Monday, July 7, 2014

Giao Su NNS Nguyen Nam Son -2 : Nhung Ca Khuc Hay Nhat



***SUPER HD YOUTUBE "Bài Ca Tuổi Trẻ -Anh Bằng -Hợp Ca -NNS"


***HD YT PLAYLIST "Giao Su NNS Nguyen Nam Son -2"


Moi qui than huu thuong thuc
TRAN NANG PHUNG
Tran Nang Phung has shared a video playlist with you on YouTube



30
videos
Giao Su NNS Nguyen Nam Son -2 : Nhung Ca Khuc Hay Nhat
PLAYLIST  by Tran Nang Phung


image





Giao Su Tran Nang Phung duoc su giup do cua nhieu nhan tai khap noi tren the gioi da thuc hien nhung Video nghe thuat de gioi thieu nhung nhac pham cho...
Preview by Yahoo




Lá Thư Úc Châu
Trang Thơ Nhc cui Tun: 6-7-14
Nhạc: Bài Ca Tuổi Trẻ
Nhạc sĩ: Anh Bng
Hợp ca: Asia
Tình thân,
Kính.
NNS
.............................................................................................
(1) Dương Thu Hương: Sc mnh ca ch nghĩa ngu dân
Vốn thích nhạc không lời nhưng đôi khi tôi vẫn nhớ về một câu hát cũ, “Anh ở đầu sông, em cuối sông. Chung nhau dòng nước Vàm Cỏ Đông…” Lãng mạn sao, những cặp tình nhân cùng uống chung một dòng nước. Và hạnh phúc thay những kẻ có thể sống cả đời bên một con sông êm đềm, qua những mùa lúa chín không tiếng súng, những trưa hè có thể nép mình dưới bóng các rặng cây. Nhưng đó là chuyện cổ tích.

Lịch sử cận đại của người Việt Nam đã diễn ra trong khói bom và tiếng nổ của đạn pháo. Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ chia cắt đến tận lòng sâu của mỗi gia đình. Sự nhầm lẫn, cự bất khả tri không chỉ xẩy ra giữa hai nền văn hoá Đông-Tây mà còn xẩy ra ngay giữa lòng dân tộc Việt, giữa các thành viên trong một gia đình, một dòng họ, giữa miền Bắc và miền Nam, giữa bên thắng cuộc và bên thua cuộc, giữa người trong nước và những người sống ngoài biên giới… Tóm lại, những người Việt cũng bị chia cách bởi những con sông. Những con sông thiếu vắng những cây cầu.

Khoảng cách giữa người với người có thể còn dài rộng hơn sông, sâu hơn vực thẳm, thế nên, dù trên địa hạt văn chương, tôi coi Albert Camus cao hơn hẳn Jean Paul Sartre, tôi vẫn phải công nhận câu nói nổi tiếng của Sartre là một nghiệm sinh có tính nhân loại, “Tha nhân là địa ngục của ta.”

Đây là kinh nghiệm của chính tôi.
Năm 1994, tôi sang Pháp lần đầu, được một nhóm “Việt kiều yêu nước” đón tiếp. Có lẽ tên ấy được đặt ra khi nhóm này tham gia vào phong trào chống chiến tranh và người cầm đầu nhóm ấy đã từng là phiên dịch cho ông Lê Đức Thọ trong các hội nghị đàm phán hưu chiến ở Paris. Khoảng năm 1990, cũng nhóm này đứng lên lấy chữ ký của Việt kiều trí thức ở Mỹ, Đức, Úc và Pháp trong bản kiến nghị yêu cầu nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam mở rộng dân chủ. Sau bản kiến nghị ấy, họ bị cấm về nước một thời gian khá dài, thậm chí còn bị gọi là “các phần tử phản động”. 

Như thế, phải hiểu là giữa nhóm Việt kiều này với tôi có chung mục đích tranh đấu cho quyền sống của người dân Việt Nam. Có lẽ cũng vì lý do ấy, họ đón tôi, ít nhất đấy là điều tôi nghĩ. Cuộc đón tiếp diễn ra nồng nhiệt, dường như mang mầu sắc bạn hữu. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, tôi nhận thấy giữa họ với tôi có rất nhiều điểm bất đồng, đặc biệt là sự nhìn nhận về cuộc chiến tranh Việt-Mỹ.

Tôi tự nhủ: “Người ta sống trên đời, thường tụ thành bè, còn bạn là thứ quý hiếm, nó còn quý hiếm hơn tình yêu vì không có bệ đỡ tình dục. Tình bạn đòi hỏi một sự cảm thông sâu sắc, những phẩm chất tương đồng, và cơ duyên để có thể cùng nhìn về một hướng, cùng đi theo một ngả. Vì lẽ đó, tình bạn không thể có được một cách dễ dãi. Không có thứ tình cảm nào không cần thử thách, cho dù là tình yêu, tình bạn hay tình đồng đội, tất thảy đều cần phải nung qua lửa mới biết vàng thau”. Nghĩ thế, tôi chọn thái độ im lặng, lảng tránh các cuộc tranh cãi, vì nếu không là bạn, hà tất phí nước bọt để đôi co?. Tôi biết rõ rằng, đối với nhóm Việt kiều này cuộc chiến tranh chống Mỹ là cần thiết, là niềm kiêu hãnh, là đài vinh quang của dân tộc Việt Nam. 

Đối với tôi, đó là sự nhầm lẫn lớn nhất trong lịch sử, là cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhất, tàn khốc nhất đã xảy ra trong một tình thế đen trắng lẫn lộn, các khái niệm bị đánh tráo, kẻ tham gia cuộc chiến ở phía Bắc nhầm lẫn do trói buộc bởi ngôn từ, kẻ tham chiến ở phương Nam bị cuốn vào dòng chảy của cuộc Chiến tranh Lạnh, và cả hai bên đều bị đặt vào thế đã rồi.

Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ là bài học đau đớn nhất, nhục nhã nhất cho Dân tộc Việt Nam, mà kẻ chịu trách nhiệm không chỉ là người Mỹ mà còn là chính những người lãnh đạo cộng sản phía Bắc. Trong cuộc chiến tranh ấy, Dân tộc Việt tự biến mình thành vật đệm giữa hai toa tầu, là đám lính đánh thuê cho hai hệ thống tư tưởng trái chiều đang tiến hành cuộc chiến tranh Lạnh. 

Trong suốt một thập kỷ, nước Việt Nam đã thực sự biến thành cái cối xay thịt khổng lồ nhất trong lịch sử của toàn thể loài người. Vì lẽ ấy, theo tôi, cả người thắng lẫn người thua phải biết sám hối, và nếu muốn lật trang cho lịch sử đất nước, trước hết kẻ thắng phải biết câm mồm lại đừng huyênh hoang nữa; còn kẻ thua cũng phải biết câm mồm lại, thôi chửi rủa, cả hai phía không nên tiếp tục đào bới cái thây ma lên mà ngửi. Nếu không đủ can đảm nhìn nhận vấn đề như nó vốn thế, họ chỉ còn là đám thú rừng bị lọt xuống một cái bẫy của lịch sử và không bao giờ có thể nhẩy lên khỏi hố sâu.

