|
|
|
LienNhu Tran has shared a video
playlist with you on YouTube
|
Lá Thư Úc Châu
Dalai Lama: Share your knowledge. It is a way to achieve
immortality
Nelson Mandela: "Không ai sinh ra mà đã ghét người khác vì màu da, nền giáo
dục, và tôn giáo của người đó. Mọi người phải học cách để ghét. Và nếu người ta
có thể bị học cách để ghét, họ cũng có thể được dạy cách yêu thương, vì tình
yêu thương đến với con người tự nhiên hơn là lòng căm ghét."
Chúc Mừng Năm Mới
Trang Thơ Nhạc đầu Năm: 3-1-2014
Nguyễn
Văn Đông: Hải Ngoại Thương Ca
Tiếng hát: Hà Thanh
Thương tiếc Nữ Ca sĩ Hà Thanh
"Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời
Đợi mùa Xuân sang tô màu nhớ,
Dừng chân trông hoa xuân hồng thắm,
Buồn tìm về tình ai đằm thắm.
Giờ vun vút trời mây..."
(Nhớ Một Chiều Xuân – Nguyễn Văn Đông)
Trần Quốc Bảo: "Cứ
mỗi lần nghe ca khúc này và Sắc Hoa Mầu Nhớ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tôi
lại bâng khuâng nhớ về giọng hát Hà Thanh. Tiếng hát của những hoài
niệm. Tiếng hát của những giọt nắng chiều tiếc nhớ. Mỗi khi chị hát đoạn “loài
hoa vỡ bên trời”, trái tim tôi như ai bóp mạnh hơn, nhói hơn khi nhớ về những
mùa Xuân xưa quê nhà nay đã không còn nữa..
Chiều thứ tư ngày 1 tháng 1 năm 2014, mới khoảng 5g00 chiều hơn, ca sĩ Mai
Hương, giọng hốt hoảng báo tin: “Có tin chị Hà Thanh vừa mất?”. Chị Mai Hương
chỉ biết có thế và hai chị em chỉ biết lặng im bùi ngùi qua điện thoại. Tôi gọi
đến chị Hoàng Oanh, và chị cũng cho biết, đó là tin cô Bạch Lan, em gái ca sĩ
Hà Thanh đã xác nhận là sự thật. Ôi, vậy là thật rồi, tháng 12 năm nay, tháng
của giỗ một năm Duy Quang khuất bóng, rồi những tin buồn tới tấp của các
ca nhạc sĩ Huỳnh Anh, Việt Dzũng ra đi và bây giờ vừa bước vào
ngày đầu tiên của một năm mới, ngày 1 tháng 1 năm 2014, tiếng hát của những
“Khúc tình ca xứ Huế”, tiếng hát của những giòng nhạc Nguyễn Văn Đông, giờ đã
về bên kia thế giới.
Hà Thanh tên thật là Trần Thị Lục Hà, sinh ở Liễu Cốc Hạ, huyện Hương Trà, Thừa
Thiên Huế. Bà là con thứ tư trong một gia đình gia giáo có mười anh chị em mà
không một người nào đi theo con đường văn nghệ, ngoài một người anh tỏ ra
khuyến khích bà khi nhận thấy cô em mình có biệt tài ca hát. Là một người theo
đạo Phật, ngày nhỏ Lục Hà theo học Trường Nữ Trung học Đồng Khánh và đã hát
trong chương trình Tiếng Nói Học Sinh Quốc Học – Đồng Khánh trên Đài phát thanh
Huế. Năm 1955, trong cuộc tuyển lựa ca sĩ do Đài phát thanh Huế tổ chức, Lục Hà
khi đó mới 16 tuổi tham dự. Lục Hà đạt giải nhất với sáu nhạc phẩm rất khó,
trong đó có bài Dòng sông xanh, và tên bài hát đó đã trở thành nghệ danh của
cô: Hà Thanh. Hà Thanh tiếp tục học và có đi hát cho Đài phát thanh Huế.
Năm 1963, trong chuyến vào thăm Sài Gòn, Hà Thanh đã được các
trung tâm đĩa nhạc Continental, Tân Thanh, Sóng Nhạc, Asia, Việt Nam mời thu thanh
nhiều nhạc phẩm. Năm 1965, Hà Thanh chính thức gia nhập sinh hoạt ca nhạc ở Sài
Gòn. Bà trở thành một trong những giọng ca hàng đầu của Sài Gòn khi đó. Vào
giữa thập niên 1960, tiếng hát Hà Thanh thường xuyên hiện diện trên các Đài
phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tự Do, trong các chương trình Đại nhạc hội… Bà
rất nổi tiếng với những nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông như Hàng hàng lớp
lớp, Chiều mưa biên giới… Trong khoảng thời gian từ 1965 tới 1975 ở Sài Gòn, Hà
Thanh thâu âm rất nhiều cho các hãng đĩa Việt Nam, Sóng Nhạc, Shotguns, Trường
Sơn, Premier, Continental, Sơn Ca… Trong giới văn nghệ Sài Gòn trước 1975, có
nhiều người yêu thích Hà Thanh. Nhà thơ Bùi Giáng từng làm nhiều thơ và viết sách
ca ngợi nhan sắc của bà. Nhà văn Mai Thảo là một người rất si mê Hà Thanh, ông
đã từng từ Sài Gòn ra Huế để xin cưới Hà Thanh. Năm 1970, Hà Thanh kết hôn với
Trung tá Bùi Thế Dung của Binh chủng Thiết Giáp. Năm 1972, hai người có một con
gái là Kim Huyền.
Tại hải ngoại, Hà Thanh không trình diễn thường xuyên và có ghi âm một số CD
như Hải ngoại thương ca (Giáng Ngọc thực hiện, 1985), Chiều mưa biên giới
(Giáng Ngọc thực hiện, 1995), Sầu mộng (Phạm Vũ thực hiện, 1995), Ngát hương
đàm - Phật Ca (1999), Chinh phụ ca (Giáng Ngọc thực hiện, 2000), Nhành dương
cứu khổ - Phật Ca (2003).
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông:
“Lần đầu tiên, tôi được gặp cô Hà Thanh là vào năm 1963 tại Đài Phát Thanh Sàigòn
ở số 3 đường Phan Đình Phùng ngày xưa, bây giờ là đường Nguyễn Đình Chiễu. Khi
ấy, tôi là Trưởng Ban Tiếng Thời Gian của Đài Sàigòn với các ca sĩ như Lệ
Thanh, Khánh Ngọc, Trần văn Trạch, Minh Diệu, Mạnh Phát, Thu Hồ, Anh Ngọc v.v.
Ngày đó cô Hà Thanh từ Huế vào Sàigòn thăm người chị gái lập gia đình với một
vị Đại tá đang làm việc ở Sàigòn. Chính nhạc sĩ Mạnh Phát cho tôi biết về cô Hà
Thanh nên tôi nhờ Mạnh Phát liên lạc mời cô Hà Thanh đến hát với Ban Tiếng Thời
Gian. Đây là lần đầu tiên tôi được tận tai nghe tiếng hát Hà Thanh, hát nhạc
sống và hát thật ngoài đời với ban nhạc của tôi, không nghe qua làn sóng phát thanh
hay qua băng đĩa nhạc. Điều này giúp cho tôi có cơ sở nhận định chính xác về
giọng hát Hà Thanh. Tôi hiểu ngay đây là giọng ca thiên phú, kỹ thuật tốt, làn
hơi diễn cảm tuyệt đẹp, là một vì sao trong những vì sao hiếm hoi ở đỉnh cao
nghệ thuật nhưng chưa có cơ hội phát tiết hết hào quang của mình.
Ngay sau đó, tôi có mời Hà Thanh thâu thanh cho Hãng đĩa
Continental. Nếu tôi nhớ không lầm thì bản nhạc đầu tiên tôi trao cho Hà Thanh
là bài Về Mái Nhà Xưa do tôi sáng tác. Lần đó, cô Hà Thanh hát thật tốt, toàn
ban nhạc và Ban Giám Đốc Hãng Continental rất hài lòng, khen ngợi. Sau ngày đó,
cô Hà Thanh từ giã trở về lại Huế, trở về lại với Cố đô trầm mặc, tĩnh lặng,
không sôi nổi như Thủ Đô Saigòn, là cái nôi của âm nhạc thời bấy giờ.
Sau khi Hà Thanh trở về Huế, tôi có nhiều suy tư về giọng
hát đặc biệt này. Tôi ví von, cho đây là vì sao còn bị che khuất, chưa tỏa hết ánh
hào quang, vì chưa có hoàn cảnh thuận lợi để đăng quang, nếu phó mặc cho thời
gian, cho định mệnh, có thể một ngày kia sẽ hối tiếc. Vì vậy tôi đem việc này
ra bàn với Ban Giám Đốc Hãng đĩa Continental để mời cô Hà Thanh vào Sàigòn cộng
tác. Chính tôi viết thư mời cô Hà Thanh vào Sàigòn với những lý lẽ rất thuyết
phục, rất văn nghệ, rất chân tình. Và cô Hà Thanh đã vào Sàigòn sau khi đã
tranh đấu gay go với gia đình bố mẹ, vốn giữ nề nếp cổ xưa của con người xứ
Huế. Ngày đó Hà Thanh vào Sàigòn, hòa nhập vào đời sống người Sàigòn, vào nhịp
đập âm nhạc Sàigòn, vốn đứng đầu văn nghệ cả nước. Hà Thanh đi thâu thanh cho
Đài Sàigòn, Đài Quân Đội và nhận được lời mời tới tấp của các Hãng đĩa băng
nhạc như Sóng nhạc, Việt Nam, Tân Thanh, Tứ Hải và hầu hết các Trung Tâm ở Thủ Đô
Sàigòn, chứ không phải chỉ riêng cho Hãng dĩa Continental và Sơn Ca của tôi.
