Tuesday, September 27, 2016

Liên Khúc Thơ Cung Trầm Tưởng phổ nhạc




Image result for cung trầm tưởng mùa thu paris


Image result for cung trầm tưởng mùa thu paris
Mùa Thu Paris
Sáng tác: nhạc Phạm Duy, thơ Cung Trầm Tưởng - năm: 1958
Nhịp điệu Valse
Mùa  thu Paris
Trời  buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Hẹn em quán nhỏ
Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề

Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công viên lá đổ
Công viên lá đổ
Chờ mong em gắng khổ từng giờ
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá
Ngồi  quen ghế đá
Không em ôi buốt giá từ tâm

Mùa  thu nơi đâu
Người em mắt nâu
Tóc  vàng sợi nhỏ
Tóc vàng sợi nhỏ
Chờ mong em chín đỏ trái sầu

Mùa  thu Paris
Tràn lấp đôi mi
Người em gác  trọ
Người em gác trọ
Phòng anh đôi gót nhỏ thầm thì

Mùa thu im hơi
Son nhạt đôi môi
Ngày em trở lại
Ngày em trở lại
Hờn căm em hối cải cuộc đời

Mùa  thu ơi thu
Trời mây âm u
Yêu  người độ lượng
Yêu người độ lượng
Và  trong em tâm  tưởng giam tù
Mùa thu Paris
Mùa  thu Paris
Với tình Thu.

Image result for cung trầm tưởng mùa thu parisImage result for cung trầm tưởng mùa thu paris
Cung Trầm Tưởng
Một nhà thơ Cung Trầm Tưởng, cũng là một cựu Trung Tá Không Quân/VNCH.

MỘT HÀNH TRÌNH THƠ 1948-2008
KQ võ ý

I- HỒN TÔI CÁI ĐĨA THÂU THANH*

Vào ngày thứ bảy 21/07/2012 tới đây, tập thơ Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ 60 Năm, 1948-2008, sẽ ra mắt đồng hương, chiến hữu và cựu tù chính trị tại miền Trung Cali. Tập thơ bề thế, dày 644 trang kể cả 12 phụ bản tranh màu của các họa sĩ nổi tiếng như Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Vị Ý, Nguyễn Trung, Chóe và Ngô Vương Toại. Thơ in trên giấy màu vàng nhạt, bìa cứng màu lục sậm, đẹp và trang nhã, do Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2012 tại Hoa Kỳ, ấn phí 30 mỹ kim.