Năm 2005, tôi trở lại Pháp. Nhóm “Việt kiều yêu nước” chủ động mời tôi đến ăn cơm tối với họ để trao đổi tình hình. Tôi nhận lời. Bữa cơm ấy diễn ra ở một quán ăn thuộc quận 13. Trước khi đến Paris, tôi đã ở Turin (Ý) một tuần. Trong tuần lễ đó, khá nhiều báo Ý đã phỏng vấn tôi và đã đăng bài tức khắc. Một trong số các bài báo ấy, có đề tựa “Mười triệu người chết trong cuộc chiến Việt Nam”. Trong các cuộc phỏng vấn tại Turin, tôi đã kể lại hai điều:

- Thứ nhất, khi làm người viết thuê cho các ông tướng, tôi được nghe họ nói với nhau: Chúng ta chỉ công bố con số thật sự khi người Mỹ bồi thường chiến tranh. Như thế, con số phía Mỹ đưa ra (khoảng 5 triệu tử vong) lẫn con số chính quyền Việt Nam đưa ra (hai triệu rưỡi) đều là số sai sự thật.

- Thứ hai, chỉ khi đến Turin tôi mới biết lính các nước chết ra sao và nhờ có sự so sánh ấy, tôi mới biết thân phận người lính và người dân Việt Nam đau khổ đến mức nào. Năm 2005, cuộc chiến tranh đang xảy ra ở Iraq. Báo mỗi ngày đều đăng tin bao nhiêu lính Mỹ, bao nhiêu lính Iraq tử vong. 

Nếu con số đó chạm tới năm chục đã khiến các nhà báo làm rộn lên, chất vấn tổng thống. Khi số tử vong chạm đến số 100 thì sự căng thẳng trong chính trường đã khiến Nhà Trắng điên đầu. Trong chiến tranh Việt-Mỹ, mỗi lần B52 bay qua, chỉ hai ba phút, dân thường, thanh niên xung phong chết hai trăm, ba bốn trăm, thậm chí nơi đông hơn sáu trăm người nhưng không có một dòng trên báo, không một câu trên đài phát thanh. Không ai hay biết, kể cả người Việt lẫn người nước ngoài.

Tôi nói với các nhà báo Ý: “Tới tận năm nay, gần sáu mươi tuổi tôi mới thấm thía sự khác biệt giữa kiếp người. Nhờ đọc báo phương Tây, tôi mới biết là người Mỹ và người Iraq chết như người, chết theo kiểu người. Chúng tôi, những người Việt Nam, chúng tôi chết như kiến, chúng tôi chết như ruồi, chúng tôi chết như lá khô rụng, cái chết của chúng tôi hoà lẫn bùn đen, và tan trong câm lặng.”

Vì ở Turin có những Việt kiều liên hệ chặt chẽ với nhóm “Việt kiều yêu nước” ở Paris và gửi báo cho họ nên trong bữa cơm tối hôm ấy, tôi bắt buộc phải bàn cãi với họ về chủ đề chiến tranh Việt-Mỹ. Tôi đã thuật lại cho họ nghe sự tổn thất to lớn của Dân tộc khi những người lãnh đạo mắc chứng vĩ cuồng. 

Rất nhiều trận xảy ra khi lực lượng trinh sát thăm dò địa hình địa vật không kỹ, bộ phận hậu cần chuẩn bị khí tài chưa đủ nhưng cấp chỉ huy ham lập thành tích nên cứ đẩy lính ra chiến trường, kết quả là đại bại. Trong khi ở chiến trường xác lính chết ngập suối, nước không chảy được, chim cắt chim kền kền ăn thịt no đến mức không bay lên nổi, lệnh ở Hà Nội vẫn tiếp tục giục tấn công. May mắn là còn có những vị tướng biết thương dân, thương lính, khóc đỏ mắt, quyết định rút quân và làm báo cáo giả để gỡ tội.

Hồi ấy, tổng tư lệnh của cuộc chiến là Lê Duẩn, đã đưa ra khẩu hiệu: “Dân tộc chúng ta là dân tộc anh hùng, chỉ có thắng không có thua. Quân đội chúng ta là quân đội anh hùng, chỉ có tiến không có lùi.” Điều đó có nghĩa: Chỉ tiến công, không phòng thủ!
Xưa nay, trong lịch sử ngàn năm chống ngoại xâm của Dân tộc, bao giờ chúng ta cũng lùi về rừng núi để chờ thời gian mài mòn lòng kiêu ngạo lẫn ý chí quân địch, cũng là để khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt quật ngã chúng, cũng là để củng cố quân đội rồi chờ thời cơ thuận lợi mới huy động binh lính và dân chúng tổng tấn công. Khẩu hiệu của ông Lê Duẩn đưa ra là một sự sáng tạo thuần tuý, một ý thơ bay bổng, xuất phát từ tham vọng và lòng kiêu mạn cộng sản. Nhưng thơ phú là thứ chỉ để ngâm ngợi khi gió mát trăng thanh, thơ mà trà trộn với chiến tranh nó biến thành núi xương sông máu. Đám tướng lĩnh không dám tuyên bố thẳng thừng, nhưng đều hiểu ngầm rằng lãnh tụ của họ là một kẻ vĩ cuồng.

Nhóm “Việt kiều yêu nước” ở Paris nghe tôi nói xong thì hai nhân vật chủ chốt phản ứng dữ dội. Ông X bảo: - Mục tiêu biện minh cho phương pháp. Muốn thắng cuộc trong chiến tranh thì phải chấp nhận tất cả. Ông Y phản ứng với con số Mười triệu: - Con số đó không thật. Ở nước Pháp chúng tôi có các biện pháp khoa học về dân số để chứng mình là con số ấy sai. Làm sao chị có thể nghe theo mấy thằng tướng ngu ấy được?
Tôi im lặng không đáp. Nhưng hôm sau, tôi có nhờ ông Phan Huy Đường, lúc đó còn dịch sách của tôi, nói lại với ông Y: - Nhờ Đường nói với ông bạn của Đường là về Việt Nam chớ mở mồm mà bảo mấy ông tướng là ngu. Bởi vì, rất nhiều hạ sĩ quan thời đó (trung uý, đại uý, thiếu tá…) biết rõ rằng sinh mạng họ được bảo tồn là nhờ những ông tướng thực sự thương lính và không ham thành tích như tướng Vũ Lăng. Bây giờ, nếu không giải ngũ họ cũng đã leo lên đại tá hoặc thiếu tướng. Nếu ông Y mở mồm bảo tướng của họ là thằng ngu hẳn họ sẽ cho một báng súng vào đầu, hiền hoà nhất họ cũng khạc vào mặt.

Đấy là phản ứng duy nhất của tôi. Trong thâm tâm, tôi quyết định chia tay.
Tôi nghĩ, đám người này cần cuộc chiến tranh chống Mỹ như người đàn bà cần son phấn. Giữa họ với ta chẳng còn điều gì đáng nói. Một cuộc chia tay vĩnh viễn là điều hợp lý hơn cả. Không cần kiệt xuất thông minh, chỉ cần chịu khó quan sát sẽ thấy ngay rằng cộng đồng người Việt ở nước Pháp là một cộng đồng không bản sắc, sống co cụm, một bầy thỏ ngoan ngoãn đối với chính quyền. Họ không gây ra các vụ lộn xộn như người da đen và người Arab theo đạo Hồi, nhưng họ cũng chẳng có tiếng nói, chẳng có một gương mặt nào trên các diễn đàn quyền lực.