Ngày đó, tiếng hót của con chim Sơn Ca đất Thần Kinh đã được vang thật xa, đi
vào trái tim của hàng triệu người yêu mến tiếng hát Hà Thanh. Cô Hà Thanh hát
hầu hết các tác phẩm của tôi. Bài nào tôi cũng thích, cũng vừa ý, có lẽ vì vậy
mà tôi không nghĩ đến chuyện viết bài đặc biệt cho riêng cô. Tôi nhớ lại một
chuỗi những sáng tác trong thời binh lửa chiến tranh như Chiều Mưa Biên Giới,
Sắc Hoa Màu Nhớ, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Lá Thư Người
Lính Chiến, Phiên Gác Đêm Xuân, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giã Biệt vân vân, đều
rất hợp với tiếng hát Hà Thanh và cô hát rất thành công. Tôi cho rằng Hà Thanh
không chỉ hát mà còn sáng tạo trong khi hát. Hà Thanh đã tạo thêm những nốt luyến
láy rất truyền cảm, rất mỹ thuật làm cho bài hát của tôi thêm thăng hoa, trong
giai điệu cũng như trong lời ca. Tôi cho rằng khi hát cô Hà Thanh đã sống và
cùng đồng điệu sẻ chia với tác giả khi trình bày một bản nhạc có tầm vóc nghệ
thuật.
Tôi cho rằng Hà Thanh có giọng hát thiên phú, cô hát rất
thoải mái dễ dàng, không cầu kỳ, không cường điệu, không gò bó nhưng nó cuốn
hút ta đi trong cái bềnh bồng không gò ép đó. Tôi cám ơn tiếng hát của Hà Thanh
đã mang lại cho các bài hát của tôi thêm màu sắc, thêm thi vị, bay bổng. Trước
khi đến với Hà Thanh, tôi cũng rất ngưỡng mộ tiếng hát của cô Thái Thanh, Lệ
Thanh, Khánh Ngọc và nhiều người khác đã gieo khắp phương trời tiếng lòng của
tôi, cũng như về sau này có thêm các cô học trò như Thanh Tuyền, Giao Linh đã
giúp cho ông Thầy truyền tải đến trái tim người yêu nhạc. Nhưng đặc biệt, tiếng
hát Hà Thanh đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm tốt đẹp, bền bỉ tuy thời gian
ngắn ngủi kể từ khi cô bỏ đi lấy chồng để tôi độc hành trên đường nghệ thuật.
Sau biến cố 1975, tôi không còn dịp hợp tác với cô Hà Thanh như trước đây.
Nhưng thỉnh thoảng tôi được nghe cô hát một sáng tác mới của tôi ở hải ngoại,
tôi vẫn cảm thấy tiếng của cô vẫn đậm đà phong cách ngày xưa, vẫn một Hà Thanh
diễn cảm, sang trọng, sáng tạo trong khi hát, mặc dù thời gian chia cách đã 40
năm qua...".
Tình thân,
Kính.
NNS
................................................................................
Chuyện
đầu Năm 2014
(1) Tuổi Trẻ Online
40 năm hải chiến Hoàng
Sa
(Để tưởng nhớ những Anh hùng: Vị Quốc Vong Thân).
“40 năm đã trôi qua, nhưng chúng tôi không thể nào quên được trận hải chiến
Hoàng Sa năm 1974. Nhiều đồng đội của chúng tôi đến giờ vẫn còn lại dưới đáy
sâu vùng biển này. Thân xác và hương hồn những người lính Việt đã hòa với cát
đá, sóng gió đại dương để mãi mãi khẳng định rằng nơi này chưa một ngày nào
chia lìa Tổ quốc...”.
***
TT - Ngày 11-1-1974,
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Kèm theo những
lời tuyên bố vô căn cứ, Trung Quốc phái nhiều tàu đánh cá võ trang và tàu chiến
xâm nhập hải phận Hoàng Sa.
Ngày hôm sau 12-1-1974, ngoại
trưởng Việt Nam cộng hòa (VNCH) Vương Văn Bắc đã cực lực bác bỏ luận điệu ngang
ngược và lên án hành động xâm lăng gây hấn của Trung Quốc. Đồng thời, Bộ tư
lệnh hải quân VNCH khẩn cấp tăng cường chiến hạm tuần tiễu tại vùng biển Hoàng
Sa.
Đổ bộ, cắm cờ và khiêu khích
Đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải, viết trong hồi ký:
“Vào ngày 15-1-1974, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ16), hạm trưởng là trung
tá Lê Văn Thự, được lệnh đưa địa phương quân thuộc tiểu khu Quảng Nam và nhân
viên khí tượng ra Hoàng Sa để thay thế toán đang ở ngoài đó hết nhiệm kỳ. Cùng
đi còn có hai sĩ quan công binh đi theo tàu để nghiên cứu việc tu sửa lại cầu
tàu tại Hoàng Sa và một người Mỹ tên Gerald Kosh xin đi để biết đảo Hoàng Sa...
Khi chiến hạm vừa khởi hành, tôi được báo cáo từ Hoàng Sa là thấy một vài ghe
đánh cá xuất hiện rất gần bờ tại đảo Pattle. Tôi liền chuyển tin tức đó cho
chiến hạm HQ16”.
Sáng 16-1, đến đảo Pattle (Hoàng Sa), HQ16 cho bốn nhân viên cơ hữu dùng xuồng
chở sáu người trong đoàn công binh lên đảo do thiếu tá Hồng chỉ huy và trong
khi chờ đoàn công binh trở lại tàu, hạm trưởng HQ16 “thấy trên đảo Quang Hòa
bốn năm người ăn mặc như thường dân, có người ở trần, đi lại gần một dãy nhà
đang cất dở dang”. Hạm trưởng Thự liền hỏi bộ chỉ huy và được biết trên đảo này
không có “quân ta”.
Đến trưa 16-1-1974, HQ16 lại thấy “một chiến hạm Trung Quốc xuất hiện trong
vùng”. Trung úy Đào Dân, sĩ quan phụ tá trên HQ16, ra lệnh đánh tín hiệu nhưng
tàu lạ im lặng. Ông viết trong hồi ký: “Tôi liền hội ý với hạm trưởng và khai
hỏa đại liên 30 li cố ý đuổi nó ra khỏi vùng đảo nhưng tàu lạ vẫn không nhúc
nhích”. HQ16 tiến gần hơn khoảng 500m thì thấy rõ lá cờ Trung Quốc. Một mặt
HQ16 báo cáo về bộ chỉ huy, một mặt dùng tay, cờ và loa phóng thanh tiếng Hoa “yêu
cầu ra khỏi hải phận Việt Nam”. Lúc đó tàu Trung Quốc không trả lời, nhiều
người lên boong tàu, “đa số mặc quần cụt, áo thun, một số mặc quân phục”. Mãi
một lúc lâu, tàu Trung Quốc cũng lên tiếng “yêu cầu ngược lại”. Đồng thời,
“nhiều tàu cá xuất hiện cạnh đảo Money và hàng trăm lá cờ Trung Quốc cắm rải
rác dọc bờ cát trắng”.
Trước tình hình đặc biệt nghiêm trọng này, trung tá Thự phải báo cáo về bộ tư
lệnh hải quân và xin được tăng viện. Khu trục hạm Trần Khánh Dư số hiệu HQ-4,
do trung tá Vũ Hữu San làm hạm trưởng, được lệnh khẩn cấp hành quân ra Hoàng
Sa.
40 năm đã trôi qua, cựu thượng sĩ Trần Dục hiện đang sống ở Huế vẫn không thể
quên được cuộc hành quân đặc biệt này. “Khoảng giữa tháng 1-1974, khu trục hạm
HQ-4 Trần Khánh Dư sắp hoàn thành nhiệm vụ tuần tra biển vùng 1 và chuẩn bị vào
bờ. Đang tính toán lên bờ Đà Nẵng sẽ mua sắm quà tết gì cho gia đình thì bất
ngờ nhận nhiệm vụ mới ở Hoàng Sa. Anh em binh sĩ, thủy thủ đoàn chưa rõ tình
hình nhưng đoán nhiệm vụ rất quan trọng. Bởi tết nhất rồi mà còn phải hành quân
khẩn cấp chắc chắn phải có lý do quân sự”. Ông Dục lúc ấy là quản trưởng có
trách nhiệm thay mặt hạm trưởng sắp xếp, điều động toàn bộ nhân sự trên tàu.
Cuộc hành quân lúc 0 giờ
Công tác chuẩn bị của khu trục hạm Trần Khánh Dư rất gấp rút. Buổi chiều, hạm
trưởng San lên bờ họp trong khi bộ phận còn lại hối hả tiếp liệu, lương thực,
đạn dược... Khoảng nửa đêm 16-1, tàu quay mũi rời Đà Nẵng hướng ra Hoàng Sa.