Một Hành Trình Thơ (MHTT) do bảy Thi Tập hợp lại, được phân chia như sau:
- 01- Sóng Đầu Dòng – Tình Ca và Quá Độ.
“là một bộ ba ghi những dấu chân lên đường còn giữ được của một hành trình thơ mà mục đích tiên khởi là chỉ để tiêu dao, cám cảnh và tỏ tình bông lông”. (CTT, MHTT, trang 25)
- 02- Lời Viết Hai Tay.
“Khi hai tay bị còng khóa số 8, khi hai chân bị cùm gông thiết diệp, khi thân xác bị trói gù lưng tôm, cái tâm người thơ cũng trực tiếp bị xúc phạm, nhức nhối và khốn khổ. Tâm chập vào thể, ra một nhất nguyên. Người thơ tù biệt giam – tù của tù – lấy cái đầu viết hộ cho hai tay bị còng, làm thơ như chơi cờ tưởng”. (CTT, MHTT, trang 130)
- 03- Bài Ca Níu Quan Tài.
“Nhan đề Bài Ca Níu Quan Tài được chuyển sát nghĩa từ từ Hán Việt “vãn ca”, tức hát níu quan tài. Vãn còn có nghĩa là một điệu hát buồn dùng để khóc than. Sự kết hợp nhuần nhuyễn của ba động tác khóc, hát và níu đã cung cấp cho người khóc Việt Nam một khả năng lột tả tối ưu nỗi đau ê chề, bề bộn của cảnh sinh ly tử biệt...Vì được viết bằng cái tâm nên sử thi nầy không thể không là một bản cáo trạng về tội ác của cộng sản” (CTT, MHTT, trang 293)
- 04- Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định.
Người tù vác một vật nặng trên vai (bó nứa, khúc gỗ...) đi xuống “dốc mỡ”. Muốn được an toàn, bàn chân anh ta phải bám ngang dốc để lần từng bước xuống thì mới an toàn. Nếu đi thẳng thì rất dễ chúi mũi trượt té. Một cách nghĩ khác, đi ngang vừa thấy phía trước là tương lai, vừa nhìn được phía sau là quá khứ. Tương lai thì đen tối và đầy mai phục và quá khứ như là điểm tực cho sự sống. Còn Phiếm Định là bất trắc, là bất ổn. Có thể tác giả muốn biệu hiện một sự ham muốn sống, cố giữ một thế đứng thẳng và vững cho dù có bị lâm vào những hoàn cảnh đầy thử thách, bấp bênh, hiểm nghèo, bi đát.
- 05- Thi Bá – Con Tắc Kè và Bà Góa Phụ.
Tiếng kêu của Con Tắc Kè trong đêm vắng, biểu thị cho nỗi cô đơn. Bà Góa Phụ là nạn nhân của chế độ. Khi tuyệt vọng và cô đơn, Bà Góa Phụ mới phát hiện tiếng kêu của Con Tắc Kè, bà hàn huyên tâm sự với nó. Con Tắc Kè như thông cảm nỗi đau khổ của bà. Con Tắc Kè chính là hóa thân của Thi Bá. Tóm lại, người thi sĩ sinh ra là để ca ngợi và tô điểm cuộc sống, người thi sĩ cũng luôn tìm cách làm vơi đi nỗi khổ của thế nhân. CTT thể hiện Tâm Sử Thi nầy như một vở kịch thơ mà “lời thoại” được đẽo gọt qua từng “con chữ” thể hiện tính riêng biệt trong “cõi thơ” của mình..
- 06- Mỗi Dặm Đường Một Nghìn Vần Thơ.
Tác giả vẽ lại vạn vật cỏ cây hoa lá dưới trí tưởng tượng phong phú của một nhà thơ. Đây là bài thơ xanh ca ngợi sinh thái mang chủ nghĩa “Duy Nhiên” (naturalism). Những vần thơ tỏa ra nhiều hình ảnh rất thơ và rất đẹp. Thi Tập thứ 6 nầy là một công trình sáng tạo đầy ắp kiến thức, rung cảm và nhân tính của nhà thơ CTT.
- 07- Sáng Ký Về Người Tình Đầu.
Sáng là sáng tạo, ký là câu chuyện. Câu chuyện sáng tạo về người Tình Đầu (first lover) cũng là Thi Sĩ. Thượng đế rất ưu ái người thi sĩ và phái xuống trần gian để vỗ về an ủi con người. Thi sĩ là người Tinh Đầu của nhân loại. Ý tác giả muốn vẽ lại sự xuất hiện của thi nhân bằng trí tưởng tượng của một thi sĩ mắc bịnh bìa (borderline) nửa tỉnh nửa điên. Có thể nói Thi Tập 7 nầy như là một thứ “Kinh Cựu Ước” nói về sự hình thành sự sống đầu tiên của con người trên trái đất qua hình ảnh của một thi nhân. Đây là sáng tạo độc đáo của nhà thơ CTT. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây chưa hề có một thi tập như thế nầy.

- Cung Trầm Tưởng là bút hiệu, tên trong khai sinh là Cung Thức Cần,
- Ngày sinh: 28 tháng 2 năm 1932, tại Hà Nội.
- Tốt nghiệp Kỹ sư Trường Võ Bị Không Quân Pháp,
- Tốt nghiệp Cao Học Khí Tượng tại Saint Louis University, MO, Hoa Kỳ,
- Quản Trị An Ninh Quốc Gia Và Tài Nguyên Quốc Phòng Hoa Kỳ (hậu đại học)
- Cựu Trung Tá Không Quân, phục vụ tại BTLKQ, Sài Gòn
- Đi tù cộng sản 10 năm (1975-1985), bị quản chế 3 năm (1985-1988).
- Định cư tại Minnesota, Hoa Kỳ cùng gia đình kể từ 1993.

Chúng tôi nhận được Tập Thơ do tác giả ký tặng như là một đồng đội và nhất là một bạn tù cùng chia sẻ những tủi nhục và cùng nung nấu một niềm tin với tác giả trong các trại tù Suối Máu, Hoàng Liên Sơn và Hà Tây.