 Vì bản chất nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó nên họ thành công ở mức trung bình, trở thành kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, giáo viên đã là giấc mơ tột đỉnh. Hội nhập vào xã hội Pháp chưa lâu, sự tự tin vào bản thân chưa đủ, họ lại bị ám ảnh bởi thân phận lớp người Việt Nam nhập cư trước họ, những người lính thợ bị thực dân cưỡng bức rời quê hương sang Pháp phục vụ tại một số nhà máy làm thuốc súng để thay thế cho các công nhân Pháp ra chiến trường. Năm 1937, để dự phòng chiến tranh, bộ trưởng Bộ Thuộc Địa và Quân Đội (ministre de la Colonie et de la Défense) Georges Mandel dự tính tuyển 80.000 người Đông Dương. Tháng 6 năm 1940 đám thanh niên Việt Nam được dẫn đến hải cảng Pháp gồm: 10.750 người trung kỳ, 7.000 người miền Bắc, 2.000 người miền nam. 

Đám lính thợ này đã bị đối xử như những con vật, bị dồn vào sống trong những khu nhà tồi tàn, không điện và thiếu nước, không nơi vệ sinh, không lò sưởi và thức ăn không đủ nửa khẩu phần. Mùa đông, những kẻ khốn khổ ngủ trên sàn, đại tiểu tiện ngay bên ngoài cửa, người nọ dẫm vào phân người kia. Đói khát, họ phải đào rễ củ và hái rau dại về ăn. Cái sự thật tàn nhẫn này bị vùi trong câm lặng. Cho đến đầu thế kỷ XXI, mới có vài nhà báo Pháp lên tiếng. Sau đó, Bernard Kouchner, vốn là một ngôi sao cánh tả nhưng sau thất bại của Ségolen Royal trong cuộc tranh cử 2007, đã nhận lời làm bộ trưởng bộ ngoại giao cho chính phủ Sarkozy mới chính thức lên tiếng xin lỗi vì: “Nước Pháp đã đối xử với những người lính thợ Việt Nam như đối với súc vật.”. Trong thực tiễn, nước Pháp đã đối xử với đám lính thợ Việt Nam còn tệ hơn súc vật bởi khi cưỡng chế thanh niên Việt Nam sang Pháp, họ dồn đám người này xuống hầm tầu còn tầng trên, thoáng mát hơn thì để dành cho… những con bò. Cái kinh nghiệm tồi tệ ấy được cấy trong tim như một quá khứ sầu thảm, cộng đồng người Việt không thể tránh khỏi mặc cảm của những kẻ vừa là dân nhập cư, vừa mang nhãn hiệu “Được lôi ra từ vùng đất thuộc địa”. Thế nên, cuộc sống tinh thần của họ dường như đột ngột khởi sắc, bừng bừng ánh sáng khi cuộc chiến tranh Việt-Mỹ xẩy ra. Tại sao?

Dễ hiểu thôi, tinh thần "Bài Mỹ" là chất xi-măng gắn kết một số đông quốc gia trên thế giới, không chỉ các nước thuộc phe Xã hội chủ nghĩa nhưng ngay cả các nước phương Tây. Hành vi của nước Mỹ không chỉ gợi lên lòng căm thù nhưng kèm theo đó cả sự sợ hãi. Nếu có tiền lệ một nước nhược tiểu bị Mỹ chà nát thì sẽ đến lượt các nước khác theo thành ngữ, “Không bao giờ có lần thứ nhất, lần thứ hai mà lại không có lần thứ ba”. Vả chăng, về mặt lý, cuộc chiến này không thể biện minh, “Không một người Việt Nam nào mang bom sang giết người Mỹ.”.

 Dù cộng sản hay không cộng sản thì sự thực là không có một người Việt Nam nào cầm dao hoặc cầm súng sang tận nước Mỹ để giết một người Mỹ, hoặc ngay đến một con bò trong trang trại Mỹ cũng không. Vì thế, lương tâm nước Mỹ phải thức tỉnh. Các vụ biểu tình phản đối chiến tranh trước toà Nhà Trắng của Mỹ điệp với các cuộc biểu tình trước sứ quán Mỹ tại các nước khác. Tiếng hát và ngọn lửa tự thiêu của trí thức Mỹ đốt nóng cả châu Mỹ La-tinh và châu Âu.

Vào thời điểm ấy, người Việt Nam nhập cư chống chiến tranh được hưởng một sự ưu đãi vô tiền khoáng hậu. Đi đến đâu họ cũng được thăm hỏi, giúp đỡ, được coi là người của “một dân tộc anh hùng”. Và, trên các diễn đàn chống chiến tranh, đại diện của “tổ chức Việt kiều yêu nước” được xuất hiện bên cạnh những nhân vật quan trọng bản xứ mà nếu không nhờ ân sủng của cuộc chiến này, không bao giờ họ có cơ hội và có tư thế tiếp xúc. Để ví von, có thể nói rằng: Những con chim vốn nép mình trong bóng tối nhờ ánh đạn lửa mà được nhô đầu ra và há mỏ cất tiếng kêu. Thế nên, họ cần cuộc chiến tranh Việt-Mỹ.

Lòng ích kỷ, cái kiêu ngã của con người quả là vô giới hạn. Những kẻ sống ở một phương trời, cần máu đồng bào phải đổ ở một phương trời khác để tô điểm cho cuộc sống tinh thần của chính mình.

Chiến tranh thật đẹp khi nó được tạo bằng máu xương kẻ khác!

Từ đây, tôi nghi ngờ hai từ “yêu nước”. Phía sau danh từ này có vô vàn tâm trạng, có vô số động cơ, hoặc xác thực, hoặc ngầm ẩn, hoặc có ý thức, hoặc vô thức. Danh từ nào cũng lập lờ và cũng có khả năng phản lại nghĩa chính thống. Như thế, giữa người Việt với người Việt cũng bị chia cách bởi những con sông vô hình. Chắc chắn cũng còn khá lâu mới bắc được cầu qua những con sông ấy.

Chiến tranh Việt-Mỹ đã qua, nhưng sau đó không lâu cái tên Việt Nam lại dội lên trên các kênh thông tin quốc tế. Lần này, là một thứ ồn ào dơ dáy. Chẳng còn là người anh hùng bé nhỏ dám đương đầu với đế quốc Mỹ mà là tác giả của Khổ nạn Thuyền nhân. Ở châu Âu, phái đoàn Việt Nam không còn được chào đón bằng cờ và hoa mà bằng cà chua và trứng thối. Tôi nhớ rằng lần đi châu Âu, ông Võ Văn Kiệt đã hứng trọn một quả trứng thối vào giữa mặt còn đến lượt ông Phan Văn Khải thì thoát nạn nhờ sự bố trí, dàn cảnh công phu của cảnh sát Pháp. Sự đời vốn đổi thay như các lớp tuồng. Điều khốn khổ cho người Việt Nam là dường như họ chỉ được biết đến trong các tình huống đau khổ. Kể từ khi làn sóng “Thuyền nhân” dịu đi, Việt Nam gần như chẳng còn gì để nhớ. 