Ngoài binh sĩ cơ hữu, tàu chở thêm một trung đội biệt hải do đại úy Nguyễn Minh
Cảnh chỉ huy. HQ-4 là chiến hạm thuộc lớp hiện đại nhất thời điểm ấy của hải
quân VNCH nên tốc độ khá cao. Khoảng trưa 17-1, khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư
đã gia nhập với tuần dương hạm HQ16 Lý Thường Kiệt có mặt từ trước.
Tư lệnh vùng 1 duyên hải Hồ Văn Kỳ Thoại “chỉ định trung tá Vũ Hữu San giữ chức
vụ chỉ huy chiến thuật (OTC-officer in tactical command) phân đội hoạt động
vùng Hoàng Sa, gồm tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ16) và khu trục hạm Trần
Khánh Dư”. Trung úy hải quân Đào Dân kể: Vừa nhập vùng, HQ-4 hành động ngay.
HQ-4 từ phía nam đảo Money chạy lên, HQ16 từ đảo Pattle chạy xuống kềm chặt hai
chiếc tàu Trung Quốc vào giữa. Hai bên đấu khẩu nhau. Cuối cùng HQ-4 nổ máy đâm
thẳng tàu địch đuổi nó ra khơi”.
Là một trong những sĩ quan thường xuyên có mặt trên đài chỉ huy cùng hạm trưởng
San, cựu trung úy Phạm Ngọc Roa (hiện sống ở Lâm Đồng), phụ tá sĩ quan hải
hành, kể: “Hạm trưởng San là một người thẳng thắn và nóng tính, sẵn sàng thực
hiện ngay việc mình xác quyết là đúng. Trung tá San lệnh dùng cờ, quang hiệu
lẫn loa phát tiếng Việt, Trung, Anh để đuổi tàu Trung Quốc. Lúc đầu tàu Trung
Quốc còn im lặng, đậu lì. Sau đó họ cũng trả lời dối trá lại đây là vùng chủ
quyền Trung Quốc, yêu cầu tàu VNCH phải rời ngay lập tức. Hai bên vờn nhau mãi
không giải quyết được gì, trung tá San cảnh báo, rồi ra lệnh bẻ lái ủi thẳng
vào chiếc tàu giả trang ngư nghiệp 407 của Trung Quốc theo hướng đẩy ra xa đảo.
Mũi khu trục hạm Trần Khánh Dư cao lớn hơn, chồm lên đè bể một phần buồng lái chiếc
tàu 407 làm nó và một chiếc gần đó hoảng sợ, phải lùi ra xa.
Ông Dân mô tả “Trước thái độ quyết liệt của HQ-4, tàu địch bỏ chạy về phía nam
của hai đảo Duy Mộng và Quang Hòa. Sau khi đuổi hai tàu địch, HQ-4 đổ bộ khoảng
20 người nhái lên đảo Money dẹp cờ Trung Quốc, cắm cờ VN. Còn HQ16 chuẩn bị đổ
bộ 15 nhân viên cơ hữu lên đảo Robert do trung úy Lâm Trí Liêm chỉ huy. Toán
này mang vũ khí đầy đủ, lương thực khô vài ba ngày”. Thượng sĩ giám lộ Lữ Công
Bảy trên HQ-4 kể: “Trung đội biệt hải lên đảo Vĩnh Lạc không phát hiện gì ngoài
vài nấm mộ hình như mới đắp, không có bia, chỉ có cọc gỗ và bảng gỗ đóng trước
đầu mộ ghi chữ Trung Quốc với ngày sinh và chết mấy chục năm trước. Các chiến
sĩ biệt hải được lệnh đào bới các nấm mộ lên, chẳng thấy xương cốt gì cả. Đây
là những nấm mộ ngụy tạo...”. Đêm 17 rạng 18-1 là đêm cực kỳ căng thẳng. Phía
Trung Quốc tiếp tục tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích. Các chiến hạm
của họ tiến sâu vào lãnh hải Hoàng Sa. Tàu HQ-4 và HQ16 dùng tín hiệu cảnh cáo:
“Đây là lãnh hải của Việt Nam. Yêu cầu các ông hãy rời khỏi đây ngay!”. Phía
Trung Quốc đáp trả rằng Hoàng Sa là của họ!
Box: Sáng 17-1, theo nhà nghiên cứu Trần Đỗ Cẩm,
“HQ16 quay lại đảo Cam Tuyền thấy hai tàu Trung Quốc vẫn còn đó. Ngoài ra, gần
đảo Vĩnh Lạc (Money) lân cận cũng có tàu Trung Quốc xuất hiện với hàng trăm lá
cờ Trung Quốc cắm rải rác dọc bãi cát trắng. Hạm trưởng HQ16 liền báo cáo “hai
tàu cá Trung Quốc không tuân lệnh của chiến hạm VNCH ra khỏi lãnh hải VN và
xuất hiện hai tàu chở quân của Trung Quốc đến gần đảo và trên bờ có cắm nhiều
cờ của Trung Quốc”. Nhận được báo cáo, đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại ra lệnh cho HQ16
đổ bộ nhân viên cơ hữu lên đảo Vĩnh Lạc để triệt hạ cờ Trung Quốc.
Trung tá Thự cho một toán đổ bộ gồm một trung úy và 14 đoàn viên của chiến hạm
trang bị M79 và súng cá nhân lên bờ bằng xuồng cao su để nhổ hết cờ Trung Quốc
mới cắm và thay bằng cờ Việt Nam. Các chiến hạm Việt Nam tăng viện, được lệnh
phải giành lại các đảo vừa bị quân Trung Quốc đổ bộ xâm chiếm.(Trung tá hạm
trưởng HQ-4 Vũ Hữu San - Ảnh tư liệu)
Tăng viện, tái chiếm đảo
“Sáng 18-1-1974, tình hình Hoàng Sa nóng như thùng thuốc nổ. Chiến
hạm TQ được điều đến thêm. Chiến hạm VN từ Đà Nẵng lao ra. Mọi người trên tàu đều
sẵn sàng ở nhiệm sở chiến đấu. Binh sĩ các khẩu đội pháo phải ăn cơm tại chỗ.
Đi vệ sinh cũng chỉ từng người để có thể tác xạ lập tức” - 40 năm đã trôi qua,
cựu thượng sĩ Trần Dục, quản trưởng khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư, vẫn không
kìm được sự xúc động khi nhắc lại khoảnh khắc ấy.
Tăng viện
Trước diễn biến Trung Quốc điều thêm chiến hạm cao tốc, Bộ tư lệnh hải quân VN
cộng hòa đã tăng cường khẩn cấp hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 và tuần dương hạm
Trần Bình Trọng HQ-5.
Tối 17-1, tàu HQ-10 khởi hành trước, sau đó HQ-5 cũng từ Đà Nẵng quay mũi tàu
hướng ra Hoàng Sa. Khoảng 3g15 ngày 18-1, hai chiến hạm gặp nhau ở tọa độ cách hải
đăng Tiên Sa khoảng 8 hải lý về hướng đông. Trung tá Phạm Trọng Quỳnh là hạm
trưởng tuần dương hạm HQ-5. Trên tàu còn có mặt đại tá Hà Văn Ngạc, hải đội
trưởng hải đội 3 tuần duyên, nên HQ-5 là soái hạm, và đại tá Ngạc là quyền chỉ
huy cao nhất. Tàu này cũng chở thêm biệt đội hải kích 49 người của đại úy Trần
Cao Sạ chỉ huy. Tàu HQ-10 do thiếu tá Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng.
Trong bốn chiếc, hộ tống hạm Nhật Tảo yếu nhất. Thủy thủ cơ khí Trần Văn Hà,
nhân chứng trở về sau trận hải chiến, hiện sống ở Bạc Liêu, kể: “Chiến hạm Nhật
Tảo đã kết thúc chuyến tuần tra vùng 1, vào cảng Tiên Sa để chuẩn bị sửa chữa
lớn, nhưng vì nhiệm vụ Hoàng Sa nên lại quay mũi ra biển. Mọi người vừa lên bờ
chưa kịp ăn xong bữa cơm lại có lệnh đi ngay. Có người về trễ, nhảy với theo
tàu, bị rớt xuống nước phải kéo lên”.
Hành quân ra Hoàng Sa, soái hạm HQ-5 Trần Bình Trọng không thể giảm tốc độ chờ
HQ-10 Nhật Tảo nên một mình tiến lên trước. Khoảng 15 giờ ngày 18-1, HQ-5 đã
vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, nhập chung đội hình tác chiến với HQ-4 và HQ-16
đang đối đầu với lực lượng Trung Quốc. Trong hồi ký Tường thuật hải chiến Hoàng
Sa được viết lại vào năm 1999, đại tá Hà Văn Ngạc kể: soái hạm HQ-5 đến lòng
chảo Hoàng Sa đã thấy lực lượng biệt hải đổ bộ trên tàu HQ-4 và HQ-16 đang kiên
cường trấn giữ các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, Duy Mộng. Phía đảo Quang Hòa, tàu
TQ đang lờn vờn bên ngoài.