Các Thi Tập Lời Viết Hai Tay, Bài Ca Níu Quan Tài, Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định và Thi Bá, Con Tắc Kè Và Bà Góa Phụ, là những Tâm Sử Thi ghi lại những hình ảnh sống động đầy ắp tính man rợ, cùng những tiếng khóc thảm khốc của Việt Nam sau tháng 4/1975. Hai Tập sau cùng Mỗi Dặm Đường Một Nghìn Vần Thơ và Sáng Ký Về Người Tình Đầu mang tính sáng tạo triệt để về nội dung cũng như phong cách. Toàn tập là một công trình đồ sộ, công phu tỉ mỉ của thi nhân (mà cũng là nghệ nhân) miệt mài đẽo gọt từng con chữ, khắt khe từng gam màu, ve vuốt từng ngữ điệu, biến dòng thơ 60 năm thành một Cõi Thơ Cung Trầm Tưởng riêng biệt rạch ròi.

Vì lẽ đó chúng tôi liều mạng viết đôi điều cảm nhận thô thiển để giới thiệu đến độc giả đồng hương hải ngoại, cũng là nhân chứng của một giai đoạn lịch sử, về tuyển tập thơ giá trị của nhà thơ Cung Trầm Tưởng.

II- CÓ MỘT ĐỜI TA TRÔI BẤP BÊNH


Sau 30/04/1975, tôi gặp nhà thơ Cung Trầm Tưởng (CTT) trong Trại giam Suối Máu Biên Hòa, mới biết nhà thơ là Trung Tá Trưởng Phòng Chương Trình và Kế Hoạch Bộ Tư Lệnh Không Quân, chứ trước đó thì chỉ biết ông là tác giả có tên trong Nhóm Sáng Tạo, đã xuất bản tập thơ đầu Tình Ca, do họa sĩ Ngy Cao Uyên vẽ bìa và Phạm Duy phổ nhạc bài Tiễn Em, Bên Ni Bên Nớ, Mùa Thu Paris...

Cùng hoạn nạn là đã thương cảm nhau rồi, huống hồ lại cùng màu cờ sắc áo. Chỉ mấy câu thơ chào sân tại trại Suối Máu của CTT đã đi vào tiềm thức của tôi một cách êm ái từ 1976 cho đến bây giờ: “Nắng nhói như kim khêu thương tích/ Thuyền mây từng mảng vỡ lênh đênh/ Trên trăm ngàn mảnh trời kia vỡ/ Có một đời ta trôi bấp bênh...”.

Tết 1976, tết đầu tiên bị tù trong đời, khi nghe chuông nhà thờ Tam Hiệp ngân nga lúc giao thừa, CTT ngấn lệ nghĩ đến thân phận cá chậu chim lồng và bài thơ Lệ Chuông ra đời và anh thân tặng chúng tôi, như thể cùng một cảnh phương trời hoạn nạn: “Nay muốn bay lên không có trời/ Trong lồng gẫy cánh nằm im hơi/ Chim vốn là tim, trời là máu/ Không máu tim nào chẳng héo rơi/” (Lệ Chuông, MHTT, trang 138)

Mấy tháng sau tết 1976, chúng nó đóng hộp tất cả Sĩ quan tại Suối Máu chuyển ra các trại giam Hoàng Liên Sơn. Chúng tôi tìm cách liên lạc với nhau mỗi ngày lao khổ, đứa leo núi đẵn gỗ, người lên đồi vỡ đất trồng sắn, kẻ chặt giang nứa rừng hoang. Năm 1979, khi mấy tỉnh phía bắc bị giặc Tàu tàn phá, chúng đưa tù từ miền cao về miền trung du. Chúng tôi lại gặp nhau tại trại Hà Tây, CTT “biên chế” vào đội mộc, tôi vào đội rau xanh, cách nhau một cái ao nuôi cá. Hầu như mỗi ngày, lợi dụng xuống ao rửa sạch “phân xanh” khi tưới rau, tôi lẻn qua trại mộc để nhặt từng vỏ bào nung nấu của CTT, “bằng vai giạng đứng thế chân, bào cho lên nước đường vân của lòng”....