Cứ nghe đài phương Tây thì biết, người ta chỉ nhắc tới hai từ Việt Nam khi nhắc tới cuộc chiến tranh Việt-Mỹ, bởi rất nhiều trí thức phương Tây, đặc biệt là các văn nghệ sĩ đã tham gia vào phong trào chống chiến tranh và tuổi trẻ của họ gắn bó với những kỷ niệm của một thời sôi động. Tuy nhiên, ngay cả những người kiên nhẫn nhất và hiểu biết Việt Nam nhiều nhất cũng chưa dám quả quyết rằng họ nắm được sự thực về cuộc chiến tranh này. Điều đó, quá khó khăn.

Một lần, một nhà văn Pháp hỏi tôi: - Cái gì tạo nên sức mạnh của chúng mày trong cuộc chiến tranh Việt-Mỹ?
Tôi đáp: - Một nửa là thói quen của hàng ngàn năm chống xâm lược. Nửa kia là sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân.

Anh bạn chưng hửng: - Mày không đùa đấy chứ? Ai có thể tin nổi một thứ lý thuyết quái gở như thế.
Tôi cười: - Rất nhiều thứ quái gở ở phương Tây lại là sự thực đơn giản ở phương Đông. Và ngược lại.
Bây giờ, tôi xin giải thích “thứ lý thuyết quái gở” này.

Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ được đảng cộng sản phát động với lời tuyên bố: Đánh đuổi quân xâm lược Mỹ. Năm 1964, tôi mười bẩy tuổi. Vào tuổi ấy, tất thảy thanh niên ở miền Bắc không có quyền nghe đài nước ngoài, không có ti-vi, không có máy quay đĩa, không có bất cứ nguồn thông tin nào ngoài báo chí cộng sản và đài phát thanh trung ương. Lần đầu tiên, tôi được nghe những bài hát nước ngoài là năm tôi mười sáu tuổi. Mùa hè năm 1963, anh họ tôi là phiên dịch tiếng Nga dẫn tôi cùng đứa em trai đến nhà ông chuyên gia mỏ thiếc Tĩnh Túc ở Hà Nội. Ông bà ấy đón tiếp rất tử tế, ngoài việc chiêu đãi bánh ngọt và nước trà chanh, còn mở máy quay đĩa cho chúng tôi nghe. Cảm giác của tôi lúc đó là choáng váng, như muốn chết.

 Đó là cảm giác thật sự khi con người lạc vào một thế giới mà họ vừa cảm thấy ngây ngất vừa cảm thấy như ngạt thở. Đĩa nhạc đó là của Roberto… (không nhớ họ), một giọng ca Ý tuyệt diệu nhưng chết trẻ. Những bài hát tôi nghe là các bài nổi tiếng cổ truyền: Ave Maria, Santa Lucia, Paloma, Sérénade, Histoire d’amour, Besame Mucho… Ra khỏi cửa nhà ông chuyên gia Nga nọ, tôi bước đi loạng choạng. Lần đầu tiên, tôi hiểu rằng cuộc sống của chúng tôi là cuộc sống của những kẻ bị nhốt dưới hầm. Những bài hát kia là một thứ ánh sáng mà lần đầu tiên tôi được thấy. 

Ánh sáng đó rọi từ một thế giới khác, hoàn toàn ở bên ngoài chúng tôi. Kể lại chuyện này, để hậu thế nhớ rằng: Thời đại của chúng tôi là thời đại của một thứ chủ nghĩa ngu dân triệt để. Một thứ chủ nghĩa ngu dân tàn bạo, nó buộc con người sống như bầy súc vật trong một hàng rào được xây nên bằng đói khát, hà hiếp và tối tăm. Khi con người bị điều khiển cùng một lần bằng tiếng gào réo của dạ dầy và cái bỏng rát của roi vọt thì họ không thể là người theo nghĩa thực sự. Chủ nghĩa ngu dân là thứ lá chắn mắt ngựa, để con vật chỉ được quyền chạy theo chiều mà ông chủ ra lệnh. Khi tất cả những con ngựa đều chạy theo một hướng, ắt chúng tạo ra sức mạnh của “bầy chiến mã”, nhất là khi, trong máu chúng đã cấy sẵn chất kích thích cổ truyền “chống xâm lăng”.

Với lũ trẻ là chúng tôi thời ấy, danh từ Xâm lăng dùng để chỉ: quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh, và bây giờ là quân Mỹ. Danh từ ấy đồng nghĩa với Tô Định, Mã Viện, Thoát Hoan… và Mỹ là lũ giặc phương Bắc nhưng mũi lõ, mắt xanh, tóc vàng.
Ngôn ngữ vốn là một nhà tù, mà chúng tôi không có điều kiện để tiếp cận với các nguồn thông tin khác, các ngôn ngữ khác, nên hiển nhiên chúng tôi là đám tù binh ngoan ngoãn sống trong nhà tù ấy, đinh ninh rằng mình ra đi là để bảo vệ non sông.
Bởi vì, tổ tiên chúng tôi đã quen chết hàng ngàn năm để chống lại những kẻ thù mạnh hơn họ bội phần, chúng tôi cũng sẵn sàng ra chiến trường chống quân xâm lược Mỹ theo đúng cách thức ấy.

Đó là lý do tôi nói, “sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân”. DTH-4/7/2014) (Source:gocnhinalan.com)

(2) The NEWS
(i) Báo Trung Quc: 4 lý do không th thng Vit Nam bng chiến tranh

Trên trang mạng Quân sự Trung Quốc (Military.china.com) ngày 3/7 có bài viết cho rằng với 4 lý do cốt tử, gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ phải gánh chịu thất bại nếu gây chiến với Việt Nam.

Căng thẳng trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với Nhật Bản hay trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc càng trở nên căng thẳng hơn nữa và kêu gọi gây chiến không chỉ bởi những quyết sách thâm hiểm từ các cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, mà còn bởi một bộ phận người Trung Quốc thiếu hiểu biết, mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan "Đại Hán" luôn cổ vũ cho những hành động mang tính chất ngang ngược vô đạo đối với các nước láng giềng.

Nhưng bên cạnh đó cũng những người Trung Quốc hiểu và biết rằng, nếu bây giờ Trung Quốc gây chiến với các nước láng giềng họ sẽ tự chuốc lấy họa.Trên trang mạng Quân sự Trung Quốc (Military.china.com) ngày 3/7 có bài viết cho rằng với tình hình hiện tại Trung Quốc không thể gây chiến.

Theo đó lý do thứ nhất là sự lão luyện thiện chiến của quân đội Việt Nam. Bài viết cho rằng, không phải lãnh đạo Trung Quốc không dám gây chiến, nhưng với những hạn chế hiện tại của Trung Quốc, thi Trung Quốc không thể tiến hành gây ra một cuộc chiến tranh với bất kỳ quốc gia láng giềng nào. Nếu Trung Quốc gây chiến với Việt Nam, Trung Quốc sẽ rơi vào cái bẫy, những bài học từ cuộc chiến với Việt Nam năm 1979 đã cho thấy sự hao tiền tốn của và sinh mạng như thế nào, chỉ riêng trong trận Lão Sơn, mỗi tuần Trung Quốc tiêu hao gần 200.000 quả đạn pháo, nhưng lại thiệt hại từ 4.000 đến 8.000 quân. 

Quân đội Việt Nam sử dụng chiến thuật chiến tranh du kích rất lão luyện, họ sẽ đánh bại chúng ta bằng cuộc chiến tiêu hao từ từ cho đến khi chúng ta thất bại, chúng ta không thể khinh thường họ. Người Mỹ đã hết sức sai lầm khi tuyên bố "đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá" và Việt Nam đã đáp lại bằng câu nói rằng "chúng tôi đã bước vào thời kỳ đồ nhôm" (xác máy bay Mỹ)... Vì vậy Trung Quốc không thể chiến thắng bằng cách gây ra chiến tranh, bài học về các lực lượng không quân và hải quân bị tiêu diệt vẫn còn giá trị. 