Căng thẳng trước ngày N
Đại tá Ngạc quyết định lực lượng hải quân VN sẽ phô trương uy lực, bố trí đội
hình tiến thẳng theo hàng dọc. Ông Ngạc viết: “Bốn chiến hạm (theo các ghi chép
thì nửa đêm 18-1 HQ-10 mới tới do máy phụ đã hư) đều tập trung trong vùng lòng
chảo quần đảo Hoàng Sa và hải đoàn đặc nhiệm đã hình thành. Nhóm chiến binh của
HQ-4 và HQ-16 đã đổ bộ và trương quốc kỳ VN trên các đảo Cam Tuyền (Robert) do
trung úy Lê Văn Dũng chỉ huy, đảo Vĩnh Lạc (Money) do trung úy Lâm Trí Liêm chỉ
huy và Duy Mộng (Drummond) từ mấy ngày qua vẫn giữ nguyên vị trí. Sau khi quan
sát các chiến hạm của TQ lởn vởn phía bắc đảo Quang Hòa (Duncan), tôi quyết
định hải đoàn sẽ phô trương lực lượng tiến về đảo Quang Hòa. Bốn chiến hạm hàng
dọc tiến về đảo Quang Hòa, nơi các chiến hạm TQ đang tập trung”. Ông Ngạc viết
tiếp: “Chừng nửa giờ thì hai chiến hạm TQ loại Kronstadt mang số hiệu 271 và
274 phản ứng bằng cách chặn trước hướng đi của hải đoàn. Hai chiến hạm nhỏ hơn
số hiệu 389 và 396 cùng hai ngư thuyền ngụy trang 402, 407 vẫn nằm sát đảo
Quang Hòa. Chiếc 271 liên lạc bằng quang hiệu và HQ-5 nhận công điện bằng Anh
ngữ: “These islands belong to the People Republic of China...”. Tôi cho gửi ngay
một công điện khái quát như sau: “Please leave our territorial water
immediately”. Thượng sĩ giám lộ Lữ Công Bảy (hiện sống tại TP.HCM) kể: “8 giờ
sáng, HQ-4 được lệnh đổ bộ trung đội biệt hải lên đảo Cam Tuyền và cũng phát
hiện những ngôi mộ giả như ở đảo Vĩnh Lạc”. Toán đổ bộ, sau khi hạ cờ TQ cắm cờ
VN, đã tìm địa thế thích hợp để phòng thủ”. Đến 11 giờ, đài khí tượng và quân
đồn trú đảo Hoàng Sa báo cáo có hai tàu đánh cá vũ trang mang cờ TQ xâm nhập và
tiến đến gần đảo Hoàng Sa. HQ-4 và HQ-16 được lệnh tiến về đảo Hoàng Sa. Khi
đến gần tàu đánh cá vũ trang, HQ-4 dùng tín hiệu cảnh cáo và đuổi đi, nhưng cả
hai cố tình khiêu khích. HQ-4 tiến thẳng đến một tàu. Thượng sĩ Lữ Công Bảy cho
biết: “Thấy trên tàu có khoảng 30 thuyền viên mặc đồng phục màu xanh dương đậm,
trang bị hai thượng liên và rất nhiều AK47. Khu trục hạm HQ-4 quyết định áp sát
để đuổi. Hai bên đánh... võ mồm nhưng không tác dụng. HQ-4 lùi ra dùng mũi tàu
ủi thẳng tàu TQ. Mũi HQ-4 và neo vướng vào cửa và hành lang phòng lái làm gãy
hành lang và cong cửa phòng lái của tàu TQ. HQ-16 cũng quyết liệt như vậy.
Trước thái độ cương quyết của hải quân VN, tàu TQ vội vàng tháo lui. Đêm 18
rạng 19-1, tàu cá vũ trang TQ vẫn tiếp tục tiến gần đảo Hoàng Sa và khiêu
khích. HQ-4 phải dùng kèn hơi thật lớn và đèn hồ quang rọi thẳng vào đội hình,
tàu TQ mới rút. Ông Đào Dân nhớ lại: “Buổi tối chỉ có HQ-16 giữa lòng chảo các
đảo với quân số hơn 100 người. HQ-4 và HQ-5 trở về phía nam đảo Quang Hòa và
Duy Mộng. Khoảng 10 giờ tối, HQ-10 mới tới nhập với HQ-16 trở thành phân đội 1
do trung tá Lê Văn Thự, hạm trưởng HQ-16, chỉ huy”. Ông Trương Văn Liêm, sĩ
quan phụ tá hạm phó HQ-5, nhớ lại: 1g45, tất cả sĩ quan đều có mặt. Hạm trưởng
ra lệnh: “Chỉ thị đổ bộ vào sáng sớm, tất cả phải sẵn sàng ở nhiệm sở tác chiến
toàn diện lúc 4 giờ sáng”.
Box: Đại tá Hà Văn Ngạc đã gửi một công điện thượng khẩn đến các hạm
trưởng vào lúc 11g30 đêm 18-1-1974:
- Nhiệm vụ: Hành quân thủy bộ cấp tốc chiếm lại đảo Quang Hòa.
- Thi hành: Đường lối ôn hòa, nếu địch khai hỏa kháng cự thì tập trung hỏa lực
tiêu diệt địch.
- Kế hoạch: Hai chiến hạm HQ-4 và HQ-16 có nhiệm vụ yểm trợ lực lượng đổ bộ
bằng cách bám sát hai chiến hạm Kronstadt 271 và 274. Nếu địch khai hỏa thì hai
chiến hạm này sẽ nổ súng tiêu diệt. HQ-4 đổ bộ biệt hải từ phía tây đảo Quang
Hòa và yểm trợ hải pháo cho lực lượng đổ bộ. Chiến hạm này cũng canh chừng các
tàu nhỏ và tàu giả trang đánh cá Trung Quốc.
- Ngày N là ngày 19-1, giờ H là 6 giờ sáng.
- Quy luật khai hỏa được căn cứ trên hai trường hợp: Nếu địch khai hỏa trước sẽ
phản ứng bằng hỏa lực cơ hữu tiêu diệt càng nhiều càng tốt, ưu tiên hỏa lực vào
các chiến hạm quan trọng như Kronstadt hoặc các tàu lớn. Nếu địch tỏ vẻ ôn hòa,
sẽ dè dặt và cảnh giác tối đa với phản ứng ôn hòa tương ứng, đồng thời tiến
hành nhiệm vụ tái chiếm đảo Quang Hòa bằng thương lượng, sau đó cắm quốc kỳ lên
đảo...
Tình hình Hoàng Sa được tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải Hồ Văn Kỳ Thoại báo
cáo khẩn cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhân chuyến kinh lý miền Trung. Ông
Thoại kể: “Sau khi nghe tôi trình bày, tổng thống Thiệu lấy bút giấy ra viết
liên tục trong khoảng 15 phút. Sau khi viết xong, ông gọi tôi đến ngay trước
mặt ông và yêu cầu tôi đọc mấy trang giấy đó. Tổng thống Thiệu nói: “Anh Thoại
đến đây và đọc trước mặt tôi đây, có gì không rõ ràng cho tôi biết ngay từ bây
giờ”. Trên đầu trang giấy có mấy chữ “chỉ thị cho tư lệnh hải quân vùng 1 duyên
hải”. Sau khi trao thủ bút cho tôi, tổng thống Thiệu hỏi các vị tướng lãnh bộ
binh hiện diện có ý kiến gì không. Không ai trả lời. Ông nói tiếp: “Chúng ta
không để mất một tấc đất nào cả”.
Chỉ thị này ghi rõ: “Tìm đủ mọi cách ôn hòa mời các chiến hạm đối phương ra
khỏi lãnh hải VN. Nếu họ không thi hành thì được nổ súng cảnh cáo trước mũi các
chiến hạm này và nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự
toàn vẹn của lãnh thổ VN”. Phần sau, yêu cầu thủ tướng chính phủ “dùng mọi
phương tiện để phản đối với quốc tế về sự xâm phạm lãnh hải VN”. Đồng thời yêu
cầu “thủ tướng Khiêm và các đại sứ VN tại các quốc gia trên thế giới phải lên
tiếng và trình bày rõ ràng về chủ quyền trên các hải đảo Hoàng Sa là thuộc
chính phủ VNCH”.
(Trích hồi ký Hồ Văn Kỳ Thoại). Kỳ tới: Đổ bộ đảo Quang
Hòa. (TRẦN NHẬT VY - QUỐC VIỆT)
(2) Việt Dzũng
Giấc Mơ Trăng Và Đá
Việt Dzũng, người Nhạc Sĩ, nhà báo, MC, người không ngừng nghỉ đấu
tranh cho một đất nước Việt Nam tự do nhân quyền đã ra đi trong sự
ngỡ ngàng, thương tiếc của hầu hết những ngưởi Việt lưu vong. Để nhớ đến một
phần tài hoa của con người đầy ước mơ cho quê hương Việt Nam tự do, xin mời quí
anh chị đọc lại truyện ngắn: Giấc mơ trăng và đá sau đây, để cảm được một phần
cảm nghỉ và cuộc đời Việt Dzũng. Truyện được trích trong tuyển tập truyện
ngắn" Gió Sông Hồng" của Việt Dzũng do Thế Giới xuât bản năm
1992.
Xin tạm biệt Việt Dzũng, người đã ra đi mang theo Quê hương...