Tôi như con nghiện, phải tìm cách lội qua ao tù mỗi ngày để được chích vào tĩnh mạch những đường vân ma túy có tên gọi Kỳ Cùng:

“Có sông nhưng mà người không nước/ Nước bán xon rồi, bán lấy chi?- Một núi hư vô lầm chủ thuyết/ Bốn bên mây phủ kín màu chì” (Đất, trang 209, CTT, MTHT)

“Nó cõng vua Lê và chúa Mác/ Về quê cha giết mẹ hiền lành/ Tang sô bạc xóa đầu con trẻ/ Cỏ ngút sân trường, chợ vắng tanh” (Người, trang 210, CTT, MHTT)

“Có chồng mà tưởng như chồng mất/ Hương nhang đã cháy ở trong lòng/...Em đứng ôm con bồng mưa nắng/ Sắt son, dũng cảm đến Kỳ Cùng” (Và Em, trang 211, CTT, MHTT)

Đường vân của lòng là một quy tụ những nung nấu trong lò cừ dưới thời của quỷ qua cái bảng hiệu mỹ miều Trại Cải Tạo treo đầu dê bán thịt chó. Đường vân của lòng chính là những áng mây hiện thực từ đáy sâu tâm tưởng đã bùng ra và tỏa bay khắp trời thênh thang sau mười năm hai tay bị còng qua thi phẩm thứ hai của CTT là tập thơ Lời Viết Hai Tay: “...Bài học rút ra thật dứt khoát/ Nó tôi chẳng thể đội chung trời/ Nó còn tôi mất, đơn sơ vậy/ Nó mất tôi còn, chỉ thế thôi!...Vẫn cất hồn lên tìm ánh sáng/ Xa vùng cát lún, bãi lầy sâu/ Đêm đêm thơ giống như cờ tưởng/ Bầy chữ tung tăng múa ở đầu...”

Do điều kiện dinh dưỡng vệ sinh trong tù, nhiều bệnh truyền nhiễm hoành hành, mà thông thường là kiết lị và lao phổi. Tôi đã nhờ vào số thuốc tây của CTT (do Hội Văn Bút Thụy Điển (?) gởi về trại Hà Tây biếu anh) để trị bịnh kiết lỵ. Nhưng liều thần dược linh nghiệm hơn thuốc kiết lỵ, chính là những vần thơ hào hùng có đủ đa sinh tố cần thiết để vực dậy những bi quan yếm thế trong tù. Nếu ngày xưa Phùng Quán đã nói (đại ý): Khi ngã quỵ, hãy vịn câu thơ mà đứng dậy, thì ngày nay, trong trại tù cộng cản, CTT vẫn an nhiên nói : “Nếu giữa cơn đau tôi ngã xuống/ Vết thương bầm tím máu hình hài/ Lòng tôi vẫn đứng không lui nhượng/ Gối chẳng quỳ hàng, miệng chẳng khai” (MHHT, trang 251)...”Lòng ta đứng vững như Vầu/ .../ Nắng mưa thì cũng trọn đời đứng ngay” (MHHT, trang 173)...”Tóc vấn phong ba em đứng mũi/ Một thuyền lèo lái cõi càn khôn/ .../ Em vẫn đoan trang từng lóng trúc/ Vút roi quất ngã kẻ thù người/” ...(MHHT, trang 211).

Người tù nào cũng nhận thấy Thơ Tù CTT mang hơi thở và ước vọng như của chính mình, nên họ rất mong được chia sẻ và bảo bọc nhà thơ. Nhân một ngày lao động khổ sai, mọi tù nhân cố vượt qua con suối với gánh “hom sắn” trên vai, trừ CTT đang lóng cóng bên bờ suối. KQ Nguyễn Minh Công bèn cõng bạn qua con suối xiết, và bài thơ Con Công ra đời trong tình tù: “Cám ơn chim công/ Cõng ta qua sông/ Mấy mùa nước lũ/ Lận đận mưa ròng/ (...)/ Mấy năm ở rừng/ Gặp toàn thú ác/ Lòng ta tan tác/ Những dòng lệ rưng/ (…) Công bay lên trời/ Vẫn nhìn nhớ đất/ Công chuyền cành quất/ Vẫn không quên trời” (MHTT, trang 192).

Trung Tá Nguyễn Minh Công, Giám Đốc Trường Mưu Sinh Thoát Hiểm/ TTHLKQ Nha Trang, ra tù năm 1988 và mất vào năm 1989 tại Tân Định. CTT có mặt trong ngày đưa tang và chị Công đã xin nguyên bài thơ Con Công chép tay để trên bàn thờ của người bạn đời yêu dấu của mình.