Thứ hai, đó là môi trường chính trị quốc tế, khi gây ra cuộc chiến tranh với Việt Nam, Trung Quốc đầu tiên sẽ phải đối mặt với sự lên án một cách gay gắt từ dư luận phương Tây và Hoa Kỳ cũng như Nhật Bản. Không những thế, gây chiến với Việt Nam sẽ làm cho Trung Quốc không còn chỗ đứng trên trường quốc tế, các nước trên thế giới sẽ lên án Trung Quốc vì sức mạnh truyền thông nằm trong tay các nước phương Tây, và trong cuộc chiến truyền thông thì Trung Quốc hoàn toàn bị động. Cuộc chiến sẽ làm cho Trung Quốc mất dần sức mạnh và suy yếu, các lực lượng thù địch Trung Quốc sẽ thừa cơ can thiệp vào trung Quốc. 

Thứ ba, Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề thù trong giặc ngoài. Trong khi chính trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc vẫn còn tồn tại những vấn đề rất lớn thì bên ngoài Trung Quốc lại đang phải đối diện với một vòng vây chữ C của các nước. Nếu Trung Quốc sử dụng những lực lượng tinh nhuệ nhất, hiện đại nhất để đối phó với Việt Nam thì ở những khu vực khác của Trung Quốc lực lượng sẽ yếu và mỏng đi, Trung Quốc sẽ đối mặt với điều cấm kỵ trong binh pháp đó là cùng một lúc phải đối mặt với hai mặt trận. Có thể dự đoán khi Trung Quốc khai chiến với Việt Nam thì Đài Loan sẽ tuyên bố độc lập ngay tức khắc, lúc đó Trung Quốc không thế nào chiến thắng được trên mặt trận Đài Loan vì Hoa Kỳ sẽ đứng sau hậu thuẫn. Tiếp theo là Nhật Bản sẽ kiểm soát hoàn toàn quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Trung Quốc sẽ đánh mất cơ hội kiểm soát Bắc Triều Tiên, Ấn Độ đánh chiếm khu vực tranh chấp và thôn tính miền Nam Tây Tạng...

Việc Trung Quốc không thể lấy bài học của Hoa Kỳ tại Lybia hay bài học của Nga tại Georgia bởi vì không chỉ là sức mạng quốc gia của họ mạnh hơn Trung Quốc mà với các cuộc chiến trên thì Nga và Mỹ họ đều có sự thuận lợi về yếu tố địa chính trị, họ không có những vấn đề lớn phức tạp với các nước láng giềng và sự ổn định cơ bản trong nội bộ đất nước, do đó họ không phải lo lắng từ áp lực của bên ngoài và nội bộ để có thể dành chiến thắng. Và điểm cốt lõi quan trọng nhất trong cuộc chiến Iraq, Afghanistan bởi họ là những quốc gia sa mạc, Không quân Mỹ có thể dễ dàng oanh kích kẻ thù, trong khi đó Georgia vốn chỉ là một đồng bằng chỉ cách ba mươi sáu cây số từ Nga, vì vậy lực lượng cơ giới Nga có thể ngay lập tức cơ động đánh chiếm. Nhưng với Việt Nam thì khác, những bài học trên không thể áp dụng được, Việt Nam được bao bọc bởi đồi và núi, Pháp, Hoa Kỳ và cả Trung Quốc đã phải nếm trải những thất bại đau đớn tại đây, một cuộc chiến với Việt Nam sẽ hết sức khó khăn, Việt Nam rất lão luyện trong chiến tranh du kích, do đó việc sử dụng tên lửa, máy bay chiến đấu là một sự ngu ngốc! Các đơn vị cơ giới sẽ bị chặn lại bởi các dãy núi, vì vậy chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài, nó không phải là giữa những hy vọng của đối phương cho nó! (Hồ Trung Nghĩa (lược dịch), Theo Infonet, Nguồn: quechoa)

(ii) Báo M: Trung Quc s giành Siberia vi Nga
(TNO) Trong bài xã luận đăng hôm 3.7, tờ New York Times (Mỹ) nhận định rằng Trung Quốc đang lăm le chiếm lấy vùng Siberia thưa dân nhưng giàu tài nguyên của Nga.
Siberia, phần lãnh thổ châu Á của Nga, là một vùng rất rộng lớn, chiếm đến 3/4 tổng diện tích nước Nga, tương đương với diện tích của cả Mỹ và Ấn Độ gộp lại. “Thật khó mà tưởng tượng được rằng một vùng đất bao la như vậy lại đổi chủ. Nhưng cũng giống như tình yêu, biên giới chỉ tồn tại khi cả 2 phía đều tin vào nó. Và tại vùng biên giới Nga-Trung này, niềm tin đó rất mong manh”, New York Times bình luận.

Trung Quốc với khoảng 1,35 tỉ người hoàn toàn vượt trội so với tổng dân số 144 triệu của Nga, tức tương đương tỉ lệ cứ 1 người Nga thì có 10 người Trung Quốc. Khác biệt này thậm chí còn rõ ràng hơn nếu so dân số 2 nước tại vùng Siberia, đặc biệt là tại vùng biên giới, nơi 6 triệu người Nga đối mặt với khoảng 90 triệu người Trung Quốc.
Tờ báo hàng đầu của Mỹ cho biết trong bối cảnh đang có giao thương, đầu tư và kết hôn giữa 2 sắc dân tại vùng biên giới, người dân sống tại Siberia nhận thấy rằng dù tốt hay xấu thì Bắc Kinh vẫn gần hơn rất nhiều so với Moscow. 

Việc mở rộng sang Siberia không chỉ cung cấp cho quốc gia đông dân như Trung Quốc thêm đất đai sinh sống. Phần đất thuộc Siberia của Trung Quốc hiện đang cung cấp cho cường quốc được mệnh danh là “nhà máy của thế giới” này nhiều tài nguyên khoáng sản, chẳng hạn như dầu mỏ, khí đốt và gỗ, New York Times bình luận.

Ngoài ra, các nhà máy Trung Quốc tại Siberia đang ngày càng có khả năng sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh với số lượng lớn; cho thấy vùng này đã thực sự trở thành một phần trong nền kinh tế Trung Quốc. “Trên thực tế, Bắc Kinh có thể dùng chính chiến thuật của Nga (ở Ukraine) – đó là cấp hộ chiếu cho người dân thân Trung Quốc tại các vùng đang có tranh chấp với Nga, rồi sau đó đem quân sang ‘bảo vệ công dân của mình’”, tờ báo Mỹ viết trong bài xã luận. “Và nếu Bắc Kinh chọn cách chiếm Siberia bằng vũ lực, Moscow chỉ có một cách để ngăn chặn, đó là dùng vũ khí hạt nhân”. (Hoàng Uy, 04/07/2014 - Fanpage Thanh Niên)

(iii) “Đi gia” Sài Gòn sm 2 trc thăng, 100 tàu “khng” ra Hoàng Sa
Căm tức hành động ngang ngược của “láng giềng”
Từ đầu tháng 5, ngay khi vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng như các tàu của TQ liên tục gây hấn, ức hiếp gây thiệt hại nặng về tài sản của ngư dân, ông Phạm Ngọc Lâm, chủ tịch HĐQT CTCP Đức Khải (một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu…khá thành đạt ở TP HCM) cảm thấy bứt rứt, căm tức hành động ngang ngược của Trung Quốc đã không thể thờ ơ.

Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đức Khải Phạm Ngọc Lâm rất thành đạt trong việc kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu nhưng không thờ ơ trước sự ngang ngược của Trung Quốc. Vậy là ngay sau đó, một kế hoạch “kinh doanh” táo bạo chưa từng có đã được vị chủ tịch HĐQT lập ra và nhận được sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như toàn bộ cổ đông công ty cổ phần Đức Khải. 

Chỉ trong khoảng thời gian 2 tháng, ông Lâm cùng những người tâm huyết của công ty Đức Khải đã xuôi ngược khắp nơi hết trong nước rồi ra đến nước ngoài làm mọi thủ tục, tìm kiếm, hợp đồng với đối tác để mua bằng được 100 con tàu đánh cá có công suất từ 500 đến 1500 mã lực tại các nước hàng đầu về công nghiệp đóng tàu và đánh bắt như Hàn Quốc, Nhật, Úc. “Đây là những con tàu hiện đại được trang bị đầy đủ thiết bị để ra khơi đánh bắt cá xa bờ và sẵn sàng đối phó với bất cứ thế lực, phương tiện gây hấn nào dù là vòi rồng hay cố tình lao đâm, va chạm”, ông Lâm tuyên bố.

 Ngoài ra, với số vốn đầu tư khoảng 1500 tỷ đồng, công ty Đức Khải còn mua sắm thêm 2 máy bay trực thăng từ các nước Châu Âu, 2 ụ nổi với sức chứa 5000 tấn/ụ…để chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch “chiếm lĩnh” ngư trường Hoàng Sa truyền thống, đánh bắt thủy, hải sản ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. “Ngoài việc kinh doanh thu lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, 100 con tàu ra khơi và chắc chắn sẽ còn làm được nhiều việc hơn thế nữa để cùng ngư dân bám biển”, vị chủ tịch HĐQT khẳng định. Phác thảo các con tàu sau khi về Việt Nam sẽ được sơn đúng màu và logo của công ty cổ phần Đức Khải để thẳng tiến ngư trường Hoàng Sa.

Mới nghe đã… “sướng”! Đó là lời chia sẻ chân thành của những phóng viên trong buổi tiếp chuyện cùng ông Phạm Ngọc Lâm, tại văn phòng công ty Đức Khải vào chiều 2/7. Ông Lâm khẳng định: “Đến thời điểm này công ty đã đặt mua 45 chiếc tàu đánh cá của Hàn Quốc và dự kiến cuối tháng 8 sẽ về đến Việt Nam; 55 chiếc còn lại (của các nước Úc và Nhật) cũng sẽ lần lượt nhập về trong thời gian sớm nhất để bằng mọi giá đầu năm 2015 sẽ chính thức hoạt động”. 

Theo ông Lâm, sở dĩ ông chọn giải pháp mua tàu cũ từ các nước phát triển và có kỹ thuật cao về công nghiệp đóng tàu và đánh bắt để có thể triển khai ngay kế hoạch nhanh chóng ra Hoàng Sa cùng ngư dân bám biển vì đóng mới tàu sẽ rất mất thời gian. “95 chiếc tàu có công suất từ 500 đến 1500 mã lực được trang bị hiện đại sẽ ra khơi đánh bắt, khai thác thủy, hải sản ở 5 ngư trường Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa (thuộc vùng biển Hoàng Sa); 5 chiếc còn lại dùng trong công việc cứu hộ, cứu nạn, hậu cần (như tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhiên liệu…) cung cấp cho các tàu đánh bắt và nhận sản phẩm các tàu khai thác được đưa về đất liền. Ngoài ra 2 chiếc ụ nổi (mua từ Đài Loan) với sức chứa 5000 tấn/ụ sẽ đặt giữa ngư trường (trong bán kính từ 50 đến 60 hải lý) để tiếp nhận thủy, hải sản các tàu đánh bắt đưa về để phân loại, bảo quản.”, ông Lâm cho biết. “Các ụ nổi cũng được đầu tư trang thiết bị phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe cho các thuyền viên. Đồng thời nó cũng thực hiện nhiệm vụ bảo trì, sửa chữa cho các tàu đánh bắt hư hỏng nhỏ”, ông Lâm thông tin thêm.

Riêng 2 chiếc máy bay trực thăng (giá mỗi chiếc khoảng 30 tỷ đồng) cũng đang được công ty Đức Khải đàm phán với đối tác ở Châu Âu để sớm đưa về nhằm phục vụ việc cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp cho các ngư dân trên biển. Theo ông Lâm, 2 chiếc trực thăng sẽ đỗ ở các đảo do cơ quan nhà nước quản lý và sử dụng trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên cả nước.

“Điều đáng mừng là hiện các đối tác Nhật Bản đã cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm thủy, hải sản (nhất là cá Ngừ, sản phẩm khai thác lên đến 70% trong kế hoạch của Đức Khải). Chúng tôi cũng đã có kế hoạch phân loại để sơ chế, bảo quản sản phẩm đủ tiêu chuẩn ngay trên ụ nổi giữa đại dương có sự kiểm tra của đối tác và đưa lên tàu xuất khẩu trực tiếp đi nước ngoài.”, ông Lâm phấn khởi chia sẻ. Số tàu này sẽ sớm được đưa về Việt Nam để hoàn tất thủ tục để đầu năm 2015 cùng tiến ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt thủy, hải sản.

Được biết đến thời điểm này, mọi trở ngại về việc nhập 100 chiếc tàu đánh bắt cá có công suất lớn cơ bản đã được công ty cổ phần Đức Khải giải quyết nhờ chế độ hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối tháng 11, Đức Khải sẽ hoàn tất việc mua sắm, tàu, trực thăng, ụ nổi, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng…, đến cuối năm sẽ đưa vào vận hành thử và đầu năm 2015, 100 con tàu sẽ tiến ra vùng biển Hoàng Sa chính thức hoạt động đánh bắt cá. Theo ông Phạm Ngọc Lâm, với việc đi vào hoạt động của 100 tàu đánh bắt thủy, hải sản sắp tới, ngoài số lượng lao động sẵn có, công ty Đức Khải còn giải quyết việc làm cho hơn 2000 lao động của 5 tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa.

Doanh nhân Phạm Ngọc Lâm lạc quan với kế hoạch đưa 100 con tàu ra Hoàng Sa để đánh bắt cá nhằm khẳng định chủ quyền hải đảo của Việt Nam. “Công ty sẽ tổ chức các đợt đào tạo về đánh bắt, sơ chế. Tất cả thuyền viên sẽ được hưởng lương phân chia theo tỷ lệ người lao động được 65%; công ty 34% và 1% đóng góp vào quỹ kiểm ngư để hỗ trợ. Ngoài ra nếu vào mùa biển động, bão tố…không hoạt động được, thuyền viên vẫn nhận trợ cấp không dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Chúng tôi cũng khuyến khích thuyền viên mua lại cổ phần để sau vài năm họ sẽ trở thành chủ tàu”, ông Lâm cho biết. (Theo Kiến Thức)

(3) Thơ Văn:
(i) Trn Trung Đo: Bài thơ cho Đ Th Minh Hnh
Đất nước mình không có hôm nay
Nếu hai ngàn năm trước không có bà Trưng, bà Triệu
Và sẽ tiếp tục sống trong độc tài nô lệ
Nếu không có những người con gái như em
Dòng sông dài và phiến đá chông chênh 
Nhưng nếu tất cả đều co ro, sợ hãi
Nếu tất cả đều đứng nhìn, e ngại
Dân tộc này rồi sẽ ra sao?