***
Trong tôi, sự quyến rũ về Trăng và Đá đến từ trí tưởng lãng mạn qua
những huyền thoại dã sử. Hình ảnh những tráng sỹ nhung y gọn ghẽ ngồi
mài kiếm dưới trăng, nung nấu ý chí can trường và sẵn sàng nhảy lên
lưng chiến mã, lao vào bóng đêm mịt mùng để hoàn thành sứ mạng bí
mật, là những giấc mơ rực rỡ, chan hòa suốt tuổi thơ tôi. Ngay cả sau
cơn sốt định mệnh làm tê liệt đôi chân mà giấc mơ tráng sỹ mài kiếm
dưới trăng vẫn còn tức tưởi. Giấc mơ đó đậm nét đến nỗi mọi ước
muốn nào đẹp đẽ, tôi đều gọi chung là “Giấc mơ trăng và đá”. Thậm
chí, đôi lúc tôi cảm thấy sự tan vỡ về giấc mơ huyền thoai kia đã
làm tôi đau đớn hơn cả những thiệt thòi, cô độc mà một cậu bé bẩy
tuổi phải chịu khi ngồi trên xe lăn, nhìn đám bạn cùng tuổi vui chơi
nhảy nhót. Ngày đó, tôi chưa ý thức đủ những bất hạnh lớn lao khi
đôi chân không còn giúp ích gì cho những phần thân thể khác. Tôi chỉ
buồn vì không theo các bạn chạy nhảy, nô đùa được nữa. Tôi cũng không
thấy được ánh mắt thương hại của những người xung quanh.
Nhưng năm tháng trôi qua, chiếc xe lăn và cặp nạng gỗ gần gũi với tôi
hơn cả cha mẹ, anh chị em, càng gần hơn bạn bè, quyến thuộc Tôi tự
tách rời tới một cõi riêng lúc nào không hay. Nỗi đau buồn không lối
thoát lăn tròn trong cõi lòng trống trải như những viên đá cuội lạnh
lẽo, vô hồn. Những viên đá bất lực chờ cơn giông bão cuốn lăn theo
sườn núi, rơi xuống thác ghềnh, trôi ra sông rộng... Tôi nghe thấy bao
nhiêu là âm thanh sống động trên đường đi của đá; những âm thanh lúc
khẩn thiết, khi reo vui, lúc trầm mặc đợi chờ, khi chan hòa hoan
lạc....
Âm thanh ám ảnh tôi không ngừng.
Tôi tìm mua sách nhạc về, tự học và dành hầu hết thì giờ với cây
đàn guitar. Một ngày của đứa trẻ tật nguyền có quá nhiều thì giờ
rảnh rỗi để học những điều muốn học. Những ngón tay tôi quá nhỏ so
với phím đàn, nhưng có hề gì! Giòng âm thanh cuồn cuộn trong tâm hồn
tôi là sức mạnh vũ bão, bật ra mười đầu ngón rớm máu. Những buồn
tủi, uất nghẹn từ những đường gân rũ liệt ở đôi chân theo âm thanh man
rợ, vỡ ra trên từng sợi giây đàn....
- Vũ Thanh! Vũ Thanh! Con đàn cái gì vậy? Giây đàn đứt rồi kìa!
Trời! Tay con chảy máu nữa!
Mẹ tôi chạy lại, giằng cây đàn, quăng xuống đất. Mẹ cầm hai bàn tay
tôi rớm máu và nhìn tôi bằng đôi mắt đẫm lệ.
Tôi như người vừa tỉnh cơn mơ, nhìn xuống đôi tay mình, nhìn giòng
nước mắt mẹ hiền, tôi cảm thấy, không chỉ đôi chân mình rũ liệt mà
toàn thân tôi như đều đã rũ liệt theo...
Tôi ngã vào lòng mẹ, khóc như con gái.
Từ hôm đó, tôi khám phá ra nguồn an ủi vô biên là chuyện trò với
chính mình bằng thế giới trầm bổng của âm thanh.
Lạ lùng thay, tôi truyền đạt dễ dàng những cảm nghĩ, những rung động
của mình xuống đôi tay rồi bật ra trên sáu sợi giây đàn. Ngồi trên xe
lăn, trong phòng học, ôm cây đàn guitar trong tay, tôi say sưa hát. Không,
phải diễn giải cho đúng là tôi say sưa NÓI-BẰNG-NHẠC, mà sáu sợi
giây đàn đã cùng tôi hòa hợp thành âm thanh trầm bổng. Tôi NÓI về
tuổi thơ mình bất hạnh, NÓI về niềm khát khao của cánh chim trời
được vỗ cánh tung bay, NÓI về những giòng nước mắt không thể chảy
khi niềm đau đã tới tột cùng nhức buốt.
Tôi nói dễ dàng, nói miên man, và những ngón tay tôi chạy trên giây
đàn, bật lên những cung tơ....
Tôi đang viết nhạc mà tôi không biết! Tôi đang mượn âm thanh ghi lại cảm
nghĩ mình mà tôi không hay! Tôi ngạc nhiên thấy cha mẹ quan tâm về
những trường canh ghi vội trên khuông nhạc. Tôi còn nghe thấy loáng
thoáng, đôi lần, cha mẹ nói với nhau về những thiên khiếu tiềm tàng
nơi đứa con trai tật nguyền.
Một buổi chiều, chống nạng đứng ở cuối vườn, tôi bỗng nghe một
tiếng chim kêu thảng thốt lạ thường; rồi bất ngờ, một con chim cu đất
bay loạng quạng, té nhào xuống bên luống cải. Tôi khập khễnh đôi nạng
tới thì con chim sợ hãi chúi mình vào lá rau. Nó không còn bay được
nữa. Chắc hẳn nó đã gẫy chân? Hay nó quá non nớt, chưa bay xa được?
Tôi buông nạng, ngồi bệt trên nền đất, vừa quơ tay tìm nó, vừa vỗ
về: “Không sao! không sao! để ta băng bó cho”.
Tôi bắt được nó không khó. Nó run bần bật trong tay tôi. Nhìn mỏ nó,
tôi biết không phải nó quá non mà là đã quá già. Đôi mắt bé tí của
nó như có một lớp màng đục che phủ. Nó đã mù rồi chăng? Tội
nghiệp! con chim quá già không còn bay nổi, đành ngã nhào xuống đất
chờ chết!
Tôi còn lúng túng ôm nó trong tay thì đã nghe thấy tiếng con chim cu
đất khác trên cành cây bã đậu trước nhà như đang thảm thiết khóc
bạn. Một lát, nó bay đảo vòng khu vườn sau, nơi nó biết chim bạn vừa
ngã xuống. Nhiều lần như thế, rồi nó vỗ cánh bay đi. Tôi nghĩ, nó
đã bỏ cuộc.
Ủ con chim thương tích trong vạt áo, tôi mong hơi ấm giúp nó hồi tỉnh
nhưng thân thể nhỏ bé của nó bỗng giật từng hồi. Tôi biết nó sắp
chết. Tiếng kêu thảm thiết của loài cu đất chợt vang động trên cao,
Thì ra, con chim mất bạn bay đi gọi đồng loại tới cứu. Chúng bay rợp
cả khu vườn, vừa bay, vừa kêu thương. Trong tay tôi, con chim già đã hóa
kiếp! Nước mắt tôi chợt ứa ra. Tôi cũng khóc theo bầy chim trên cây,
cùng với chúng, tiễn đưa một linh hồn.
Sau đó, tôi bỏ xác chim vào một hộp giấy nhỏ rồi hì hục đào đất
bên gốc hồng, định sẽ chôn nó, Nhưng phút giây, mắt tôi đang nhìn
chiếc hộp giấy nhỏ, bỗng không còn hộp giấy mà chợt biến thành
chiếc quan tài! Bên trong đó không phải xác chim mà là xác đứa trẻ
bị tê liệt đôi chân!!! Không! tôi không muốn khi chết, tấm thân tàn tật
này sẽ phải vùi sâu dưới lòng đất. Tôi cũng thù hận đôi chân vô dụng
này, ngay cả khi chết đi tôi vẫn chưa rời bỏ nó được sao?!?! Không! khi
chết, tôi muốn được đốt tan thành tro bụi, thoát kiếp tật nguyền, cho
tôi hóa thân thành trăng và đá. Ôi! Trăng và Đá, giấc mơ thiên thần
tuổi nhỏ giờ trở thành định mệnh khốc liệt trong tôi.
Lửa cháy từ hộp giấy, bén vào lá khô, lan tới đống củi mục. Lửa
reo vui như thiên thần, lửa sôi sục vạc dầu hỏa ngục...
- Cháy! Cháy! Trời ơi, Vũ Thanh!
Tiếng mẹ tôi gọi giật, tiếng các em tôi lao xao rồi vòng tay cứng rắn
của cha nâng bổng tôi lên. Nước từ bốn phía tạt vào góc vườn hồng
ướt đẫm.
- Con làm gì ngoài đó, hả? hả? Tại sao lửa cháy rực trước mặt mà
con vẫn ngồi yên?
- Con đốt xác chim. Con giúp nó được thành tro bụi.
Cha tôi giận dữ, quát to:
- Trời! Chính con làm lửa cháy hả? Nếu em con không thấy khói bốc để
cả nhà chạy kịp ra thì con biết điều gì sẽ xảy ra không? Đốt xác
chim? Thật quái đản! Sao con không sống bình thường được hả?