Vừa ra khỏi nhà tù nhỏ, CTT âm thầm viết Bài Ca Níu Quan Tài (BCNQT), một tâm sử thi thu âm lại tiếng khóc, chụp lại hình ảnh tận cùng bi thiết của xã hội Việt Nam sau 04/1975. BCNQT được viết tay vào một tập vở học trò, như một quả bom nghìn tấn được cất giấu tại từng 3 một chung cư ở ngay trung tâm Sài Gòn: “...Kinh bang sao chép Nga Tàu/ Bình quân là chặt cái đầu cao hơn.../ Một bầy táng tận lương tâm/ Ăn hồ, ăn giẻ, ăn vần ngày công/ Ăn tranh trẻ đói lọt lòng/ Ăn lường tiếng khóc khép vòng tử sinh.../ Ngón đòn lý lịch ly kỳ/ Cha là “ngụy”, phạm trường quy con rồi.../ Mẹ xưa khóc níu quan tài/ Nàng giờ ai vãn lại lời mẹ xưa...”

BCNQT được chào đời tại Mỹ quốc trong sự đùm bọc của đồng đội anh em. Cá nhân tôi được đọc qua BCNQT tại Sài Gòn và tôi nghĩ ngay đến việc làm sao giúp tập thơ chào đời tại Mỹ quốc. Vào thời điểm ấy, đang có chương trình HO và ODP cho phép thân nhân và cựu tù chính trị đủ điều kiện định cư Mỹ quốc. Sẽ là chuyện điên rồ nếu nhờ những đồng đội sắp xuất cảnh mang theo BCNQT. Chúng tôi nghĩ cách an toàn hơn là nhờ các “bộ nhớ” xuất sắc mà chúng tôi đã gặp trong tù sắp ra đi theo diện HO, chịu khó học thuộc lòng tập thơ. Cuối cùng, Thiếu Tá Lâm Tùng Nguyên, Trưởng Phòng Quân Báo Sư Đoàn 4 KQ, nhận lời học thuộc lòng khúc “Ai Vãn” tròm trèm 1000 câu thơ trong vòng một tháng trước khi gia đình anh đi Mỹ theo diện ODP vào năm 1989. Bài Ca Níu Quan Tài được ghi chép lại và xuất bản tại Mỹ năm 2001. Thơ tù của CTT đã được đồng đội cưu mang trong tình nghĩa như vậy đó.

Sau BCNQT, chúng tôi không được dịp thưởng thức những vần thơ sáng tác tại Minnesota. Khoảng 2008, tôi từ Saint Louis, Missouri chuyển về miền trung Cali, được biết CTT muốn ra một tuyển tập thơ 60 năm. Tôi giới thiệu CTT với nhà thơ Tâm Vô Lệ, Giám Đốc Thư Viện Toàn Cầu, và hai bên đã đồng thuận tiến hành những bước cần thiết cho việc in ấn. Mãi đến tháng 5 năm 2012, tôi nhận tập thơ ký tặng của tác giả, vừa bất ngờ vừa mừng vui.

Những cảm nhận dù thô thiển, cũng là cách đáp lại cái tình cố tri (chữ của CTT) mà tác giả đã dành cho tôi...

III- CHẬP CHỜN CÁNH BƯỚM HIỆN DẦN RA

Trong tiểu mục nầy, chúng tôi muốn mượn hình ảnh chập chờn cánh bướm để diễn đạt những ghi nhận về “Tính Thơ CTT”.

A- TÍNH LIÊN TỤC
- Tập thơ là một hành trình liên tục và xuyên suốt 60 năm, ghi nhận những thăng trầm của đời người, dân tộc và lịch sử. Tính thủy chung đã tạo thành một dòng thơ cá biệt, có thể gọi là Cõi Thơ CTT: “Riêng bản thân người viết dựa vào kinh nghiệm sáu mươi năm làm thơ của mình, nhận thấy có một liên hệ nhân quả giữa những chữ thơ gieo đầu đời và mùa gặt thơ mai sau” (CTT, MHHT, trang 30).