*
Em ra đời
Mười năm sau cuộc chiến
Bom đạn đã thôi rơi, sao tiếng khóc chưa ngừng 
Câu hát hòa bình, sao nước mắt rưng rưng
Từng đoàn người vẫn lần lượt ra đi
Xuống biển, lên non, băng rừng, vượt suối
Tự do! tự do! 
Dù đổi bằng mạng sống
Dù phải chết ở quê người hơn ở lại quê hương.
           Tuổi thơ em
           Được nuôi bằng những giọt tình thương
           Mẹ vắt ra từ bầu sữa cạn
           Bằng giọt mồ hôi cha trong sớm chiều lận đận
           Cõng cuộc đời trên chiếc lưng cong.
Những nỗi nhọc nhằn đã làm em khôn lớn thêm nhanh
Để biết thương yêu đồng bào lao động
Để biết lắng nghe tiếng thở dài của núi sông và lời thì thầm của tình yêu mơ mộng
Để biết mỉm cười trong cả lúc khổ đau.
           Đất nước mình không có hôm nay
           Nếu hai ngàn năm trước không có bà Trưng, bà Triệu
           Và sẽ tiếp tục sống trong độc tài nô lệ
           Nếu không có những người con gái như em
           Dòng sông dài và phiến đá chông chênh 
           Nhưng nếu tất cả đều co ro, sợ hãi
           Nếu tất cả đều đứng nhìn, e ngại
           Dân tộc này rồi sẽ ra sao?
Em bước vào tù khi tuổi mới hai mươi
Tuổi đẹp nhất của thời con gái
Bên ngoài trại giam, mùa xuân đang qua và không trở lại
Nhưng trong trái tim em, xuân mãi mãi không tàn
Hạnh phúc của em là hạnh phúc của dân oan
Của những con người không có quyền được nói
Niềm vui của em là niềm vui của đàn em thơ mới lớn
Của những mái đầu bị xóa mất màu xanh.
            Đảng xô em vào vũng bùn đen lọc lừa, giả dối, gian manh
            Em lọc ra những giọt nước ngọt ngào, tinh khiết
            Đảng trồng trong nhận thức em cây hận thù chém giết
            Em chăm sóc cây để trổ trái tình người
            Đảng đốt cuộc đời em bằng ngọn lửa bạo tàn rực đỏ khắp nơi
            Em thổi tắt để thành nguồn sưởi ấm
            Đảng biến em làm con sâu đo uốn mình quanh bốn vòng cửa cấm
           Em thoát thân thành cánh bướm vàng.
Hôm nay
Lịch sử đang chờ em để bước sang trang
Dân tộc vịn vai em để đi cùng nhân loại
Những người chết đang bắt đầu sống lại
Những người đi đang lần lượt quay về.
            Giữa quê người còn một bài thơ
            Viết cho em bằng những dòng hy vọng
            Đừng gục xuống, đừng than thân trách phận
            Hãy mỉm cười như một chuyến đi xa
            Mẹ sẽ chờ em dù năm tháng trôi qua
            Sông núi chờ em trong ngày hội lớn.
Những uất hận ngày nào chảy theo dòng sông Hát
Đang trở thành những lớp phù sa.
(ii) Trn Mng Tú: Ra vườn
 Sáng sớm, anh tôi gọi điện thoại mời sang ăn điểm tâm, anh nói:
-  Cô sang ăn điểm tâm, bánh cuốn.
-  Chị đâu?

-  Đang ở ngoài vườn, nhắn cô sang lấy rau. Cô ra đó hái rau, bà ấy chờ đấy, rồi về đây ăn sáng.
Tôi vội vàng rời cái bàn phím, nhìn qua vào gương một chút, chải lại đầu cho tươm tất rồi lấy chìa khóa ra xe.

 Nhà anh chị tôi ở trong khu nhà trợ cấp của chính phủ. Cách nhà tôi năm phút lái xe. Tôi lái thẳng ra vườn rau của chị. Từ nhà chị đi bộ ra vườn khoảng ba phút.
Sáng sớm trong vườn chưa có ai, chỉ có mình chị đang lom khom xới đất. Tôi cho xe vào bãi đậu, mở cổng vườn. Cái cổng có tấm bảng gỗ nhỏ treo mấy chữ rất thân thiện: Cổng vào cho hội viên và khách của họ (Gate for members and their guests.)
Đó là một khu vườn của thành phố cấp cho dân trong cộng đồng.Vườn  khá rộng, chia ra khoảng gần 20 mảnh, mỗi mảnh có diện tích 12 x 20 feet. Để được trồng trọt trên những mảnh vườn này, cư dân phải thuê với giá $60 cho một năm. Được cung cấp nước tưới cây miễn phí.

Nói là một năm, nhưng thật ra là cho mấy tháng mùa hè. Ở Seattle từ cuối tháng ba người ta vỡ đất và trồng trọt hoa, rau, cho tới cuối tháng chín. Đầu tháng mười,  Seattle bắt đầu lạnh  mùa thu trở về rồi, tháng của lá rụng, thay màu, không ai nghĩ tới trồng trọt nữa.

Những người ở chung cư hay ở trong khu nhà trợ cấp của chính phủ trong thành phố, phần đông không có vườn, nếu thích trồng hoa hay rau thì thường thuê những mảnh vườn nho nhỏ này, gọi là Community P-Patch. Những người Mỹ luống tuổi,  họ thuê mảnh vườn không trồng rau mà chỉ trồng hoa để cắt mang vào nhà hay để ra đó ngồi ngắm.

Tháng sáu, hoa đã nở rộ: Cúc, lay-ơn, thược dược nhiều mầu, xen kẽ với mầu xanh ngọc của rau trông thật ngoạn mục.

Trong buổi sáng của ngày đầu hạ, bước vào khu vườn công cộng này, thấy một chiếc nón lá Việt Nam đang lum khum cuốc đất, với tôi, là một hình ảnh thật đẹp.
Tôi mở cổng bước vào, hai chị em chào hỏi nhau, chị nói: “Xong một lứa rau rồi, tôi lại xới đất lên, gieo xuống lứa hạt mầm khác.” Chị chỉ cho tôi xem mảnh nào là cửa người Việt, mảnh nào là của người Lào, người Nga, người Mỹ.

Tôi bồi hồi đứng ngắm những mảnh vườn của mỗi sắc dân. Người Việt mình trồng cải cúc, cải xanh, dấp cá, thìa là, ngò, xà-lách; người Nga, người Mỹ trồng củ cải đỏ, cà tím, bí rợ, cần tây, khoai tây, ngô; người Lào phần đông trồng hoa để cắt bán.
Những người làm vườn ở đây, họ như mang cả quê hương mình trồng trên mảnh đất nhỏ nhoi xa lạ này. Dân tộc họ hay ăn loại rau củ nào họ trồng loại đó.

