          Tình nào không dang dở
          Màu nào mà không phai
          Cho nên anh không nỡ
          Làm thơ để trách ai
Riêng chiều nay nhớ lại
Truyện chúng mình ngày xưa
Nhìn khung trời Đàlạt
Mà tưởng mình đang mơ. (NT, 1964)

........................................................................................
Kính.

NNS

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for Comment

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List