Còn Giang Hữu Tuyên thì ghi nhận như sau: “Mỗi nhà thơ có một cơ duyên và “lộ trình” riêng để đến với độc giả, đến với người thưởng ngoạn thơ mình.
Cung Trầm Tưởng trước: diễm lệ, khuê các.
Cung Trầm Tưởng sau: hoành tráng, phẫn nộ.
Nhưng thủy chung như nhất, nằm tận sóng đáy tâm hồn tác giả là dòng “dưỡng trấp” trữ tình”. (Giữa Trước Và Sau, Giang Hữu Tuyên, MHHT, trang 504)

B- TÍNH SÁNG TẠO- Tính sáng tạo hiển hiện trong mỗi bài thơ, nó cũng hiển hiện trong mỗi con chữ trong mỗi câu thơ ông viết ra. Ba Thi Tập 5, 6 và 7 chính là ba Thi Tập mang tính sáng tạo toàn diện. Trong lãnh vực thơ, nếu hiểu sáng tạo là sáng kiến để tạo một ngôn ngữ mới, thì Lục Bát CTT mà nhà thơ Viên Linh gọi là “Lục Kinh Bát Quái”, là một thí dụ điển hình: “Tôi về bước bước đăm chiêu/ Tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm/” (…). (Khoác Kín, MHTT, trang 73). Xin mời đọc lại Tiểu Mục I, nhận xét về tính sáng tạo trong Thi Tập 6 và Thi Tập 7:
Tính sáng tạo trong Thi Tập 6: “Chào lim lưng trời tựa/ Lẫy lừng rừng bạch dương/ Phi lao lớn phi thường/ Chào hào hùng trắc bá/ .../Chào ném lao phi yến/ Thế vận hội vàng anh/ Chào khướu, khách đua tranh/ Vành khuyên dòn kỷ lục/.../ Mưa nuôi đời phồn thực/ Làm thành thế giới xanh/ Người ngoan, đất cũng lành/ Vì Trời hằng muốn thế/ Trời Đất chỉ biết cho/ Nên Đất Trời bất tử”

Tính sáng tạo trong Thi Tập 5 :”Nó khóc hay hơn là hát hỏng/ Đời phèn họng nó cũng đùn chua/ Rốn vừa xót xáy lìa lòng mẹ/ Hồn đã tanh tao bị bỏ bùa/ “Xung phong uống máu thù phanh xác!”/ Lời hát đeo như một bớt chàm/ Nó tắm trong nồi da xáo thịt/ Sinh làm nô Bắc, tử binh Nam”...

C- TÍNH SỬ THI – Ba Thi Tập Lời Viết Hai Tay, Bài Ca Níu Quan Tài và Thi Bá Con Tắc Kè Và Bà Góa Phụ là ba thi phẩm ghi lại cảnh sống của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử sau 04/1975 cho tận ngày nay: “Người thơ xưa nói lên tâm thức bộ lạc. Người thơ tù “cải tạo” bây giờ, một nạn nhân kiêm chứng nhân, nói lên tâm thức cộng đồng của những người tù cải tạo” (Ainsi Parlait Le Poète, CTT, MHTT, trang 130): “Ngón đòn lý lịch ly kỳ/ Cha là “ngụy”, phạm trường quy con rồi/ ...Nỗi đau da thịt không liền/ Phân ly, kỳ thị hai miền nát tan/ .../ Mẹ xưa khóc níu quan tài/ Nàng giờ lệ đổ nối dài trường giang/ “ (Bài Ca Níu Quan Tài, MHTT trang 347)

D- TÍNH TRỮ TÌNH – Tính trữ tình trước 75 nằm rải rác trong Tình Ca: “Mùa thu nơi đâu/ Người em mắt nâu/ Tóc vàng sợi nhỏ/ Mong em chín đỏ trái sầu/ (…) Tàu em đi tuyết phủ/ Toa em lạ lẫm đầy/ Làm sao em yên thấm/ Cho ấm mộng đêm nay/ Và xuôi ngon trên trống trải đường dài/” (MHTT, trang 70,71)

Tính trữ tình vẫn hiển hiện sau 1975. Khi VietHome phỏng vấn về tính trữ tình trong thơ tù, CTT trả lời: “Có chứ, và khá nhiều đấy. Chất trữ tình nó ở trong máu mình rồi, có muốn cai nó cũng không được. (…) Xin dẫn một số câu thơ:”Nhớ em trông ngóng hằng đêm/ Màn lay tưởng tóc, gối mềm tưởng da/ (...)/ Em về giữa lúc khuya sang/ Mênh mông đức hạnh, dịu dàng ưu tư/ Em đoan trang dáng hiền từ/ Tóc rừng thu liễu rũ bờ vai thương/ (…) “Tôi đi thu nghiệm thêm mầu phép/ Níu giữ mặt trời đứng ngọ lâu/ (...)/ Tôi làm chiếc ghế lót trăng đêm/ Mời cô ngồi xuống nồng hơi lụa/ Để đá như da cũng biết mềm/ (...)” (Những Dấu Chân LIZ, MHTT, trang 457).