Ở góc trái của khu vườn có dựng một cái nhà mát trống trải, bốn bề không vách, mái gỗ. Có kê cái bàn gỗ tròn và những cái ghế, cái băng dài. Chị tôi kể, có hai vợ chồng người Mỹ già, buổi trưa nào mát trời, họ mang cà phê thức ăn nhẹ ra đây ngồi lâu lắm. Họ vừa ăn vừa ngắm cả khu vườn đầy mầu sắc như chiếc áo được may bằng những miếng vải khác nhau của các sắc dân mang tới.

Chị chỉ hai mảnh vườn bên cạnh, xanh biếc, dầy đặc những cây rau xà-lách tròn, to.
- Con cháu bà Tâm trồng đấy, buổi chiều đi làm, đi học về, hai mẹ con ra chăm sóc mảnh vườn. Chủ nhật cắt rau mang ra nhà thờ bán cho những người đi lễ tan ra. Bán một lần mấy chục cây chứ không ít đâu. Cứ mỗi cây một đồng, thì lấy vốn về ngay rồi.
A, người Việt mình hay thật, đi tới đâu cũng mang theo cái tính cần cù, nhặt nhạnh, tiết kiệm. Cái tính rất Việt Nam này thật đáng quý.

Tôi đã nhìn thấy khá nhiều lần một “Bà mẹ quê” bán rau ở khu phố đông người Việt. Nhiều nhất ở Cali và ngay cả ở Seattle này. Bà ngồi ngay trước một tiệm ăn, hay tiệm tạp hóa (Dĩ nhiên là phải tiệm của người Việt)

Bà xếp trên mặt cái thùng úp ngược: những bó rau cải, rau thơm, quả bầu, quả bí bà hái trong vườn nhà. Nhìn bà từ đầu tóc, quần áo đến hai bàn tay bao giờ tôi cũng thấy lòng tràn xúc động. Tôi biết, con cháu của bà có thể đã nhiều lần phản đối về việc làm này. Nhưng không cho bà mang rau ra phố bán thì bà buồn lắm, bà có thể sanh bệnh. Rau này do chính tay bà trồng, chính tay bà cắt, bà mang cả quê hương vào trong những giọt nước tưới cây. Bà ngồi đây, bên cạnh những mớ rau của bà, là một bằng chứng bà có thể bỏ quê hương mà đi nhưng quê hương không thể tách ra khỏi bà.

Giản dị thế thôi. Con cháu phản đối, cuối tuần vẫn phải sáng đưa bà ra, chiều đón bà về. Bán được đồng nào bà nhờ con cất đi, để cuối năm bà có tiền về quê ăn tết, hay ít nhất cũng gửi được ít tiền về cho những người bên nhà ăn tết. Ở bên quê nhà có ai biết những đồng tiền đó ở đâu ra không nhỉ?

Tôi nhớ, đã lâu lắm rồi, từ hồi còn sống ở California, tôi đi mua giò chả ở một Deli. Nhìn thấy một bà cụ chắc cũng phải ngoài bẩy mươi rồi. Cụ ngồi bán rau cải xanh, rau thơm, rau ngò, mấy quả bí ngay trước cửa tiệm. Cái hình ảnh đó dễ thương lắm! Tuy không cần mua gì tôi cũng ngồi xà xuống hỏi chuyện cụ.

Cụ người Nam Định, vào Nam năm 1954. Hai vợ chồng trẻ với bốn đứa con lập nghiệp lại ở Thủ Đức. Hai cụ có vườn rau cả hai ba mẫu đất, trồng đủ mọi thứ rau, củ, cung cấp cho những chợ nhỏ ở chung quanh đó. Năm 1975 cho các con đi theo gia đình một người em, hai cụ ở lại vì tiếc vườn rau. Cụ nói, lúc đó tôi tưởng cho các cháu đi độ vài năm thì về, ai ngờ chúng không về được nữa.Vườn rau mấy mẫu đất bị tịch thu. Nhà nước đuổi ra ở cái chòi cuối vườn, nơi chúng tôi vẫn giữ những cái cuốc, cái xẻng làm vườn.

 Rồi ông nhà tôi mất, các con nhất định ép tôi sang đây. Cả ngày chẳng có việc gì làm, con cháu đi hết, tới chiều tối mới về, bạn hàng xóm không có. Tôi khóc đòi về Việt Nam, nhưng chúng không cho. Cuối cùng anh trưởng, anh ấy nói: “Mẹ nhớ vườn đấy mà.” Rồi anh ấy mua gỗ đóng mấy cái hộc ngoài vườn, đổ đầy đất, phân bón, dắt tôi đi mua hạt giống.Thế là tôi có công việc làm cả ngày. Đỡ nhớ nhà cô ạ, mà lại có tiền gửi cho các em, các cháu tôi ở Việt Nam. Cụ kể xong, cố nén một cái nấc, mắt nhìn đăm đăm vào một khoảng không trước mặt. Tôi lặng lẽ đặt tiền rau vào tay cụ, lặng lẽ đứng dậy đi, không dám quay đầu nhìn lại.

Chị tôi kéo tay tôi ra khỏi suy nghĩ.

- Tôi cắt cho cô ít cải cúc và hai cây xa-lách rồi. Mình đi về, kẻo anh ấy chờ.
Ai đó đã nói: “Nơi tốt nhất tìm ra Thượng Đế là ở trong vườn. Cứ đào đi Ngài trong đó đấy” (*)

Chúng ta có thể tìm mãi vẫn chưa thấy Thượng Đế trong vườn, thì chúng ta thử tìm những mảnh tim của những bà mẹ quê Việt Nam này xem. Nó rải rác khắp nơi trong mỗi gốc rau. Đôi khi chúng ta cũng nhặt được mảnh tim của bà mẹ Nga, bà mẹ Lào, bà mẹ Mễ trong ngôi vườn đầy sắc tộc này. Đừng gạt sang một bên.

Hãy chia yêu thương đồng đều cho những mảnh tim lưu xứ chúng ta nhặt được. Thượng Đế trốn trong đó đấy. (Tháng 6/2014)

(*)  The best place to find God is in a garden. You can dig for him there.(George Bernard Shaw)
(iii) H Chí Bu: Tâm s Đin Bá Quang
Ừ, thì ta là một tên đại đạo
Luyện võ công không phải để giết người
Chẳng chính- chẳng tà- cũng không ma giáo
Vạn Lý Độc Hành - cứ thế mà chơi
          Mê Nghi Lâm đâu phải là có tội ?
          Nàng là hoa hồng giữa cuộc chiến chinh
          Vừa có gai nhưng cũng vừa tinh khiết
          Đâu dám cầm lên- chỉ biết đứng nhìn
 Luận võ công ta tự hào đẳng cấp
Nhưng tình yêu thì ngu dốt vụng về
Bởi Kim Dung cố làm ta bầm dập
Nên cuối cùng ta nửa chợ, nửa quê ?!
          Người đồng cảm hãy cùng ta chia rượu
         Bằng một trái tim rực lửa- giang hồ
         Cứ xả láng và không cần cấp cứu
         Mai đi rồi- cũng về với hư vô…

...............................................................................................
Kính.
NNS


__._,_.___

Posted by: Phung Tran 

No comments:

Post a Comment

Thanks for Comment

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List