Tôi ngước nhìn cha. Hình như có những giòng phún thạch đang chảy rần
rần trong máu tôi, chảy ào ạt, sôi sục về tim, dồn lên não bộ, chực
chờ phun lửa!
Có lẽ cha tôi biết đã nói lỡ lời. Đôi mắt người dịu xuống, nhưng đã
trễ. Âm thanh câu nói “Sao con không sống bình thường được hả?” như
những nhát búa tàn nhẫn đập liên hồi trên vết thương mưng mủ. Tôi gào
lên:
- Sống bình thường, tốt quá! nhưng làm sao? làm sao tôi sống được
bình thường? Giúp tôi đi! các người giúp tôi đi! Bảo đôi chân rũ liệt
này đứng dậy, bước đi đi! rồi tôi sẽ sống bình thường. Nào! Đôi chân
đứng dậy coi!
Tôi chống tay, vùng lên! Đôi chân khốn khổ gập xuống như tầu lá. Tôi
lăn tròn trên nền gạch, Mẹ tôi bật khóc, nhào tới, nhưng tôi trừng
mắt, lạnh lùng:
- Đừng, đừng thương hại. Cả nhà hãy để tôi yên.
Phút giây đó, dường như toàn thân tôi biểu lộ sự quyết liệt tột
cùng. Mọi người lặng lẽ quay vào nhà.
Tôi chống nạng, về phòng, và ngồi lặng suốt buổi chiều cho tới khi
căn phòng tràn ngập bóng tối thì bất chợt tôi cảm thấy như hồn mình
bỗng lung linh ánh sáng huyền ảo của trăng sao. Tôi với tay, lấy cây
đàn, bấm bâng quơ vài âm thanh rời rạc. Âm thể ngũ cung buông rơi lãng
đãng quanh phòng mà bóng tối đang vỗ về một hồn-thơ-kẻ-lạ. Không
phải là tôi nữa vì tôi chưa bao giờ làm thơ. Vậy mà, tôi đang nghe
thấy giòng thơ tuôn chảy trong hồn. Làm sao tôi bắt kịp cảm xúc này?
Làm sao tôi ghi kịp? Làm sao tôi giữ lại được đây? Mười ngón tay tôi
run rẩy, quấn quýt trên sáu sợi giây đàn. Và âm thể ngũ cung đưa tôi
tìm gặp hồn thơ. Tôi nghe thấy mình hát lao xao theo nỗi bi thương của
cánh chim lẻ bạn, hay chính là sự chia biệt theo lẽ hợp tan của nhân
thế:
“Lửa cuồng tim tháng Hạ / Gọi tên người năm xưa / Chỉ ta, cùng cõi lạ
/ Chờ hoài nắng trong mưa / Chỉ ta, cùng cõi nhớ / Một góc trời rưng
rưng
Áo xiêm ai thuở nọ / Còn ngát dậy trầm hương / Chỉ ta, cùng cõi vắng
/ Vết đau hằn trăm năm / Tóc xanh từng sợi bạc / Suối cạn giòng ăn năn
Chỉ ta, cùng cõi khuất / Sương khói mờ chân mây / Quẩn quanh đời vô
ngã / Tri kỷ bình rượu cay / Chỉ ta, cùng cõi chết / Đốm lửa hồng
que diêm
Cành khô dăm nhánh gẫy / Chút tro than vô tình...” (*)
Một trăm hai chục trường canh ghi vội từ hồn thơ chợt tới, không sửa
chữa, không dũa gọt; khi đàn và hát lên, tôi biết được một điều. Đó
là niềm tự tin mãnh liệt, RẰNG TÔI SẼ ĐỨNG DẬY ĐƯỢC Tôi đứng dậy,
không bằng đôi chân mà bằng ý chí quyết đi tìm lại giấc mơ Trăng và
Đá, giấc mơ thiên thần tuổi thơ đã vỡ vụn theo số phận tật nguyền!
Có phải định mệnh đã dành cho tôi một con đường, như đã dành cho quê
hương tôi khúc quanh nghiệt ngã nơi cuối Tháng Tư Đen, để tôi góp phần
mọn mình, ghi lại những trang thống hận.
Rời quê trên chiếc ghe nhỏ, tôi đã biết đêm và bão tố, biển cả và
đói lạnh, nỗi chết và oan khiên. Là nhân chứng, tôi ôm đàn, chống
nạng tới những nơi có đồng bào tôi trôi giạt về. Bằng âm nhạc, tôi
nói với thế giới về người Việt Nam vượt biển tìm tự do: “Đêm nằm
nghe bão tố / Tan tác mảnh lòng đau / Sóng cuồng điên phẫn nộ / Xác
con giạt về đâu? / Đêm nằm nghe dao nhọn / Rạch nát cùng châu thân /
Vết nhơ hằn tủi nhục / Hoen ố đời đoan trinh! / Đêm nằm nghe bóng tối
/ Dầy đặc nẻo tương lai / Đêm nằm chờ thế giới / Gửi tặng cỗ quan
tài!” (*)
Bằng âm nhạc, tôi hát cho những người tù trên quê hương: “Từ Trảng Bom,
Trảng Lớn / Qua An Dưỡng, Hàm Tân / Thanh Phong, Ca Yên Hạ / Sống, chết
đã bao lần / Đòn thù, hằn tơi tả / Huyết thổ từng bụm tươi / Xương
gẫy dăm ba đốt / Da thịt ghẻ tanh hôi...” (*)
Bằng âm nhạc, tôi nói với người bản xứ về một địa ngục bên kia bán
cầu. Đó là quê hương tôi sau cơn hồng thủy: “Từng ngày, dân chết đói /
Từng ngày, tù chết oan / Từng ngày, người ra biển / Từng ngày, tình
ly tan...” (*)
Tôi có mặt với cụ già, với sinh viên, với những người còn nuôi dưỡng
tình yêu Quê Hương, Dân Tộc để kêu gọi: “Người đi thôi, / Người đi thôi,
/ Kìa những lực tàn vẫy gọi / Máu đã loang hồng biển khơi / Mạn
thuyền vỡ nát, / Bập bềnh muôn xác nổi trôi / Người đi thôi, / Người đi
thôi / Quê nhà xa thẳm / Mẹ chờ trong bóng chiều rơi / Một nắng hai
sương / Ruộng cằn sỏi đá
Lúa ngô không mọc, hoa cỏ nào tươi / Đất mẹ đầm đìa nước mắt mồ
hôi...” (*)
Bằng âm nhạc, tôi cũng hát lên nỗi thất vọng trước sự hắt hủi, lạnh
lùng của thế giới tự do đối với những đồng bào trôi giạt tới sau
lệnh đóng cửa trại tỵ nạn. Nào là em bé: “Cha vùi thây chốn rừng
thiêng / Bọn cuồng dâm hại mẹ hiền ngoài khơi / Em bơ vơ giạt xứ người
/ Chúa ơi! Phật hỡi! Lượng trời ở đâu?” (*)
Nào là cụ già: “Lìa quê vì khát tự do / Quyết không mang nhục
ấm-no-ăn-mày / Chỉ mong khi hiến thân này / Thắp lên được ánh lửa gầy
trong đêm” (*)
Nào là trại giam, trại cấm: “Cùng trên trái đất loài người / Nơi sang
tột đỉnh, nơi rơi vực lầy / Rúc chui hang hốc đọa đầy / Ai rao giảng
thế kỷ này văn minh???” (*)
Mười sáu năm, tôi tự nguyện làm nhân chứng về những bất hạnh triền
miên của dân tộc mình. Dù muốn nhận hay không, tôi đã được đồng bào
thương mến gọi là “Nghệ sỹ”. Nghệ sỹ có nhiều địa hạt, tùy ở cơ
duyên. Tôi là người nghệ sỹ được sinh ra để gắn liền với định mệnh
của lịch sử, của dân tộc. Nếu hiểu cho như thế, hẳn khán thính giả
của tôi đã nhiều phần không còn thắc mắc là “Sao nhạc Vũ Thanh thiếu
chất thơ mộng, ngọt ngào mà chỉ chất chứa đau thương, uất nghẹn”.
Lại càng không ai biết, từ lâu, tôi giữ cho mình một niềm riêng, rất
riêng. Đó là đôi mắt của cô bé có gương mặt búp bê Nhật Bản. Tôi
thấy cô bé thấp thoáng ở hầu hết các buổi tổ chức có tính cách
xã hội, đặc biệt là vấn đề tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam. Cô
bé làm phóng viên bán thời gian cho một vài tờ báo. Cô chụp hình
phóng sự, viết bài tường thuật những buổi tham dự. Có lần, tình cờ
gặp cô sau hậu trường, cô nói:
- Lần nào nhìn anh Vũ Thanh đứng hát trên sân khấu em cũng muốn khóc.