E- TÍNH PHẢN KHÁNG – Khi VietHome phong vấn về tinh phản kháng trong tù, nhà thơ CTT lại trả lời: “Cũng như thơ của nhiều người tù khác, thơ của tôi có những vần phản kháng và chống kháng mãnh liệt. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Diễm gọi những vần thơ nầy của tôi là nộ thi. Tôi tự nghĩ rằng, nếu không làm những vần thơ phẫn uất như vậy, tôi sẽ là một kẻ đạo đức giả. (…) Xin trich dẫn một số câu thơ điển hình cho dòng nộ thi của tôi: “Cái đau vì nắng rần rần/ Vì thâm thù mới mười lần gớm hơn/ Mồ hôi tuột cán cuốc trơn/ Nắm cho chặt nỗi căm hờn này nhe!/…/ Một nhát quắm sâu dang đứt phựt/ Nghe vùi hun hút một phiền âu/ Hai nhát tông bay rên xiết nứa/ Nghe chôn u uất bốn buồn rầu/.../ Môt quắm. Hai tông. Ba phạt núi/ Bốn tông. Năm quắm. Sáu băng rừng/ Từng ấy rừng băng chân cứng đá/ Mai về đạp vỡ cửa lao lung/.../ Hãy chặt chặt sâu tông phắt phắt/ Hãy phang phang gắt quắm ào ào/ Mai về đạn nhảy ngay nòng súng/ Trực chỉ đầu thù nổ thật mau!” (MHTT, trang 558)

F- TÍNH NHỤC THỂ – Có thể nói Cõi Thơ CTT thể hiện nhiều bất ngờ mà một trong những bất ngờ này là Tính Nhục Thể: “ Chúng ta chỉ có đời nầy thôi để hưởng thụ/ Để ăn bùi, uống lịm, làm tình/ Và làm ra sản phụ/ Bú mớm lớn tương lai/ Cất lợp một vòm đài cho linh hồn trú ngụ”. (Nhả Tụng Cho Một Thân Xác, trang 459)

Xin trích dẫn vài câu thơ mang gợi cảm nhục tính xuyên suốt dòng thơ 60 năm của CTT: “Đến anh thân thể lụa là/ Dài đuôi con mắt, ngắn tà váy kiêu/ Đến anh lưng thắt chiết yêu/ Sểnh tâm phá giới con diều ái ân” (Râu Xanh, trang 82). “Thì ra anh mới biết, Sau xoắn xuýt thân nhau/ Con sâu tình tội lỗi/ Vào đùn mối hồn sầu” (Mãn Cuộc, trang 100). “Mời em cạn cốc nầy luôn/ Buông con hoẵng chạy vào hồn nửa đêm/ Sương dầm tuyết dãi rơi êm/ Trở thân con hoẵng chao mềm thịt da/.../ Lông con hoẵng ấy vàng tơ/ Xin quỳ hai gối vái thờ thần linh” (Vật Tổ, trang 425). “Con chim mào đỏ về hong nắng/ Phút ấy đời trai chỉ một lần/.../Rúc tiếng còi sương, đêm khuya rách/ Một hồn con gái rớm tình yêu/ Gối chăn nồng bén hương thân thể/ Biển dưới Trường Sơn khóc mỹ miều” (Những Dấu Chân Liz, trang 450). “Bốn mắt thắp mặt trời đêm rạng rỡ/ Bước nhịp nhàng một luân vũ lung linh/ Với trăm thương nghìn mến nến ân tình/ Tỏa sáng láng môi thơm men hợp cẩn” (Môt Luân Vũ Lung Linh, trang 465).

Tính nhục thể trong thơ CTT mang tính ẩn dụ, thôi thúc người đọc vận dụng đến trí tưởng từ những câu thơ trau chuốt, bóng bẩy để rồi khi đã vỡ ý ra rồi thì lại cảm thấy sung sướng, hả dạ và thích thú.