Giọng cô chân thực, vậy mà tôi suýt nói “Sao vậy? Tại thấy tôi tật
nguyền, tội nghiệp quá hả?” Nhưng tôi đã kịp giữ lại. Tôi giận mình
vô cùng. Từ lâu, tôi đã vượt qua được mặc cảm tàn tật với mọi
người, sao với cô bé, tôi lại để cho mình tủi thân như thế? Tôi ngượng
ngùng khi biết mình hay ra vẻ tình cờ ghé tới các tòa báo, nơi cô
làm việc, nhưng tới nơi thì lại mong đừng gặp. Điều gì đó, đang xôn
xao trong trái tim hai mươi chín tuổi; nhưng lý trí cứng cỏi dập tắt
ngay chút mơ mộng chưa nhen nhúm. Lý trí bảo tôi rằng, đừng nhầm lẫn
giữa tình yêu và ngưỡng mộ, nhất là với phái nữ, Tôi biết thế,
nhưng đôi mắt trong sáng và gương mặt búp bê của cô bé vẫn không buông
tha. Một lần, không hiểu các hội đoàn mời tôi tới buổi họp báo này
để làm gì vì chương trình không thấy ghi có phần văn nghệ. Nhưng quý
ban tổ chức, tôi cũng chống nạng tới và ngồi dưới hàng ghế khán
giả. Mắt tôi không rời bóng dáng cô bé đeo máy hình, nhấp nhô giữa
đám đông. Hình như có lúc cô thấy tôi. Cô giơ máy về phía tôi, bấm,
rồi mỉm cười. Trên bục gỗ, chủ tọa đoàn tường trình sự việc về
những tổ chức ma, đang lũng đoạn sinh hoạt chung với mục đích làm
mất chính nghĩa đi tìm tự do của người Việt hải ngoại. Sau đó, ban
tổ chức mời đồng bào hiện diện phát biểu ý kiến.
Thật không ngờ cô bé là người đầu tiên bước lên. Cầm máy vi âm, cô
nói ngắn và gẫy gọn:
- Tôi thấy thực xấu hổ cho những kẻ lành lặn mà chỉ bước quanh quẩn
trong vòng danh lợi phù du, trong khi có những người tàn tật không
ngớt xả thân phục vụ lý tưởng tự do và đã bước những bước sâu đậm
vào hồn dân tộc.
Cô bé bước xuống trong tiếng vỗ tay.
Mắt tôi cay quá! Và lòng tôi thổn thức quá!
Tôi có được quyền chủ quan để nghĩ rằng, lời phát biểu vừa rồi cô
đã dành phần cuối cho tôi không? Nếu có, thì cô bé đã không chỉ nhìn
tôi qua lớp hào quang khán thính giả đã cho tôi, mà chính cô đang thắp
ngọn nến nhỏ, khởi từ chính nỗi bất hạnh tối tăm của một kẻ tàn
tật.
Người đốt đuốc đi trong đêm không phải là người chỉ đi tìm bạn, mà
là đi tìm tri kỷ.
Thơ Nhạc ơi, trái tim đau đớn triền miên của tôi có còn đủ thanh xuân
để lại dệt cho mình một giấc mơ Trăng và Đá?
(*) thơ DT
(3) Cánh Cò
Cuối năm, đầy những vết thương.
Trong thời điểm cuối cùng của một năm dương lịch, nhân đọc hai lá
thư đầy xúc động của hai người, một của cha từ trong tù gửi ra cho con (*) và
lá thứ hai từ ngoài gửi vào tù cho bố. Hai lá thư với hai tâm trạng khác nhau nhưng
khi xâu chuỗi lại lòng tôi sao cứ quặn thắt mãi như những vết thương vô hình
không thể liền da.
Tôi muốn gửi bức thư này như một chia sẻ đến với những đứa trẻ, trong tầm tuổi
học trò của tôi, có cùng hoàn cảnh như hai bức thư mà tôi đã đọc. Tôi muốn gửi
tới các em với tâm tình của một cô giáo, một người đàn bà, một người trằn trọc
với sự nhọc nhằn của xã hội và nhất là với các học sinh chưa tới tuổi rời khỏi
mái trường nhưng xã hội đã đẩy chúng ra bằng sự thờ ơ lãnh đạm.
Trước tiên xin phép các em có tên tôi nhắc trong bài viết này được xưng hô bằng
“cô” và “em”. Tôi muốn các em chia sẻ như mình đang cùng nhau ngồi trong lớp
học, mặc dù cô biết chắc nhiều em đã rời khỏi mái ấm thân yêu thứ hai trong đời
của mỗi con người.
Các em yêu thương của cô.
Có dịp đọc bức thư của người tù bất đồng chính kiến Trần Huỳnh Duy Thức cô mới
biết được phần nào tư tưởng và cách truyền dạy kiến thức cho hai người con của
ông mà theo cô đoán chưa qua khỏi cấp ba. Nếu vậy cô xin gọi hai em là học trò
của cô nhé, vì cô đang giảng dạy đại học và cũng sắp về hưu rồi.
Hai em có biết bức thư của ba hai em đã làm cô xúc động đến mực nào không? Chỉ
có thể nói một câu ngắn, thật ngắn: nghẹn ngào.
Nghẹn ngào là trạng thái vừa vui vừa buồn mà không thể diễn dạt thành lời. Cô vui
vì bức thư ấy trả lời cho cô một câu hỏi: những người can đảm và chấp nhận hy
sinh thân thế sự nghiệp của mình cho lý tưởng dân chủ nhân quyền có thực hay
không trong hoàn cảnh vàng thau lẫn lộn hiện nay?
Đọc xong bức thư của ba gửi cho hai em, cô tin là có. Sự tin tưởng ấy vững chắc
đến nỗi làm cô nghẹn ngào vì những câu hỏi ứ đọng bấy lâu nay trong đầu đã được
khai thông chỉ qua một bức thư ngắn.
Bức thư này, theo cô nghĩ nó sẽ là cẩm nang cho hai em trong suốt 16 năm ba bị
cầm tù. Ba hai em tuy không gần gũi để chỉ ra con đường mà hai em sẽ đi nhưng
lá thư này sẽ là một bản đồ “trực tuyến” không bao giờ sai và các em hạnh phúc
biết bao khi có một người cha như thế.
Cô biết hai em rất sợ hãi khi nghĩ đến hoàn cảnh của cha mình nhưng cô tin rằng
với một người có tâm thức như thế, sự sợ hãi sẽ ở phía khác, phía cầm chìa khóa
nhà giam.
Mặc dù bản án 16 năm của cha sẽ là một vết thương rất lớn trong lòng hai em
nhưng cô tin rằng vết thương nào rồi cũng thành sẹo, chỉ lo làm sao đừng để nó
nhiễm trùng bởi những vi khuẩn độc hại của xã hội tác động lên vết thương. Hai
em đã có một người cha tuyệt vời mà tư cách và tư tưởng của ông không khác nào
một loại thuốc tự nhiên phòng chống lại môi trường đầy độc chất ấy.
Và hai em may mắn hơn hai người bạn cùng hoàn cảnh với hai em đó là bạn Ngô
Minh Tâm và Ngô Minh Trí. Hai bạn này có cha là ông Ngô Hào cũng lãnh án 15 năm
và người mẹ đang bị ung thư cùng những căn bệnh nan y khác.
Ngô Minh Tâm đã làm cô khóc trong những ngày cuối năm vì bức thư của em gửi cho
cha sau khi cha bị dẫn vào trại giam mất dạng. Trong một đoạn của bức thư Tâm
viết:
“Đã nhiều lần trong lúc xử án Ba, con liếc nhìn xuống phía dưới căn phòng mong
tìm được một người quen, nhưng đáp lại điều mong chờ của con là một nỗi thất
vọng rất lớn, đến khi kết thúc phiên tòa, vẫn không một ai thân quen đến chia
sẻ cùng gia đình. Hai đứa con buồn và tủi thân vô cùng Ba ơi...!!!”
Tâm à lau nước mắt đi em. Những người mà em mong họ vào tòa án đâu hề bỏ rơi em
và ba của em. Họ không được phép vào để nhìn gia đình em bằng mắt nhưng tâm
hồn, ý chí và trái tim yêu thương của rất nhiều con người lúc ấy đang theo dõi
phiên tòa bất công này.
Những người có mặt trong tòa án lúc ấy mới chính là những kẻ không hề hiện diện
tại phiên tòa xử người công chính. Mắt của họ không nhìn vào cha em mà tất cả
đang nhìn vào khoảng không vô nghĩa trong tâm hồn chính từng người trong họ.
Vậy thì em đừng buồn mà cố gắng đứng lên. Cô tin bên cạnh em đang vẫn còn rất
nhiều người khác âm thầm hỗ trợ tinh thần em trong những lúc em cần sự hỗ trợ
nhất.
Bức thư của em nói sự ân hận của mình vào dịp cuối năm không biết làm cách nào
xoay sở trong hoàn cảnh túng bấn của gia đình đã làm cô bừng tỉnh soi lại chính
mình. Có bao giờ cô phí phạm thức ăn, mua sắm đồ dùng vượt quá nhu cầu của mình
hay lạnh lùng với nỗi đau của người khác trong suốt một năm qua hay không?
Cô muốn chia sẻ bức thư của bạn Tâm cho các bạn khác cùng hoàn cảnh có người
thân bị nhốt trong tù giữa những ngày cuối năm: “Mùa mưa năm nay nhà mình dột
nhiều lắm, không biết mái nhà sẽ trụ được bao lâu, nhà mình trước đã yếu nay
lại xuống cấp nhiều. Mái nhà đã bị cơn bão lúc trước làm cho yếu đi, mưa dột
nhiều không có chỗ nằm, con phải lấy thau hứng nước mưa dột vì chưa có tiền để
lợp lại mái nhà. Chắc năm nay nhà mình không có Tết rồi Ba ạ. Ba thì ở tù, Mẹ
thì bệnh nặng, tụi con không biết xoay xở vào đâu để có mâm cơm cúng Ông Bà ngày
Tết. Xin Ba tha lỗi cho tụi con.”
Những giọt nước từ mái tranh ấy đã làm cho nhiều người tỉnh ngộ lắm Tâm ạ. Cô
cám ơn bức thư của em và cô chỉ xin thượng đế ban một chút hồng ân nào đó cho
gia đình em, cho ba em và cho những người giống như em.
Em tuy bất hạnh về cơm áo nhưng ít nhất vẫn còn một chốn nương náu tinh thần,
bồi dưỡng kiến thức để mai này tiếp tục đấu tranh với chính bản thân mình và
cuộc sống. Đó là trường học.
Một bạn khác kém may mắn hơn em, bạn ấy mất tất cả kể cả trường học: Nguyễn
Phương Uyên
Sau khi ở tù ra nhưng không có bản án, bạn Phương Uyên trở lại trường Đại học
Công nghệ Thực phẩm TP Hồ Chí Minh để xin vào học lại vì trước khi bị bắt bạn
đã học hết năm thứ ba tại ngôi trường này, nhưng các em biết không, bạn Uyên đã
bị từ chối không cho vào học lại với lý do vi phạm pháp luật nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trên thế giới có nước nào cấm tù nhân đã mãn hạn không được tiếp tục việc học
hay không các em?
Người ta xem việc giáo dục là ơn của nhà nước ban xuống cho dân vì vậy việc cho
hay không hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của nhà trường. Tư duy giáo dục đó
sai trái từ căn bản bởi khi triệt tiêu kiến thức của người dân là phản bội lại
một cách sâu sắc sự phổ cập giáo dục cho dân chúng. Người dân có quyền thụ
hưởng giáo dục như thụ hưởng quyền con người. Khi giáo dục bị đem ra làm vật
răn đe, trao đổi thì nền giáo dục ấy đã có chữ “phi” đứng trước. Có phải chính
những điều tệ hại này đang làm nhiều thế hệ học sinh khinh bỉ âm thầm trong
lòng đối với những người đang làm công tác giáo dục hay không?
Còn nhiều em nữa cũng bất hạnh, cũng khó khăn, cũng có cha hay mẹ đang nằm
trong trại giam vì những tội danh chính trị như các em vậy. Đó là Đinh Phương
Thảo con của nhà giáo Đinh Đăng Định. Đó là Nguyễn Trí Dũng con của người tù
nổi tiếng Điếu Cày. Đó là Vũ Văn Bảo có mẹ là Mai Thị Dung với bản án 11 năm tù
giam vì chống người thi hành công vụ khi đòi đất đai bị cưỡng chế....làm sao
nói cho hết những em học trò bất hạnh đó của cô?
Cô muốn chia với các em niềm đau, nỗi hoang mang và sự tuyệt vọng trước con
đường trước mặt. Cô muốn qua bức thư này các em sẽ có cái để mà vịn vào để mạnh
mẽ hơn trước những gì khó khăn mà các em đối mặt hàng ngày.
Các em biết không, đáng lẽ cô kết thúc bức thư vì thấy không nên viết nhiều quá
vì các em còn nhiều việc phải làm, phải lo toan. Nhưng cô không nhịn được vì
câu chuyện của một học trò khác mới vừa xảy ra ngày hôm nay ngay khi cô viết
cho các em bức thư này.
Đó là em Tu Ngọc Thạch, 14 tuổi, học sinh lớp 9 trường THPT Lương Thế Vinh
thuộc xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh. Em bị công an đánh chết và báo chí đăng tải
vào chiều hôm nay. Cái chết của em càng làm cô buồn bã hơn. Em Thạch không có
người thân nào bị giam giữ vì tội chống phá nhà nước. Em Thạch cũng không hề
biết bốn chữ bất đồng chính kiến là gì. Em bị giết giữa lúc cuộc đời vừa bắt
đầu chớm mọc một mầm hy vọng tương lai. Cái chết của em làm lòng cô quặn thêm
một vết thương mỏng manh khác trong muôn vạn vết thương dần tím tái đâu đó
trong mỗi con người Việt Nam chúng ta.
Dù sao thì những vết thương ấy cũng không kéo lại được cái ngày mới đang lừng
lững tới. Năm mới là ân sủng của tạo hóa ban cho con người mà điều kỳ diệu nhất
là xóa lành những vết thương, các em có đồng ý với cô không?
.........................................
(*) http://huynhngocchenh.blogspot.com/2013/12/thu-cua-tran-huynh-duy-thuc-g...
(Source: Canhco's blog)
(i) Luân Hoán
Chào năm 2014
bước vào ngày Một tháng Giêng
Hai Ngàn Mười Bốn, không riêng tôi mừng
tuy rằng chưa có bánh chưng
bánh in bánh tét tưng bừng khai xuân
mừng được tiếp tục dựa
lưng
vào năm tháng sống vui
cùng cỏ cây
lá hoa trên trái đất này
vốn là bè bạn từ ngày
trẻ thơ
con chim có quốc tịch nào
con cá ngọt mặn ra sao, đều là
đệ huynh tôi bữa hôm qua
ngày mai tiếp tục đậm đà với nhau
con người tốt xấu đến
đâu
cũng là nhân loại tóc
râu thơm tình
thương người là đã yêu
mình
cổ nhân dạy vậy tôi tin
nằm lòng
bước vào cánh cửa mỗi năm
tôi thường ưa nghịch vài dòng chữ chơi
năm nay cũng phá vậy thôi
tô son nụ chữ của trời giao cho
viết không cần phải đắn
đo
lòng sao tình ý cứ bò
thả ga
còn mười ngày lên bảy ba
đời gọi là cụ, có già
chi đâu
tóc râu lốm đốm phai màu
tâm hồn đi ngược về sau mới kỳ
mỗi ngày trẻ lại vài ly
vài ba năm nữa có khi lại bò
thú chơi trời đã ban cho
tuy không trả lại, giả
đò ngó lơ
cuối cùng chắc hết làm
thơ
làm chi cũng bỏ, ngây
thơ - đẹp rồi
năm nay tôi khá tuyệt vời
không cần khai rõ, hạ hồi sẽ hay
đang ngồi nhìn dòng tuyết bay
thấy toàn hoa nở chim say hót và
em hồng nhan nuột nõn nà
mỗi phần thân thể đều là
nhánh thơ
thong dong tôi hít
hương, chào
năm dương lịch đến ngọt
ngào bình an
(ii) Trần Vấn Lệ
Tân Niên Cảm Tác
Dương Lịch hình như không đúng lắm?
Ngày đầu Năm Mới chưa là Xuân!
Hoa không thấy nở, cành không lộc,
những đám cỏ còn những dãi băng…
Ngày đầu Năm
Mới…người ta mới,
mới áo mới quần,
mới ngó nhau.
Mới một tiếng chào
nghe ấm dạ,
nếu mà không có chẳng
làm sao!
Thành phố đầu năm vẫn cuối năm,
vẫn thênh thang với dãy xe nằm.
Ở đây người Mỹ không chơi Tết,
đi suốt năm rồi nên nghỉ chân!
Người Việt, người
Tàu, người tứ xứ…
Miếng cơm manh áo,
hiếm ai cười.
Gặp nhau, mở miệng Hello
gượng,
rồi cũng như dòng nước
chảy xuôi…
Có thể tháng Hai hay tháng Ba,
mùa Xuân mới đến, nắng chan hòa.
Mùa Xuân mới đến, dài ba tháng,…
rồi tất cả rồi cũng sẽ qua!
Dương Lịch hay là Âm
Lịch cũng /
chẳng qua xấp giấy vẽ
thời gian.
Nhân tình ấm lạnh theo
thơi tiết,
có mặn, có nồng, có xốn
xang…
Có lúc thật vui, cười hỉ hả;
lúc buồn ngồi ngó đám mây bay.
Nghe chuông Chùa rớt, Nam Mô Phật!
Tôi tự hỏi mình: sao ở đây?
Tôi ngó trước nhà;
Cây Thánh Giá,
dang tay Chúa đứng, nói
gì đâu!
Đầu năm không có ai tâm
sự,
tôi viết gì? Thơ?
Đó, mây câu…
(iii) Trần Dzạ Lữ
Thơ Chiều Cuối Năm Gửi
Mẹ
Nhiều năm mê mải bóng hồng
Lại quên dáng Mẹ bên giòng sông Hương
Vai gầy một nắng hai sương
Nuôi con khôn lớn trong bươn bã sầu
Lưng dài con được gì đâu
Tha phương để thổi chiêm bao trở về!
Một mình một bóng sắt se
Một ly độc ẩm, một quê xa vời…
Hồi tâm đòi đoạn-tôi ơi
Còi tàu giục,rớt bóng người qua gương !
Nhiều năm ,thưa Mẹ đời con
Vẫn thương hương bưởi, thơm lòng hương ngâu…
.....................................................................................
Kính.
NNS
__._,_.___
|
|
No comments:
Post a Comment
Thanks for Comment