IV- SỐNG SAO CHO XỨNG LŨY THỪA THƯƠNG ĐAU

Thơ tù của CTT vừa là thuốc đa sinh tố vừa là cây gậy (để giúp người tù đứng thẳng), nên các bạn tù của ông hầu như ai cũng học thuộc lòng một vài câu cho đến một vài bài thích hợp để nuôi dưỡng cuộc sống tù. Mà cuộc sống trong tù của Quân Cán Chinh VNCH chính là Tình Nước và Tình Nhà. Tôi cũng vậy, những câu thơ hoặc bài thơ mang tính Trữ Tình và Phản Kháng (Nộ Thi) của CTT tôi đều học thuộc hay tìm cách lưu giữ. Bài thơ Những Dấu Chân Liz gồm 246 câu được tôi chép kín bằng chữ nhỏ vào hai trang của một tờ giấy học trò từ Trại Hà Tây và cất giấu cho đến ngày mang nó sang Saint Louis MO năm 1992. Các bài khác như Biểu Tượng, Kỳ Cùng, Vạn Vạn Lý...rất cần thiết cho ngũ tạng lục phủ của tôi, bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu.

Như hai câu kết trong bài Biểu Tượng, trang 173: “Vầu đanh như thép sáng ngời, Nắng mưa thì cũng trọn đời đứng ngay” là một nhắc nhở quý báu đối với người tù trong địa ngục của quỷ. Được biết, cây vầu cùng họ với cây nứa cây tre hay cây trúc, nhưng cao và to hơn cây tre rất nhiều. Cây vầu được nhà thơ chọn làm biểu tượng để nói lên khí phách của người tù chính trị, vì vầu như trúc đều là tiết trực tâm hư (lóng thẳng ruột rỗng) là biểu tượng của người quân tử.

Quan niệm sống của thi sĩ ngày càng thiên về với thiên nhiên. Tư tưởng nầy kết thành Thi Tập 6 và bàng bạc trong Những Dấu Chân Ngang: “Lên lên ráp nối phi thuyền/ Ghép chung trí tuệ, nối liền cảm thông/ Hãy đi bốn biển tang bồng/ Kết cho bền mối tương đồng năm châu/ Nghe châu Mỹ, ngóng châu Âu/ Dưỡng nuôi nhân bản, đỡ đầu hành tinh/ Hãy đi đan nối tâm tình/ Dấn thân vào chuyến viễn chinh màu hồng/ Khẳng khiu một nhánh xương rồng/ Giữa sa mạc cát vẫn nồng nhựa say” (Chuyến Chót, trang 394).

Vừa qua ngưỡng cửa bát tuần mà cụ ông CTT vẫn cứ bước chân ngang trên một triền phiếm định như thuở nào, nghĩa là vẫn yêu đời yêu người chưa nguôi với một luyến ái quan không tuổi (chữ của CTT): “Dưới nếp trán nhăn nheo/ Một luồng niềm đằm thắm/ Lưu niên hồn mẫn cảm/.../Sống bắc qua tha nhân/ Một chiếc cầu lân trợ/ Xích ghế lại kề gần/ Bằng nụ cười niềm nở/ .../ Mỗi lần nói thương nhau/ Là cách tân ngôn ngữ/.../ Anh trẻ ra trăm tuổi/ Khi em nói yêu anh/ Yêu em anh nói với/ Tiếng nói đáy lòng mình/ Một trinh nguyên ngôn ngữ/ Của bảy sắc cầu vồng”...(Cho Một Hồn Không Tuổi, CTT, thư riêng).

Quan niệm sống như vậy, là ông đã thực sự thủy chung với từng con chữ và với cả cõi thơ của riêng ông. Trong bài Điểm Tâm Xuân Hoàng Liên Sơn sáng tác năm 1978 với 4 câu kết như sau:
Mai sau thịt thắm da liền,
Cái yêu khác trước, cái nhìn khác xưa,
Cái tin vô cớ xin chừa,
Sống sao cho xứng lũy thừa thương đau.

Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ 1948-2008 ra đời, là để thể hiện cách sống sao cho xứng với lũy thừa thương đau mà cả dân tộc của ông đã và đang hứng chịu.

Bắc Đẩu võ ý
Corona, 06/2012

 Image result for cung trầm tưởng mùa thu paris


Avast logo
This email has been checked for viruses by Avast antivirus software.
www.avast.com


__._,_.___

Posted by: "Nhat Lung

No comments:

Post a Comment

Thanks for Comment

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List